Biến chủng Delta - phép thử nặng ký cho vaccine Trung Quốc
Giới chuyên gia muốn làm rõ hơn khả năng đối phó biến chủng Delta của CoronaVac, vaccine do công ty dược Trung Quốc phát triển đang được sử dụng nhiều nhất thế giới.
Vaccine Covid-19 do Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển đã được phân phối toàn cầu với hơn 943 triệu liều. Hãng phân tích khoa học Airfinity ước tính công ty Trung Quốc đến cuối năm 2021sẽ xuất xưởng 2,9 tỷ liều CoronaVac.
Dù sản phẩm đã thể hiện khả năng ngừa, giảm nguy cơ phát bệnh và nhập viện ở người nhiễm nCoV, giới chuyên gia cảnh báo CoronaVac cần được nghiên cứu thêm về khả năng đối phó biến chủng Delta. Một trong những câu hỏi được đặt ra là liệu người đã tiêm vaccine của Sinovac cần tiêm thêm liều bổ sung để tăng cường miễn dịch hay không.
Nhu cầu làm sáng tỏ vấn đề này càng thêm cấp bách tại Indonesia. Chương trình tiêm chủng Covid-19 tại xứ sở vạn đảo phụ thuộc rất nhiều vào CoronaVac nhưng họ đang đối diện một trong những đợt bùng phát ca nhiễm nghiêm trọng nhất, chủ yếu do biến chủng mới.
Theo LaporCovid-19, một nhóm thu thập dữ liệu độc lập ở Indonesia, hơn 130 nhân viên y tế nước này đã tử vong kể từ tháng 6 vì Covid-19. Trong số đó, 58 trường hợp được ghi nhận chỉ trong tháng 7.
Thống kê này không phân tích cụ thể bao nhiêu trường hợp tử vong dù tiêm đủ hai mũi vaccine. Hiệp hội Bệnh viện Indonesia trước đó khẳng định khoảng 95% nhân viên y tế cả nước đã được tiêm chủng.
"Nhiều nhân viên y tế vẫn khỏi bệnh và có triệu chứng nhẹ. Đây là cơ sở để tin rằng vaccine của Sinovac vẫn hiệu quả ở mức độ nhất định khi gặp biến chủng mới. Nhờ vậy chúng tôi mới khuyến cáo người dân tiêm chủng", Dicky Budiman, nhà dịch tễ học gốc Indonesia đang làm việc tại Đại học Griffith ở Australia, nhận định.
Budiman đánh giá nhân viên y tế Indonesia đang trong tình trạng rủi ro cao vì nhiều yếu tố, từ thiếu hụt trang thiết bị bảo vệ đến số ca nhiễm tăng vọt trên toàn quốc. Tỷ lệ tiêm chủng trên tổng dân số của nước này mới đạt khoảng 5%, trong khi số ca nhiễm mới những ngày qua luôn vượt mốc 25.000 người.
Dù vậy, không thể loại trừ khả năng nhân viên y tế tử vong trong cuộc chiến với Covid-19 vì vaccine giảm mức bảo vệ theo thời gian và hiệu quả kháng bệnh không cao trước biến chủng nguy hiểm. Số ca tử vong trong đội ngũ y bác sĩ thời gian qua ở Indonesia là "không thể chấp nhận được" và giới khoa học cần vào cuộc tìm câu trả lời, theo Dicky Budiman.
Ngày 7/7, dư luận Indonesia tiếp tục xôn xao khi Novilia Sjafri Bachtiar, nhà khoa học dẫn đầu chương trình thử nghiệm CoronaVac tại nước này, qua đời do nhiễm nCoV. Irma Hidayana, thành viên đồng sáng lập LaporCovid-19, lưu ý phần lớn ca nhiễm nCoV dẫn đến tử vong trong đội ngũ y bác sĩ được ghi nhận ở những vùng có tỷ lệ nhân viên y tế được tiêm chủng cao.
Đánh giá thực tế từ tiêm chủng bằng CoronaVac tại Chile, được công bố trên tạp chí New England Hournal of Medicine ngày 7/7, cho thấy loại vaccine bất hoạt của Sinovac đạt hiệu quả 65,9% ngừa Covid-19, 87,5% ngừa bệnh nặng nhập viện, 90,3% ngừa bệnh chuyển biến xấu cần điều trị tích cực và 86,3% ngừa tử vong.
Nghiên cứu trên lẫn kho dữ liệu khoa học nói chung vẫn thiếu những so sánh cụ thể về mức hiệu quả của CorovnaVac trước biến chủng từ Ấn Độ.
Bản thân Trung Quốc cũng đang lo ngại về vấn đề này khi CoronaVac giữ vai trò nền tảng cho chiến dịch chủng ngừa toàn dân. Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Phùng Chí Kiên, có hai loại vaccine do nước này phát triển đều giảm hiệu quả trước biến chủng mới.
Trả lời họp báo vào tháng 6, ông nói lượng kháng thể được vaccine tạo ra phản ứng với biến chủng từ Ấn Độ không mạnh như trước. Quan chức CDC Trung Quốc từ chối công bố cụ thể ông đang nhận định về hai loại vaccine nào. Hiện có ba loại vaccine Covid-19 do Trung Quốc phát triển được sử dụng phổ biến là CanSino, CoronaVac và BBIBP-CorV của hãng Sinopharm.
Một nghiên cứu với 1.053 nhân viên y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy 23% tình nguyện viên được tiêm hai mũi vaccine của Sinovac đạt mức kháng thể vô hiệu hóa nCoV thấp hơn giới hạn hiệu quả sau ba tháng. Điều này khiến giới khoa học lo ngại khi diễn biến dịch ngày một phức tạp ở Thổ Nhĩ Kỳ với sự xuất hiện của biến chủng mới.
Dù vậy, chỉ khoảng 2,8% nhân viên y tế thuộc diện tiêm chủng đủ liệu trình xuất hiện triệu chứng khi nhiễm nCoV. Trong giai đoạn 28 đến 90 ngày sau khi tiêm mũi thứ nhất, không trường hợp nào phải nhập viện.
"Mọi vaccine đều sẽ suy giảm hiệu quả đôi chút. Chắc chắn hiệu quả của vaccine từ Sinovac cũng vậy. Câu hỏi đặt ra là mức suy giảm lớn đến đâu", Kim Đông Nhạn, giáo sư ngành khoa học y sinh tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Ông lưu ý mức hiệu quả ngừa Covid-19 của Pfizer cũng giảm từ trên 90% còn 64%, nhưng quan trọng là khả năng ngừa bệnh nặng và nhập viện vẫn đạt 93%. Bên cạnh đó, vaccine hiện nay còn nhiều triển vọng phát triển. Một trong các phương án được cân nhắc là tiêm bổ sung mũi thứ ba cho nhóm dân số rủi ro cao, hoặc tiêm trộn lẫn hai loại vaccine khác nhau.
Trung Nhân (Theo SCMP)
https://vnexpress.net/bien-chung-delta-phep-thu-nang-ky-cho-vaccine-trung-quoc-4306703.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten