zondag 26 april 2015

Sê Pon - mảnh đất Lào mang đầy vết sẹo bom Mỹ

Thứ bảy, 25/4/2015 | 17:36 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 25/4/2015 | 17:36 GMT+7

Sê Pon - mảnh đất Lào mang đầy vết sẹo bom Mỹ

Ở Sê pôn, tỉnh Savanakhet, Lào, thời gian và ký ức được đóng băng và giữ lại bởi con người ta không muốn quên đi quá khứ.
Hãy tưởng tượng về việc cứ 8 phút, lại có một chiếc máy bay ném bom lên đất nước bạn. 8 phút một lần, 24 tiếng một ngày và liên tục trong vòng 9 năm. Hơn 580.000 lượt xuất kích của máy bay ném bom và hơn 2 triệu tấn bom được đổ xuống. Đó là những gì đã diễn ra trên đất Lào từ năm 1964 đến năm 1973.
Đi qua cửa khẩu Lao Bảo, vào sâu trong đất Lào chừng vài chục cây số, bạn sẽ đặt chân đến một "vùng trọng điểm", nơi được in dấu đỏ trên bản đồ tác chiến của không lực Mỹ. Một số chỗ, trên những bản đồ còn lưu giữ, được các sỹ quan Mỹ vẽ dấu sao bằng bút dạ. Đó là huyện Sê pôn, một trong những nút giao thông quan trọng của đường Trường Sơn. Đây cũng là nơi đã diễn ra trận Đường 9 - Nam Lào (hay là chiến dịch Lam Sơn 719 theo cách gọi của quân đội Việt Nam Cộng hòa).
Anh-1-1_1429919402.jpg
Bản đồ tác chiến cũ của Mỹ, nơi vùng "Tchepone" (Sê pôn) được đánh dấu bằng bút đỏ.
Bên dòng sông Sê pôn màu bạc, sau hơn 40 năm, thời gian vẫn như đóng băng quá khứ. Ở bản Đông, một trong những vùng giao tranh trọng điểm, hố bom vẫn nằm sát hố bom. Số lượng hố bom B52 ở bản nhỏ này còn nhiều hơn cả những nóc nhà.
Có lý do để tin rằng đó là ngôi làng nhiều hố bom nhất thế giới. Một mặt, đây đúng là một trong những địa điểm bị ném bom nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Mặt khác, vì đặc trưng kinh tế là đất Lào rộng, dân thưa, nên những huyện lị, vùng kinh tế mới chẳng cần phải "đè" lên những mảnh đất nhấp nhô vì bom đạn. Bản Đông mới được xây cách bản Đông cũ - cái bản Đông "thuộc về quá khứ" chỉ chừng vài cây số, cũng nhà cao cửa rộng, buôn bán tấp nập. Và lý do cuối cùng là ngay cả những con người nơi đây cũng không thực lòng muốn xóa đi dấu tích của quá khứ.
Trưởng bản Khăm Ma nói rằng thỉnh thoảng vẫn có người nước ngoài đến xem những hố bom nên dân làng muốn giữ chúng lại. Đất đai rộng, mà lấp hố bom đi cũng tốn tiền, nên cứ để như thế, để con cháu và khách khứa biết mảnh đất này đã từng thế nào.
Anh-2-JPG-5628-1429920719.jpg
Trưởng bản Khăm Ma ngồi bên những con thuyền đóng từ vỏ bom.
Ở Sê pôn, bom đạn trở thành một phần bình thường của đời sống. Trong khách sạn lớn nhất huyện, những lối đi và hàng rào được trang trí bằng những vỏ bom khổng lồ. Trên dòng sông Sê pôn, những người lái đò vẫn chèo những con thuyền được ghép lại từ những vỏ bom bi. Vỏ bom bi nhẹ, để dễ nổ ra "bom con", nên làm thuyền được. "Cứ 12 cái vỏ thì làm được một cái thuyền", ông Khăm Ma cho biết.
Có một bức tường bấy nát vì bom đạn ở chùa Vặt Xa Bun Hương tại Sê pon. Bây giờ chùa đã có điều kiện xây lên nhiều gian mới khang trang, nhưng các đời sư trụ trì của ngôi chùa này dặn nhau rằng, mảnh tường này phải giữ. "Phải giữ lại, để con cháu biết sự tàn hại của chiến tranh", sư trụ trì của chùa Vặt Xa Bun Hương nói.
Anh-3-JPG-8373-1429920719.jpg
Bức tường đầy vết đạn của chùa Vặt Xa Bun Hương.
Ký ức vẫn ở lại bên dòng sông Sê pôn, nhưng không phải để níu chân tương lai. Đến bản Xạ Leo, một bản nằm ngay mặt đường 9 cách bản Đông không xa, bạn sẽ gặp thầy giáo Som Bun, cả gia đình thầy chết vì bom Mỹ năm 1968. Thầy đã liên tục đi qua những bản làng được xây trên những hố bom suốt 20 năm qua, xóa mù chữ cho trẻ con. Một mình thầy dạy 50 đứa trẻ, đủ lứa tuổi, cả đọc và viết, trong một "ngôi trường" như một cái lán dựng sơ sài trên mấy cọc gỗ, không có tường.
Thầy Som Bun không nói nhiều về những ngày bom đạn. Thầy chỉ sôi nổi kể về lớp học trong căn lán xác xơ của mình. "Vẫn còn nhiều người mù chữ, nhưng trẻ con thích đi học, người lớn cũng muốn cho trẻ con đi học. Học hết tiểu học ở đây, rồi sẽ đi học ở huyện. Học trò của tôi, bây giờ đã có người làm bác sỹ dưới Sê pôn rồi".
Anh-4-JPG-5009-1429920719.jpg
Lớp học của thầy Som Bun ở bản Xạ Leo.
Ngay trong sân chùa Vạt Xa Bun Hương rộng chỉ hơn 500 m2 có những 3 hố bom lớn, nhưng các sư cũng dặn nhau không được lấp đi. Cạnh hố bom, các sư trồng lên một cây bồ đề. 40 năm, cái cây đã thành cổ thụ. Dưới tán cây bồ đề, chùa đặt một tượng phật đứng.
Hơn 40 năm trước, đức Phật trong chùa Vặt Xa Bun Hương cũng phải chịu bom, cả ngôi chùa trở thành đống đổ nát, chỉ còn đầu gối của tượng Phật nằm ở sân chùa và giờ vẫn còn tồn tại. Hôm nay, Phật vẫn đứng an nhiên cạnh những cái hố bom năm nào, như một sự tha thứ.
Đức Hoàng

Geen opmerkingen:

Een reactie posten