Tân nội các Nhật ra tín hiệu cứng rắn trong vấn đề TQ-Đài Loan
Tân nội các Nhật Bản báo hiệu một lập trường quyết đoán hơn trước thái độ lấn lướt của Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị, cho thấy Nhật sẽ cân nhắc các lựa chọn và chuẩn bị cho "các kịch bản khác nhau", đồng thời tái khẳng định mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, theo Reuters.
Đài Loan và mối quan hệ với Trung Quốc có khả năng, ngay từ đầu, chi phối các chính sách an ninh và quan hệ đối ngoại của chính quyền mới của Thủ tướng Fumio Kishida.
Căng thẳng đang gia tăng đối với Đài Loan khi Trung Quốc tuyên bố đó là lãnh thổ của mình và sẽ dùng vũ lực để đạt được điều này nếu cần thiết. Đài Loan nói họ là một quốc gia độc lập và sẽ bảo vệ các quyền tự do và dân chủ của mình.
Trong những ngày gần đây, Đài Loan ghi nhận có 148 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không của đảo này. Các lãnh đạo chính phủ Đài Loan cho hay họ cần phải cảnh giác trước các hoạt động quân sự "quá mức" của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi, khi được hỏi về tình hình Đài Loan, nói rằng ông hy vọng "vấn đề này được giải quyết một cách hòa bình giữa hai bên thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp".
"Ngoài ra, thay vì chỉ theo dõi tình hình, chúng tôi hy vọng sẽ cân nhắc các tình huống khác nhau có thể xảy ra để xem xét những lựa chọn nào chúng tôi có, cũng như những chuẩn bị mà chúng tôi phải thực hiện," ông Motegi nói.
Trong công bố hôm thứ Hai, ông Motegi, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, được giữ lại trong nội các mới. Các nhà phân tích cho rằng điều này cho thấy chính phủ mới của Nhật tập trung vào mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ.
Bình luận của ông Motegi về Đài Loan đánh dấu quan điểm khác biệt hoàn toàn của nội các mới với nội các cũ, bằng cách nói rõ về khả năng can dự của Nhật Bản, đồng thời cũng nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế đến vấn đề này, và gây sức ép lên Trung Quốc, theo giới phân tích.
Ông Yoichiro Sato, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương cho biết: "Vấn đề này đã luôn không được nói ra… nhưng lần này, họ đang có lập trường mạnh mẽ hơn".
Robert Ward, một nghiên cứu viên cấp cao về An ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, cho biết sự thay đổi trong cách Nhật Bản thể hiện mối quan tâm về Đài Loan là rất quan trọng.
Ông Ward nói: "Nhật Bản đang vạch ra một dạng giới hạn và do đó tạo ra những kỳ vọng.
"Chính phủ mới sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn hơn, như ông Motegi đang thể hiện. Điều này phù hợp với nỗ lực của Nhật Bản nhằm cân bằng vị thế cường quốc của Trung Quốc."
Thông điệp mạnh mẽ
Kishida, một cựu ngoại trưởng, trước đó đã nói với các phóng viên rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden khoảng 20 phút và họ đã xác nhận hợp tác an ninh khu vực.
Ông nói: "Chúng tôi khẳng định sức mạnh của liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản, cũng như cam kết hợp tác cùng nhau để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Ông Kishida không đề cập đến Đài Loan trong các bình luận của mình với các phóng viên nhưng nói: "Chúng tôi cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ để giải quyết các thách thức mà khu vực này phải đối mặt liên quan đến Trung Quốc và Bắc Hàn."
Ông Kishida nói rằng ông đã nhận được một thông điệp "mạnh mẽ" từ ông Biden về cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quần đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông, nơi Nhật gọi là quần đảo Senkaku. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này, nơi mà họ gọi là Điếu Ngư.
Hôm thứ Hai, ông Kishida đã công bố một nội các mới, bao gồm các đồng minh là cựu Thủ tướng Shinzo Abe và cựu Bộ trưởng Tài chính Taro Aso giữ các chức vụ quan trọng, cùng với những chính trị gia tương đối mới, theo lời hứa trao cơ hội cho các nhà lập pháp trẻ tuổi.
Ông Kishida, 64 tuổi, người Hiroshima, đã gây bất ngờ cho phe đối lập khi kêu gọi một cuộc bầu cử vào ngày 31/10 và tuyên bố sẽ hỗ trợ đối phó với đại dịch virus corona.
Nhưng những cam kết của ông dường như không giúp ông được yêu thích hơn trước cuộc bầu cử. Một cuộc thăm dò hàng ngày của Mainichi cho thấy tỷ lệ tán thành ông Kishida là 49% - so với tỷ lệ 64% ủng hộ trước đây cho chính quyền của thủ tướng cũ khi ông này lên nhậm chức.
Ngả về cánh hữu
Kishida, người theo phái ôn hòa truyền thống của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, đã ngả về cánh hữu khi ông vận động tranh cử để trở thành lãnh đạo đảng này.
Ông Kishida đã nói rằng việc Nhật có được khả năng tấn công các căn cứ của đối phương, một bước đi gây tranh cãi được ông Abe hậu thuẫn, là một lựa chọn khả thi và ông sẽ chỉ định một phụ tá để giám sát việc Trung Quốc đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ (Uyghur). Trung Quốc phủ nhận việc ngược đãi này.
Nhấn mạnh trọng tâm của nội các mới về Trung Quốc, ông Kishida đã tạo ra vị trí Bộ trưởng An ninh kinh tế, do Takayuki Kobayashi, 46 tuổi đảm nhiệm. Ông Kobayashi từng giúp xây dựng các chính sách nhằm bảo vệ các công nghệ nhạy cảm trong chuỗi cung ứng và an ninh mạng từ Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo đầu tiên của mình, ông Kobayashi thể hiện thái độ trung lập, nói rằng các mối quan hệ có tầm quan trọng lớn đối với cả hai nước.
Ông Kobayashi nói: "Điều quan trọng là Trung Quốc, với tư cách là một siêu cường kinh tế, tuân thủ các quy tắc của cộng đồng quốc tế và thực hiện trách nhiệm của mình theo cách phù hợp với một quốc gia lớn để phát triển hơn nữa nền kinh tế toàn cầu".
https://www.bbc.com/vietnamese/world-58799060
Tân Thủ tướng Nhật sắp tới Fumio Kishida 'nhiều năm hiểu sâu Việt Nam'
Fumio Kishida, người rất quen thuộc với Việt Nam, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở Nhật hôm thứ Tư.
Nhờ vậy, ông sẽ thành Thủ tướng kế nhiệm Yoshihide Suga, chính thức từ tuần sau.
Vị nghị sĩ Hiroshima sẽ kế nhiệm Thủ tướng Yoshihide Suga không được lòng dân, người đã không tái tranh cử làm lãnh đạo đảng chỉ sau một năm nhậm chức.
Hai ứng cử viên nữ, Sanae Takaichi, 60 tuổi và Seiko Noda, 61 tuổi, đã rời khỏi cuộc đua sau vòng đầu tiên.
Không có ứng cử viên nào giành được đa số trong vòng đầu tiên, và vòng tiếp theo là giữa Kishida hạng nhất và Taro Kono người thứ hai.
Trong vòng hai, Kishida - người đã giành được 256 phiếu bầu ở vòng đầu tiên - đã đánh bại Kono với 257 phiếu bầu, so với 170 phiếu của Kono.
Năm ngoái, Fumio Kishida cũng ra tranh chức chủ tịch đảng, đối đầu với Yoshihide Suga để thay Shinzo Abe.
Shinzo Abe khi đó lại ủng hộ Suga.
Tại cuộc họp báo vào buổi tối sau khi chiến thắng, Kishida - cựu ngoại trưởng Nhật - đã nói về "ba quyết tâm" của mình trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Đó là bảo vệ các giá trị cơ bản như dân chủ, duy trì hòa bình và ổn định xung quanh Nhật Bản, và đưa Nhật Bản đóng góp tích cực vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Kishida cũng trình bày tầm nhìn của mình về "chủ nghĩa tư bản mới":
"Thành quả của tăng trưởng kinh tế tập trung ở một nhóm nhỏ người. Những thành quả như vậy cần được chia sẻ cho càng nhiều người càng tốt. Khoảng cách giữa nhóm người giàu, nhóm thu nhập trung bình và thấp, các thành phố lớn và tỉnh lẻ, phải được thu hẹp lại."
Fumio Kishida sẽ dẫn dắt đảng LDP vào cuộc bầu cử Hạ viện tháng 11/2021.
'Hiểu biết Việt Nam'
Fumio Kishida đã nhiều năm đảm nhận vai trò tổng thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt và vì thế, cá nhân ông được cho là rất quan tâm và hiểu biết về chính trị Việt Nam.
Ngày 29/9, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ từ tháng 12/2011-7/2015, nói với báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng dù ai lên nắm quyền Thủ tướng Nhật Bản, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nói thêm, "trong một số lần tiếp xúc với các đoàn Việt Nam, ông Kishida cho biết dù rất bận trên cương vị Ngoại trưởng nhưng ông vẫn đề nghị tiếp tục giữ cương vị Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt. Bận thế nào ông cũng thu xếp dự họp Liên minh".
Theo Reuters, Fumio Kishida chia sẻ sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản và tăng cường quan hệ an ninh với Hoa Kỳ và các đối tác khác, bao gồm nhóm QUAD của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ, đồng thời duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Reuters cho hay Kishida muốn tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản và ủng hộ việc thông qua một nghị quyết lên án việc Trung Quốc đối xử với các thành viên thiểu số Uyghur. Ông cũng đặt mục tiêu bổ nhiệm một trợ lý thủ tướng để giám sát tình hình nhân quyền người Uyghur.
Tuy vậy, CGTN, kênh tiếng Anh truyền hình nhà nước Trung Quốc, lại tuyên bố Kishida là "lựa chọn tốt nhất có thể cho Bắc Kinh", trong một bài bình luận sau kết quả bầu cử.
Chiến thắng của ông tạo cơ hội cho quan hệ giữa hai nước được cải thiện, CGTN nói.
Tiểu sử Tân Thủ tướng Nhật Fumio Kishida
Sinh ngày 29/7/1957, ông tốt nghiệp trường Luật, Đại học Waseda năm 1982.
Ông lần đầu trúng cử Hạ viện năm 1993.
Giai đoạn 2009-2012, khi đảng LDP rơi vào vị trí đảng đối lập, ông đứng đầu ủy ban phụ trách lưỡng viện của đảng LDP.
Khi LDP quay lại nắm quyền tháng 12 năm 2012, ông trở thành ngoại trưởng, có lúc ngắn ngủi kiêm bộ trưởng quốc phòng.
Từ tháng 8 năm 2017 tới tháng Chín 2020, ông đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu Chính sách của đảng LDP. Thời gian này, ông giúp soạn thảo chính sách đối phó Covid-19 cho đảng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-58743112
Geen opmerkingen:
Een reactie posten