Trung Quốc: Giá sản xuất tăng cao nhất tính từ 25 năm qua
Đăng ngày:
Chỉ số giá sản xuất đã tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo dữ liệu Cơ quan Thống kê Quốc gia (SNB) công bố hôm nay 14/10/2021, giá sản xuất đã tăng 10,7% trong tháng 9 vừa qua, mức tăng cao kỷ lục trong vòng 25 năm, do giá nguyên vật liệu sản xuất tăng, đặc biệt là than đá, nguồn nhiên liệu sản xuất điện chủ yếu ở Trung Quốc.
Từ Bắc Kinh, thông tín viênStéphane Lagarde giải thích :
« Tình hình đang rất căng thẳng ở « công xưởng của thế giới », việc thiếu điện dẫn đến chi phí của các dây chuyền lắp ráp tăng cao. Các nhà máy ở phía bắc và đông nam của đất nước phải chịu các hạn chế, chẳng hạn nhiều lần bị cúp điện, bắt buộc phải tạm ngưng sản xuất.
Một số nhà sản xuất ở Đông Quan, trung tâm công nghiệp cạnh Quảng Châu, mà chúng tôi liên lạc qua điện thoại, cho biết nhà máy của họ chỉ hoạt động 2 trên 5 ngày trong tuần. Kết quả là họ phải đề nghị người lao động làm việc ban đêm vào các giờ không phải giờ cao điểm, điều này khiến nhà máy phải trả tiền phụ cấp cho người lao động.
Ngoài việc giá nguyên vật liệu tăng, hiện nay còn có sự tăng vọt về chi phí năng lượng, liên quan đến việc tăng giá than đá và giá điện. Các chi phí này trong tháng 10 có thể sẽ rất cao. Thủ tướng Trung Quốc hồi tuần trước đã cho phép tăng 20% giá điện tham khảo, thông qua đó thúc đẩy nguồn cung của các nhà máy nhiệt điện than, nguồn cung cấp điện lớn nhất tại Trung Quốc.
Tình trạng mất điện diễn ra không đúng thời điểm. Các nhà máy Trung Quốc đang có nhiều đơn hàng nhờ sự phục hồi toàn cầu kể từ sau kỳ nghỉ hè. Công xưởng của các nhà sản xuất ở Nghĩa Ô (Yiwu), tỉnh Quảng Đông, đã hoạt động hết công suất trong những tuần gần đây, đặc biệt là để cung cấp các vật phẩm quảng cáo nho nhỏ và sản phẩm ăn theo bộ phim Hàn Quốc Squid Game đang rất thành công, được cho là sẽ có rất nhiều người muốn mua trong mùa Halloween năm nay ».
Trung Quốc: Giá sản xuất tăng cao nhất tính từ 25 năm qua (rfi.fr)
Trung Quốc: Cúp điện gây xáo trộn công nghiệp và đời sống
Đăng ngày:
Tại Trung Quốc, nạn cúp điện gây xáo trộn ngành công nghiệp và đời sống người dân ; Cựu thủ tướng Úc chỉ trích người kế nhiệm về vụ khủng hoảng tàu ngầm với Pháp ; Tại Anh Quốc, các y tá lo ngại không đi làm được do tình trạng khan hiếm xăng ; Các cơ quan tình báo Nga bị cáo buộc đã có hành động khủng bố nhắm vào các kho đạn ở những nước khác ; Người dân Afghanistan khốn khổ vì nạn khan hiếm tiền mặt.
Đó là những sự kiện và vấn đề đáng chú ý trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Trung Quốc : Cúp điện gây xáo trộn công nghiệp và đời sống
Do lượng than đá ngày càng ít, do việc áp dụng các tiêu chuẩn gắt gao về môi trường, do các nhà máy chạy hết công suất, nhiều thành phố lớn ở miền bắc Trung Quốc đang bị những vụ cúp điện thường xuyên, gây xáo trộn cho ngành công nghiệp và đời sống người dân, thậm chí có thể làm chậm lại tăng trưởng kinh tế của nước này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde gởi về bài tường trình ngày 28/09:
“Trên các mạng xã hội, người ta than phiền về nạn kẹt xe: ở miền bắc Trung Quốc, các vụ cúp điện trong những ngày qua đã gây hỗn loạn trên các trục lộ. Các hình ảnh được phát trên mạng Sina Weibo cho thấy những cột đèn đỏ ngừng hoạt động, nhất là trong cuối tuần qua, trên các đại lộ của thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh. Người dân ở đây đã không được thông báo trước về các vụ cúp điện này.
