maandag 3 december 2018

Hiệp ước CPTPP sẽ... "buộc" Việt Nam phải cho thành lập công đoàn độc lập

CPTPP sẽ mở đường cho việc thành lập công đoàn độc lập

CPTPP sẽ mở đường cho việc thành lập công đoàn độc lập
 
Một nhà máy lắp ráp xe gắn máy tại Hải Phòng. Ảnh chụp ngày 03/11/2018.Reuters

    Không chỉ có tác động về mặt kinh tế, CPTPP, một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, còn có những tác động to lớn về mặt xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là về lao động, mở đường cho việc thành lập công đoàn độc lập.

    Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ). Như vậy Việt Nam là nước thứ 7 thông qua hiệp định này, sau các nước New Zealand, Canada, Úc, Nhật Bản, Meehicô và Singapore. CPTPP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2018.
    Không chỉ có tác động về mặt kinh tế, CPTPP, một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, còn có những tác động to lớn về mặt xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là về lao động. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiệp định này đặt ra những yêu cầu cụ thể về quyền lao động và điều kiện làm việc nhằm đảm bảo tự do thương mại, nói chung là buộc Việt Nam phải hiện đại hoá pháp luật về lao động, giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích về kinh tế một cách công bằng.
    Theo thống kê, tại Việt Nam đã có hơn 6.000 cuộc đình công diễn ra kể từ giữa thập niên 90 và tất cả đều là đình công tự phát, chứ không phải là do công đoàn khởi xướng. Trả lời phỏng vấn RFI, luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng luật sư Hoàng Luật Việt, cũng đưa ra nhận định tương tự :
    “ Hiện tại ở Việt Nam, đa phần người lao động bị thiệt thòi, vì tổ chức công đoàn lại ăn lương của người sử dụng lao động, cho nên công đoàn này thường là không hiệu quả và không bảo vệ được người lao động và tất cả tranh chấp, đình công đều mang tính tự phát. Khi mà tự phát như vậy thì họ không biết được đâu là quyền của mình và đâu là nghĩa vụ của mình, để mình thực hiện, cho nên người lao động thường là bị ép hoặc không được đảm bảo quyền lợi. Không một cá nhân, hay một tổ chức nào hiểu biết về pháp luật để bảo vệ họ.
    Một điều nữa là pháp luật Việt Nam hiện nay cũng chưa tham gia những công ước bảo vệ người lao động, cũng như bảo vệ người sử dụng lao động một cách tốt nhất theo luật của quốc tế.”
    Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động trong pháp luật, thể chế và thông lệ của họ. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO.
    Tuy nhiên, theo ILO, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản ( Công ước số 87, 98 và 105 ) liên quan đến quyền tự do hiệp hội, quyền thương lượng tập thể và xóa bỏ lao động cưỡng bức. LS Hoàng Cao Sang cho biết thêm về nội dung của 3 công ước nói trên:
    “ Cái quan trọng nhất mà hiệp định này đưa ra, đó là Việt Nam phải cam kết về vấn đề chế độ lao động, mà cụ thể là trong chương 19 của hiệp định, họ viện dẫn rất là nhiều quy định pháp luật, trong đó có Tuyên bố của ILO 1998. Trong tuyên bố đó có 8 công ước, mà Việt Nam mới ký được 5 công ước, còn 3 công ước nữa chưa ký.
    Tôi cho rằng đây là những công ước rất quan trọng đối với việc Việt Nam phải thay đổi cơ chế làm việc của mình trong các doanh nghiệp, đối với từ người sử dụng lao động cho đến người lao động và pháp luật đối với quan hệ lao động này.
    Trong 3 công ước chưa ký đó, tôi cho rằng công ước 87 là hơi “nhạy cảm” với cơ chế và pháp luật Việt Nam, đó là về quyền tự do và hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Đó là công ước quan trọng nhất, đã gây cản trở nhiều nhất trong quá trình đàm phán gia nhập CPTPP. Công ước có quy định là người lao động và người sử dụng lao động được quyền tự tạo một tổ chức và tham gia tổ chức theo sự lựa chọn của mình, chứ không phải như quy định bây giờ là phải theo công đoàn chính thức.
    Còn công ước 98 là về những nguyên tắc quyền tổ chức và thương lượng tập thể đối với người lao động. Công ước 105 là về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Điều quan trọng mà họ đưa ra là khi mà người lao động đình công hoặc bị xử lý kỷ luật thì sẽ không bị cưỡng bức, không bị bắt làm một công việc nào đó mang tính cưỡng bức, không bị phân biệt đối xử chủng tộc, xã hội, tôn giáo”.
    Lộ trình phê chuẩn ba công ước cơ bản sẽ diễn ra như thế nào, luật sư Hoàng Cao Sang cho biết :
    “ Khi Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn tham gia thì tất nhiên Việt Nam phải sửa đổi pháp luật và những cơ chế đúng với 3 công ước nói trên. Theo lộ trình tôi được biết, Việt Nam sẽ phê chuẩn công ước 98 vào năm 2019, công ước 105 vào năm 2020 và công ước 87 vào năm 2023. Công ước 87 là công ước gây cản trở nhiều nhất là Việt Nam phải có một thời gian nhất định để tham gia ký kết và phê chuẩn công ước ấy. Năm 2023 là thời hạn kéo dài nhất. Tôi cho rằng Nhà nước Việt Nam kéo dài thời gian để có một sự chuẩn bị nhất định cho công ước ấy."
    Để thực thi những nguyên tắc được đề ra trong các công ước cơ bản, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động là bước đầu tiên và quan trọng nhất tại Việt Nam. Theo kế hoạch, dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019.
    Về lâu dài, sau khi CPTTP có hiệu lực, như đã nói ở trên, người lao động ở Việt Nam trên nguyên tắc sẽ được phép thành lập hay gia nhập các tổ chức do họ tự lựa chọn ở cấp cơ sở, và những tổ chức đó có thể không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn chính thức. Như vậy là CPTPP sẽ mở đường cho việc hình thành công đoàn độc lập ở Việt Nam, một xu thế mà chính quyền đã cố trì hoãn, nhưng cuối cùng buộc phải chấp nhận đi theo. Đối với luật sư Hoàng Cao Sang, CPTPP và tiếp đến là hiệp định tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu ( EU ) là những động lực buộc Việt Nam phải thay đổi.
     http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181203-cptpp-buoc-viet-nam-phai-sua-doi-luat-lao-dong
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >                 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten