zondag 26 april 2015

Đằng sau bức ảnh biểu tượng 'Sài Gòn thất thủ' của phóng viên UPI gốc Hà Lan Hubert Van Es

Thứ năm, 23/4/2015 | 16:02 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 23/4/2015 | 16:02 GMT+7

Đằng sau bức ảnh biểu tượng 'Sài Gòn thất thủ'

Hubert Van Es đang làm việc trong văn phòng ở Sài Gòn thì phát hiện hàng chục người leo lên một trực thăng Mỹ đậu trên mái nhà gần đó. Vơ vội đồ nghề, ông chụp một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của chiến tranh Việt Nam. 
van-es2-2988-1429775176.jpg
Bức ảnh để đời của Van Es. Ảnh: New York Times
Những ngày cuối tháng 4/1975, khi quân Giải phóng áp sát Sài Gòn, Mỹ ráo riết thực hiện chiến dịch di tản bằng máy bay trực thăng. 
Tin đồn về cuộc di tản cuối cùng đã lan truyền suốt nhiều tuần, với hàng nghìn người Mỹ, người Việt thân Mỹ và công dân các nước thứ ba được đưa lên các máy bay vận tải ở Tân Sơn Nhất đến căn cứ ở đảo Guam, Okinawa và những nơi khác.
Bám trụ Sài Gòn
Van Es khi đó là phóng viên ảnh của hãng thông tấn quốc tế UPI tại Sài Gòn. 
Khoảng 11h sáng 29/4, Brian Ellis, giám đốc văn phòng CBS News, người phụ trách điều phối việc sơ tán các phóng viên báo chí nước ngoài, gọi điện cho Van Es. Ông thông báo địa điểm tập kết nằm ở đường Gia Long, nơi những người muốn rời khỏi Sài Gòn sẽ được đón đi bằng xe buýt.
Tuy nhiên, Van Es không nằm trong số đó. Ông quyết định cùng vài đồng nghiệp trụ lại Sài Gòn càng lâu càng tốt. Là công dân Hà Lan, ông cho rằng mình sẽ ít gặp nguy hiểm hơn những người khác.
Van Es sau đó cùng một nhóm cộng tác viên người Việt đi khắp thành phố để tác nghiệp. Họ từ chối mọi lời đề nghị di tản và quyết định ở lại để chứng kiến cái kết của cuộc chiến. 
Trên đường từ điểm tập kết về, Van Es đã chụp được nhiều bức ảnh về những người Việt đang vội vã đốt giấy tờ trên đường phố vì lo sợ bị lộ mối quan hệ cũ. Các binh lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa thì vứt bỏ quân phục, vũ khí dọc con đường dẫn đến sông Sài Gòn, nơi họ hy vọng có thể lên thuyền ra biển. Ông cũng nhìn thấy một nhóm thiếu niên nhặt khẩu súng trường M-16 bị vứt lại trên đường Tự Do, nhưng không hề thấy một vụ nổ súng nào.
8-6287-1429780668.jpg
Van Es trong thời gian tác nghiệp cho hãng AP tại Việt Nam. Ảnh: Foreign Correspondents’ Club Hong Kong
Bức ảnh để đời
Trở về văn phòng nằm trên tầng thượng của khách sạn Peninsula, Van Es bắt đầu rửa phim và in ảnh. Hai nhân viên khác của UPI cũng ở lại chờ chuyến bay đầu giờ chiều tại đại sứ quán Mỹ.  
Khoảng 2h30 chiều đó, khi đang làm ảnh trong phòng tối, ông bất ngờ nghe tiếng một đồng nghiệp gọi lớn: "Van Es, ra đây ngay, có một chiếc trực thăng ở trên mái nhà".
Ông vơ vội lấy chiếc máy ảnh và ống kính dài nhất trong văn phòng, chỉ 300 mm, và lao ra ban công. 
Nhìn về tòa nhà Pittman, nơi các quan chức cấp cao của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sinh sống, Van Es thấy 20-30 người đang vội vã leo thang lên một chiếc trực thăng UH-1 Huey. Ở đầu phía trên của thang là một người Mỹ mặc thường phục, đang kéo những người ở dưới lên và đẩy họ vào bên trong trực thăng.
Chiếc thang gỗ dựng tạm được trải từ mái thấp hơn lên nóc của giếng thang máy. Vài tuần trước đó, mái của giếng thang máy đã được gia cố bằng các tấm thép để chịu được sức nặng của trực thăng. 
