“Kho Đạn” của Bắc Kinh
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ vài ngày qua, nhiều nguồn tin quốc tế báo tin là lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu bán Công khố phiếu Hoa Kỳ trong kho dự trữ ngoại tệ để có thanh khoản ứng phó với nhiều khó khăn tài chính trước mặt. Động thái ấy gây quan ngại cho thị trường Hoa Kỳ vì có thể làm sụt giá trái phiếu và tăng phân lời hay lãi suất tại Mỹ. Trước khi tìm hiểu về hậu quả của biện pháp này, chúng ta sẽ vào cái gốc của hồ sơ ngoại hối của Bắc Kinh, là kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Xin đề nghị ông lần lượt trình bày cho bối cảnh của vấn đề.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001, Trung Quốc mở rộng việc buôn bán với thế giới bên ngoài và đạt mức xuất siêu rất cao, là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Nhờ số xuất siêu và chế độ kiểm soát ngoại hối, là can thiệp vào việc mua bán ngoại tệ với tỷ giá thấp của đồng nội tệ là đồng Nguyên, Trung Quốc tích lũy được một khối dự trữ ngoại tệ rất cao, có lúc được ước lượng là lên tới gần bốn ngàn tỷ.
- Chúng ta không quên là vào giai đoạn ấy, các nước Đông Á vừa bị vụ khủng hoảng tài chính biến thái thành khủng hoảng kinh tế nên xứ nào cũng có phản ứng tích lũy một khối ngoại tệ thật cao. Trung Quốc cũng vậy, mà dùng chính sách ngoại hối là hối suất thấp của đồng Nguyên để đông lạnh số tiền chảy vào kinh tế nhờ xuất khẩu nên mới có lượng dự trữ thuộc loại cao nhất.
- Với nhiều người thì đấy là một kho đạn hay một “quỹ chiến tranh” có thể giúp xứ này đối phó với dao động của thị trường và còn tác động vào quan hệ kinh tế với các nước khác theo chiều hướng có lợi cho mình. Thật ra tình hình đã đổi khác từ vài năm nay nên kho đạn ấy sắp cạn!
Nguyên Lam: Như mọi khi, ông khởi sự với một kết luận gây chú ý là kho đạn của Bắc Kinh đang cạn trong khi thế giới lại sợ rằng một chủ nợ của nước Mỹ đang bán tài sản làm kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta tìm hiểu tiếp xem Trung Quốc đã làm gì với kho dự trữ ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung, khi có một lượng tài sản trong tay, người ta không cất vào kho vì tài sản ấy có thể mất giá, mà nên đem đầu tư ra ngoài. Nhưng khi đầu tư thì cũng phải tính rằng đầu tư vào đâu thì có lời mà vẫn có thể kịp thời đổi ra tiền mặt cho an toàn. Vì vậy, có hai tiêu chuẩn quyết định cho việc sử dụng khối dự trữ ngoại tệ ấy, là đầu tư có lời mà an toàn.
- Theo hai tiêu chuẩn ấy, Trung Quốc đầu tư vào thị trường trái phiếu Hoa Kỳ, tức là cho nước Mỹ vay tiền bằng cách mua Công khố phiếu Mỹ. Lý do ở đây là thứ nhất, thị trường trái phiếu Hoa Kỳ có đặc tính sâu rộng nhất, lớn hơn tổng số của năm nước đi sau; và thứ hai, có mức lưu hoạt cao nhất, nghĩa là dễ đổi ra tiền mặt đem về cho an toàn mà ít bị mất giá. Thí dụ cho đơn giản là trên thị trường Mỹ, nếu có đem vào hay rút ra cả trăm tỷ thì cũng không gây dao động mạnh như với thị trường Nhật, Euro hay thị trường Anh, hoặc đồng Phật lăng Thụy Sĩ. Vì vậy, Bắc Kinh mới “chọn mặt gửi vàng”, bằng cách gửi tiền cho Mỹ vay.
- Huống hồ việc đó còn có lợi về ngoại thương cho Bắc Kinh là nhờ tiền nhiều và rẻ, thị trường Mỹ càng nhập khẩu hàng hóa và tạo ra việc làm cho nhân công Trung Quốc. Vì vậy, cùng với đà xuất siêu, Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, với tài sản Mỹ trị giá khỏang một ngàn bốn trăm tỷ đô la qua nhiều ngả đầu tư khác nhau.
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta đang hiểu ra điều ông đã trình bày kỳ trước là một thế “phân công lao động” kỳ lạ, là Trung Quốc cho Mỹ vay tiền để dễ mua hàng của Trung Quốc và đôi bên đều có lọi trong thế hợp tác này. Có phải là như vậy không, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy, nhưng ở đây ta nên chú ý đến hai mặt ấn tượng và thực tế hay hiện tượng và bản chất.
- Về hiện tượng thì Trung Quốc được tiếng là chủ nợ số một của Mỹ, tức là có thể chi phối kinh tế và cả chính trị Hoa Kỳ. Khi ấy, đã có người ví von với ngụ ngôn rằng Tầu là con kiến chắt bóp để nuôi con ve sầu Mỹ cứ ve ve suốt mùa Hè! Nhưng về thực chất thì như ta nói kỳ trước, họ giàng số phận kinh tế vào sức tiêu thụ của thị trường Mỹ, của người dân Mỹ. Sự thật thì Trung Quốc quá lệ thuộc vào xuất khẩu mà thị trường Mỹ lại chỉ nhập khẩu có 12% nhu cầu tiêu thụ. Hậu quả là Bắc Kinh được tiếng là chủ nợ số một của Mỹ mà cái miếng hay thực lực lại là túi bạc của dân Mỹ. Kể từ năm 2008, khi dân Mỹ tiêu xài ít và nhập khẩu ít hơn là Trung Quốc bắt đầu lâm nạn.
- Tôi phải nhắc lại và nhấn mạnh đến quan hệ ấy vì nhiều người có cảm quan sai, kể cả vài chính trị gia ồn ào của Hoa Kỳ, rằng Bắc Kinh có ý đồ lũng đoạn kinh tế Mỹ qua chính sách ngoại hối với đồng bạc rẻ để thành chủ nợ của Hoa Kỳ. Thực chất ở đây lại khác. Dù Bắc Kinh có ý thao túng đi nữa thì khách nợ số một là Mỹ mới nắm dao đằng chuôi với khoản tài sản rất lớn do Bắc Kinh gửi sang Mỹ qua khối Công khố phiếu này.
- Sáu năm về trước, một giới chức kinh tế cao cấp của Bắc Kinh đã than là dù ghét Mỹ lắm thì vẫn phải cho Mỹ vay tiền, tức là vẫn đầu tư tài sản của mình vào thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy họ cố tìm các ngả đầu tư khác để dần dần bớt lệ thuộc vào mức tiêu xài của Hoa Kỳ. Chuyện ấy đã rõ rệt hơn kể từ năm 2013. Nói cho cùng, nếu kinh tế Trung Quốc thật sự vững mạnh và ổn định thì họ thiếu gì cơ hội đầu tư ở bên trong mà vì sao cứ gửi qua Mỹ với phân lời quá rẻ. Chỉ vì sự an toàn!
Nguyên Lam: Câu chuyện quả là ly kỳ! Bây giờ, ta mới nói đến kho đạn của Trung Quốc. Thưa ông, Bắc Kinh hiện có bao nhiêu tiền và xoay trở thế nào với cơn sóng gió tài chính đang xảy ra?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo các ước tính mới nhất thì dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh vào cuối Tháng Bảy lên tới ba ngàn 650 tỷ đô la, có giảm so với số cao nhất là gần bốn ngàn tỷ năm 2013. Trong số đó, Bắc Kinh có chừng một ngàn 200 tỷ trực tiếp mua Công khố phiếu của Mỹ và cỡ 200 tỷ mua gián tiếp qua một cơ sở của họ tại Bỉ, vị chi là 1.400 tỷ, dù có nhiều thì vẫn chưa tới 10% của số công trái Mỹ. Còn lại là hai ngàn 250 tỷ thì có 900 tỷ cam kết vào các kế hoạch bành trướng thế lực kinh tế của Bắc Kinh, như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu AIIB, hay Tân Ngân hàng Phát triển của nhóm BRICS, và hàng loạt dự án trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Con Đương Tơ Lụa. Ngoài ra, Bắc Kinh vừa trích ra 48 tỷ đô la cho Ngân hàng Phát triển Trung Quốc CDB và 45 tỷ đô la cho Ngân hàng Xuất Nhập Cảng Export-Import Bank of China.
- Bây giờ, giữa cơn khủng hoảng, nếu Bắc Kinh muốn giữ giá đồng Nguyên trong một hạn ngạch nhất định từ nay đến cuối năm thì có thể mất thêm mỗi tháng 40 tỷ đô la, tức là nội năm nay sẽ mất 200 tỷ nữa. Tất cả những số liệu trên chỉ là ước lượng và còn có thể thay đổi hàng ngày qua nhiều biến động dồn dập như ta có thể thấy trên các thị trường quốc tế. Và mình cũng chẳng nên quên núi nợ khổng lồ của Trung Quốc có thể đã vượt quá 28 ngàn tỷ đô la.
Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng vì vậy mà tuần qua Bắc Kinh bắt đầu bán Công khố phiếu Mỹ để thu về đồng đô la hầu ứng phó với những đòi hỏi mới? Nếu như vậy thì hậu quả sẽ là gì cho thị trường Hoa Kỳ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì cảm quan ấn tượng sai, nhiều người cứ lo rằng khi Bắc Kinh bán Công khố phiếu Mỹ thì sẽ gây bất lợi cho Hoa Kỳ vì làm trái phiếu Mỹ mất giá, tức là làm tăng phân lời trái phiếu trên thị trường Hoa Kỳ khiến kinh tế Mỹ gặp khó khăn. Sự thật lại rắc rối hơn vậy.
- Việc Bắc Kinh bán tháo Công khố phiếu Mỹ không làm tăng lãi suất ngắn hạn trên thị trường Hoa Kỳ. Lãi suất ngắn hạn ấy là do Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định và có thể tăng nhẹ từ nay đến cuối năm sau khi đã hạ tới sàn từ cuối năm 2008. Lãi suất dài hạn thì tùy vào sự tính toán của thị trường theo quy luật cung cầu, nhưng tính toán đó thật ra vẫn căn cứ trên lãi suất ngắn hạn. Trong mấy ngày qua, khi Bắc Kinh kín đáo thông báo cho Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và bắt đầu xả Công khố phiếu ra ngoài thì phân lời trái phiếu, là lãi suất dài hạn tại Mỹ, lại chẳng tăng như người ta sợ hãi. Ngay trong giả thuyết là phân lời tăng vọt vì sự hốt hoảng của thị trường thì Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn thừa khả năng chống đỡ. Đó là hoãn nâng lãi suất, hoặc thậm chí dùng lại biện pháp bất thường là “tăng mức lưu hoạt có định lượng” hay “quantitative easing”. Cụ thể là mua vào Công khố phiếu và trả bằng đồng đô la, tức là bơm tiền vào kinh tế.
- Nhìn cách khác, nếu Bắc Kinh bán tháo tài sản của họ dưới dạng Công khố phiếu Mỹ thì tài sản đó càng mất giá và họ sẽ lỗ nhiều hơn khi tiếp tục bán ra. Ngược lại, hậu quả là việc Mỹ kim sụt giá chưa chắc đã gây họa cho Hoa Kỳ: tiền Mỹ càng sụt giá thì hàng Mỹ thêm rẻ và càng dễ bán. Hãy nhìn Nhật Bản mà xem, từ ba năm nay, Chính quyền của Thủ tướng Shizo Abe chỉ mong đồng Yen sụt giá để cứu nguy kinh tế của mình. Vả lại, tiền Mỹ sụt giá lại còn giảm áp suất quá tai hại hiện nay cho nhiều nước Á Châu!
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin tổng kết cuộc trao đổi về “kho đạn của Bắc Kinh”. Thưa ông, thính giả của chúng ta nên ghi nhận những gì từ các chi tiết quá phức tạp về kinh tế tài chính lẫn chính trị của kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh giàng số phận kinh tế của mình vào sức tiêu thụ và nhập khẩu của xứ khác nên lệ thuộc vào thiên hạ mà cứ tưởng là có thể xưng hùng xưng bá với khối dự trữ ngoại tệ rất cao. Thật ra, họ thắt lưng buộc bụng người dân để có một kho đạn chủ yếu vẫn là Made in USA. Có những lúc họ tưởng rằng sẽ dùng kho dự trữ ấy như võ khí để ép Mỹ mà chẳng biết là họ chỉ kê khẩu súng nước vào đầu nhà tiêu thụ Hoa Kỳ đang khát nước mà thôi!
- Phũ phàng hơn vậy là nay họ mới thấy mình hết đạn vì chỉ còn chừng 700 tỷ đô la để đối phó với đời. Khi ấy, mỗi tháng có thể mất 40 tỷ để giữ giá đồng Nguyên, hoặc sẽ mất 40 tỷ vì nạn tẩu tán tài sản khi đồng Nguyên sụt giá. Mất cửa này hay cửa khác thì cũng là mất thế lực và uy tín của một quốc gia chỉ có cái thế mà chưa có cái lực!
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa đã phân tích sự thể rất đỗi ly kỳ này.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten