woensdag 1 mei 2013

Pháp trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư Trung Quốc

Thứ ba 30 Tháng Tư 2013
Pháp trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư Trung Quốc
Lãnh đạo Pháp và TQ tại Bắc Kinh. Ngày 25/04/2013
Lãnh đạo Pháp và TQ tại Bắc Kinh. Ngày 25/04/2013
Reuters
Thanh Hà
Tổng thống Pháp trong chuyến công du Trung Quốc đầu tiên cam kết tháo gỡ mọi trở ngại để tạo điều kiện đón đầu tư của Trung Quốc. Trung Quốc đang trở thành một đối tác không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp Pháp.
Phái đoàn các doanh nhân tháp tùng tổng thống Hollande đến Bắc Kinh hài lòng trước tuyên bố nói trên của chủ nhân điện Elysée.
Ngoài hai lĩnh vực hợp tác truyền thống là năng lượng hạt nhân và công nghệ hàng không không gian, Trung Quốc còn rất quan tâm đến các lĩnh vực từ y tế, đến công nghệ chế biến thực phẩm, môi trường và kể cả công nghệ số. Bí quyết phát triển đô thị với những thành phố sạch của Pháp đang có sức thu hút cao trong mắt các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không vòng vò : Bắc Kinh mong muốn Paris là cánh cổng mở ra thị trường châu Âu cho nhiều tập đoàn của Trung Quốc. Trung Quốc kỳ vọng Pháp thuyết phục các đối tác châu Âu mạnh dạn xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao sang quê hương của ông Đặng Tiểu Bình.
Trả lời đài RFI, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, đồng thời là chủ tịch hiệp hôi Solidarité Chine, bà Marie Holzman lưu ý kinh tế là cột trụ trong quan hệ giữa Pháp với Trung Quốc :
« Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Pháp với Trung Quốc hết sức quan trọng, giữa Trung Quốc với Liên Hiệp Châu Âu lại còn quan trọng hơn nữa. Kinh tế là nền tảng trong bang giao giữa Paris với Bắc Kinh. Pháp có rất nhiều sản phẩm và kỹ thuật được Trung Quốc quan tâm : từ ngành năng lượng hạt nhân đến công nghiệp lọc nước, từ các loại rượu cao cấp đến nước hoa … Pháp tìm kiếm những thị trường tiêu thụ mới.
Trong khi đó thì Trung Quốc liên tục đi tìm các mặt hàng mới, tìm những địa bàn hoạt động mới để đầu tư. Đây là một mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên. Đương nhiên điều đó không có nghĩa là chung ta phải bỏ qua hồ sơ nhân quyền ».
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới. Tiếp tổng thống Pháp, chủ tịch Trung Quốc không quên nhấn mạnh : các doanh nghiệp xứ ông sẽ đầu tư 500 tỷ đô la ở hải ngoại trong 5 năm sắp tới. Trong năm vừa qua tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc lên tới 77 tỷ và tăng với nhịp độ trên 28 % một năm. Cũng trong 5 năm tới sẽ có thêm 400 triệu du khách Trung Quốc du lịch ở hải ngoại. Riêng năm 2012 đã có tới 83 triệu người Trung Quốc đi du lịch và theo như thống kê của Liên Hiệp Quốc thì họ đã dám xài đến 102 tỷ đô la. Phần lớn ngân sách đó được dùng để mua sắm các sản phẩm cao cấp mà Pháp là một trong những điểm hẹn không thể lỡ.
Tại Bắc Kinh, các đối tác Trung Quốc cũng đã không quên nhắc khéo tổng thống Pháp rằng tổng kim ngạch nhập khẩu của nước đông dân nhất hành tinh có triển vọng đạt tới từ 8 000 đến 10 000 tỷ đô la từ nay đến năm 2018.
Với một tỷ lệ tăng trưởng trung bình 9 % một năm tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ngày càng đông và theo nhận xét của Alexis Karklins-Marchay đặc trách về khu vực các nền kinh tế đang trỗi dậy của cơ quan tư vấn tài chính và kinh tế Ernst&Young số này đang nắm trong tay vận mệnh kinh tế của Trung Quốc. Trước hết Alexis Karklins-Marchay định nghĩa lại thế nào là tầng lớp trung lưu :
« Trước hết phải xác định rõ thế nào là tầng lớp trung lưu. Bởi vì có rất nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Theo định nghĩa của Ngân Hàng Thế Giới đó là thành phần có thu nhập hàng ngày dao động từ 2 đến 13 đô la, tính theo tỷ giá sức mua. Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn của Ngân Hàng Thế Giới thì tại Trung Quốc, trong hai thập niên vừa qua số người thuộc tầng lớp trung lưu đã tăng rất nhanh : đang từ 175 riệu vào năm 1990, đã tăng lên thành 800 vào đầu năm 2010.
Tuy nhiên thu nhập ở mức từ 2 đến 13 đô la một ngày không cho phép người tiêu dùng mua sắm thoải mái. Đấy chỉ là một chỉ số cho thấy rằng trong vòng gần 20 năm đã có tới trên 500 triệu người dân Trung Quốc thoát khỏi nghèo khó. Định nghĩa của Ngân Hàng Thế Giới có nhiều giới hạn của nó. Vì thế chúng tôi đưa ra một định nghĩa khác để cho phép so sánh tầng lớp trung lưu của Trung Quốc với những nơi khác theo chuẩn mực của thế giới.
Chúng tôi xác định nếu tính theo tỷ giá sức mua, một người có thu nhập từ 10 đến 100 đô la/ngày. Khi thu nhập trên 10 đô một ngày thì người dân bắt đầu có thể trang bị đồ dùng trong nhà, như máy móc điện tử, tủ lạnh, tivi và thậm chí là họ có thể sắm cả xe hơi.
Hiện nay tại Trung Quốc có khoảng 150 triệu người có thu nhập trung bình hàng ngày ở khoảng từ 10 đến 100 đô la. Theo thẩm định của công ty tư vấn Ernst &Yong đến năm 2030 sẽ có tới 1 tỷ người Trung Quốc có thu nhập trung bình ở mức nói trên. Nói cách khác, trong khoảng 20 năm nữa, 70 % dân số Trung Quốc được coi là tầng lớp trung lưu với thu nhập từ 10 đến 100 đô là mỗi ngày, tính theo tỷ giá sức mua. Điều đó chứng tỏ là người dân Trung Quốc đang giàu lên rất mau. 
Tầng lớp trung lưu đó sẽ là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn chuyển hướng mô hình phát triển : lấy tiêu thụ nội địa làm sức mạnh, thay vì chỉ trông chờ vào xuất khẩu như hiện tại. Họ sẽ là đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc ».
Pháp đầu tư ngày càng nhiều vào trung Quốc
Theo một công trình nghiên cứu của công ty tư vấn Price WaterhouseCoopers trong sáu tháng đầu năm 2012 Trung Quốc đầu tư vào thị trường châu Âu nhiều hơn so với khối lượng dự án của châu Âu hướng về thị trường Trung Quốc.
Năm 2011 chẳng hạn châu Âu đầu tư 7 tỷ euro vào Trung Quốc trong lúc đó thì Trung Quốc chi ra đến 11 tỷ để làm chủ một số cơ sở trên Lục địa Già. Trong 5 năm trở lại đây, các nhà đầu tư Trung Quốc không ngừng quan tâm đến các doanh nghiệp của châu Âu. Thí dụ như là vào năm 2006, Trung Quốc đã tung tiền ra để « tham gia » vào 6 cơ sở sản xuất của châu Âu. Đến năm 2011, con số đó đã được nhân lên gấp sáu lần.
Theo phân tích của PwC, khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung châu Âu là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Trung Quốc chen chân vào châu lục này, đặc biệt là để làm chủ một số những « công nghệ then chốt » trong nhiều lĩnh vực từ công nghiệp đến dịch vụ với một mục đích duy nhất : chuyển giao công nghệ về Trung Quốc hoặc sự chuyển giao đó phải là chìa khóa mở ra những thị trường mới cho các tập đoàn của Trung Quốc.
Sau các doanh nghiệp nhà nước đến lượt các hãng tư nhân trên quê hương Khổng Tử bắt đầu mở rộng địa bàn hoạt động sang châu Âu. Theo thứ tự, Đức, Anh Quốc và Pháp là ba địa điểm đặc biệt hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Trung Quốc, thu hút đến 50 % các khoản đầu tư của ông khổng lồ châu Á này tại Lục địa Già.
Từ 2011, Pháp là nhà đầu tư châu Âu quan trọng nhất của Trung Quốc.

Reuters
Các chính quyền cấp vùng ở Pháp mở rộng vòng tay đón doanh nghiệp Trung Quốc
Từ năm 2008 khi châu Âu rơi vào khủng hoảng, các tập đoàn Trung Quốc đã trở thành những đối tác công nghiệp không thể thiếu của châu Âu. Ở Pháp các vùng từ Bretagne, đến Provence, từ Champagne đến Rhône-Alpes đều đã có những chính sách để thu hút chú ý của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Tại một vùng đang phải đối phó với nạn thất nghiệp tràn làn như Lorraine, hợp tác với Trung Quốc gần như là một sự sống còn. Khu công nghiệp TerraLorraine cách thành phố Metz khoảng 25 cây số miền đông bắc nước Pháp đang mở rộng cửa đón cả trăm doanh nghiệp Trung Quốc trong hai năm sắp tới.
Còn tại vùng Indre, miền trung nước Pháp, Châteauroux và vùng phụ cận với chưa đầy 100 000 dân cư đang kỳ vọng rất nhiều vào các dự án đầu tư của 50 công ty Trung Quốc để tạo 4 000 công việc làm cho người dân.
Một nhà thầu Trung Quốc đã mua lại một miếng đất ở phía đông thành phố Châtearoux để làm cơ sở hoạt động cho khoảng 50 công ty và doanh nghiệp Trung Quốc. Châtearoux có nhiều lợi thế như là một sân bay từng phục vụ cho NATO có thể được trùng tu để trở thành một sân bay chở hàng. Châteauroux có hệ thống đường sắt và xa lộ tiện nghi. Trả lời phóng viên đài RFI Pháp ngữ, thị trưởng thành phố Châteauroux, Jean François Mayet nói về dự án hợp tác với phía Trung Quốc :
« Mục tiêu của chúng tôi là tạo công việc làm trong ngành công nghiệp vào thời điểm cả một mảng công nghiệp trong vùng đang tuột dốc. Chúng tôi nghĩ rằng, Trung Quốc trong một tương lại không xa sẽ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Đây là cơ hội để đem lại một làn gió mới cho cả vùng. Tôi nghĩ Trung Quốc cũng sẽ có chiến lược tương tự như Hoa Kỳ sau Đệ nhị Thế Chiến : khi đó người Mỹ mở nhà máy, cơ sở sản xuất ngay tại những nơi có tiềm năng trở thành những thị trường quan trọng.
Thành phố Châtearoux ký kết với phía các đối tác Trung Quốc một hợp đồng, để họ được quyền khai thác trên một diện tích 350 ha. Đổi lại Trung Quốc sẽ tạo ít nhất 3200 việc làm cho dân cư trong vùng. Trước mắt chúng tôi chưa quyết định Trung Quốc sẽ đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế cụ thể nào. Tôi chỉ biết là họ có ý định biến khu vực này thành địa bàn để bảo đảm từ khâu sản xuất đến hậu cần, và Châteauroux cũng sẽ là địa điểm để từ đó hàng của Trung Quốc được phân phối ra toàn châu Âu. Hợp đồng làm ăn với phía Trung Quốc đã gặp nhiều chậm trễ. Hợp tác với Trung Quốc không phải là chuyện dễ nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ là sẽ phải hủy bỏ những cam kết cộng tác với Trung Quốc ».
Như nhiều dự án hợp tác với Trung Quốc khác, kế hoạch đầu tư vào Châteauroux gặp nhiều chậm trễ. Tuy nhiên theo nhận xét của những ai thường làm việc với các đối tác Á châu này sự chậm trễ đó không hề đáng lo ngại. Thứ nhất khái niệm về thời gian của hai nền văn hóa đông và tây không như nhau. Thứ hai là đối với hầu hết các doanh nghiệp của Trung Quốc Pháp là một vùng đất với nhiều ẩn số và họ cần thời gian để nghiên cứu kỹ môi trường trước khi quyết định bỏ vốn vào làm ăn. Phó thị trưởng Châteauroux  Jean Yves Huggon đặc trách về quan hệ quốc tế phân tích :
« Chậm trễ từ phía đối tác Trung Quốc là một bằng chứng cho thấy họ thận trọng trước khi lấy quyết định và đấy cũng là tín hiệu cho thấy Trung Quốc thực sự muốn mở địa bàn hoạt động ở Châteauroux một cách lâu dài. Trong mắt người dân Trung Quốc thì Pháp là một vùng đất vừa xa xôi,vừa xa lạ với nhiều ẩn số. Thành thử họ cần có thời gian để cân nhắc. »
TerraLorraine, tủ kính công nghệ của Trung Quốc
Hôm đầu tháng, thành phố Metz và Hội đồng cấp vùng tỉnh Moselle ở Lorraine đã tiếp đón trọng thể chủ tịch ủy ban nhân dân Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ Hắc Long Giang, lá phổi kinh tế của miền đông bắc Trung Quốc. Dẫn đầu một phái đoàn hơn 15 doanh nhân và cán bộ cao cấp của tỉnh, chủ tịch Cáp Nhĩ Tân sau khi dừng chân ở tòa thị chính và ký sổ vàng lưu niệm đã đến tham quan khu công nghiệp ITEC –TerraLorraine. Đây là một dự án hợp tác giữa vùng Lorraine với Hắc Long Giang đang trong quá trình xây dựng.
Khu công nghiệp này trải rộng trên 130 hecta đặt tại Illange-Bertrange. Trên nguyên tắc kể từ năm 2015 TerraLorraine sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Mục tiêu lâu dài hơn là trong 10 năm nữa, Illange-Bertrange sẽ là điểm hẹn của các doanh nhân Trung Quốc với các đối tác châu Âu. Nhưng khác với khu công nghiệp Châteauroux ở vùng Indre, TerraLorraine không phải là nơi các công ty Trung Quốc mở nhà máy sản xuất hay để các nhà sản xuất Trung Quốc từ đó phân phối hàng đi khắp châu Âu. TerraLorraine chủ yếu là nơi để các công ty mở văn phòng đại diện, mở các địa điểm trưng bày sản phẩm.
Hiện đã có khoảng 2000 doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn mở rộng địa bàn hoạt động tại Pháp nói riêng, tại châu Âu nói chung đăng ký mở văn phòng đại diện tại khu vực này.
Theo lời Chủ tịch hội đồng vùng Loraine, Patrick Weiten thì Illange-Bertrange cũng sẽ là nơi mà các doanh nhân châu Âu muốn đầu từ vào Trung Quốc hay mở rộng quan hệ hợp tác với các tập đoàn Trung Quốc sẽ phải dừng chân.
Tuy mới chỉ mới được khởi động vào mùa thu năm ngoái, dự án TerraLorraine sẽ tạo thêm ít nhất là 3000 công việc làm cho người dân tại chỗ. Vào lúc vùng Lorraine đang trong giai đoạn « phi công nghiệp hóa », các nhà máy công nghiệp nặng lần lượt đóng cửa thì dự án hợp tác với Trung Quốc thực sự được coi là một làn gió mới đem lại nhựa sống cho dân cư trong vùng. Tuy nhiên Guy Harau cố vấn hội đồng tỉnh đặc trách về hồ sơ môi trường không khỏi băn khoăn :
« Trước mắt chúng tôi có rất ít thông tin về các hoạt động sắp tới của các tập đoàn Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc đến đây sản xuất những gì ? Tác động của các hoạt động đó đối với môi trường sẽ ra sao ? Nguồn gốc của vốn đầu tư Trung Quốc từ đâu tới ? Dự án đầu tư Trung Quốc đem lại bao nhiêu công việc làm cho người dân địa phương hay chỉ để tạo việc làm cho nhân viên Trung Quốc ? Đó là những câu hỏi chưa thể trả lời.
Đương nhiên là trước một nhà đầu tư đang hứa hẹn tạo ra 4000 việc làm không ai có thể từ chối đề nghị đó. Nhưng tôi nghĩ là chúng ta cũng nên thận trọng về những hậu quả lâu dài, đặc biệt là trước những tác động đối với môi trường. Đó là chưa kể tới khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Trung Quốc. Sau này nếu vùng Lorraine trở thành một thị trường để tiêu thụ hàng rẻ của Trung Quốc thì các cơ sở sản xuất trong vùng sẽ chết hết."

Tựu chung ẩn số lớn nhất vẫn xoay câu hỏi liệu vốn đầu tư của Trung Quốc là một cơ may để làm sống dậy các vùng đang bị bỏ quên hay là một mối đe dọa đối với nền công nghiệp của Pháp ?

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130430-phap-trai-tham-do-don-cac-nha-dau-tu-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten