dinsdag 29 september 2015

Việt Nam : Kiểu đánh cá tận diệt bằng máy châm điện

Kiểu đánh cá tận diệt bằng máy châm điện

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-09-23
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Một thanh niên vai mang kích điện đang tận diệt cá
Một thanh niên vai mang kích điện đang tận diệt cá
RFA
Những con cá lia thia bảy màu, cá thờn bơn nổi mặt nước và cá sặc kiếm vàng kiếm đỏ bơi như mơ trong đám ruộng mùa thu nay về đâu? Những con cá trắm đen màu cổ tích và đàn cá gáy sặc sỡ màu phù sa… Hầu như đàn cá đồng năm nào đã vắng bóng trong mùa mưa này. Kiểu đánh bắt tóm cùng diệt tận bằng máy châm điện của Trung Quốc sản xuất, và những chiếc nơm, chiếc đăng hay chiếc đó bị xếp vào bảo tàng nông nghiệp chỉ cho thấy đàn cá đồng không còn nữa, chúng đã tuyệt chủng bởi kiểu đánh bắt tàn bạo và sử dụng chất hóa học vô tội vạ của con người.
Những cánh đồng thuốc độc
Sở dĩ cho đến hiện tại, loài cá thia lia bảy màu, người miền Trung còn gọi là cá rô thia hầu như không còn nữa, hiếm họa lắm mới có thể gặp một vài con bơi lạc lỏng đâu đó trong các ao hồ nhưng sự sống của chúng cũng không mấy bình an, chúng có thể chết bất kì giờ nào cho dù con người không đánh bắt là vì nguồn nước chúng đang thở hằng ngày quá nguy hiểm, lượng độc tố, hóa chất trong đó quá cao.
Một nông dân  tên Hiền, buồn bã cho chúng tôi biết: “Ít lần rồi, triệt lần rồi, không có như hồi xưa nữa, với giờ nó châm điện, nó mang bình đi châm chết hơn trơn! Cá rô thia là không thấy trơn luôn á, thì thuộc diệt cỏ, diệt mầm, thuốc sâu nằm đầy trong nước, con nào sống sót thì bị châm điện, chết hết! Cá mẹ chết thì cá con nó cũng chết…”.
Ông Hiền chia sẻ thêm với chúng tôi là hiện tại, sự sống của bất kì loài cá nào trong các đồng ruộng, bờ mương hay ao chuôm đều không bền, chúng có thể chết bất kì giờ nào bởi chất độc hóa học. Ông Hiền nói thêm là thời chiến tranh, có không ít chất độc hóa học rải xuống ao hồ nhưng cá vẫn sống được, vẫn sinh sôi nảy nở. Nhưng thời hiện tại, mặc dù không có chiến tranh mà sinh bật vẫn chết vì chất độc.
Ông Hiền cho rằng sở dĩ sinh vật bị chết đến độ tuyệt chủng như vậy là vì hàm lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng cho lúa và những loại thuốc khác có liên quan đến quá trình sản xuất nông nghiệp đã làm cho các cánh đồng trở nên dữ tợn, chứa đầy độc tố và cái chết. Mặc dù vậy, sản lượng lúa lại không hề tăng so với trước đây hai mươi năm, nông nông dân càng lúc càng thua lỗ so với trước.
Nếu như các cánh đồng trở nên không khốc, trơ trọi sinh vật bao nhiêu thì sức khỏe con người bị đe dọa bấy nhiêu. Ông Hiền khẳng định là không những sức khỏe sinh học bị đe dọa mà sức khỏe tinh thần của người nông dân cũng bị ảnh hưởng không nhẹ chút nào. Vì hiện tại, nếu biết xử lý chống sâu bọ theo cách ngày xưa người nông dân đã làm thì sâu bọ, các loại bệnh cũng không nhiều, nguồn nước trở nên trong sạch.
Ông Hiền lý giải cho quan điểm của ông rằng ngày xưa, người ta xử lý bằng phương pháp sinh học, ví dụ như có nhiều châu chấu thì dùng vợt đi bắt, cả cánh đồng đều có người đồng loạt ra bắt châu chấu. Nguồn phân cũng không phải là phân hóa học, phân tự ủ giúp cho cây phát triển tự nhiên, mạnh mẽ, ít sâu bệnh. Ngược lại, bây giờ ngay từ khi bón lót, người ta đã dùng phân hóa học, đến khi phát hiện cây lúa vừa có sâu bọ một chút thì dùng thuốc rầy để bơm. Mà đám ruộng này bơm thì đám khác cũng phải bơm để tránh tình trạng sâu bọ ruộng người mò sang ruộng mình để tránh thuốc.

Một con cá đồng chết do bị chích điện
Một con cá đồng chết do bị chích điện. RFA

Chỉ riêng cách nghĩ đó khi bơm thuốc độc, theo ông Hiền cũng đã là quá bệnh hoạn. Và khi hàng loạt đám ruộng đều bơm thuốc thì nguồn nước trở nên độc hại vô cùng, không có con cá đồng nào có thể sống sót. Nói như tiếc nuối, ông Hiền kể lại thời ông còn trẻ, chỉ cần vác cần câu ra đám ruộng trước ngõ, lần cho con mồi và lưỡi câu lọt qua các bụi lúa, nhấp vài cú, thấy đầu cần bị rung, giật lên thì chắc chắc có một con cá rô hay cá trắm, cá lóc cắn câu. Chuyện ông Hiền kể là có thật, nhưng bây giờ nếu làm như vậy không những tốn công mà còn bị xem là điên rồ.
Những chiếc bình điện Trung Quốc sản xuất
Một người chuyên đánh lưới cá ở các ao hồ hoặc những đám ruộng ngày nước lụt, ngày mưa trước đây, tên Kỷ, chia sẻ: “Ít dần rồi, không nhiều như hồi xưa nữa, giờ nó bơm thuốc, rồi họ mang bình đi châm, nó dần chết hết, cá gì cũng chết hết trơn!”
Ông Kỷ nói rằng trước đây chừng năm năm, ông vẫn còn đi đánh lưới ở các con sông cạn hoặc ao hồ sau mùa gặt, vì sau mùa gặt, ruộng khô nước, cá sẽ tập trung vào vào các ao chuôm. Thường thì ba giờ sáng ông bắt đầu đi đánh lưới, đến năm giờ sáng là hoàn tất công việc, ông mang cá về cho vợ đem ra chợ bán. Nhưng hiện tại, ông chỉ đánh cá mùa nước lụt, các ao hồ không còn con cá nào để bắt.
Sở dĩ các ao chuôm đã sạch cá là vì một phần cá đã bị chết trên ruộng trong quá trình người ta bơm thuốc cho lúa, phần khác, các bình điện do Trung Quốc sản xuất và bán ồ ạt khắp từ Bắc chí Nam là nguyên nhân dẫn đến các loài cá có nguy cơ tiệt chủng.
Điểm khác biệt giữa đánh cá bằng lưới và đánh cá bằng bình châm nằm ở chỗ nếu cá bị đánh lưới, những con cá lớn mắc lưới nhưng cá nhỏ sẽ thoát qua mắt lưới và tiếp tục sinh trưởng, sinh sản. Đánh bằng bình châm thì lớn nhỏ gì cũng không thoát, cá nhỏ bị châm điện chết trước, nổi lên trước, người ta vớt trước, sau đó cá lớn nổi lên, tiếp tục bị vớt.
Cá nhỏ được dùng cho món cá kho lá nghệ, món độc, món hiếm của giới trọc phú bây giờ, cá lớn dùng nấu lẩu, chiên xù, hấp cuốn bánh tráng… Nói chung, không có con cá nào sống sót khi các quán nhậu chiếu cố, các bợm nhậu thấy thích.
Ông Kỷ buồn bã nói rằng hiện tại, các loài cá quen thuộc như cá rô đồng, cá lóc đồng và cá bống mú, còn gọi là cá bống cơm hầu như còn rất ít, quá hiếm hoi gặp. Mà dân bắt cá một khi gặp loại cá này thì không bỏ qua dù chúng còn rất nhỏ. Cá thia lia thì hầu như đã tuyệt chủng, chỉ còn rất hiếm hoi ở một số nơi nhưng nếu còn cũng chỉ là thấy chúng đớp bóng trên mặt nước, đoán là cá thia lia chứ chưa bao giờ bắt được.
Bình kích điện châm cá do Trung Quốc sản xuất với giá rẻ mạt, từ hai trăm ngàn đồng đến một triệu đồng mỗi bộ đã nhanh chóng làm cho các loài cá trên các cánh đồng tuyệt chủng. Những con cá đồng nay về đâu? Câu hỏi giống như câu thơ này bây giờ không còn thơ là một câu điếu văn tiễn đưa từng loài cá đi vào quên lãng. Những cánh đồng trở nên trơ trọi, hoang vu…!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten