vrijdag 25 september 2015

Chính trị - xã hội Việt Nam : 'Con ông cháu cha' - các góc nhìn

'Con ông cháu cha' - các góc nhìn

  • 23 tháng 9 2015
Image copyright AFP
Image caption Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội toàn quốc dự kiến nhóm vào đầu năm 2016.
Để quan hệ gia đình trở thành tác nhân trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự ở các cấp là một hiện tượng 'đáng buồn' và đồng thời là 'buồn cười', trong lúc xã hội có thể cảm thấy bất lực 'bó tay', theo ý kiến của nhà phân tích chính trị - xã hội Việt Nam.
Nhân việc mới đây xuất hiện một số vụ tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo ở một số tỉnh, thành trực thuộc trung ương, kể cả ở một số địa phương, được dư luận cho là các nhân sự 'con ông, cháu cha' ngay trước thềm đại hội Đảng CSVN lần thứ 12, TS Hà Hoàng Hợp, từ Singapore, bình luận:
"Đúng là con thưa cha, cháu thưa ông nơi cửa quan nó buồn cười thật," nghiên cứu viên cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), nói.
Và Tiến sỹ Hợp nêu quan điểm về một số tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm lãnh đạo các cấp, mà theo ông Việt Nam lẽ ra nên áp dụng.
Ông nói: "Nguyên tắc chọn người để làm lãnh đạo hay cấp nào cũng thế, phải đảm bảo những nguyên tắc căn bản.
"Một là năng lực, hai là đạo đức, ba là kinh nghiệm, bốn rồi mới đến tuổi tác.
"Có một nguyên tắc quan trọng nhất là quá trình để tuyển chọn hoặc bổ nhiệm phải được xảy ra một cách công khai, minh bạch, rõ ràng, công bằng.
"Không thấy việc đó một cách thường xuyên ở Việt Nam, đấy là điều đáng buồn. Nếu để xảy ra việc con thưa bố, cháu thưa ông, thì chuyện ấy sẽ thành rất buồn cười."
Nhận định được đưa ra hôm 23/9/2015, khi có tin ông Lê Phước Hoài Bảo, 30 tuổi, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam.
Ông Bảo, sinh năm 1985, là con trai cả của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh. Ông được cho là giám đốc sở Kế hoạch - Đầu tư trẻ nhất Việt Nam.

'Không minh bạch'

Cũng hôm thứ Tư, từ Hà Nội, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, đưa ra bình luận với BBC về hiện tượng này.
"Việc bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo trong bộ máy chính quyền thì rõ ràng là chúng ta (Việt Nam) đã có luật, cũng phải tổ chức thi tuyển v.v....
"Và nó có những quy trình rất rõ ràng...," PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện này nói.
"Cá nhân tôi nhận thấy rằng bộ máy nhà nước sẽ mạnh nếu với những con người lãnh đạo của các cấp khác nhau trong bộ máy hành chính mà đều được thi tuyển,
"Thì việc chúng ta sẽ lựa chọn được những người có phẩm chất, có năng lực, có ý tưởng, để mà phục vụ cho tốt và qua đó, bộ máy công quyền mạnh lên.
"Đó là câu chuyện xảy ra cách đây vài tháng.
"Thế nhưng mà đến gần đây thì rất tiếc thông tin đại chúng lại cho thấy rằng là có văn bản yêu cầu dừng việc thi tuyển.
"Như vậy là vào các vị trí lãnh đạo là không thi tuyển nữa, mà theo cất nhắc bổ nhiệm ở bên trong.
"Mà quá trình này rõ ràng là nhân dân không được biết và cũng không có tiêu chí gì cụ thể cả, thì đánh giá việc đưa người này vào vị trí kia lãnh đạo... nó hoàn toàn không minh bạch."

Xã hội bó tay?

Được hỏi Việt Nam có thể làm được gì và xã hội có thể phản ứng ra sao trước khuynh hướng 'thi tuyển' bị dừng lại, trong khi 'bổ nhiệm kín' có dấu hiệu 'quan hệ thân tộc, gia đình', mà trong dư luận lâu nay gọi là 'con ông cháu cha' hoặc mới đây gọi là 'con thưa cha, cháu thưa ông' này gia tăng, nhà nghiên cứu nói:
"Câu chuyện này là câu chuyện hệ thống rồi, ở đây chúng tôi nghĩ rằng khó mà bàn... Tôi nghĩ là xã hội bó tay, anh nào vào vị trí nào là phải chịu sự quyết định về nhân sự của đảng. Cái đó là khẳng định thực tiễn ở xã hội, hệ thống chính trị Việt Nam là như vậy," ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.
Dư luận trong ngoài nước thời gian qua từng quan tâm một số trường hợp con của lãnh đạo cao cấp được bổ nhiệm.
Mới đây, ông Lê Trương Hải Hiếu vào chức vụ Chủ tịch Quận 12, kiêm Phó Bí thư quận thuộc TP. HCM.
Năm nay ông Hiếu 34 tuổi. Ông là lãnh đạo quận huyện trẻ nhất của TP. HCM tại thời điểm hiện nay. Cha ông, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là Bí thư Thành ủy TP. HCM từ 2006 tới nay.
Hồi tháng 3/2014, ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã được Bộ Chính trị luân chuyển về tỉnh Kiên Giang làm Phó bí thư Tỉnh ủy.
Đọc thêm bài 'Từ hạt giống đỏ đến gia đình trị'.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/09/150923_con_ong_chau_cha_views

Bó tay về 'con ông cháu cha'

23 tháng 9 2015 Cập nhật lúc 19:53 ICT

(Video)

Việc 'ngừng thi tuyển' công chức ở các ngành và địa phương, trong khi tái xuất xu hướng 'con ông cháu cha' được đề cử, cơ cấu trong các hệ thống nhân sự lãnh đạo cả ở ngạch đảng và nhà nước là một hiện tượng 'đáng buồn', theo một nhà nghiên cứu từ Việt Nam.
Ý kiến trên được PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển, đưa ra từ Hà Nội trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 23/9/2015.
Theo nhà nghiên cứu này, dư luận Việt Nam thời gian gần đây đã từng tỏ ra 'hy vọng, phấn khởi' khi một số cơ quan, bộ ngành như Bộ Giao thông & Vận tải, hay Đại học Luật Hà Nội và một số nơi đã tổ chức 'thi tuyển công chức' công khai.

Bó tay

Tuy nhiên, một chủ trương yêu cầu 'ngừng lại việc thi tuyển này' theo công bố trên truyền thông đại chúng ở Việt Nam, mới đây đã tạo ra những quan ngại về khả năng nhường chỗ cho các 'sắp xếp nhân sự nội bộ' thuộc thẩm quyền 'lãnh đạo toàn diện' và tối cao của Đảng Cộng sản.
"Câu chuyện này là câu chuyện hệ thống rồi, ở đây chúng tôi nghĩ rằng khó mà bàn...
"Tôi nghĩ là xã hội bó tay, anh nào vào vị trí nào là phải chịu sự quyết định về nhân sự của đảng.
"Cái đó là khẳng định thực tiễn ở xã hội, hệ thống chính trị Việt Nam là như vậy," ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten