maandag 3 december 2018

Mỹ sẽ hạn chế việc nhận du học sinh Trung Quốc vì sợ... "gián điệp"

Mỹ sẽ hạn chế việc nhận du học sinh Trung Quốc vì sợ gián điệp

mediaẢnh minh họa : Building 76 Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT). Ảnh 21/11/2018.REUTERS/Brian Snyder
Chính quyền Donald Trump đang xem xét khả năng kiểm tra lý lịch kỹ hơn và ban hành nhiều hạn chế khác đối với sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ, trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về tình trạng gián điệp gia tăng. Tuy nhiên, trong bài phân tích ngày 29/11/2018 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã nêu lên phản ứng bất đồng tình của nhiều trường đại học Mỹ, đang sợ bị thất thu về mặt tài chánh, nếu lượng du học sinh Trung Quốc sụt giảm.
Vấn đề Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ bằng nhiều cách đã đặc biệt nổi cộm trong quan hệ Mỹ-Trung từ ngày tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến tranh thương mại chống Bắc Kinh. Chính quyền Mỹ một mặt yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi ăn cắp, mặt khác đã tung ra một loạt những biện pháp ngăn chặn, trong đó có việc phòng chống các hình thức gián điệp công nghiệp.
Biện pháp cụ thể nhất đã được bộ Ngoại Giao Mỹ ban hành vào tháng 6 vừa qua, rút ngắn thời hạn visa từ tối đa 5 năm xuống còn một năm đối với các sinh viên sau đại học Trung Quốc đang theo học ngành hàng không, nghiên cứu robot và sản xuất công nghệ cao. Theo các quan chức Mỹ, biện pháp này nhằm hạn chế nguy cơ gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ trong các lĩnh vực thiết yếu cho an ninh quốc gia.
Điều tra thêm về lý lịch du học sinh Trung Quốc
Bên cạnh đó, chính quyền Donald Trump cũng đang cân nhắc một biện pháp khác là rà soát kỹ lưỡng lý lịch các sinh viên Trung Quốc qua Mỹ du học.
Một quan chức Mỹ cùng với ba nguồn tin từ Quốc Hội và giới đại học Mỹ đã tiết lộ với hãng Reuters rằng chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng kiểm tra thêm về nhân thân sinh viên Trung Quốc ngay từ trước khi họ đến Mỹ. Công việc cần làm bao gồm việc kiểm tra lịch sử các cuộc gọi trên điện thoại, rà soát các tài khoản mạng xã hội và các mối quan hệ của các sinh viên với các cơ quan chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu là nhằm phát hiện bất cứ manh mối khả nghi nào về mục đích tới Mỹ của sinh viên đó.
Theo một quan chức Mỹ cao cấp, chính quyền Mỹ còn dự kiến đào tạo các giới chức ngành giáo dục về cách thức phát hiện các hành vi gián điệp và tin tặc.
Một quan chức cấp cao của Mỹ giải thích : "Mọi sinh viên mà chính phủ Trung Quốc cử đi đều phải trải qua quá trình phê duyệt của đảng và chính phủ. Người đó có thể không tới Mỹ vì mục đích gián điệp như theo định nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc nào đến Mỹ đều có ràng buộc với chính phủ".
Nhà Trắng từ chối bình luận về việc xem xét những biện pháp hạn chế. Khi được hỏi về những kiểm tra bổ sung nào đang được xem xét, một quan chức Bộ Ngoại Giao cho biết là cần phải "bảo đảm sao cho những người được cấp thị thực vào Mỹ đủ tiêu chuẩn và không đặt ra bất kỳ rủi ro nào cho quyền lợi quốc gia".
Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần tố cáo Washington là đã phóng đại vấn đề vì lý do chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng các cáo buộc là vô căn cứ và "cực kỳ khiếm nhã". Ông nhận định : "Tại sao mọi người lại cáo buộc họ là gián điệp ? Tôi nghĩ rằng điều này vô cùng bất công với các sinh viên".
Việc tăng cường kiểm tra các sinh viên Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm đối phó với việc Bắc Kinh bị cho là đã sử dụng những phương thức bất hợp pháp để đạt được tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang trong cuộc chiến thương mại và ngày càng mâu thuẫn về các vấn đề kinh tế cũng như ngoại giao.
Đại học Mỹ sợ bị mất nguồn thu nhập từ sinh viên Trung Quốc
Vấn đề đối với Mỹ, theo Reuters, là làm sao dung hòa được các yêu cầu khác nhau : Vừa ngăn chặn nguy cơ gián điệp, vừa không làm mất đi những sinh viên tài năng. Ngoài ra, việc giảm số lượng sinh viên Trung Quốc có thể sẽ làm tổn hại tới tài chính của các trường đại học hoặc kìm hãm sự đổi mới công nghệ.
Vấn đề thất thu tài chánh chính là điều mà các trường đại học Mỹ sợ nhất, từ các đại học nổi tiếng như Harvard, Yale và Princeton (thuộc Liên Đoàn Ivy – Ivy League), cho đến các trường được nhà nước tài trợ như Đại Học Illinois ở Urbana-Champaign.
Những trường này đã dành phần lớn năm 2018 để vận động hành lang chống lại những gì bị họ cho là nỗ lực rộng lớn của chính quyền Mỹ nhằm hạn chế lượng sinh viên Trung Quốc thông qua việc điều chỉnh chế độ thị thực vào mùa hè vừa qua. Họ sợ rằng sắp tới đây sẽ có thêm nhiều hạn chế hơn nữa.
Mối quan tâm của họ là thu nhập khoảng 14 tỷ đô la, phần lớn là tiền học phí và các loại phí khác, hàng năm đến từ số lượng 360.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường ở Hoa Kỳ. Phần thu nhập này có thể bị giảm đi nếu các sinh viên đó bỏ Mỹ qua học ở nước khác.
Nhiều trường đại học lớn thuộc Ivy League và các trường đại học nghiên cứu hàng đầu khác, như Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) và Đại Học Stanford, đã lo lắng đến nỗi họ thường xuyên chia sẻ với nhau chiến lược ngăn nỗ lực hạn chế du học sinh của chính quyền.
Chỉ hạn chế, nhưng không cấm hoàn toàn
Đối với chính quyền Mỹ, họ hoàn toàn có lý do để thẩm tra kỹ lưỡng hơn số du học sinh Trung Quốc vào Mỹ, viện dẫn một số trường hợp gián điệp hay bị cho là gián điệp được công khai tiết lộ gần đây, liên quan tới các cựu sinh viên của Đại Học Louisiana và Đại học Duke cùng với Viện Công Nghệ Illinois ở Chicago.
Trong một cuộc điều trần gần đây tại Thượng Viện Hoa Kỳ, giám đốc FBI Christopher Wray đã xác nhận việc nhân viên FBI đã phát hiện được "những kẻ thu thập thông tin tình báo truyền thống, đặc biệt trong môi trường đại học".
Theo một thông tin trên nhật báo Anh The Financial Times, được Reuters xác nhận, cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller từng đề xuất việc cấm visa du học đối với tất cả các công dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin được Reuters trích dẫn, các biện pháp mới sẽ không dự trù việc cấm hoàn toàn sinh viên Trung Quốc.
Một nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết là ông Terry Branstad, cựu thống đốc bang Iowa, hiện là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đã thuyết phục được tổng thống Trump bác bỏ ý tưởng của ông Miller nhân một cuộc họp tại Phòng Bầu Dục vào mùa xuân vừa qua. Ông Branstad lập luận rằng lệnh cấm sẽ tác hại đến các trường đại học trên toàn nước Mỹ, chứ không chỉ riêng các trường đại học ưu tú mà nhiều người trong đảng Cộng Hòa xem là quá tự do.
Dân biểu người Mỹ gốc Hoa Triệu Mỹ Tâm (Judy Chu), bang California, cảnh báo là chính quyền Mỹ có nguy cơ phản ứng quá đáng. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, vị dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ này, đồng thời là chủ tịch Hội Nghị Sĩ Châu Á Thái Bình Dương (Congressional Asian Pacific American Caucus), xác nhận : "Những mối quan ngại cho vấn đề an ninh quốc gia cần phải được chú ý một cách nghiêm túc, nhưng tôi hết sức lo ngại trước việc đồng hóa các sinh viên và giáo sư Trung Quốc tại Mỹ với các gián điệp, và dùng họ làm bung xung".
Ngành Đại Học Mỹ gây sức ép chống lại việc hạn chế
Theo giới vận động hành lang, quan chức đại học và trợ lý Quốc Hội, các trường đại học Mỹ đã tung ra một chiến dịch lobby gây áp lực, tập trung vào Nhà Trắng, Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Mỹ. đồng thời đã tổ chức nhiều cuộc họp với FBI.
Ông Terry Hartle, phó chủ tịch cấp cao của Hội Đồng Giáo Dục Hoa Kỳ (American Council on Education), đã lên tiếng cảnh báo rằng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ có nguy cơ trở thành "con tốt" trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chủ tịch MIT L. Rafael Reif, và Andrew Hamilton, chủ tịch Đại Học New York, nằm trong nhóm các quan chức đại học hàng đầu, trong thời gian gần đây đã công bố những ý kiến về cách giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng đến từ các sinh viên Trung Quốc.
Theo ông Reif, các cơ sở giáo dục công nhận rằng gián điệp là một mối đe dọa, nhưng bất kỳ chính sách mới nào cũng cần phải "bảo vệ giá trị của sự cởi mở đã giúp các trường đại học Mỹ trở thành nguồn khám phá và trung tâm sáng kiến".
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181203-my-se-han-che-viec-nhan-du-hoc-sinh-trung-quoc-vi-so-gian-diep

Geen opmerkingen:

Een reactie posten