Ở miền nam Trung Quốc cũng có nguy cơ bị cúp điện, nhất là ở tỉnh Quảng Đông, nơi mà người dân được khuyến cáo hạn chế sử dụng máy lạnh, nên đi thang bộ hơn là thang máy, đồng thời đi ngủ vào lúc trăng mọc. Các vụ cúp điện đang làm chậm lại các dây chuyền lắp ráp tại “công xưởng của thế giới” và đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo chí nhà nước cho biết khoảng 100 nhà máy phải đóng cửa đến ngày 7/10, ngày kết thúc kỳ nghỉ lễ quốc khánh Trung Quốc. Có nhiều lý do giải thích tình trạng này, trong đó có việc tăng giá than đá, một phần do khủng hoảng Úc-Trung và do việc Trung Quốc ngưng nhập than đá của Úc.”
“Khủng hoảng tàu ngầm”: Khi cựu thủ tướng Úc chỉ trích người kế nhiệm
Trong vụ khủng hoảng tàu ngầm, do việc chính phủ Úc hủy bỏ “hợp đồng thế kỷ” với Pháp để quay sang mua tàu ngầm của Mỹ, cho tới nay cựu thủ tướng Malcolm Turnbull vẫn im lặng. Chính ông là người vào năm 2016 đã ký hợp đồng đó với nước Pháp, đã tiếp tổng thống Emmanuel Macron ở Sydney năm 2018, trong một chuyến đi mà nguyên thủ quốc gia Pháp đã gọi liên minh với nước Úc là trụ cột chiến lược của ông về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Hôm thứ tư, 29/09/2021, ông Turnbull công khai chỉ trích thủ tướng Scott Morrison là đã “cố tình đánh lừa” Paris khi hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp. Người tiền nhiệm của ông Morrison cho rằng hành động của lãnh đạo chính phủ hiện nay sẽ gây những hậu quả lâu dài cho hình ảnh của Úc trên trường quốc tế.
Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse gởi về bài tường trình ngày 29/09/2021:
“Tuy xuất thân cùng một chính đảng nhưng Scott Morrison et Malcolm Turnbull lại có quan điểm hoàn toàn đối lập với nhau về mọi chủ đề.
Ông Turnbull hôm nay đã chứng tỏ điều đó, khi đặt lại vấn đề về sự cần thiết của việc trang bị tàu ngầm nguyên tử cho nước Úc, trong khi Úc lại chưa có một ngành công nghiệp hạt nhân dân sự. Nhưng chính cách ông Morrison đối xử với Pháp đã bị ông Turnbull lên án trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia. Bởi vì theo ông, không chỉ có quan hệ với Pháp, mà những phương pháp như vậy có thể sẽ gây tổn hại lâu dài cho hình ảnh của nước Úc trên thế giới.
Ông Turnbull nói: “Chính phủ Úc đã xem thường nước Pháp. Người ta sẽ không quên điều đó. Mỗi khi chúng ta tìm cách đạt sự tin cậy của một nước khác, họ sẽ tự hỏi mình có nhớ họ đã làm gì với Macron không? Nếu họ đã đối xử với Pháp như vậy, đối với mình họ sẽ làm gì?”
Trong bối cảnh mà nước Úc sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội trễ nhất là tháng 5/2022, ông Malcolm Turnbull bồi thêm một cú vào người kế nhiệm, khi từ chối nói là ông có sẽ bỏ phiếu cho Scott Morrison hay không. Cho dù ông này từng tham gia chính phủ vào thời ông Malcolm Turnbull còn làm thủ tướng.”
Anh Quốc: Y tá sợ không đi làm được vì thiếu xăng
Tại Anh Quốc, cuộc khủng hoảng xăng dầu tiếp diễn đến mức chính phủ đã phải huy động quân đội tham gia cung ứng. Những người đi xe hơi đua nhau chạy đến các trạm xăng. Ngành y tế đang lo ngại là nếu tình trạng khan hiếm nhiên liệu kéo dài, một số nhân viên y tế không thể đến chỗ làm, bởi vì không tìm được xăng. Tại Luân Đôn, thông tín viên Marie Boëda đã gặp một y tá và gởi về bài tường trình ngày 28/09/2021:
“Elisabeth là y tá và trong công việc cô thường xuyên di chuyển trên đường. Cô vừa tìm được một chổ tại một trạm xăng. Cô cho biết: “Tôi làm việc ở cách đây 2 phút đi xe, nhưng tôi đã mất đến 55 phút để xếp hàng. Từ thứ sáu tuần trước tôi đã lo đi tìm xăng. Tôi làm việc cho Dịch vụ Y tế Quốc gia NHS và tôi thường đến chăm sóc cho những người lớn tuổi.”
Từ 4 ngày qua, những dãy xe xếp hàng trước các trạm xăng vẫn không giảm. Người dân hoảng loạn, nên ai cũng mua xăng về trữ. Elizabeth không dấu vẻ bực bội: “Thật buồn cười, không hề có khan hiếm xăng dầu, tự mọi người hoảng sợ và dĩ nhiên điều này gây khó khăn cho việc đi làm của chúng tôi, khiến chúng tôi không thể đổ xăng được”.
Từ nhiều ngày qua, các đại diện của dịch vụ y tế rất lo ngại. Công đoàn lớn nhất của dịch vụ công Unison đã yêu cầu chính phủ dành các trạm xăng cho những người làm việc trong các ngành thiết yếu. Hiệp hội các nhân viên chăm sóc tại nhà cũng có cùng quan điểm. Các nhân viên y tế phải được ưu tiên: “Chúng tôi muốn chính phủ nhìn nhận là đang có nguy cơ đối với sức khỏe và sự an toàn của người dân. Năm ngoái, những người làm công việc chăm sóc tại nhà đã phải tự may các khẩu trang, chẳng lẽ bây giờ lại bắt họ xây nhà máy lọc dầu trong vườn của họ?”
Mười công ty dầu khí vừa ký một diễn đàn chung, khẳng định là không hề có chuyện khan hiếm nhiên liệu. Theo chính phủ Anh, chính những người mua vì quá sợ nên đua nhau đổ đầy bình xăng. Chính phủ hy vọng là tình hình sẽ lắng dịu. Từ đầu tuần đến nay, họ vẫn bị chỉ trích là không có hành động gì để giải quyết khủng hoảng.”
Tình báo Nga phạm tội khủng bố?
Các cơ quan tình báo Nga phải chăng đã có hành động khủng bố nhắm vào các kho đạn ở những nước khác? Ít ra đó là kết luận của ba quốc gia : Cộng hòa Séc, Ba Lan và gần đây nhất là Ukraina. Chính quyền Kiev vừa thông báo kết luận chính cơ quan tình báo Nga đã có hành động khủng bố khi cho nổ kho đạn khổng lồ ở miền tây Ukraina cách đây 4 năm.
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan giải thích ngày 28/09/2021:
“Vào tháng 09/2017, trong suốt 4 ngày, hàng loạt vụ nổ đã phá hủy kho đạn Kalynivka, gần Vinnytsia, miền tây Ukraina, một trong những kho đạn lớn nhất của quân đội Ukraina, vào lúc mà nước này đã có chiến tranh với Nga từ 3 năm qua ở vùng Donbass.
Hàng chục ngàn quả đạn, chủ yếu dùng để trang bị cho xe tăng, được trữ tại kho đạn này. Các vụ nổ phá hủy kho đạn không gây thương vong, nhưng khiến chính quyền phải sơ tán 30.0000 người. Đây là vụ nổ kho đạn thứ hai xảy ra trong năm đó.
Hôm thứ Hai vừa qua, ba năm sau vụ việc, chưởng lý Ukraina Iryna Venediktova thông báo là Viện công tố đã thâu thập đủ bằng chứng để chứng minh vụ nổ ở Kalynivka là do một hành động khủng bố, mà nghi can là GRU, cơ quan tình báo quân sự Nga.
Ngành tư pháp Ukraina đã yêu cầu một sự hỗ trợ pháp lý quốc tế từ các nhà điều tra của Praha, những người đã điều tra về vụ nổ hai kho đạn ở Cộng hòa Séc vào mùa thu 2014, khiến 2 người chết và gây khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Praha và Matxcơva.
Bulgari cũng đã tình nghi 6 công dân Nga đã gây ra ít nhất 4 vụ nổ, trong đó hai vụ mới nhất xảy ra năm 2015 và 2020.
Trong cả ba trường hợp, dường như những kẻ ra lệnh muốn cắt nguồn cung cấp vũ khí, đạn dược cho quân đội Ukraina.”
Khan hiếm tiền mặt tại Afghanistan
Trong tuần này, cũng giống như Miến Điện, không có đại diện nào của Afghanistan được phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, mặc dù chính quyền taliban đã có yêu cầu. Như vậy là Afghanistan dưới quyền lãnh đạo của phe Hồi Giáo cực đoan vẫn còn bị cô lập trên trường quốc tế, vào lúc mà quốc gia Trung Á này ngày càng lún sâu vào nghèo khó, thậm chí nhiều người dân nay không có tiền mặt để tiêu xài. Hàng trăm người mỗi này vẫn xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ trước các ngân hàng với hy vọng rút được ít tiền afghani, đơn vị tiền tệ của Afghanistan. Từ Kabul, thông tín viên Sonia Ghezali gởi về bài phóng sự ngày 29/09/2021:
“Tại ngân hàng Azizi, Mohammad Aslam đếm xấp tiền giấy 500 afghani. Ông nói: “Cuối cùng thì tôi cũng rút được tiền sau 25 tiếng đồng hồ đứng chờ. Tôi đã đến từ 5 giờ sáng hôm qua để đưa thẻ ngân hàng cho họ và tôi vừa rút được tiền lúc 18 giờ hôm nay. Tôi đã có thể rút được 20.000 afghani. Bao nhiêu đây vẫn chưa đủ. Bây giờ khó sống quá. Một số người đến từ các tỉnh để rút tiền. Tôi yêu cầu Nhà nước Hồi Giáo phải giải quyết vấn đề này.”
Mỗi người chỉ được rút tối đa số tiền tương đương với 190 euro mỗi tuần, bởi vì ở Afghanistan hiện giờ không có đủ tiền mặt.
Vẫn Mohammad Aslam thổ lộ: “ Với số tiền này, tôi sẽ trả nợ cho các cửa hàng đã cho tôi mua chịu để nuôi gia đình tôi. Trả xong nợ thì tôi chỉ còn 3.000 afghani ( khoảng 30 euro ).”
Người dân xếp hàng ngay từ nửa đêm trước các ngân hàng. Một số ngủ luôn tại chỗ. Cựu chiến binh Amanullah Paikar cho biết: “Tôi muốn rút hết tiền của tôi. Ngày nào tôi cũng đến đây, bởi vì tôi muốn thu hồi toàn bộ tiền của tôi. Ai cũng sợ mất tiền của mình. Cách đây 3 năm, ngân hàng Kabul đã phá sản và khách hàng đã mất sạch tiền trong tài khoản của họ."
Cũng như đa số các công chức chế độ cũ, ông đã không được trả lương từ 3 tháng qua. Nay ông chỉ còn ít tiền tiết kiệm trong ngân hàng để sống qua ngày.”
Trung Quốc: Cúp điện gây xáo trộn công nghiệp và đời sống - Tạp chí đặc biệt (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten