woensdag 6 oktober 2021

Đến cá mập trắng còn phải sợ cá voi sát thủ, nhưng cá voi sát thủ lại sợ loài cá voi hoa tiêu nhỏ bé hơn

 

Đến cá mập trắng còn phải sợ cá voi sát thủ, vậy cá voi sát thủ có biết sợ loài nào khác không?

THANH LONG , THEO PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC 3 NGÀY TRƯỚC
BÁO NÓI - 6:13

Đã có một vài báo cáo cho thấy con mồi nhỏ hơn tấn công trở lại cá voi sát thủ.

Chúng ta biết cá voi sát thủ là một loài động vật ăn thịt đầu bảng. Có nghĩa là chúng ăn thịt tất cả các loài sinh vật khác trong đại dương mà không có kẻ thù nào có thể đe dọa và ăn thịt chúng.

Bản thân cái tên cá voi sát thủ đến từ việc chúng săn và ăn thịt cá voi (còn cá voi sát thủ thực chất thuộc họ cá heo). Ngoài ra, cá voi sát thủ còn ăn thịt cả cá mập, bao gồm cá mập trắng khổng lồ.

Chỉ cần phát hiện ra một con cá voi sát thủ trong khu vực sinh sống của mình, qua tiếng kêu hoặc việc ngửi mùi long diên hương của chúng, cá mập trắng khổng lồ sẵn sàng rủ cả đàn trốn sang vùng biển khác, nhường lại khu vực đánh bắt dồi dào cho những ông hoàng thực thụ của biển cả.

Đến cá mập trắng còn phải sợ cá voi sát thủ, vậy cá voi sát thủ có biết sợ loài nào khác không? - Ảnh 1.

Đến cá mập trắng còn phải sợ cá voi sát thủ, vậy cá voi sát thủ có sợ loài cá nào không?

Thế nhưng, cá voi sát thủ dường như vẫn phải sợ một loài khác: cá voi hoa tiêu. Khi nghe thấy tiếng huýt sáo của chúng, những con cá voi sát thủ liền lẳng lặng quay đầu bơi đi. Một số nhà sinh vật biển trước đây còn bắt gặp đàn cá voi hoa tiêu đuổi đánh cá voi sát thủ.

Anna Selbmann, nghiên cứu sinh tiến sĩ đến từ Đại học Iceland cho biết: "Điều này khá bất thường vì cá voi sát thủ vốn là loài săn mồi đầu bảng. Thật kỳ lạ khi thấy chúng phải sợ một loài sinh vật nào khác".

Cá voi hoa tiêu có thể đuổi cá voi sát thủ

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2015, khi Selbmann và giáo sư hướng dẫn của mình Filipa Samara tham gia vào Dự án Nghiên cứu cá voi sát thủ ở Iceland. Họ đã theo dõi một đàn cá voi sát thủ ở ngoài khơi nước này trong suốt một thời gian dài. 

Có một lần khi Samara đang nghe tiếng kêu từ một đàn cá voi sát thủ khi chúng đang bơi thì bỗng nhiên có một tiếng huýt sáo the thé chen vào giữa. "Sau đó những con cá voi sát thủ im bặt. Khi tiếng huýt sáo lớn hơn, một đàn cá voi hoa tiêu xuất hiện còn những con cá voi sát thủ thì quay đầu bơi đi", cô nói.

Kể từ đó tới nay, Samara đã để ý quan sát và ghi nhận được tới 20 sự kiện cá voi sát thủ đụng độ cá voi hoa tiêu. Trong phần lớn các trường hợp ấy, cá voi sát thủ đều tránh đụng độ với loài hàng xóm của mình.

Nhưng một khi cuộc đụng độ bắt buộc phải diễn ra, Samara sẽ thấy đàn cá voi hoa tiêu đuổi những con cá voi sát thủ chạy với tốc độ cao. Cả hai loài đều ngoi lên khỏi mặt nước khiến vai trò của chúng trong cuộc rượt đuổi trở nên rất rõ ràng. Chỉ có cá voi hoa tiêu đuổi, còn cá voi sát thủ chạy.

Đến cá mập trắng còn phải sợ cá voi sát thủ, vậy cá voi sát thủ có biết sợ loài nào khác không? - Ảnh 2.

So sánh tương quan kích thước cá voi sát thủ (trên) và cá voi hoa tiêu (dưới). Mặc dù được gọi là cá voi, cả hai loài này thực chất nằm trong họ cá heo.

Điều này rất kỳ lạ vì cá voi hoa tiêu vốn nhỏ hơn cá voi sát thủ. Chúng chỉ dài được tới 6 m, nặng hơn 3 tấn, so với 9 m và cân nặng 6 tấn của cá voi sát thủ. Ngoài ra, cá voi sát thủ nổi tiếng là một loài săn mồi hung dữ, chúng ăn cả các loài cá voi nhỏ hơn như cá voi minke, cá voi trắng belugas, kỳ lân biển cho đến các loài lớn hơn như cá voi sừng tấm.

Bản thân cá voi hoa tiêu cũng có thể trở thành con mồi của cá voi sát thủ. Các nhà khoa học từng tìm thấy dạ dày của cá voi sát thủ chứa thịt của cá voi hoa tiêu. Vậy tại sao đàn cá voi hoa tiêu ở Iceland lại đuổi được cá voi sát thủ?

Các giả thuyết được đưa ra

Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Report vào tháng 3, các nhà khoa học tại Đại học Curtin, Australia cho biết cá voi hoa tiêu ở ngoài khơi nước này có thể bắt chước tiếng kêu của cá voi sát thủ.

"Khi ở dưới môi trường nước, ánh sáng truyền tới đó rất yếu. Vì vậy, các loài cá voi phải dựa vào âm thanh để phát hiện ra con mồi hay động vật ăn thịt chúng để điều hướng di chuyển", Christine Erbe, giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Biển tại Đại học Curtin nói.

Những con cá voi hoa tiêu dường như đã học được tiếng của cá voi sát thủ, từ đó đánh lừa chúng rằng khu vực này đã có một đàn cá voi sát thủ khác. Vì vậy, những con cá voi sát thủ mới tới sẽ phải rời đi.

"Một giả thuyết nữa là khi chúng sử dụng những âm thanh tương tự này, cá voi sát thủ sẽ không nhận ra chúng là con mồi", Erbe nói.

Đến cá mập trắng còn phải sợ cá voi sát thủ, vậy cá voi sát thủ có biết sợ loài nào khác không? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, Selbmann và Samarra cho biết điều này không đúng với những con cá voi hoa tiêu ở vùng biển Iceland. Theo đó, bộ đôi đã thu âm những tiếng cá voi hoa tiêu và phát lại chúng qua loa trên thuyền. Họ xác định đó chính là tiếng kêu của cá voi hoa tiêu chứ không phải tiếng bắt chước cá voi sát thủ.

Khi tiếng kêu được phát lại, những con cá voi hoa tiêu đã bơi tiến lại gần thuyền vì nghĩ đó là tiếng gọi của đồng loại. Trong khi, những con cá voi sát thủ nghe thấy tiếng kêu này đã lẳng lặng bơi tránh đi.

Vì vậy điều đó đưa họ tới giả thuyết thứ hai cho rằng cá voi hoa tiêu có thể đang tranh giành con mồi với cá voi sát thủ. Tuy nhiên, Selbman cho rằng điều này cũng không đúng. Bởi cá voi hoa tiêu ở Iceland chủ yếu ăn mực, còn cá voi sát thủ ở vùng này thường ăn cá trích.

"Một giả thuyết khác cho rằng đó là hành vi đánh hội đồng kẻ săn mồi", Selbman nói. "Rất nhiều loài động vật thường đánh hội đồng kẻ đi săn chúng để gây ra yếu tố bất ngờ".

Hành vi này đã được quan sát thấy trên nhiều loài động vật trên cạn như sóc đất khi chúng ném cát vào rắn đuôi chuông, chim kiskadee vờn diều hâu, những con quạ hợp lực đánh lại đại bàng hói và gà tây đánh đuổi cáo.

Nếu một loài sinh vật tấn công kẻ săn mồi của chúng, nhiều khả năng là chúng làm vậy để bảo vệ con non của mình trong đàn. Cá voi hoa tiêu nổi tiếng là một loài di chuyển theo đàn lớn, có thể lên tới hàng trăm con bao gồm con non, một đối tượng có thể dễ bị cá voi sát thủ tấn công.

Vì vậy, đây có vẻ là giả thuyết khả thi nhất. Những đàn cá voi hoa tiêu lớn có thể dọa được cá voi sát thủ, thường chỉ đi săn theo nhóm nhỏ dưới 12 con.

Đến cá mập trắng còn phải sợ cá voi sát thủ, vậy cá voi sát thủ có biết sợ loài nào khác không? - Ảnh 4.

Steve Ferguson, nhà sinh thái học biển động vật có vú tại Đại học Manitoba cho biết mặc dù cá voi sát thủ là loài săn mồi đầu bảng và các loài cá voi nhỏ hơn thường có xu hướng tránh chúng. Tuy nhiên, đã có một vài báo cáo cho thấy con mồi nhỏ hơn tấn công trở lại cá voi sát thủ. Và một loài cá voi khổng lồ là cá voi lưng gù cũng có thể tấn công cá voi sát thủ để bảo vệ một loài cá voi khác.

Dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, các quan sát mới bây giờ cho thấy ngai vàng của cá voi sát thủ dường như không vững chắc như chúng ta tưởng. "Có thể có điều gì đó đã thay đổi trong hệ sinh thái này", Samarra nói. Cô và các đồng nghiệp của mình đang tiến hành các nghiên cứu kỹ càng hơn để tìm hiểu điều đó, về trường hợp của những con cá voi sát thủ sợ cá voi hoa tiêu.

Tham khảo AtlanticScientificamerican

Geen opmerkingen:

Een reactie posten