zondag 4 juli 2021

TP HCM vượt 5.000 ca nhiễm: Chính quyền đẩy nhanh « tốc độ » khoanh vùng cách ly

 

TP HCM vượt 5.000 ca nhiễm: Chính quyền đẩy nhanh « tốc độ » khoanh vùng cách ly

Thứ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Trường Sơn (P) nói chuyện với một người tại khu vực cách ly của một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 23/01/2020.
Thứ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Trường Sơn (P) nói chuyện với một người tại khu vực cách ly của một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 23/01/2020. Thanh Chung/VNA via REUTERS

Thành phố Hồ Chí Minh được coi là « tâm dịch » của Việt Nam từ hơn một tháng nay. Liên tiếp trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới liên tiếp ở mức ba con số theo số liệu của chính quyền, với mức kỷ lục hơn 700 người riêng hôm qua. Hôm nay, 04/07/2021, chính quyền thông báo điều chỉnh sách lược, tăng tốc độ việc khoanh vùng « phong tỏa ».

Trước mức độ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng được xác định là rất cao, theo báo mạng của chính phủ Việt Nam, « thành phố sẽ tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong 01 giờ hoặc sớm hơn nữa, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm COVID-19 ».

Trong bối cảnh dịch bệnh đã lan sâu trong cộng đồng, và vac-xin sẽ chỉ có nhiều kể từ đầu mùa thu tới, chính quyền khẳng định vẫn sẽ tiếp tục dựa vào các phương pháp đã có để ngăn dịch. Tăng cường xét nghiệm, truy vết và khoanh vùng có nguy cơ vẫn được coi là chiến lược chống dịch chủ đạo. Bước thay đổi đáng chú ý được thông báo hôm nay là việc tăng tốc độ khoanh vùng cách ly sớm nhất có thể, ngay sau khi xác định được ca nhiễm. Hệ quả trực tiếp của việc tăng tốc này sẽ là sự gia tăng của số lượng các « điểm phong tỏa ». Tính đến ngày 01/07, tổng cộng tại Sài Gòn có 636 điểm phong tỏa, so với hơn 300 điểm vào giữa tháng trước.

Chính quyền đặt mục tiêu khống chế được dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh trong vòng hai tháng, dựa trên kết quả hai nhóm nghiên cứu trong nước, một của Đại học Fulbright do tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phụ trách, và một của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, của tiến sĩ Đinh Bá Tiến, vừa công bố hôm 01/07.

Siết chặt kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế

Kể từ đầu tháng 6, thành phố HCM đã áp dụng các biện pháp « giãn cách xã hội », và kể từ giữa tháng 6, đã bổ sung thêm nhiều biện pháp nghiêm ngặt khác, trong đó có việc cấm tụ tập quá 3 người, hay chỉ ra đường khi có các nhu cầu thiết yếu. Việc kéo dài tình trạng siết chặt phòng dịch ở mức độ cao như hiện nay thêm nhiều tuần nữa có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế hàng ngày của đông đảo người dân hành nghề tự do, có thu nhập thấp.

Ông Cao Hà Trực, một người dân thành phố, làm nghề lái xe ôm, chia sẻ tâm trạng hoang mang, bất an trước tình hình các biện pháp siết chặt chống dịch kéo dài :

Ông Cao Hà Trực- Sài Gòn

« Nhiều người rất là lo lắng, hoang mang. Đi đâu cũng thấy chăng dây (ngăn các khu vực cách ly, phong tỏa), đi đâu cũng thấy cách ly hết. Đặc biệt, có nhiều gia đình buôn bán ngoài chợ, buôn thúng bán bưng, nhưng hiện nay bị cấm không cho bán rong. Bên cạnh đó, có nhiều người con cái không đi học được. Còn em là người chạy xe ôm grab, bây giờ xảy ra tình trạng ở trong nhà, đi đâu cũng gặp nhau, người này bế tắc, người kia bế tắc, làm cho mình hoảng loạn : con lo, rồi bố lo, rồi anh chị lo, rồi vợ lo… cả gia đình bị kéo theo ».

Ông Trực cũng cho biết thêm là gia đình ông và nhiều gia đình lân cận chưa hề nhận được các khoản trợ giúp xã hội trong mùa đại dịch, mà chính quyền thông báo. 

Không minh bạch về thông tin, không thể có đối sách phù hợp

Siết chặt phòng dịch là cần thiết. Nhưng phòng chống như thế nào cho phù hợp, để giảm thiểu các thiệt hại không đáng có, thiệt hại quá sức chịu đựng đối với đông đảo người dân thành phố, hành nghề tự do. Bà Vũ Thị Phương Anh, một giáo viên, bày tỏ lo ngại :

Bà Vũ Thị Phương Anh (Sài Gòn)

« Về mặt Nhà nước, ít quan tâm đến những người buôn bán, bán hàng rong. Chủ yếu dân làm nghề tự do bán hàng ăn là chính, bán hàng ở chợ, rồi những người chạy xe grab… thì lại không được quan tâm. Phải đến 50% dân số Sài Gòn – theo đánh giá chủ quan của tôi - là những người bán hàng nhỏ, lẻ, làm nghề tự do, thì lại không được quan tâm. Đi chợ tôi thấy là cũng cấm chợ. Tôi thấy rất là nguy hiểm. Tôi nghĩ cách làm của Việt Nam vẫn là, trước hết là tuyên truyền, động viên mọi người tin là Nhà nước đang làm rất hiệu quả. Tất nhiên là đôi khi cũng cần tuyên truyền, tuy nhiên, tuyên truyền ở đây là che bớt một phần sự thực đi. Cách làm đó, tôi thấy là không còn phù hợp nữa, đặc biệt là trong việc chống dịch lần này ».

Để có được chiến lược chống dịch hiệu quả, không gây tổn hại quá mức cho người dân, việc minh bạch các số liệu dịch bệnh là vấn đề thiết yếu. Truyền thông trong nước cũng báo động về tình trạng bộ Y Tế Việt Nam không minh bạch về số liệu, gây trở ngại cho việc xác lập các biện pháp chống dịch sát hợp với thực tế, như ghi nhận của VnEconomy, « hiện vẫn chưa thấy số liệu công bố chính thức từ bộ Y Tế về tỷ lệ số ca nhiễm không triệu chứng tự khỏi, số ca nặng phải điều trị tích cực tại bệnh viện nên rất khó để điều chỉnh chiến lược điều trị cũng như có thể giảm bớt sự truy vết, khoanh vùng » (ngày 03/07/2021).

Tỉ lệ bệnh nặng bệnh nhẹ, ca không triệu chứng tự khỏi, ca phải điều trị tích cực tại bệnh viện là các chỉ số căn bản. Cho đến nay, thực trạng tỉ lệ cao ca nhiễm không có triệu chứng, hoặc chỉ ở thể nhẹ, như thực tế chung của thế giới (khoảng 80% theo một số thống kê), vẫn còn là điều ít được giới chức phụ trách ngành y tế Việt Nam chính thức thừa nhận. Điều tra về dịch bệnh hiện nay chủ yếu là để phát hiện người đang mang virus, nhằm « truy vết », « khoanh vùng » (nhờ xét nghiệm kháng nguyên và PCR). Theo nhiều chuyên gia, việc nhận diện sát quy mô, mức độ lây lan thực sự của dịch bệnh trong quá khứ và hiện tại (cũng như các phản ứng miễn dịch ở người Việt với các chủng virus gây bệnh Covid-19 hiện hành), để có phản ứng phù hợp hơn, vẫn còn là một khoảng trống. Sử dụng xét nghiệm « kháng thể » (tức antibody test) để thực hiện điều tra dịch tễ theo hướng như vậy nhìn chung vẫn là điều chưa được ngành y tế Việt Nam tiến hành, hoặc đã tiến hành mà chưa công khai kết quả.

Hơn 5.000 ca nhiễm chính thức tổng cộng của Sài Gòn, mà chính quyền công bố, liệu có thực sự phản ánh đúng quy mô dịch bệnh tại thành phố từ đầu đến nay, hay chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm ? Câu hỏi trên cho đến nay vẫn chưa có lời đáp.

TP HCM vượt 5.000 ca nhiễm: Chính quyền đẩy nhanh « tốc độ » khoanh vùng cách ly (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten