maandag 24 oktober 2011

Chợ đầu mối Sài Gòn: Ngày ấy, bây giờ

October 23, 2011
Văn Lang/Người Việt
Nếu như trước kia nói tới chợ đầu mối ở Sài Gòn không thể không nhắc tới chợ Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh, nhưng nay địa danh trên thực tế đã không còn tồn tại.
Cũng giống như bây giờ gọi đùa ai là dân chơi “cầu ba cẳng” thì nhiều người ngơ ngác không hiểu câu nói chơi có nghĩa gì, vì không phải ai cũng biết Sài Gòn đã từng có một cây cầu được người dân theo hình dáng của cây cầu mà gọi là Cầu Ba Cẳng, cầu này trước kia tọa lạc tại Chợ Lớn gần khu chợ Kim Biên, nay cầu đã sập và con rạch xưa cũng đã bị lấp.


Nhân công làm tôm tại chợ đầu mối hải sản Bình Ðiền. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Cũng vậy, hồi còn chợ Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh, nhiều người cũng lẫn lộn hoài, vì cây Cầu Ông Lãnh bắc ngang quận 1 qua quận 4 thì thấy đó, còn Cầu Muối thì ở đâu? Thực tế, Cầu Muối là một địa danh xưa, từ thời nhà Nguyễn, khi đường Nguyễn Thái Học còn là một con rạch, Cầu Muối tọa lạc ở đây, thương hồ chở muối từ Phan Thiết, Bạc Liêu lên đều cập bến tại đây.
Gọi chợ Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh là chỉ một khu vực bao trùm từ bến Chương Dương ra tới đường Trần Hưng Ðạo.
Tầm vóc buôn bán của khu chợ này một thời sầm uất, trên bến dưới thuyền, cá lóc từ Biển Hồ Cambodia theo ghe của thương lái cũng về cập bến Cầu Ông Lãnh.
Ðặc biệt thành ngữ “đá cá, lăn dưa” cũng xuất xứ từ khu chợ Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh. Lý do vì cảnh buôn bán tấp nập, xô bồ, vựa trái cây, vựa cá quá nhiều, mấy chú nhỏ bụi đời đi lượm hôi cá và trái cây rơi vãi trong quá trình bốc xếp, vận chuyển từ ghe lên vựa, nhiều khi “táy máy” đá một con cá, lăn trái dưa từ trong vựa ra rồi... lượm bỏ bao. Do vậy, thành ngữ “đá cá, lăn dưa” chỉ hạng người xô bồ, chụp giật, giang hồ lưu manh kiểu ăn cắp vặt.


Khu D cổng chợ đầu mối Bình Ðiền. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Khác với câu nói đùa châm chọc “dân chơi cầu ba cẳng” chỉ những hạng dân chơi “nửa mùa” không phải thứ dữ dằn, thì dân anh chị gắn với địa danh Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh là thứ dữ của giang hồ Sài Gòn, có thể chưa so được với “anh hùng” bến Thượng Hải, nhưng đã có thể cùng dân Khánh Hội - quận 4 mỗi bên hùng cứ một phương.
Ngày nay, chợ đầu mối Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh đã được di dời về hai địa điểm khá xa nhau. Nông sản thực phẩm thì được dời về chợ đầu mối Tam Bình - Thủ Ðức, còn chợ cá, hải sản thì được di dời về chợ Bình Ðiền thuộc cuối quận 8, giáp ranh Bình Chánh và gần đường ra xa cảng miền Tây.
Chợ đầu mối Bình Ðiền được xây dựng gần đây, hoàn thành vào khoảng cuối 2009, tọa lạc trên một khu đất rộng 65 héc-ta, với tổng vốn đầu tư vào khoảng gần 1,000 tỉ đồng Việt Nam.
Chợ Bình Ðiền chủ yếu chỉ hoạt động vào ban đêm, từ 21 giờ cho tới 5 giờ sáng. Ngoài tôm, cá hải sản, chợ cũng có bán cả rau, quả, củ và trái cây.
Hàng ở đây chủ yếu bán sỉ cho thương lái của các chợ, vì giá hàng rẻ nên các mối bán chợ lẻ dọc theo lề đường của mấy khu chợ đuổi, chợ chồm hổm trong nội đô Sài Gòn cũng ra đây lấy hàng.
Tầm cỡ chợ đầu mối Bình Ðiền là rất lớn, vì không chỉ thương lái tôm cá hải sản của toàn bộ khu vực miền Tây đem hàng về đây mà cả tận các vùng hải sản miền trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, Cam Ranh, Nha Trang, Phú Yên, Ninh Hòa... cũng đưa hàng về. Doanh thu hàng ngày của chợ đầu mối Bình Ðiền ước tính đạt tới 700 tỉ đồng.


Công nhân vệ sinh làm việc trước chợ đầu mối Bình Ðiền. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Tuy là một chợ đầu mối lớn bậc nhất ở miền Nam, nhưng hệ thống xử lý nước thải ở chợ Bình Ðiền rất kém. Hậu quả là dòng sông chợ Ðệm kế bên chợ Bình Ðiền ngày càng bị ô nhiễm nặng, mặc dù cảnh sát môi trường đã xử phạt chợ Bình Ðiền cả trăm triệu đồng về tội xả nước thải dơ ra sông. Chưa kể tới tình trạng hàng đêm hàng mấy trăm lượt chuyến xe tải, xe đông lạnh ra vô sân chợ thường tiểu tiện ra luôn sau xe của họ, hỏi thăm thì họ cho rằng nhà vệ sinh quá xa khu đậu xe, đi ra đó rất mất công. Kết quả là khu chợ đầu mối Bình Ðiền luôn nồng nặc mùi hôi từ đủ thứ rác, nước cá... nhất là vào những ngày trời nắng nóng rất khó chịu.
Chúng tôi đã từng gặp một nhóm các em nhỏ tuổi khoảng từ 9 tới 13 tuổi tại trạm xe buýt quận 8, đón xe đi chợ đầu mối Bình Ðiền. Hỏi thăm, các em cho biết một đêm đi lột vỏ tôm hay làm cá tại chợ Bình Ðiền các em được trả từ 50 ngàn đồng cho tới 60 ngàn đồng. Dư luận tại Sài Gòn cũng có một thời ồn ào khi báo chí lên tiếng về vụ bảo vệ tại chợ Bình Ðiền đánh các em nhỏ “làm việc” đá cá, lăn dưa.
Ðể phục vụ cho chợ đầu mối Tam Bình và chợ đầu mối Bình Ðiền có hai tuyến xe buýt tới hai khu chợ này mang mã số 45 và 96, xe chạy tới 23 giờ đêm, trong khi các tuyến khác cao lắm cũng chỉ chạy tới 21 giờ như tuyến Bến Thành-Chợ Lớn. Nhưng vì ít khách, thu không đủ bù chi nên tuyến 45 và 96 đang dự tính dẹp bỏ, dù bà con tiểu thương có tha thiết kiến nghị giữ lại hai tuyến xe này, họ chấp nhận trả thêm tiền, vì lý do đi sớm về khuya ở mấy khu vực ngoại vi Sài Gòn như hai khu chợ đầu mối này không mấy an toàn trước nạn trộm, cướp. Nhất là mấy khu vực bị trộm cắt dây cáp điện chiếu sáng, như từ quốc lộ 50, qua cầu Bà Lớn tới chợ Bình Ðiền là một khoảng không gian tối thui khi việc mất cáp điện chiếu sáng chưa được bên điện lực thay cáp mới.
Ngoài hai chợ đầu mối mới hình thành là chợ Tam Bình và chợ Bình Ðiền thì Sài Gòn còn nhiều chợ đầu mối cũ đã nổi danh. Nhưng khách phương xa tới Sài Gòn theo bản đồ mà đi tìm một ngôi chợ nào mang tên Chợ Lớn thì tìm tới... Tết Công Gô cũng không ra, có chăng chỉ thấy chợ Bình Tây trong khu Chợ Lớn với nhiều sản vật mang dấu ấn của nền ẩm thực “thuốc Bắc” của người Hoa. Hay như chợ đầu mối vải Soái Kình Lâm, chợ thuốc lá Học Lạc, chợ hóa chất Kim Biên...
Sài Gòn ngoài những chợ đầu mối ra thì còn nhiều ngôi chợ nhỏ nữa, dù nay chúng chỉ còn lại là cái tên nghe rất dân dã miền Nam nhưng khó lòng hình dung ra nguyên thủy của ngôi chợ đó. Chẳng hạn chợ Cây Thị, chợ Cây Gáo, chợ Cây Quéo... Ðứng tại ngay những khu chợ còn hoạt động này chẳng biết cây Thị, cây Gáo, cây Quéo mặt mũi vuông tròn, dài ngắn, méo mó ra sao, thậm chí còn chẳng thấy cái cây nào vì chợ bây giờ họp ngay trên lề đường, dưới những hàng hiên nhà cao có, thấp có, lúp xúp có, giữa dòng người, xe cộ chen chúc nhau đi.
Những ngôi chợ, như những tên người, gương mặt người trôi đi trên dòng sông thời gian hối hả, một phút tình cờ, bâng quơ ngó lại chợt nghe như tiếng ai gọi con đò của dòng sông có từ muôn thủa trước.
Chợt thấy tim mình biết đau khi ký ức từ trăm năm dội về.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138898&z=310

Geen opmerkingen:

Een reactie posten