zaterdag 23 oktober 2021

NATO soạn thảo Khái Niệm Chiến Lược nhắm vào Nga

 

NATO soạn thảo Khái Niệm Chiến Lược nhắm vào Nga

Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg ( thứ ba từ bên trái ) nói chuyện với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd J. Austin III khi chụp hình với các bộ trưởng Quốc Phòng khối NAO tại Bruxelles ngày 21/10/2021.
Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg ( thứ ba từ bên trái ) nói chuyện với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd J. Austin III khi chụp hình với các bộ trưởng Quốc Phòng khối NAO tại Bruxelles ngày 21/10/2021. AP - Virginia Mayo

Trong hai ngày 21 và 22/10/2021, các bộ trưởng Quốc Phòng của 30 quốc gia thành viên NATO đã họp tại tổng hành dinh của khối này ở Bruxelles (Bỉ). Ngoài việc rút kinh nghiệm về thất bại của chiến dịch tại Afghanistan, một nội dung quan trọng của hội nghị là hoàn thiện “Khái Niệm Chiến Lược” mới để đưa ra hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) vào cuối tháng 6/2022.

Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, sau khi kết thúc không mấy vẻ vang chiến dịch dài 2 thập niên tại Afghanistan, NATO đang tìm kiếm một nhiệm vụ cụ thể mới và Nga đã trở lại thành tâm điểm chú ý của Liên Minh:

“Đây là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của NATO kể từ sau chiến dịch di tản trong hỗn loạn khỏi Kabul. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin phải xoa dịu các đồng minh đã chỉ trích quyết định vội vàng của Mỹ khi rút khỏi Afghanistan.

Theo tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cuộc thảo luận đã giúp tháo gỡ ngòi nổ của những mối căng thẳng tiềm tàng, và chuẩn bị cho tương lai, cụ thể là Khái Niệm Chiến Lược mới của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Ông Stoltenberg khẳng định: “Đúng là đôi khi có những bất đồng song phương, bất đồng giữa các đồng minh với nhau, nhưng NATO vẫn có thể đoàn kết xung quanh nhiệm vụ cốt lõi của mình, tiếp tục làm việc cùng nhau, củng cố liên minh trong một thế giới ngày càng cạnh tranh hơn. Và những thách thức mà chúng ta thấy ở Châu Á-Thái Bình Dương, sự trỗi dậy của Trung Quốc, chỉ khiến cho việc châu Âu và Bắc Mỹ sát cánh cùng nhau trong NATO càng trở nên quan trọng.”

Và hơn cả Trung Quốc, lý do tồn tại mới của NATO là Nga. Các bộ trưởng trong khối đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố ủng hộ việc răn đe, và các hành động cần thiết ở vùng Biển Đen và vùng Baltic, cũng như thông qua một kế hoạch tổng thể mới về phòng thủ.

Lập trường đối với Matxcơva được gọi là “cách tiếp cận kép” và cũng dựa trên đối thoại. Thế nhưng, đối thoại với Nga đã trở nên rất phức tạp kể từ khi NATO trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc hoạt động gián điệp, kéo theo quyết định của Matxcơva đóng cửa cơ quan ngoại giao Nga bên cạnh NATO để trả đũa”.

Thông cáo báo chí của NATO

Trong một thông cáo báo chí công bố hôm qua, NATO xác nhận là các bộ trưởng Quốc Phòng thành viên của khối đã thảo luận về cách thức tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của Liên Minh, giúp NATO tiếp tục thích ứng với một thế giới phức tạp hơn và cạnh tranh hơn.

Thông cáo đã nêu bật việc các bộ trưởng đã đồng ý trên một kế hoạch phòng thủ toàn diện mới của Liên Minh trong thời kỳ khủng hoảng và xung đột, cũng như chấp thuận các mục tiêu tăng cường năng lực của NATO để duy trì được khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy.

Bản thông cáo cũng nói rõ là các thành viên NATO đã rà soát các bước tiến đạt được trong việc đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng đến từ các hệ thống tên lửa của Nga.

NATO soạn thảo Khái Niệm Chiến Lược nhắm vào Nga (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten