Monday, March 30, 2015 5:30:26 PM
HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt
HOA KỲ - Ngày Thứ Ba, 31 tháng Ba là hạn kỳ chót đạt thỏa hiệp đầu tiên cho cuộc thương thuyết kéo dài hơn 10 năm về chương trình nguyên tử của Iran.
Đại diện 5 cường quốc nguyên tử và Đức chụp hình chung hôm Thứ Hai trong lúc chờ đợi phiên họp chung quyết bản thỏa hiệp về vấn đề nguyên tử với Iran, tại khách sạn Beau Rivage Palace Hotel ở Lausanne, Thụy Sĩ. (Hình: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP/Getty Images)
|
Trong mọi trường hợp, thỏa hiệp ngày 31 tháng 3 nếu có, chỉ là một thỏa hiệp khung, chưa có hiệu lực cụ thể. Thỏa hiệp đầy đủ về tất cả mọi vấn đề kỹ thuật, theo dự trù được thảo luận chi tiết trong ba tháng và sẽ phải đạt được trước ngày 30 tháng Sáu.
Cũng có bất đồng ý kiến về thời gian giá trị của hiệp định 30 tháng Sáu. Những tin tức được tiết lộ từ bên trong cuộc thương lượng nói rằng các bên thỏa thuận là hiệp định có hiệu lực 10 năm. Nhưng 10 năm chẳng phải là lâu dài và khi hết thời gian ấy, mọi chuyện sẽ ra sao?
Căn bản của cuộc khủng hoảng nguyên tử Iran là sự không tin cậy giữa các bên. Vì vậy thương thuyết kéo dài chưa có kết quả và nếu có kết quả cũng chẳng được coi là sẽ đem đến bảo đảm nào, do đó chắc chắn không thể nào làm hài lòng mọi quốc gia trực tiếp hay gián tiếp liên hệ. Tuy nhiên nên nhìn nhận thực tế rằng mọi vấn đề phức tạp của con người không bao giờ hết, và bất cứ một cách giải quyết gì cũng chỉ là biện pháp giai đoạn, đáp ứng nhu cầu tạm thời ở mức độ tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại, để rồi tương lai sẽ tiếp tục ứng phó.
Trên thế giới, nhiều nước có vũ khí nguyên tử, nhưng tại sao quốc tế lại chỉ chú trọng tới Iran? Đó là vì trong 18 năm Iran đã giấu giếm chương trình làm giàu quặng uranium của họ, một công đoạn kỹ thuật thiết yếu để đi đến việc bí mật chế tạo vũ khí nguyên tử. Hành động này là sự vi phạm NPT, hiệp ước quốc tế cấm phát triển vũ khí nguyên tử mà họ đã ký kết. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ban hành 6 nghị quyết đòi hỏi Iran phải chấm dứt chương trình làm giàu uranium và áp dụng một loạt các biện pháp cấm vận để làm áp lực.
Hiệp ước quốc tế cấm phát triển vũ khí nguyên tử, NPT (Non-Proliferation Treaty), ra đời năm 1968 và có hiệu lực thi hành từ 1970, tới năm 1995 được kéo dài giá trị vô thời hạn. Cho đến nay, tổng cộng 191 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã tham gia ký kết vào NPT. Bắc Hàn ký kết năm 1985 nhưng không bao giờ tuân thủ và tới 2004 loan báo rút. Bốn nước hoàn toàn không ký kết gia nhập hiệp ước là Ấn Độ, Pakistan, Soudan và Israel.
NPT công nhận năm cường quốc có vũ khí nguyên tử là Mỹ, Liên Xô (bây giờ là Nga), Anh, Pháp, Trung Quốc, tất cả đều là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Ba nước ngoài hiệp ước công khai thử nghiệm và tuyên bố có bom nguyên tử: Ấn Độ, Pakistan, Bắc Hàn. Riêng Israel vẫn được coi là có thể có vũ khí nguyên tử, nhưng chính sách của nước này là không bao giờ nhìn nhận hay phủ nhận.
Ba nội dung căn bản của NPT là cấm phát triển, giải giới vũ khí nguyên tử và sử dụng nguyên tử năng vào mục tiêu hòa bình. Nội dung thứ nhất được xác định rõ ràng là không chế tạo thêm vũ khí hơn số đã có trước hiệp định. Còn vấn đề giải giới chỉ được khuyến cáo một cách đại cương về nghĩa vụ phá bỏ dần các vũ khí nguyên tử đã có qua những thương thuyết sau này, không có quy định bắt buộc cũng như thời hạn để thi hành. Điểm thứ ba về sử dụng nguyên tử năng vào mục tiêu hòa bình, được phép tinh luyện nhiên liệu dùng cho các lò phản ứng nhưng không tới mức độ có thể dùng chế tạo vũ khí, và phải tuân hành một số quy định trong khi làm giàu uranium.
Cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (IAEA = International Atomic Energy Agency) thuộc Liên Hiệp Quốc, trụ sở đặt tại Vienna, Áo, có trách nhiệm giám sát các hoạt động về nguyên tử lực trên thế giới và theo dõi sự tuân hành NPT.
Ông Mohamed Mustafa ElBaradei, ba nhiệm kỳ Tổng Giám Đốc IAEA từ 1997 đến 2009, và quyền Phó Tổng Thống Ai Cập trong một tháng sau cuộc đảo chánh quân sự lật đổ Tổng Thống dân cử phe Huynh Đệ Hồi Giáo Mohamed Morsi, nói rằng theo ước lượng, thế giới có từ 35 đến 40 nước có đủ kỹ năng phát triển vũ khí nguyên tử. Một số những nước này như Iran, Libya, Romania đã có chương trình nguyên tử bí mật nhưng sau đó từ bỏ. Tình báo Hoa Kỳ trong một phúc trình năm 2007 nói rằng Iran có chương trình phát triển vũ khí nguyên tử và đã ngưng hoạt động từ 2003 nhưng việc tinh chế uranium vẫn tiếp tục.
Qua những cuộc vận động gay go, IAEA nhiều lần được tới Iran quan sát, nhưng Iran không bao giờ cung cấp đủ thông tin về những hoạt động trong quá khứ của họ và người ta nghi ngờ đã có những cuộc thử nghiệm tại một căn cứ bí mật mà thanh tra IAEA không được phép đến điều tra.
Cuộc thương thuyết với Iran do 6 nước gồm 5 cường quốc nguyên tử và Đức là nước không có vũ khí nguyên tử. Mục tiêu trước mắt mà 6 nước muốn đạt tới là làm sao Iran đừng có khả năng sản xuất ngay vũ khí nguyên tử trong vòng một năm tới, được gọi là “thời gian khai phá” cho nỗ lực khó khăn phức tạp giải quyết vụ khủng hoảng.
Iran vẫn khẳng định là không có ý định chế tạo vũ khí và họ có quyền sử dụng năng lượng nguyên tử trong mục tiêu hòa bình nhằm phát triển kỹ nghệ. Tuy nhiên các quốc gia khác hoài nghi với lập luận ấy do đã từ lâu không thể tin điều gì của nước cộng hòa Hồi Giáo này. Cũng không tìm được bảo đảm nào là nếu có bom nguyên tử Iran sẽ hành động ra sao tại khu vực bất ổn bậc nhất trên thế giới với các quốc gia luôn luôn sẵn sàng chạy đua vũ trang.
Thỏa hiệp có thể đạt tới chắc chắn làm nhiều quốc gia không hài lòng, bởi vì xét cho cùng thì chẳng bao giờ có phía nào có thể thắng hay bại hoàn toàn khi đã phải đi vào con đường thương thuyết. Nhưng triển vọng về việc vẫn để lại cho Iran một khả năng nào đó có thể chế tạo bom nguyên tử làm Israel và các nước vùng Vịnh lo ngại.
Lập trường của Iran từ trước đến bây giờ vẫn là không chấp nhận cho dân Do Thái có một quốc gia tại vùng Canaan, miền Đất Hứa ở Trung Đông theo Thánh Kinh. Vì thế Israel lo sợ chính đáng nếu Iran trở thành quốc gia có vũ khí nguyên tử. Thủ Tướng Benjamin Netanyahu nhiều lần cảnh cáo về một “thỏa hiệp tệ hại” và theo ông “chỉ có thể an toàn nếu không cho phép Iran giữ lại một bộ máy ly tâm nào.”
Máy ly tâm là một trong những phương tiện cần thiết để làm giàu uranium. Iran vận hành khoảng 10,000 máy ly tâm và tin tức từ cuộc thương thuyết ở Lausanne, Thụy Sĩ, cho biết Hoa Kỳ có thể đồng ý cho Iran giữ lại khoảng 6,000 trong khi Iran muốn đề nghị 7,000.
Saudi Arabia, quốc gia đối thủ chính với Iran ở vùng Vịnh, chẳng những sợ Iran tới một lúc nào đó sẽ có bom nguyên tử, mà còn không muốn khi Tây Phương chấm dứt các biện pháp cấm vận, Iran sẽ hùng mạnh trở lại về kinh tế và quân sự.
Theo quan điểm của Israel và Saudi Arabia, hai nước đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Trung Đông, thì để đi tới thỏa hiệp với Iran, chính quyền Obama đã đặt nhẹ quan tâm về vấn đề an ninh của quốc gia họ. Ngược lại thì Iran cũng tố cáo cộng đồng quốc tế về đường lối hai mặt khi không làm điều gì để kiềm chế Israel dù biết rằng nước thù nghịch của họ có kho vũ khí nguyên tử,
Giải quyết cuộc khủng hoảng này không chỉ là vấn đề của Hoa Kỳ, dù Hoa Kỳ là thành viên chính trong 6 nước tiến hành cuộc thương thuyết nguyên tử với Iran. Khi giải pháp chiến tranh phải loại trừ vì không thể đem đến kết quả mà chỉ gây rối loạn cho khu vực và bất ổn kéo dài trên toàn thế giới thì ngoại giao là đường lối duy nhất. Iran đã bị tổn hại nặng nề vi những biện pháp cấm vận, nền kinh tế suy sụp, sinh hoạt xã hội khốn đốn nên buộc phải thương lượng. Bằng thỏa thuận sơ bộ năm 2013, cấm vận được giảm nhẹ và Iran phải chịu giới hạn đáng kể những hoạt động làm giàu uranium. Cả hai bên thương thuyết đều hiểu rằng dù muốn dù không bắt buộc phải tiến bước, và thỏa hiệp ngày 31 tháng 3 sẽ chỉ là bước đầu. Bước cuối cùng hãy còn trong tương lai rất xa.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=205152&zoneid=403
Geen opmerkingen:
Een reactie posten