maandag 25 oktober 2021

Covid-19: Miền đông châu Âu vất vả đối phó với làn sóng thứ tư

 

Covid-19: Miền đông châu Âu vất vả đối phó với làn sóng thứ tư

Tỉ lệ tiêm chủng ở Nga chỉ mới ở mức 30% dân số. Ảnh minh họa
Tỉ lệ tiêm chủng ở Nga chỉ mới ở mức 30% dân số. Ảnh minh họa AFP - DIMITAR DILKOFF

Vào lúc dịch bệnh ở nhiều nơi khác trên thế giới có dấu hiệu giảm cường độ, khu vực châu Âu, đặc biệt là các nước ở Đông và Trung Âu đang bị làn sóng Covid-19 thứ tư tác hại nặng nề. Với hệ thống y tế bị bão hòa, Bulgari vào hôm qua 23/10/2021 xác nhận có khả năng phải di chuyển những người bệnh nặng qua các quốc gia khác, trong lúc nước Nga tiếp tục phá kỷ lục về số tử vong hàng ngày. 

Phát biểu trên truyền hình, bộ trưởng Y Tế Bulgari đã lên tiếng báo động về đà tăng vọt của các ca bệnh Covid-19  tại nước này, đang tràn ngập hệ thống bệnh viện, khiến cho tình trạng thiếu nhân lực và máy thở thêm nghiêm trọng. Trong tình hình đó, Bulgari cho rằng sẽ phải chuyển những ca nặng ra nước ngoài, nếu “số ca nhiễm sẽ không giảm trong vòng mười đến mười lăm ngày tới đây”. Theo nhân vật này: “Các cuộc thảo luận đang  tiến hành với Liên Hiệp Châu Âu để chuyển bệnh nhân sang các nước khác” và Bulgari không loại trừ khả năng phong tỏa.  

Theo giới chuyên gia y tế, làn sóng Covid hiện tại có thể gây ra tới 5.000 đến 9.000 trường hợp lây nhiễm mỗi ngày trong vòng hai tuần, trên một đất nước chỉ có 6,9 triệu dân. Bulgari là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong Liên Hiệp Châu Âu, với vỏn vẹn 24% người dân được tiêm chủng đầy đủ. Chiến dịch chích ngừa tại Bulgari chịu tác hại từ sự lan truyền của các thuyết âm mưu và sự không tin tưởng của người dân vào chính quyền. 

Nga: Tử vong tiếp tục ở mức kỷ lục

Tình hình tại Nga cũng không sáng sủa hơn. Hôm qua nước này ghi nhận thêm 1.075 ca tử vong vì Covid-19 và 37.600 ca nhiễm trong 24 giờ. Đây là những con số hàng ngày cao nhất ngày thứ ba liên tiếp. 

Mới chỉ có gần một phần ba người Nga đã được chủng ngừa kể từ khi xuất hiện loại vac-xin quốc gia đầu tiên, Sputnik V, vào tháng 12 năm 2020. Một thất bại có thể được giải thích là do sự ngờ vực truyền thống của người dân đối với chính quyền. 

Lây nhiễm gia tăng ở Đức 

Nước Đức cũng đang chứng kiến sự lan mạnh trở lại của dịch bệnh. Tỷ lệ nhiễm bệnh trong bảy ngày ở Đức lần đầu tiên đạt 100 trường hợp trên 100.000 dân vào hôm qua, 23/10, lần đầu tiến kể từ tháng Năm đến nay.  

Tại Đức, tỷ lệ 100 trường hợp trên 100.000 cư dân này từ lâu đã được coi là ngưỡng buộc chính quyền phải kích hoạt biện pháp phong tỏa  nghiêm ngặt, nhưng bộ trưởng Bộ Y Tế nước này đã trấn an, đánh giá rằng Đức đã được trang bị tốt hơn để đối mặt với dịch bệnh nhờ tiêm chủng. Tuy nhiên, ông cũng gợi ý rằng một số quy tắc giãn cách như đeo khẩu trang hoặc hạn chế các hoạt động trong nhà đối với những người chưa được tiêm chủng, sẽ có hiệu lực cho đến mùa xuân. 

Pháp: 40.000 người biểu tình chống chứng nhận y tế 

Riêng tại Pháp, tình hình có vẻ ổn định hơn. Ngay cả khi tỷ lệ nhiễm bệnh đang gia tăng trở lại, số ca nhập viện đang tiếp tục giảm. Yếu tố gây lo ngại là những trường hợp bệnh nặng hầu như không giảm nữa. Trong bối cảnh đó, các cuộc biểu tình phản đối giấy thông hành y tế vào hôm qua vẫn diễn ra trên khắp nước Pháp, nhưng vẫn ở mức thấp với 40.000 người biểu tình theo bộ Nội Vụ, một con số tương tự như tuần trước. 

Covid-19: Miền đông châu Âu vất vả đối phó với làn sóng thứ tư (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten