Về khả năng xung đột Việt-Trung
- 6 giờ trước
Hôm 25/9, trong cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định trước Tổng thống Mỹ Barack Obama và báo giới rằng, “Các quần đảo ở Nam Hải (“Biển Nam Trung Hoa” theo cách gọi của Phương Tây hoặc “Biển Đông” của Việt Nam) từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Hoa”.
Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc để khẳng định chủ quyền ở vùng đang có tranh chấp với các nước láng giềng trong đó có Việt Nam.Tuy ông Tập cho rằng Trung Quốc có quyền duy trì cái gọi là “chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Nam Sa” (Trường Sa) nhưng ông cũng thừa nhận việc cải tạo các đảo trong khu vực này với một ít lời biện hộ.
Ông nói: “Các hoạt động xây dựng ở Quần đảo Nam Sa mà Trung Quốc đang tiến hành không nhằm mục tiêu chống lại hoặc gây ảnh hưởng bất cứ quốc gia nào, và Trung Quốc không có ý định quân sự hóa chúng”.
Một điều gần như chắc chắn là nếu như Trung Quốc không khai phát pháo đầu tiên trên “Biển Đông” thì chính quyền Obama sẽ không làm gì cả cho dù có đạn nổ, máu đổ, đầu rơi. Đối với ông Obama, “di sản hòa bình” của ông là trên hết, và ông sẽ để quyết định “tham chiến” cho người kế nhiệm vì ông sẽ không còn đủ thời gian để có câu trả lời ai đã khai pháo đầu tiên.
Mô hình mới của quan hệ Trung-Mỹ
Ngoài việc khẳng định chủ quyền “Nam Hải”, ông Tập còn cho biết thêm về chính sách ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt đối với Hoa Kỳ.Ông phát biểu rằng, “Trung Quốc cam kết chắc chắn con đường phát triển hòa bình. Để làm việc với Hoa Kỳ nhằm xây dựng các mô hình mới của mối quan hệ quan trọng quốc gia mà không có xung đột, không đối đầu, với sự tôn trọng lẫn nhau và cùng hợp tác có lợi là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc”.
Hôm 25/9 là lần thứ sáu ông Tập và ông Obama gặp nhau. Cả hai đều nhắc lại “chủ thuyết con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc mà ông Tập đã trao đổi với ông Obama vào tháng 6/2013 tại California.
Ông Tập triển khai thêm rằng “Trung Quốc không muốn có xung đột, đối đầu với Mỹ và mong muốn hợp tác vì lợi ích chung”.
Khái niệm “lợi ích chung” này là gì thì ông Tập vẫn chưa diễn giải cho công luận Mỹ hiểu nhưng trước thềm chuyến thăm Nhà Trắng, ông nói: “Cả hai bên (Hoa Kỳ và Trung Quốc) phải vì lợi ích cốt lõi của nhau, tránh tính toán sai lầm chiến lược, và kiểm soát và giải quyết đúng đắn các khác biệt”.
Chắc chắn một điều là Hoa Kỳ có “lợi ích quốc gia” lâu dài ở Châu Á – TBD và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực này như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã từng tuyên bố. Và lợi ích đó là kiến tạo hòa bình, an ninh và thịnh vượng theo tiêu chí tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Giả sử như tiêu chí đó cũng là những gì mà “Trung Hoa Mộng” của ông Tập hằng mơ ước thì cớ gì mà ông Tập phải khuyến cáo Hoa Kỳ cần “tránh tính toán sai lầm chiến lược, và kiểm soát và giải quyết đúng đắn các khác biệt”.
Thực ra lời khuyến cáo của ông Tập ngụ ý cảnh báo Hoa Kỳ nên tìm hiểu kỹ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc là gì để “tránh tính toán sai lầm chiến lược” dẫn đến xung đột gây ra đại hoạ.
Nhưng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc là gì nếu như đó không phải là muốn độc quyền thôn tính toàn bộ “Biển Đông”, xưng hùng xưng bá và đẩy Hoa Kỳ ra ngoài khu vực?
Một Trung Quốc phát triển hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng nhân quyền, luật pháp quốc tế, hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác với láng giềng và cộng đồng quốc tế vì lợi ích chung chắc chắn là một Trung Quốc không phải như những gì chúng ta đang biết hôm nay.
Xung đột quân sự Trung-Việt
Với những gì đã và đang xảy ra, nhất là với tuyên bố hôm 25/9 vừa qua của ông Tập, không ai còn nghi ngờ gì nữa về dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.Và Việt Nam nằm hoàn toàn trong tầm ngắm ngắn hạn của Trung Quốc trên Biển Đông với một lý do rất đơn giản là không ai hiện giờ có trách nhiệm pháp lý đến cứu Việt Nam mặc dù Việt Nam đang có trên cả chục đối tác chiến lược trên toàn cầu.
Tuy viễn ảnh một “đại chiến” trong khu vực chỉ là giả thuyết nhưng một cuộc đụng độ quân sự có giới hạn trên biển và/hoặc cả trên bộ là điều hoàn toàn khả thi.
Hôm 22/9, nhà nghiên cứu cao cấp Joshua Kurlantzick đã có một bản báo cáo dài đăng trên Tạp chí ngoại giao uy tín hàng đầu của Mỹ “Council on Foreign Relations” nhận định về khả năng một cuộc đụng độ quân sự Trung-Việt.
Bài viết tựa đề “A China-Vietnam Military Clash” cảnh báo các nguy cơ của một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Việt Nam đang ngày càng dâng cao.
Tác giả còn khẳng định sự rạn nứt đáng kể trong quan hệ Trung-Việt từ vài năm qua sẽ làm tăng khả năng xung đột quân sự giữa hai nước trong vòng 12 đến 18 tháng sắp tới; và tác giả thúc giục Hoa Kỳ cần tìm cách xoa dịu căng thẳng, giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong khu vực, sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ.
Tác giả còn hé lộ một số thông tin quan trọng (BBC chưa kiểm chứng độc lập), thí dụ như bộ đội biên phòng Việt Nam và Trung Quốc đã từng chạm súng hai lần trong năm 2014 và 2015, mặc dù không rõ nguyên nhân và tình hình an ninh biên giới Việt-Trung trên bộ rất căng thẳng, hai bên dường như đã chuẩn bị sẵn sàng trong mấy tháng qua cho một cuộc đọ súng.
Quan hệ Việt Trung cũng rất căng thẳng từ sau vụ giàn khoan khổng lồ HD-981 của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm thềm lục địa Việt Nam vào mùa hè năm 2014, và nhất là sau chuyến công du Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 7 vừa qua, một động thái được cho là có sự “chuyển trục chiến lược” sang Hoa Kỳ của ĐCSVN.
Trường Sa và kế hoạch tấn công Việt Nam
Với vị trí chiến lược đặc biệt của Quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện nay, cộng với việc Việt Nam là nước duy nhất có nhiều đảo nhất và chiếm nhiều đảo lớn trong quần thể này, việc Trung Quốc cần loại Việt Nam càng sớm càng tốt ra khỏi khu vực là điều hết sức cần thiết không những cho hiện tại mà cho cả tương lai.Ngoài những lợi ích về kinh tế biển và năng lượng, nơi đây còn có giá trị chính trị và ngoại giao để kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Nam Á, và với giá trị quân sự, sẽ là trạm trung chuyển tiền phương cho toàn bộ khu vực nối liền với đảo Hải Nam và Trung Hoa lục địa.
Hơn thế nữa về trung hạn, với khả năng Trung-Thái hợp tác khai thông kênh đào Kra, thì Trung Quốc sẽ không còn sợ bị Mỹ và đồng minh phong tỏa ở eo biển Malacca, trục lộ yết hầu nối liền “Biển Đông” với Ấn Độ Dương, và cũng là huyết lộ của Trung Quốc ra thế giới.
Kiểm soát Trường Sa sẽ đảm bảo thế thượng phong chiến lược của Trung Quốc trong khu vực.
Khả năng xung đột Việt-Trung xảy ra rất cao còn vì một lý do quan trọng nữa. Đó là thái độ của chính quyền Obama, đặc biệt trong năm bầu cử 2016 nhiệm kỳ cuối của ông Obama.
Năm 2016 là năm bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ mà lại là năm mà ông Obama vừa bị Quốc hội Mỹ trói tay, trói chân vì ngân sách, vừa là năm cuối của nhiệm kỳ II trước khi về hưu.
Cho nên ông Obama sẽ không thể làm gì được nhiều ngoài những lời tuyên bố hùng hồn nhưng vô thưởng vô phạt. Ông không khác chi con “vịt què” như người Mỹ vẫn thường nói.
Nếu có, Trung Quốc sẽ chọn thời điểm mùa hè 2016 để khởi chiến, vì ngoài điều kiện thời tiết tự nhiên thuận lợi cho hành quân trên bộ, trên không lẫn trên biển, Trung Quốc còn có yếu tố “thiên thời và nhân hòa của Mỹ”.
Vào thời điểm này là lúc cao trào của mùa bầu cử bên Mỹ, các ứng cử viên Mỹ tha hồ phát biểu nhưng sẽ không có ai ra được quyết định gì.
Vậy trước nguy cơ sắp mất Trường Sa, người Việt chúng ta trong và ngoài nước sẽ phải làm gì? Ông Tập Cận Bình đã nói: “Nam Hải từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Hoa”. Còn chúng ta sẽ nói gì với cộng đồng thế giới, với tiền nhân, hậu thế của chúng ta, và với cả kẻ thù?
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, luật sư hiện sống và làm việc ở Canada.
Tin liên quan
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/09/150927_xi_jinping_scs
Vương Nghị: 'Nam Sa là của Trung Quốc'
- 16 tháng 9 2015
Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, là “lãnh thổ của Trung Quốc”.
Bộ trưởng Vương Nghị phát biểu tại một hội nghị trước các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh hôm 16/9.Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh các nước, như Mỹ và Việt Nam, đã phê phán việc Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.
Ông Vương Nghị nhắc lại Trung Quốc “có căn cứ lịch sử và pháp lý đầy đủ” đối với quần đảo này.
Ông được dẫn lời nói việc Trung Quốc bảo vệ chủ quyền là “thiên kinh địa nghĩa”, và là “lẽ dĩ nhiên”.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nói Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên chuỗi đảo và bãi cạn của mình ở Biển Đông “không nhằm vào bất cứ ai, mà là muốn cải thiện điều kiện và nâng cao năng lực đồn trú, đồng thời là nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc tế xứng đáng với quốc gia lớn nhất” tại Biển Đông.
Tuyên bố này chắc chắn không được các nước như Việt Nam ủng hộ.
Hôm 15/9, khi thăm Tokyo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ra tuyên bố chung lên án việc bồi đắp đảo ở Biển Đông.
Mặc dù không nhắc tên Trung Quốc, tuyên bố này nói Việt – Nhật “quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây đang diễn ra ở Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp đảo và xây dựng công sự quy mô lớn”.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/09/150916_vuong_nghi_tq_truong_sa
'Trung Quốc đặt các nước vào sự đã rồi'
- 17 tháng 6 2015
Ngoại trưởng Việt Nam đang có chuyến thăm làm việc ở Bắc Kinh trong khi có ý kiến nói Trung Quốc đặt quốc tế vào 'sự đã rồi' về biển đảo.
Ông Phạm Bình Minh, người cũng giữ chức vụ Phó Thủ tướng, đang dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc từ 17/6-19/6.Tuy đây là cuộc họp thường niên, giới quan sát cho rằng quan chức hai bên không thể không đề cập tới những vấn đề "nóng" đang nảy sinh, nhất là thông báo mới nhất của Trung Quốc về việc hoàn tất cải tạo cơi nới các đảo và bãi đá ở Biển Đông "trong những ngày tới".
Hôm thứ Ba 16/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo nói việc xây đảo nhân tạo sắp kết thúc và nước này sẽ chuyển sang phát triển hạ tầng để phục vụ các mục đích dân sự và quân sự.
Sau khi Trung Quốc ra thông cáo, các nhà phân tích đã đưa ra nhiều bình luận về động thái này.
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn xoa dịu dư luận, trước hết là trong khu vực và sau là ở Hoa Kỳ trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington vào tháng Chín tới.
Tuy nhiên có ý kiến khác, như của nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn tại Pháp, thông báo của Trung Quốc "có ý nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục đặt dư luận thế giới trước những sự việc đã rồi".
Ông Tuấn nói với BBC: "Theo tôi, điều này không hề do 'áp lực của quốc tế' mà do tình thế áp đặt".
"Đầu năm 2013, Philippines đã đâm đơn kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài Quốc tế về một số vấn đề ở Biển Đông, như sự hiện hữu phi lý của đường chữ U và tình trạng pháp lý không rõ rệt ở một số bãi đá chìm nổi mà Trung Quốc đã chiếm trước kia của Việt Nam."
Theo nhà nghiên cứu, Trung Quốc vừa qua đã "gấp rút xây dựng và mở rộng các bãi đá chìm nổi kia, biến chúng thành những đảo nhân tạo".
"Bề ngoài, hành vi của TQ là một phương cách 'trả đũa' Philippines trong vụ kiện. Nhưng bề trong, Trung Quốc nắm lấy cơ hội để xây dựng cho mình một số căn cứ ở Biển Đông để làm bàn đạp củng cố cho những yêu sách sắp tới (trên không và trên biển) của họ."
Không còn bằng chứng
Ông Trương Nhân Tuấn nhận định Trung Quốc chấm dứt công việc xây dựng, mở rộng các bãi đá trước tháng 7/2015, là khi có phiên đầu tiên xem xét vụ kiện của Philippines tại Tòa Trọng tài Quốc tế."Về mặt công pháp quốc tế, Tòa sẽ không còn bằng chứng để xếp các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng vào hạng mục nào? Chúng có lãnh hải và hải phận kinh tế độc quyền hay không? Dĩ nhiên mọi sự mập mờ về pháp lý sẽ khiến Tòa không thể phán quyết và việc này sẽ có lợi cho phía Trung Quốc."
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, theo ông Tuấn, cũng là để đặt các bên vào việc đã rồi bởi công việc này Trung Quốc đã và đang làm song song với cải tạo đảo.
"Trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, Tòa không thể yêu cầu Trung Quốc ngưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đây. Thứ nhất là các cơ sở hạ tầng đã xây xong, hoặc gần xong. Thứ hai, Trung Quốc không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa, vì vậy các yêu cầu của Tòa sẽ không được tôn trọng."
Theo nhà nghiên cứu, tiếp đó Trung Quốc sẽ xây dựng những kiến trúc nhằm phục vụ cho những ý đồ của TQ về vùng nhận diện phòng không – ADIZ và vùng độc quyền kinh tế (EEZ), "ưu tiên cho mục tiêu quân sự hơn là cho dân sự".
Ông Trương Nhân Tuấn cho rằng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đang ở trong thế khó trong việc bảo vệ quyền lợi của Việt Nam tại Biển Đông.
"Quan điểm cũng như quyền lợi của Trung Quốc và Việt Nam về Biển Đông hoàn toàn đối nghịch mà tương quan lực lượng, quân sự cũng như kinh tế, quá chênh lệch."
Hành động của Trung Quốc thời gian qua như cấm đánh bắt cá, đặt giàn khoan 981, cho đấu thầu các lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam việc cắt cáp tàu khoa học của Việt nam ... "đã đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Việt Nam".
Ông Tuấn cho rằng Việt Nam đang và đã tỏ ra bất lực.
"Trung Quốc có thể đồng ý với ông Minh một vài điều, như không sử dụng vũ lực để giải quyết những tranh chấp, hoặc hứa hẹn ngừng việc mở rộng các đảo."
"Thực ra đó là cách Trung Quốc mua thời gian. Các đảo đã xây dựng xong, hạ tầng cơ sở cũng đã xong. Tất cả đều là việc đã rồi."
Thực tế nguy hiểm là "Trung Quốc không cần phải xây dựng thêm nữa mà cần thời gian để các nước quen với hiện trạng này. Đó cũng là thời gian để họ củng cố và phát triển lực lượng trên các đảo".
Tin liên quan
- Malaysia 'không thừa nhận đường chín đoạn'
- Hội nghề cá phản đối vụ tấn công tàu cá VN
- TQ vẫn nói xây đảo là 'hợp pháp'
- TQ 'cần tôn trọng chủ quyền VN'
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150617_vietnam_china_scs
Geen opmerkingen:
Een reactie posten