Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn chia sẻ kỷ niệm về Paris By Night
- Quốc Phương
- BBC News Tiếng Việt
"Đáng lẽ phải nghỉ lâu rồi, năm nay tôi đã 76 tuổi, quyết định này sự thực ra lý do chính là vì sức khỏe, tức là trước đây tôi đã bị hai lần phải vào cấp cứu," nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 19/10/2021 từ Toroto, Canada.
Ông giải thích lý do ông quyết định thôi dẫn chương trình văn nghệ tại các show của Trung tâm băng nhạc Thúy Nga sau gần ba thập niên cộng tác.
"Nhất là lần cuối cùng sang Singapore vào tháng 11 năm 2019 để thâu hình cuốn Paris By Night ở bên đó, thì tôi lại phải vào cấp cứu ở bệnh viện Singapore," ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói tiếp với BBC trong một cuộc trao đổi hôm thứ Ba, mà sau đây là phần một của cuộc trao đổi này:
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Ngay khi cấp cứu xong, phục hồi sức khỏe lại bình thường, thì tôi lại làm được show suôn sẻ, nhưng ngay sau show đó, cô Tô Ngọc Thủy là Giám đốc của Trung tâm Thúy Nga và tôi có ý định là sẽ làm một show nữa vào năm 2020, tức là năm vừa rồi tại Bangkok, vào cuối tháng Tám - cái show đó lấy tên là 'Nguyễn Ngọc Ngạn giã từ sân khấu'.
Lý do làm show đó tại Bangkok là để đón khán giả từ Việt Nam qua và làm một show tại Mỹ, rồi sau thì ngừng hẳn không làm show nữa, kể cả những live show thường đi hàng tuần cũng nghỉ luôn.
Là vì thứ nhất tuổi tác, thứ hai là sức khỏe và thứ ba vì sau hai lần bị vào cấp cứu, tôi thấy sự có mặt của mình làm phiền cho những người xung quanh quá, phiền cho ê kíp làm việc cho Thúy Nga, từ Ban giám đốc cho đến anh chị nghệ sỹ.
MC chỉ có hai người là tôi và cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, mà mỗi lần tôi phải chạy vào cấp cứu làm cho sự lo lắng của Ban giám đốc cũng như của anh chị em nghệ sỹ và bao nhiều chuyên viên, cho nên tôi quyết định là đã đến tuổi và đến mức sức khỏe không cho phép mình có thể đứng trên sân khấu được nữa.
Ai sẽ thay thế và thay thế nào?
BBC: Sau quyết định này của ông, Trung tâm Paris By Night theo ông biết sẽ có kế hoạch ra sao, nhất là trong việc tìm người thay thế ông làm MC cho các chương trình?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Paris By Night dĩ nhiên là vẫn còn cô Kỳ Duyên và còn một số những người khác mà Trung tâm Thúy Nga vẫn hay mời chẳng hạn cũng như là Anh Dũng, hay cô Ngọc Hân và một số những người khác nữa.
Trước khi đi vì trách nhiệm của tôi và cũng vì tình thân giữa tôi với Trung tâm Thúy Nga sau khi làm việc với nhau gần 30 năm, tôi cũng có ý kiến rằng nếu mời một người dẫn chương trình (MC) khác thay Nguyễn Ngọc Ngạn, thì có thể người đó phải làm MC theo một đường lối khác, chứ không làm cái kiểu của Nguyễn Ngọc Ngạn được.
Tại vì vấn đề tuổi tác, thứ hai là ngày xưa tôi làm nghề giáo, tôi vẫn tự nhận là 'ông giáo làng' Nguyễn Ngọc Ngạn, cho nên lối làm MC của tôi khác với những lối làm MC khác.
Nếu bây giờ cho một người làm thay Nguyễn Ngọc Ngạn mà đi con đường của Nguyễn Ngọc Ngạn thì vất vả lắm, bởi vì thế hệ trẻ bây giờ không trải qua cuộc chiến, không trải qua những thăng trầm của đất nước nhiều, cho nên kiến thức về tất cả những chuyện đã trải qua trong nửa thế kỷ vừa qua của Việt Nam có thể sẽ không nằm trong đầu họ như là với thế hệ của tôi.
Bởi vậy cho nên có thể Trung tâm Thúy Nga sẽ tìm một người MC, nhưng người MC đó sẽ đi theo một đường hướng mới nào đó. Sẽ có những người thay thế mình và họ cũng vẫn sẽ thành công lớn, mà không cần phải đi theo con đường của Nguyễn Ngọc Ngạn, là con đường của một ông thầy giáo, đó là ý kiến cá nhân của tôi như thế.
BBC: Qua kinh nghiệm của ông tại Paris By Night suốt mấy chục năm qua, để trở thành một MC thành công, phẩm chất chính đòi hỏi là gì?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Cái này rất là cá nhân, không phải là khuôn mẫu cho người nào đi theo. Thí dụ như tôi là trời cho được một số đặc điểm chẳng hạn như tôi có giọng nói dễ nghe, có một trí nhớ tốt.
Tôi đọc cái gì là tôi nhớ ngay, nhờ là những chuyện đọc cách đây mấy chục năm, chỉ đọc một lần là tôi nhớ, nên tôi không phải sử dụng Internet. Tất cả những gì tôi đọc ngày xưa hay là bây giờ, tôi mở sách, mở báo ra qua một lần, thì mấy chục năm sau tôi vẫn nhớ. Tức là trời cho tôi trí nhớ đó.
Thứ ba là trời cho tôi một óc khôi hài bén nhạy lắm, đang chuyện rất là nghiêm trọng, tôi có thể chuyển sang hài, rồi đang chuyện hài, tôi lại chuyển sang nghiêm trang.
Thành ra những yếu tố đó là yếu tố trời cho và tôi dùng được để mà làm MC trên sân khấu.
BBC: Đối với khía cạnh ngôn ngữ tiếng Việt trong khán giả trong ngoài Việt Nam, ông có nhận xét thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Từ khi tôi ra hải ngoại năm 1978, tới nay là khoảng 43 năm, tôi chưa về bao giờ, nhưng dĩ nhiên ngôn ngữ ở trong nước, bây giờ người ta sử dụng nhiều từ khác với miền Nam trước năm 1975.
Và số lượng khán giả của Paris By Night hay của bất cứ trung tâm băng nhạc nào ở hải ngoại, lượng khán giả lớn chính bây giờ vẫn là trong nước.
Cho nên, dĩ nhiên chúng ta cũng phải đi theo một số những từ mà ở trong nước quen dùng, thì người nghe người ta mới hiểu được.
Và chúng tôi cũng đi theo được một số từ mà trước đây năm 1975 không dùng bao giờ, chẳng hạn ngày xưa chúng ta gọi là 'ghi danh', bây giờ gọi là 'đăng ký', những chữ đó dần dần nó quen đi. Và cả hai lượng người ở hải ngoại cũng như trong nước bây giờ đã quen với những ngôn từ mới đó, tôi không thấy có gì trở ngại.
Còn chắc chắn chúng ta càng ngày càng mất đi một số lượng khán giả rất đông ở hải ngoại, thí dụ như là thế hệ thứ hai là thế hệ chuyển tiếp thì còn hiểu tiếng Việt, còn thưởng thức nhạc Việt.
Nhưng mà thế hệ thứ ba, mà bây giờ từ năm 1975 đến nay thì đã là bốn mươi mấy năm, gần 50 năm rồi, số các cháu hiểu được tiếng Việt bắt đầu giảm dần, giảm rất nhiều.
Ở hải ngoại, thế hệ lớn như tôi bắt đầu biến mất dần, thế hệ thứ hai lớn lên vẫn còn thưởng thức được nhạc Việt, thế còn thế hệ thứ ba thì tôi tin là đã mất nhiều lắm rồi.
Cho nên sự điều chỉnh rất là khó, bây giờ mình hát nhạc ngoại quốc thì nó vô lý, mà hát nhạc Việt thì bây giờ chỉ còn trong nước thưởng thức là nhiều. Hải ngoại thì thế hệ lớn tuổi thôi, chứ thế hệ các cháu bắt đầu đã nhạt dần rồi.
BBC: Nhìn lại những hoạt động văn nghệ của Paris By Night, trong đó có giai đoạn mà ông cộng tác với trung tâm này vừa qua, xin ông chia sẻ nhận xét về những đóng góp có ý nghĩa nhất của Paris By Night và các nghệ sỹ, trong đó có ông, cho văn hóa Việt Nam?
Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Lúc đầu khi tôi bước vào Paris By Night, đúng vào thời điểm rất thuận lợi.
Tức là từ năm 1975 đến khoảng năm 1990, tức là 15 năm đầu của cuộc sống lưu vong, khối người Việt tại hải ngoại rất là nhớ nhung.
Họ nhớ nhung kỷ niệm và lúc đó tâm hồn của họ rất nặng về chính trị, cho nên âm nhạc trong 15 năm đầu phần lớn người ta gọi là nhạc đấu tranh, tức là nhạc để nhớ thương quê nhà hay là nói lên quan điểm chính trị.
Đến khoảng năm 1990 thì bắt đầu phong trào Nhạc tình, tức là nhạc bình thường sống dậy. Lúc đó, sự ra đời mạnh mẽ của Trung tâm Thúy Nga đầu tiên, rồi Trung tâm Hollywood Night, rồi tới Trung tâm Asia, tất cả một loạt ra đời và sống mạnh mẽ trong thập niên 1990.
Tôi xin nói riêng về Paris By Night là vì tôi hợp tác, thì ngoài vấn đề thưởng thức văn nghệ, có góp vào cho vấn đề văn hóa.
Chẳng hạn như là làm sống lại ngôn ngữ mà thế hệ các em, các cháu thế hệ thứ hai, hàng ngày cha mẹ coi Paris By Night, thì con cái cũng ngồi coi. Tôi cũng như cô Kỳ Duyên và các nghệ sỹ trong các chương trình cũng có góp phần vào duy trì, hun đúc tiếng Việt.
Và các lớp Việt ngữ, đôi khi họ cũng chiếu chương trình Paris By Night hay là Asia và nghe những câu chuyện tôi kể, thì phần nào Paris By Night cũng đóng góp được cho nền văn hóa Việt ở hải ngoại.
Mời quý vị đón theo dõi phần hai của cuộc trao đổi này giữa Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn với BBC News Tiếng Việt, trong đó ông chia sẻ về dự định tương lai của mình sau khi thôi làm MC tại Trung tâm băng nhạc Paris By Night.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59013959?fbclid=IwAR2h8hcT3tqxsFFf0oCGMRxgaNo8p2NcBQsBwyJkE7USQLB0pYWdHRIrn8s
Geen opmerkingen:
Een reactie posten