zaterdag 23 oktober 2021

Pháp : Vật giá leo thang, chính phủ trợ cấp cho dân + Xăng dầu tăng giá : Chính phủ Pháp tìm giải pháp tránh gây tái phát phong trào Áo Vàng

 

Pháp : Vật giá leo thang, chính phủ trợ cấp cho dân

Giá xăng dầu tại một trạm xăng ở Paris, Pháp, ngày 18/10/2021.
Giá xăng dầu tại một trạm xăng ở Paris, Pháp, ngày 18/10/2021. REUTERS - SARAH MEYSSONNIER

Nhà nước sẽ giúp 38 triệu người Pháp duy trì sức mua trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao. Trên đài truyền hình, thủ tướng Pháp Jean Castex tối 21/10/2021 thông báo, một khoản trợ cấp 100 euro cho những người có thu nhập chưa tới 2.000 euro/tháng.

Tiền trợ cấp 100 euro sẽ được phát cho dân ngay từ cuối tháng 12/2021. Theo thẩm định của bộ Kinh Tế và Tài Chính, biện pháp hỗ trợ này sẽ tiêu tốn 3,8 tỷ euro ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên đây là giải pháp giúp cho thành phần trung lưu duy trì mãi lực trong bối cảnh vật giá leo thang, nhất là giá xăng, dầu, điện, ga tăng mạnh trong những tháng gần đây. Giá một lít dầu diesel tại Pháp đã tăng 29 % trong năm nay.

Giới phân tích nhận định món quà cuối năm này của chính phủ nhằm ngăn ngừa một làn sóng bất mãn trong xã hội, sáu tháng trước bầu cử tổng thống Pháp.

Lập tức các đảng đối lập chỉ trích biện pháp nói trên. Nếu như tất cả các đảng đều đồng ý là cần « bơm thêm mãi lực cho người dân » trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, thì ngược lại, cánh tả và hữu lại bất đồng về hình thức trợ cấp của chính phủ. Cánh tả thì cho rằng khoản « bù giá » nói trên là chưa đủ. Ngược lại, bên cánh hữu cho đây là một biện pháp nhằm « mua chuộc » cảm tình của cử tri trước ngày tổng thống Emmanuel Macron chính thức tuyên bố ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ.

Theo các kết quả thăm dò, nếu ra tranh cử, ông Macron có triển vọng về đầu ở vòng một. Tương tự như bên cánh tả, tổng thống mãn nhiệm xem việc bảo vệ sức mua của người dân là một ưu tiên, trong khi các đảng cánh hữu và cực hữu tập trung vào những chủ đề như nhập cư, bản sắc Pháp … để kiếm phiếu.

Pháp : Vật giá leo thang, chính phủ trợ cấp cho dân (rfi.fr)

Xăng dầu tăng giá : Chính phủ Pháp tìm giải pháp tránh gây tái phát phong trào Áo Vàng

Phần âm thanh 09:29
Những người biểu tình Áo Vàng trên đại lộ Champs-Élysées, Paris, Pháp ngày 24/11/2018.
Những người biểu tình Áo Vàng trên đại lộ Champs-Élysées, Paris, Pháp ngày 24/11/2018. © Photo : Benoît Tessier / Reuters. Montage : Studio graphique FMM

Từ sau kỳ nghỉ hè đến nay, cũng giống như giá khí đốt và giá điện, giá xăng và dầu diesel tại Pháp đều tăng không ngừng, khiến người dân bất mãn và trở thành một vấn đề lớn trong đời sống chính trị Pháp, đòi hỏi chính quyền của tổng thống Emmanuel Macron phải khẩn trương tìm hướng giải quyết để tránh làm nảy sinh một cuộc khủng hoảng xã hội có thể làm tê liệt đời sống nước Pháp như khủng hoảng Áo Vàng (Gilets Jaunes) hồi cuối năm 2018.  


Theo số liệu chính thức hôm 18/10/2021 của bộ Chuyển đổi Sinh thái, giá dầu diesel thậm chí đã tăng cao đến mức « lịch sử ». Giá xăng cũng ở mức cao chưa từng có tính từ năm 2012. Giá nhiên liệu liên tục tăng mạnh một lần nữa ảnh hưởng đến sức mua của người dân, vốn đã bị tác động do giá điện và khí ga tăng cao.  

Nhà kinh tế Xavier Timbeau, giám đốc Đài quan sát Pháp về tình hình kinh tế (OFCE), thuộc trường Khoa học chính trị Sciences Po Paris, ngày 14/10 giải thích trên đài RFI tiếng Pháp : 

« Đúng, tình hình có thể tệ hơn, nhưng dù sao thì chúng ta cũng đã ở cái ngưỡng gây choáng cho nhiều người, bởi vì giá chất đốt, dầu diesel hay xăng đều cao như hồi cuộc khủng hoảng Áo Vàng (Gilet Jaune) năm 2018. Sự tăng giá lần này gợi nhớ tới những yếu tố làm bùng nổ khủng hoảng Áo Vàng và quả thực là nó gây ấn tượng mạnh do tác động đến khả năng chi tiêu mua sắm của dân chúng ở mức không phải là không đáng kể. 

(…) Từ một năm nay, giá nhiên liệu tăng, nhìn chung là khoảng hơn 35 centime euro/lít dầu diesel hoặc xăng, tức là giá nhiên liệu đã tăng khoảng 20%. Mức tăng này là khá cao. Trong các giai đoạn phong tỏa chống dịch Covid-19, giá nhiên liệu rất là thấp bởi vì giao thông đi lại bị ngưng trệ, nhưng sau đó các hoạt động phục hồi, giá nhiên liệu tăng đáng kể, giá dầu lửa bây giờ cũng vẫn tăng và chúng ta có thể đoán trước là trong những tháng tới, giá nhiên liệu vẫn sẽ tăng ». 

Người tiêu dùng Pháp đang đứng trước nhiều khó khăn trước đà tăng giá nhiên liệu. Cũng trong ngày 14/10, thông tín viên Mathieu Bonhoure từ thành phố Nantes gửi về bài phóng sự :  

“1,51 euro, đó là giá 1 lít dầu diesel bán tại siêu thị này và là một trong những mức giá thấp nhất trong ngày. Cô Emmanuelle có thu nhập 1.600 euro/tháng. Đối với người phụ nữ đã có gia đình và con cái này, tình hình đang rất khó khăn. Cô nói : « Chúng tôi bắt đầu thấy như có sợi dây thừng siết quanh cổ, đó là điều chắc chắn ».  

Cô tiếp nhiên liệu đầy bình và số tiền phải trả đã tăng 10 euro so với lần trước. Emmanuelle chia sẻ : « Tôi không biết chúng tôi sẽ làm gì nữa. Đi biểu tình ư ? Tôi cũng chẳng biết thế nào nữa. Trong khi chờ đợi, chúng tôi cũng chẳng có lựa chọn nào khác, vẫn phải đổ đầy bình nhiên liệu để lái xe đến chỗ làm thôi ».  

Anh Fabien, một khách hàng khác ở trạm xăng này của thành phố Nantes, cho biết : « Chúng tôi đã đổ đầy 50 lít và hết gần 80 euro ». Sự tăng giá này khiến anh lo lắng làm thế nào để tiếp tục sống và suy trì mức chi tiêu : « Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của tôi ». 

Cô Manon, người phải lái xe 80 km mỗi ngày vì công việc, thừa nhận đây là một giai đoạn khó khăn. Manon nói : « Chúng tôi phải chú ý nhiều hơn khi đi mua sắm và chúng tôi cũng tránh đi chơi. Chúng tôi ưu tiên để dành nhiên liệu để có thể lái xe đi làm, ngoài ra thì số tiền chúng tôi kiếm được cũng không đủ để chúng tôi có thể đi chơi ». 

Ở độ tuổi 50, bà Naily và chồng thấy sự tăng giá lần này đang diễn ra rất tệ : « Nỗi tức giận ngày càng tăng. Chúng tôi làm ăn vất vả từ sáng sớm đến tối mịt mà lương thì bèo bọt. Giá cả thì cứ tăng mãi! ». Giá cả thì tăng, chỉ có lương là không tăng và đó là điều khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Bà Naily ngày càng buộc phải thắt chặt chi tiêu. » 

Tình hình nghiêm trọng đến mức tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải đích thân thông báo chính phủ sẽ sớm đưa ra một hành động « để đồng hành với các hộ gia đình ». Giám đốc Đài quan sát tình hình kinh tế Pháp (OFCE) giải thích thêm : 

« Đó là một vấn đề lớn bởi giá xăng có tác động trực tiếp đến khả năng chi tiêu của các hộ gia đình. Điều này có thể được nhìn thấy và bộc lộ rất rõ. Nhìn chung thì sự tăng giá hiện nay tương đương với mức tăng chi phí nhiên liệu khoảng 250 euro/hộ gia đình/năm. Số tiền này là khá nhiều.  

Nó không phải là một khoản tiền vô cùng lớn, nhưng chúng ta cần nhìn nhận rõ là có sự chênh lệch giữa các gia đình. Đây là điều rất nhức nhối và nó thường kéo theo đánh giá là khả năng chi dùng của các hộ gia đình giảm sút và nó diễn ra gần như hàng ngày. Cứ mỗi lần quý vị mua đầy bình nhiên liệu thì quý vị đều nhận thấy là giá nhiên liệu tăng và điều đó gợi nhắc cho quý vị là mọi giá cả đều tăng và khả năng mua sắm bị giảm.  

Việc mọi người có thể dùng xe của họ, có thể mua nhiên liệu thường được gắn với tự do cá nhân, sự tự chủ, chủ động. Vì thế, tăng giá xăng dầu gây choáng váng cho các hộ gia đình ».  

Ngọn lửa Áo Vàng vẫn âm ỉ cháy

Không chỉ là một phương tiện phô trương « đẳng cấp xã hội », xe hơi còn là công cụ, phương tiện làm việc thiết yếu của nhiều người. Làm thế nào trợ giúp đúng người và hiệu quả nhất không phải là một câu hỏi dễ. Sức ép đối với chính phủ đang gia tăng, bởi từ đầu tháng đến nay, trên các mạng xã hội đã xuất hiện những lời kêu gọi thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng, hồi sinh phong trào xã hội Áo Vàng - Gilets Jaunes - từng làm rung chuyển nước Pháp nhiều tuần lễ hồi cuối năm 2018 đầu năm 2019.  

Ban đầu, chính phủ đề nghị giới phân phối xăng dầu tạm thời hạ mức lãi để giảm giá bán, nhưng các nhà phân phối kiên quyết phản đối, cho đó là điều « không thể », bởi mức lãi của họ chỉ rất thấp - 1 centime euro/lít nhiên liệu. Dường như chính phủ Pháp cũng đã tính đến khả năng giảm thuế cho những ai phải dùng xe hơi nhiều nhất, dựa trên bảng khai chi phí thực tế. Thế nhưng, giải pháp này lại chỉ liên quan đến những người thu nhập đủ cao để phải đóng thuế, chứ không phải những hộ có thu nhập nhấp nhất cho dù họ phải dùng xe hơi nhiều.  

Hiện nay, các loại phí, thuế giá trị gia tăng TVA áp đặt cho nhiên liệu là rất cao, chiếm hơn phân nửa giá xăng dầu. Riêng thuế nội địa tiêu thụ các sản phẩm năng lượng TICPE là nguồn thu lớn thứ 4 của ngân sách, mang lại cho Nhà nước Pháp 33,2 tỉ euro trong năm 2019. Thậm chí, nhiều người còn chỉ trích Nhà nước đang « làm giàu trên lưng nhân dân » trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Vì thế, nhiều chính trị gia đối lập và các nhà phân phối nhiên liệu đòi chính phủ giảm các loại thuế, phí. Nhà kinh tế Timbeau giải thích :  

« Chính phủ có thể giảm chẳng hạn thuế TVA đối với nhiên liệu để bù cho 35 centime euro tăng trong mỗi lít xăng từ một năm trở lại đây, hoặc chính phủ cũng có thể giảm một số loại phí áp đặt đối với nhiên liệu. Có rất nhiều loai phí đánh vào nhiên liệu. Thế nhưng, vấn đề là mỗi loại phí đó đều là một nguồn thu lớn của chính phủ. Mỗi gia đình phải chi thêm trung bình 250 euro/năm cho nhiên liệu, nếu chúng ta tính tổng cộng các hộ gia đình thì con số này là hơn 8 tỉ euro/năm. Nói thế để quý vị thấy rằng con số này lớn đến thế nào : hơn 8 tỉ euro, chỉ kém một chút so với số tiền chính phủ chi cho trợ cấp RSA ».  

Mất những khoản thu thuế, phí lớn như vậy, hoặc ngân sách thâm hụt, hoặc chính phủ sẽ phải huy động nguồn thu khác để bù đắp, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Hơn thế nữa, theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire, giải pháp này trên thực tế không những không hướng đến đúng đối tượng, mà còn « không hợp lý cả về kinh tế và môi trường », tạo ra « một sự bất công », bởi cắt giảm các loại phí, thuế TVA trong giá nhiên liệu đồng nghĩa với việc tất cả người mua nhiên liệu đều hưởng lợi, kể cả những người giàu có, những người dùng xe hơi để đi chơi cuối tuần, đi du lịch … trong khi đối tượng cần được tập trung trợ giúp là những người có hoàn cảnh khó khăn, việc đi lại thiết yếu hàng ngày, nhất là phục vụ công việc, đều phụ thuộc vào phương tiện đi lại cá nhân.  

Để trấn an dân chúng, phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal hôm 19/10 thông báo muộn nhất là đến cuối tuần chính phủ Pháp công bố một cơ chế đơn giản, công bằng và hiệu quả để trợ giúp người dân. Để tránh bùng nổ một cuộc khủng hoảng xã hội mới, nhiều nguồn tin cho rằng chính phủ hướng tới một giải pháp hỗ trợ đặc biệt : phân phát « séc nhiên liệu » cho các hộ gia đình gặp khó khăn. Thực ra, ngay từ đầu tháng 09, chính quyền Pháp đã thông báo từ tháng 12 tới cấp cho 5,8 triệu hộ gia đình có thu nhập khiêm tốn nhất mỗi hộ một tấm séc năng lượng « đặc biệt » trị giá 100 euro giúp họ có thêm điều kiện trả tiền điện và khí đốt, nhất là để sưởi ấm mùa đông. Chính phủ Pháp từng thực hiện chính sách tương tự hồi mùa xuân 2021.  

Tuy nhiên, theo nhiều quan chức chính phủ, việc xác định đối tượng ưu tiên nhận « séc nhiên liệu » phức tạp hơn nhiều so với người được ưu tiên nhận « séc năng lượng ». Nên cấp « séc nhiên liệu » cho ai ? Người có thu nhập thấp nhất ? Hay những người phải đi lại nhiều nhất bằng xe hơi ? Kể cả đối với những người có cùng mức thu nhập thì việc xác định những ai chịu tác động mạnh nhất từ tình trạng tăng giá xăng dầu cũng rất khó. Bộ Chuyển đổi Sinh thái Pháp cho biết chính phủ chưa thiết lập được cơ sở dữ liệu về những người cần dùng xe hơi để đi làm.  

Trước đây, hồi năm 2016 ông Xavier Bertrand, chủ tịch dân cử vùng Haut-de-France, miền bắc nước Pháp, đã cho triển khai biện pháp « hỗ trợ đi lại » bằng cách cấp « séc nhiên liệu » cho người làm công ăn lương có hợp đồng lao động dài hạn hoặc có thời hạn, thu nhập không cao, sống cách nơi làm việc ít nhất 20 km và không có phương tiện giao thông công cộng để đi làm. 50.000 người đã được hưởng chính sách hỗ trợ đi lại của vùng : 240 euro/năm/người.

Phụ cấp lạm phát

Báo chí Pháp cho rằng kinh nghiệm của vùng Haut-de-France có thể có ích cho chính phủ lần này. Nhưng việc xác định đối tượng được hưởng « séc nhiên liệu » không đơn giản và nhanh chóng. Cuối cùng, tối thứ Năm 21/10/2021, trên kênh truyền hình TF1, thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo giá xăng dầu tăng không chỉ tác động đến những người hay phải dùng xe hơi mà còn dẫn đến lạm phát, làm tăng giá hàng hóa nói chung, tác động nhiều nhất đến những người có thu nhập thấp. Vì thế, thay vì phát « séc nhiên liệu », chính phủ quyết định khoản « phụ cấp lạm phát » 100 euro cho mỗi người có thu nhập dưới 2.000 euro/tháng (sau khi đã trừ các khoản đóng góp xã hội), bất kể người đó có hay dùng xe hơi hay không.

Thu nhập là điều kiện duy nhất. Người dân không cần đăng ký, không cần chứng minh giấy tờ hay làm các thủ tục phức tạp, khoản tiền hỗ trợ đặc biệt này sẽ « tự động » được chuyển khoản cho những người được ưu tiên trợ cấp kể từ cuối tháng 12/2021, thông qua nhiều kênh, như qua doanh nghiệp, quỹ lương hưu, quỹ trợ cấp thất nghiệp … Câu hỏi đặt ra là liệu « phụ cấp lạm phát » có thể giúp chính quyền của tổng thống Macron « gỡ trái bom phản kháng xã hội » Gilets Jaunes đang rình rập phát nổ hay không ?

Xin nhắc lại là ngọn lửa Áo Vàng vẫn âm ỉ len lỏi vào dòng người tuần hành thứ Bảy hàng tuần trong phong trào biểu tình chống việc mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận Covid-19 và tiêm chủng tại Pháp từ sau Quốc Khánh 14/07/2021. Hôm thứ Bảy 16/10, lác đác ở một số bùng binh, những người Áo Vàng đã tập hợp trở lại. Chính quyền của tổng thống Macron chắc chưa dễ quên những cuộc biểu tình Áo Vàng kéo theo bạo động, với biết bao hệ lụy kinh tế, xã hội kéo dài, nhất là trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp 2022.

Xăng dầu tăng giá : Chính phủ Pháp tìm giải pháp tránh gây tái phát phong trào Áo Vàng - Tạp chí xã hội (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten