maandag 28 september 2015

Dân Hồng Kông biểu tình kỷ niệm một năm « Cách mạng Dù vàng » + Lãnh đạo phong trào sinh viên Hoàng Chi Phong


Dân Hồng Kông biểu tình kỷ niệm một năm « Cách mạng Dù vàng »


mediaHồng Kông : biểu tình trước trụ sở chính quyền kỷ niệm một năm phong trào Chiếm đóng Trung Hoàn hay "Cách mạng Dù vàng". Ảnh 28/09/2015.Reuters
Người dân Hồng Kông được kêu gọi xuống đường hôm nay 28/05/2015 kỷ niệm một năm phong trào biểu tình đòi dân chủ đã làm tê liệt một phần thành phố trong suốt hai tháng mùa thu năm 2014.
Tuy nhiên các lãnh tụ của phong trào biểu tình - mà cuối cùng đã bị khựng lại do chủ trương không khoan nhượng của Bắc Kinh - từ chối ước lượng số người sẽ tham gia. Khác với những cuộc biểu tình rầm rộ năm ngoái, cuộc xuống đường hôm nay dự định sẽ là dịp để suy ngẫm, nhằm triển khai các chiến lược mới.
Cách đây một năm, người biểu tình đòi hỏi tổ chức phổ thông đầu phiếu thực sự cho kỳ bầu Trưởng đại diện Hồng Kông năm 2017. Nhưng Bắc Kinh không nhường bước một ly nào, khiến những người tham gia phong trào « Cách mạng Dù vàng » - tên gọi có được do người biểu tình giương dù ra che chắn trước hơi cay của cảnh sát - dần dà nản chí.
Vào trưa nay, dự kiến cuộc tập họp đầu tiên diễn ra gần « Bức tường Lennon » tại khu Admiralty (Kim Chung), khu vực chính bị chiếm đóng năm ngoái. Cầu thang bên ngoài được dán hàng ngàn tờ giấy nhiều màu sắc với những dòng chữ ủng hộ phong trào phản kháng.
Cũng tại khu trung tâm tài chính này, gần các trụ sở chính quyền, chiều nay cuộc biểu tình quan trọng nhất được tổ chức. Mọi người dành một phút im lặng vào lúc 5 giờ 58 (9 giờ 58 GMT), đây là thời điểm lực lượng an ninh sử dụng hơi cay tấn công người biểu tình năm ngoái. Các nhóm ủng hộ ở Bắc Kinh cũng tổ chức những cuộc xuống đường trong ngày.
Những ngày gần đây, các cuộc biểu tình đòi dân chủ đã diễn ra nhưng số người tham dự không đông đảo. Catherine Shek, nữ sinh viên 21 tuổi nói với AFP : « Hoạt động này không chỉ nhằm kỷ niệm một năm phong trào biểu tình, mà còn để chứng tỏ người Hồng Kông không buông xuôi ». Đối với anh sinh viên 18 tuổi Law Kin Wai, phong trào « Chiếm đóng Trung Hoàn » (Occupy Central) ít nhất đã đóng vai trò ngòi nổ, « gợi lên cho sinh viên và nhiều người khác ý muốn can dự » để thay đổi.
Là cựu thuộc địa Anh được quyền tự trị rộng rãi, Hồng Kông vào mùa thu 2014 đã trải qua cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất kể từ khi bị trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Bắc Kinh đồng ý cho bầu Trưởng đại diện bằng phương thức phổ thông đầu phiếu, nhưng các ứng cử viên phải do một ủy ban gồm những đại cử tri thân Trung Quốc lựa chọn trước.
Dự luật bầu cử được Bắc Kinh ủng hộ rốt cuộc đã bị các dân biểu ủng hộ dân chủ bác bỏ hồi tháng Sáu, và nay thì trở lại tình trạng cũ : Trưởng đại diện Hồng Kông sẽ do một ủy ban thân Bắc Kinh chỉ định.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150928-nguoi-hong-kong-chuan-bi-bieu-tinh-ky-niem-mot-nam-%C2%AB-cach-mang-du-%C2%BB

Hồng Kông : Nhiều hoạt động kỷ niệm một năm phong trào Dù vàng

mediaMột góc của phong trào chiếm lĩnh trung tâm tại khu Admiralty, ngày 10/12/2014.Reuters/Athit Perawongmetha
Theo báo chí Hồng Kông và quốc tế, hôm nay 27/09/2015, nhiều hoạt động kỷ niệm một năm ngày bùng nổ phong trào Dù vàng (hay Ô vàng) đã được tổ chức tại đặc khu Hồng Kông. Nhớ lại phong trào đòi dân chủ, phản đối Bắc Kinh can thiệp, các thanh niên sinh viên suy nghĩ về ý nghĩa của một cao trào chưa từng có, kéo dài 79 ngày, và bàn thảo về các dự định tương lai.
Theo kênh truyền thông Channel New Asia, chủ trì các cuộc hội thảo này là hai nhóm Liên hiệp sinh viên Hồng Kông và Scholarism (« Học dân tư triều » [tạm dịch là "Phong trào tư tưởng của những người có học thức"], một liên minh được lập ra để chống Bắc Kinh áp đặt hệ thống giáo dục đạo đức mang tính ý thức hệ, với lãnh đạo là sinh viên Hoàng Chi Phong [Joshua Wong]).
Không khí ảm đạm chi phối một bộ phận giới tranh đấu Hồng Kông. Theo hãng tin Bloomberg, nhiều người cho rằng phong trào dân chủ Hồng Kông đã cảm thấy mất hướng, những hoạt động quy mô tương tự không có điều kiện tái diễn, và dù có diễn ra cũng không mang lại tác động mong muốn. Giáo sư Chan Kin Man, Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, là một trong những người có quan điểm như vậy.
Trong khi đó, theo Channel New Asia, anh Nathan Law (tức La Quán Thông), 22 tuổi, Tổng thư ký của Liên hiệp sinh viên Hồng Kông, kêu gọi mọi người ngừng gọi phong trào « Chiếm lĩnh trung tâm » năm ngoái là một thất bại, mặc dù phong trào không đạt được mục tiêu buộc chính quyền Bắc Kinh phải để cho công dân Hồng Kông bầu trực tiếp lãnh đạo đặc khu. Theo ông, nên hy vọng, vì kể từ thời điểm này, nhiều giá trị như dân chủ và bản sắc đã bắt rễ trong xã hội Hồng Kông. Ông Martin Lee, một trong những người sáng lập đảng Dân chủ Hồng Kông, cũng chia sẻ với cách đánh giá này (theo The Guardian hôm nay 27/09/2015).
Tờ báo Anh Quốc The Guardian dẫn lời Chow, một sinh viên 25 tuổi, chuẩn bị du học Anh, phong trào phản kháng kéo dài hai tháng năm ngoái đã làm Hồng Kông thay đổi triệt để, trước khi phong trào bùng nổ, đặc khu này vốn là « một thành phố chết » về mặt tinh thần.
Sampson Wong, 30 tuổi, giáo viên nghệ thuật, từng tham gia phong trào, kêu gọi Hồng Kông không nên quên bước ngoặt lịch sử này. Hôm qua, ông đã mở hai triển lãm nhỏ, tập hợp nhiều hiện vật liên quan đến cuộc phản kháng đường phố.
Một kế hoạch đấu tranh dài hạn
Nhóm Phong trào tư tưởng của những người có học thức (Học dân tư triều/Scholarism) vạch ra một kế hoạch đấu tranh dài hạn cho Hồng Kông, với đích ngắm là sau năm 2047, tức sau khi giai đoạn thỏa thuận cho phép Hồng Kông tự trị ở mức cao về kinh tế và chính trị sẽ chấm dứt. Chị Agnes Chow, tức Chu Đình, 18 tuổi, một lãnh đạo của Scholarism nhấn mạnh đến việc cần phải tiếp tục đấu tranh vì quyền « tự quyết » của Hồng Kông (tự quyết, nhưng không phải độc lập, như nhiều nhà hoạt động sinh viên nhấn mạnh), và cần phải bàn về « cách thức tổ chức một phong trào mới », « các hoạt động bất tuân dân sự và chiếm lĩnh mới ».
Theo các quan sát, phong trào Dù vàng năm ngoái đã thổi bùng lên ngọn lửa hành động ở giới trẻ, nhiều gương mặt đối lập mới sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu cấp địa phương cuối năm nay.
Nhà hoạt động sinh viên Chu Đình, cảnh báo thái độ thụ động của « giới dân chủ truyền thống tại Hồng Kông, vẫn hy vọng chính quyền Bắc Kinh một ngày nào đó trao dân chủ cho dân chúng Hồng Kông, một số người thậm chí còn đàm phán bí mật với giới chức chính quyền trung ương, nhưng giới trẻ hiện nay nghĩ rất khác, chúng tôi tin rằng, chỉ có hành động phản kháng, những biện pháp nằm ngoài thể chế, mới có thể mang lại thay đổi cho Hồng Kông ».
Theo nhiều người lãnh đạo cao trào chiếm lĩnh trung tâm, phong trào Dù vàng lần hai có thể xảy ra, nhưng chỉ đạt kết quả, nếu nhận được sự ủng hộ của xã hội. Các thời điểm quan trọng sắp tới là cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp vào năm 2016, và bầu lãnh đạo đặc khu hành chính năm 2017.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150927-hong-kong-nhieu-hoat-dong-ky-niem-mot-nam-phong-trao-du-vang

Hồng Kông : Lãnh tụ sinh viên Hoàng Chí Phong không nhận tội

mediaCác lãnh tụ sinh viên Châu Vĩnh Khang ( Alex Chow ), La Quán Thông (Nathan Law) và Hoàng Chi Phong - REUTERS /Tyrone Siu
Lãnh đạo phong trào sinh viên đòi dân chủ ở Hồng Kông, Hoàng Chi Phong ( Joshua Wong ) không nhận tội về các cuộc biểu tình kéo dài hơn 2 tháng.
Hoàng Chi Phong cùng với hai lãnh tụ sinh viên khác là Châu Vĩnh Khang ( Alex Chow ) và La Quán Thông ( Nathan Law ) vào tuần trước đã bị truy tố vì vai trò của họ trong một cuộc biểu tình vào tháng 9 năm ngoái, dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ, làm tê liệt các trục lộ chính của Hồng Kông.
Nhưng trong phiên xử hôm nay, 02/09/2015, Hoàng Chi Phong đã không nhận tội « xúi giục người khác tham gia tụ tập trái phép » « tham gia tụ tập trái phép ». Cũng không nhận hai tội nói trên, La Quán Thông tuyên bố với báo chí : « Chính phủ này thường xuyên hạn chế quyền tự do chính trị và tự do biểu tình ». Về phần Châu Vĩnh Khanh, chỉ bị truy tố về tội « xúi giục tụ tập trái phép », thì tuyên bố : « Người làm sai đó là chính phủ, chứ không người dân hay những nhà đấu tranh của phong trào cách mạng dù ».
Khởi đầu vào tháng 09/2014, phong trào biểu tình này đòi quyền bầu cử thật sự tự do để chọn lãnh đạo hành pháp cho Hồng Kông vào năm 2017.
Phiên xử ba lãnh tụ sinh viên này được dời lại cho đến ngày 30/10. Ngoài các tội danh nói trên, Hoàng Chí Phong cùng với hai sinh viên kia còn bị truy tố về tội « cản trở người thi hành công vụ » trong một cuộc biểu tình vào tháng 6 năm ngoái.
Cuộc biểu tình này là nhằm phản đối « sách trắng » của Trung Quốc khẳn định sự kiểm soát của Bắc Kinh lên đặc khu hành chính Hồng Kông, vùng lãnh thổ bán tự trị. Đến ngày 26/10 họ sẽ ra tòa về tội danh này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150902-hong-kong-lanh-tu-sinh-vien-hoang-chi-phong-khong-nhan-toi

Hoàng Chi Phong, người thách thức Bắc Kinh

mediaHoàng Chí Phong đấu tranh chống lại việc áp đặt môn "giáo dục tinh thần yêu nước Trung Hoa" tại Hồng Kông - REUTERS
Nhân dịp hè, báo Le Monde, ngày 21/07/2015, đăng loạt bài phác họa chân dung thế hệ trẻ. Bài viết đầu tiên được dành cho Hoàng Chi Phong, một trong những gương mặt lãnh đạo phong trào sinh viên đòi dân chủ ở Hồng Kông, thách thức chế độ Bắc Kinh.
Hoàng Chi Phong có vẻ mặt nghiêm nghị. Anh lúc nào cũng tỏ ra vội vã, khẩn trương đến mức hiếm khi nào thấy anh nở nụ cười tươi. Ở tuổi 17 mà đã được lên trang bìa của tạp chí nổi tiếng Times (số tháng 10/2014) hoặc được tạp chí Fortune xếp trong số 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm 2015, vậy mà dường như anh cũng không quan tâm lắm đến việc này.
Nhưng Hoàng Chi Phong lại tỏ ra tự hào là có số người « ưa thích » trên mạng xã hội Facebook cao hơn cả Thủ tướng Anh David Cameron. Nổi tiếng đến như vậy, nhưng anh chỉ có hai phương tiện làm việc chính là chiếc điện thoại thông minh và đôi kính.  Trong cuộc đọ sức với chính quyền Hồng Kông và đằng sau là Bắc Kinh, Hoàng Chi Phong đã đạt được thắng lợi đầu tiên vào năm 2012.
Theo yêu cầu của Bắc Kinh, ông Lương Chấn Anh, lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông muốn áp đặt bộ môn giáo dục tinh thần yêu nước Trung Hoa vào hệ thống trường học ở lãnh thổ này, từ mẫu giáo cho đến trung học phổ thông. Hoàng Chi Phong vào lúc đó mới có 15 tuổi. Anh và phong trào Học đường đã huy động được hàng ngàn người xuống đường phản đối dự luật này, buộc ông Lương Chấn Anh phải chấp nhận thất bại cay đắng ngay trong những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.
Cuối tháng Sáu vừa qua, nhà báo Florence de Changy đã gặp Hoàng Chi Phong. Với dáng vẻ rất tự nhiên, anh vừa ăn vừa trả lời phỏng vấn và giải thích là cần phải tận dụng từng giờ từng phút trong ngày để làm việc. Thời gian đi lại trên phương tiện công cộng là lúc để sắp xếp lịch làm việc, mà anh gọi là « công việc hành chính ». Hoàng Chi Phong nói : « Tôi không hề có cuộc sống riêng tư. Hầu như ngày nào tôi cũng có nhiều cuộc họp. Mỗi tuần, tôi ăn tối một hoặc hai lần với bố mẹ, giành một chút thời gian cho bạn gái. Ngay cả khi theo các môn học, tôi chỉ biết tên ba hoặc bốn người ». Rồi anh vội nói thêm rằng anh thích sống như vậy và sung sướng vì được gánh vác các trách nhiệm.
Xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Hoàng Chi Phong đang theo học ở Trường Đại học Mở Hồng Kông, thuộc loại cuối bảng xếp hạng. Nhưng chàng sinh viên này nhấn mạnh, anh muốn thông qua trường hợp bản thân mình để chứng minh rằng không cần phải có những bằng cấp tốt nghiệp ở những trường danh giá để biết cách tổ chức các phong trào xã hội.
Bình luận về sự cố tại nghị viện Hồng Kông khi dự luật về bầu cử trưởng đặc khu hành chính bị bác bỏ, Hoàng Chi Phong cho rằng không có gì đáng vui mừng cả, nền dân chủ tại Hồng Kông không hề tiến thêm được một chút nào. Theo Matthew Torne, người làm một phim tài liệu về ý thức chính trị của hai nhà hoạt động trẻ tại Hồng Kông, trong đó có Hoàng Chi Phong, thì chàng sinh viên này dường như sẽ theo đuổi con đường làm chính trị.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150721-hoang-chi-phong-thach-thuc-bac-kinh

Lãnh đạo phong trào sinh viên Hoàng Chi Phong bị hành hung

mediaHoàng Chi Phong (Joshua Wong) bị hành hung tối hôm 28/06/2015 - REUTERS /Tyrone Siu
Hoàng Chi Phong, gương mặt hàng đầu phong trào sinh viên Hồng Kông đấu tranh vì dân chủ bị hành hung tối ngày Chủ Nhật 28/06/2015. Kể từ cuộc xuống đường đòi quyền tự do bầu chọn lãnh đạo, nhiều nhà dân chủ Hồng Kông cũng bị tấn công.
Bản tin của AFP cho biết, Hoàng Chi Phong, 18 tuổi, và bạn gái đã bị đả thương vào tối hôm qua khi vừa rời khỏi một rạp xi-nê gần khu thương mại Mong Kok. Đây là nơi, phong trào dân chủ Hồng Kông chiếm đóng vào mùa thu năm ngoái để đòi được bầu cử tự do.
Theo các nhân chứng, Hoàng Chi Phong bị thương ở mặt. Cảnh sát Hồng Kông xác nhận lãnh đạo phong trào sinh viên họ Hoàng bị thương ở mắt và mũi. Thủ phạm là một thanh niên khoảng 20 tuổi.
Bản thân Hoàng Chi Phong trên mạng xã hội cá nhân lên án vụ anh bị hành hung : « Các nhà dân chủ Hồng Kông có nguy cơ bị tấn công bất kỳ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày, chứ không chỉ bị sách nhiễu khi đi biểu tình. Đó là điều khiến tôi lo ngại. Không chỉ quyền tự do bầu cử mà cả các quyền tự do cơ bản và hệ thống pháp lý bị vi phạm ».
Hồi tháng 9/2014, trong nhiều tuần lễ, phe dân chủ chiếm đóng đường phố đòi được bầu ra lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Lãnh đạo số một Hồng Kông hiện nay là người do Bắc Kinh chỉ định. Nghị viện Hồng Kông vừa bác bỏ dự luật bầu cử do Trung Quốc áp đặt, theo đó cử tri Hồng Kông được tự do chọn lựa người lãnh đạo, với điều kiện, các ứng cử viên phải đáp ứng một số tiêu chuẩn của Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150629-lanh-dao-phong-trao-sinh-vien-hoang-chi-phong-bi-hanh-hung

Geen opmerkingen:

Een reactie posten