Có khoảng 12-14 người có cơ hội lên trực thăng, dù số chỗ tối đa của mẫu phi cơ này là 8. Những người còn lại đứng ở đó chờ đợi suốt nhiều giờ với hy vọng những chiếc trực thăng khác sẽ đến đón họ, nhưng chẳng có gì. 
"Tôi nhớ mình đã nhìn lên bầu trời và cầu nguyện. Sau khi bấm máy khoảng 10 tấm, tôi trở lại phòng tối để rửa phim và chuẩn bị sẵn sàng bản in cho ca bàn giao như thường lệ lúc 5h chiều từ văn phòng điện báo Sài Gòn sang Tokyo", ông kể lại trong một bài viết cách đây 10 năm. 
Vào thời đó, các bức ảnh được chuyển qua tín hiệu vô tuyến. Một bức ảnh đen trắng khoảng 13x18 cm với chú thích ngắn mất 12 phút để gửi đi.
Bức ảnh di tản trên mái nhà sau đó trở thành một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất cho sự thất thủ của Sài Gòn, thất bại của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cũng như cho cả cuộc chiến tranh Việt Nam. 
Khi quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, Van Es đội trên đầu một chiếc mũ ngụy trang có lá quốc kỳ Hà Lan nhỏ, in dòng chữ bằng tiếng Việt "Báo chí Hà Lan", và đi khắp các con phố để chụp ảnh. 
Ông rời Sài Gòn ngày 1/6 bằng máy bay đến Lào.  
Nhầm lẫn
Van Es đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong suốt thời gian tác nghiệp ở Việt Nam, như bức ảnh một người lính bị thương với cây thánh giá lấp loáng trên cổ, trong trận chiến tại Thừa Thiên Huế tháng 5/1969. Nhưng suốt quãng đời còn lại, tên tuổi ông vẫn gắn liền với bức ảnh biểu tượng về Sài Gòn.
Bức ảnh nổi tiếng của Van Es về một binh lính Mỹ bị thương tại Thừa Thiên Huế tháng 5/1969. Ảnh: AP
Bức ảnh nổi tiếng của Van Es về một binh lính Mỹ bị thương tại Thừa Thiên Huế tháng 5/1969. Ảnh: AP
Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, bức ảnh bị đính kèm với một chú thích sai và Van Es phải nhiều lần nỗ lực để đính chính nó nhưng vô ích. Cuối cùng, ông bỏ cuộc.
Khi gửi ảnh cho UPI, ông đã viết rõ rằng chiếc trực thăng đang đón người di tản từ mái của một tòa nhà ở trung tâm Sài Gòn. Dường như những người biên tập không đọc kỹ và cho rằng đó là đại sứ quán Mỹ, địa điểm sơ tán chính. Tòa nhà Pittman trong ảnh nằm ở số 22 đường Gia Long, nay là 22 đường Lý Tự Trọng.
Bức ảnh xuất hiện hàng nghìn lần, năm này qua năm khác, trên các kênh tin tức, báo chí, nhưng Van Es không nhận một đồng bản quyền nào, ngoại trừ số tiền thưởng ban đầu 150 USD từ UPI.
Nó đã được bán lại hai lần cùng nhiều tác phẩm khác của các phóng viên trong hãng thông tấn. Tỷ phú Bill Gates hiện là người nắm quyền sở hữu ảnh thông qua Corbis, một công ty do ông thành lập.
Sinh ra ở Hà Lan, Van Es quyết định trở thành phóng viên ảnh sau khi xem một cuộc triển lãm của nhiếp ảnh gia chiến tranh nổi tiếng Robert Capa. Năm 1967, ông đến Hong Kong làm phóng viên tự do rồi trở thành biên tập ảnh của tờ South China Morning Post. Từ năm 1969 đến 1975, ông làm việc cho hãng thông tấn AP và UPI tại Sài Gòn.
Khi chụp bức ảnh nổi tiếng trên, ông dự định rời UPI để quay lại công việc tự do. Sau chiến tranh Việt Nam, ông cũng tác nghiệp tại nhiều cuộc xung đột khác.
Van Es qua đời vì xuất huyết não vào tháng 5/2009, ở tuổi 67, tại Hong Kong, nơi ông đã gắn bó hơn 35 năm.
van-es-4850-1429775176.jpg
Hubert Van Es tại Hong Kong năm 2008. Ảnh: Reuters
Anh Ngọc (Theo New York Times)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/dang-sau-buc-anh-bieu-tuong-sai-gon-that-thu-3205004.html

Thứ năm, 23/4/2015 | 11:53 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 23/4/2015 | 11:53 GMT+7

Phóng viên ảnh không kịp thấy Việt Nam hòa bình

Larry Burrows, tác giả tấm ảnh nổi tiếng "Vươn tay" ở chiến trường Việt Nam, đã thiệt mạng trên đất Lào năm 1971, không kịp thấy mong mỏi Việt Nam trong hòa bình.
vietnam-war-larry-burrows-01-9821-142975
"Vươn tay", tấm ảnh nổi tiếng của Larry Burrows. Ảnh: Time
Larry Burrows chụp tấm "Vươn tay" tháng 10/1966, khi Thủy quân Lục chiến Mỹ tấn công đồi 400 và đồi 484, khu vực rừng núi Quảng Trị. Trong ảnh, Jeremiah Purdie, đầu quấn băng nhuốm máu, đang vươn tay về phía Larry Mitchel, đồng đội bị thương ngồi dưới đất.
"Đó không đơn giản là một bức ảnh," Ron Cook, một nhân chứng, nói. "Lính quân nằm vạ vật, bị thương hoặc chết." Cook sinh năm 1947, tới Việt Nam làm y tá trong Thủy quân Lục chiến Mỹ năm mới 19 tuổi.
Theo Time, bức ảnh thể hiện tình đồng đội đầy trìu mến giữa cảnh chiến trường khốc liệt,  xung quanh là bùn đất, cây gãy lởm chởm bởi súng đạn. Ở đó, những thanh niên Mỹ xa nhà bị ném vào cuộc chiến tranh vô nghĩa.
"Tôi cho rằng bất kỳ y tá nào phục vụ ở Việt Nam đều sẽ nói, chúng tôi là những đứa trẻ phải chăm sóc những đứa trẻ khác. Chúng tôi bị đặt trong nhiều hoàn cảnh kinh khủng," Cook nói trong cuộc triển lãm tưởng nhớ phóng viên thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam tại Frankfort, bang Kentuky, Mỹ, năm 1999.
Khi giao tranh nổ ra đầu tháng 10/1966, nhiếp ảnh gia Larry Burrows có mặt ở khu đồi. "Ông ấy không bao giờ chùn bước, luôn kiên định, ẩn hiện khắp nơi và cực kỳ ít nói. Đó là lý do tại sao chúng tôi gọi ông ấy là 'nhiếp ảnh gia từ bi'".
Tấm ảnh mà Larry Burrows chụp, là hình ảnh trường tồn đối với nhiều thế hệ, minh họa sự tàn phá kinh hoàng trong chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh ấy, còn nhắn nhủ tới tất cả những cuộc chiến khác về sự tàn khốc của chiến tranh, John Saar, đồng nghiệp của Larry viết.
Tạp chí Life sau đó công bố nhiều ảnh của Larry Burrows, nhưng phải đến 5 năm sau, "Vươn tay" mới được đưa ra, vào tháng 2/1971, khi Burrows gặp nạn trên đất Lào.
Tháng 2/1971, Larry Burrows, 44 tuổi, cùng Kent Potter 23 tuổi, Keisaburo Shimamoto 34 tuổi và Henri Huet 43 tuổi, ngồi trực thăng tác nghiệp trên không phận Lào thì bị bắn rơi. Lúc đó, phía Mỹ tổ chức một cuộc tìm kiếm, và cho rằng họ bị lạc trong rừng.
Larry Burrows sinh năm 1926 ở London, Anh. Năm 16 tuổi, ông bỏ học, xin vào báo Life. Ông từng làm việc tại nhiều phòng ảnh ở Anh trong suốt Thế Chiến II. Năm 1962, Burrows trở thành phóng viên ảnh và tới Việt Nam, hy vọng đem đến cái nhìn toàn cảnh về chiến tranh Việt Nam cho nhân dân thế giới, mong đợi được chứng kiến Việt Nam hòa bình.
"Tôi không có ý hạ thấp bất kỳ nhiếp ảnh gia nào khi nói rằng Larry Burrows là nhiếp ảnh gia chiến tranh dũng cảm và tận tụy nhất mà tôi biết. Ông đã dành 9 năm chụp ảnh chiến trường Việt Nam, trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm," Ralph Graves, biên tập viên Life phát biểu năm 1971, tưởng nhớ người đồng nghiệp mất tích.
"Ông ấy thường bảo rằng, chiến tranh là chuyện đời ông, và ông sẽ nhìn nó đi qua. Ông thường mơ rằng, được chụp ảnh Việt Nam ngày hòa bình."
Nhiều năm sau, tháng 4/2008, mảnh vỡ trực thăng và thi thể của 4 nhà báo mới được tìm thấy. 
"Ông ấy có thể lựa chọn trở thành bác sĩ phẫu thuật, quân nhân hoặc bất cứ nghề gì khác. Nhưng không, ông đã chọn nhiếp ảnh, và tận tâm với những gì mình chứng kiến qua ống kính tiêu cự 35 mm. Công việc là lẽ sống đời ông, " Saar nói.
Life là một tuần san của Mỹ, được xuất bản lần đầu năm 1883. Năm 1936, Henry Luce, ông chủ báo Time mua lại tuần san này, và chuyển nó thành tạp chí ảnh hoặc ấn phẩm chuyên đề cho những sự kiện đặc biệt cho đến nay.
File-larry-burrows-1509-1429758447.jpg
Larry Burrows. Ảnh: Wiki
Hồng Hạnh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/pho-ng-vien-a-nh-khong-ki-p-tha-y-viet-nam-hoa-binh-3205037.html

Thứ sáu, 17/4/2015 | 15:33 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 17/4/2015 | 15:33 GMT+7

Nỗi buồn của người lính sau bức ảnh 'Niềm vui vỡ òa'

"Niềm vui vỡ òa" là một trong những bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, cho thấy niềm vui khôn xiết của quân nhân Mỹ được trở về nhà. Nhưng đằng sau nó, có một nỗi buồn vì sự ly tán và xáo trộn trong cuộc sống của nhân vật chính.
140618093254-02-iconic-vietnam-8665-5094
Gia đình Stirm vui mừng chào đón ông trở về. Ảnh: AP
Sau khi ký kết Hiệp định Paris tháng 1/1973, Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam đồng thời với chiến dịch trao trả các tù binh Mỹ.  Từ tháng 2/1973, Mỹ tổ chức chiến dịch "Về nhà", điều 54 chuyến bay ra Hà Nội để đưa công dân về nước.
Tấm ảnh "Niềm vui vỡ òa" được Slava "Sal" Veder, phóng viên ảnh hãng AP, chụp ngày 13/3/1973. Trong ảnh, trung tá Robert L. Stirm đoàn tụ với gia đình tại căn cứ không quân Travis, hạt Solano, bang California, Mỹ.
"Bạn có thể cảm thấy sinh lực và cảm xúc dâng trào trong tấm ảnh", phóng viên Veder nói. Hôm đó có 20 tù binh trở về, và khoảng 400 người thân ra đón. Veder nhanh tay bấm máy và chọn 6 tấm đem rửa. Ông chọn ra tấm thích nhất, đặt tên là "Niềm vui vỡ òa" rồi gửi tới tòa soạn AP.
Trung tâm của bức ảnh là cô bé Lorrie, 15 tuổi, con gái của Stirm. Cô bé dang rộng vòng tay, khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, đón bố trở về. Phía sau là những thành viên khác trong gia đình, cũng hân hoan chào đón Stirm.
"Tôi chỉ muốn đến chỗ bố nhanh nhất có thể. Chúng tôi không ngờ có ngày bố được về nhà. Giây phút đó, những lời nguyện cầu của chúng tôi đã trở thành sự thật," Lorrie nhớ lại.
Còn trung tá Stirm, đứng quay lưng lại ống kính, như một hình ảnh vô danh, đại diện cho tất cả binh lính Mỹ được trở về quê hương. Tấm hình đem lại giải Pulitzer, giải thưởng danh giá của Mỹ trong lĩnh vực báo chí và văn học, cho Veder năm 1974.
Stirm sinh năm 1933 tại San Francisco, California. Năm 1954, ông gia nhập Không quân Mỹ. Tháng 10/1967, trong chiến dịch ném bom phá hoại miền bắc Việt Nam lần thứ nhất của Mỹ, máy bay do Stirm điều khiển bị bắn rơi ở gần một cầu đường sắt phía đông Hà Nội, gần ga Yên Viên.
Stirm bị bắt và luân chuyển qua nhiều trại giam, cuối cùng chuyển đến nhà tù Hỏa Lò. Trong thời gian này, ông được giam chung phòng với John McCain, người hiện tại là thượng nghị sĩ Mỹ.
Nỗi buồn phía sau
Hơn 40 năm sau khi gia đình Stirm đoàn tụ, "Niềm vui vỡ òa" vẫn tiếp tục xuất hiện trong vô số sách báo, tuyển tập và triển lãm. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui đoàn tụ, còn ẩn chứa nỗi buồn ly tán. Ba ngày trước khi trở về căn cứ Travis, Stirm nhận được thư vợ, nói bà muốn ly hôn.
"Tôi không thể không cảm thấy mâu thuẫn", Stirm nói, nhìn vào tấm ảnh. "Tôi rất vui được gặp lại các con, tôi rất yêu chúng. Tôi biết lũ trẻ phải trải qua quãng thời gian khó khăn, nhưng có quá nhiều chuyện phải lo lắng."
Stirm và Loretta kết hôn năm 1955 và có 4 người con. Lorrie mới 9 tuổi khi Stirm bị bắt ở Hà Nội. Sau 6 năm, Stirm được về nước. Một năm sau, hai người ly hôn.
Bà Loretta được quyền nuôi hai đứa con nhỏ, ngôi nhà, xe ô tô, 40% lương hưu tương lai của chồng. Ngoài ra, vợ ông đã tiêu hết 140.000 USD trợ cấp của chồng trong 5 năm ông là tù binh, và chỉ trả lại 1.500 USD tiền chi cho chuyến du lịch với người đàn ông khác. 
Stirm kiện vợ ra tòa nhưng thất bại. Ông phải trả bà 300 USD mỗi tháng trợ cấp nuôi con. Vợ ông tái hôn năm 1974 và chuyển đến Texas sống. Còn ông, phải sống với mẹ ở San Francisco và chăm sóc hai con lớn.
"Rất nhiều chuyện đã xảy ra mà bố tôi bỏ lỡ. Và chúng tôi cần thời gian để làm quen với việc bố trở về, can thiệp vào cuộc sống của chúng tôi, và học cách chấp nhận ông," Lorrie nhớ lại.
"Tấm ảnh rất đẹp, chụp lại khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình chúng tôi", Lorrie nói. Cô và các em đều treo tấm ảnh ở vị trí trang trọng trong nhà. "Nhưng mỗi lần nhìn thấy nó, tôi lại nhớ đến những gia đình không được đoàn tụ ngày hôm ấy, và những người mãi mãi không được đoàn tụ với gia đình. Có rất nhiều, rất nhiều gia đình như thế. Và tôi tự nhủ, mình thật là may mắn."
Stirm giải ngũ năm 1977, với quân hàm đại tá và chuyển sang làm phi công cho một công ty tư nhân. Ông tái hôn rồi lại ly hôn. Năm 2005, ở tuổi 72 tuổi, Stirm nghỉ hưu và chuyển đến sống ở thành phố Foster, California.
Hồng Hạnh (theo RHP/FP)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/no-i-buo-n-cua-nguoi-linh-sau-buc-anh-nie-m-vui-vo-o-a-3201617.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten