zondag 23 oktober 2011

10 công ty đông nhân viên nhất thế giới

 23/10/2011

Những công ty có mặt trong danh sách dưới đây vẫn phát triển mạnh mẽ và không ngừng gia tăng số lượng nhân viên của mình trên toàn cầu.
> 15 công ty gia đình có doanh thu tỷ đôla
> 10 công ty danh tiếng nhất thế giới


10. IBM (International Business Machines)


Số lượng nhân viên: 426.750 người
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 234.000 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 24.750 USD
Xét về lượng vốn hóa thị trường, IMB là tập đoàn công nghệ lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Apple và Microsoft. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của công ty là phần cứng, phần mềm máy tính, hạ tầng và các dịch vụ tư vấn. Hiện IBM sử dụng lao động tại hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới.
Năm 2009, IBM công bố số lượng người lao động của công ty riêng tại thị trường Mỹ là 10.000 người. Thời gian gần đây, IMB đang thực hiện chính sách chuyển việc làm từ Mỹ sang các khu vực khác như châu Á và Nam Mỹ. Vào năm 2003, IBM chỉ có 9.000 nhân viên của Ấn Độ, đến nay con số này đã lên tới 75.000 người. Từ năm 2005 đến 2010, IBM đã tuyển dụng thêm 97.000 lao động trên toàn thế giới.

9. Compass Group


Số lượng nhân viên: 428.000 người (cả bán thời gian)
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 53.000 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 2.500 USD
Compass Group là tập đoàn dịch vụ thực phẩm lớn nhất thế giới, hoạt động tại hơn 50 quốc gia. Mỗi năm, Compass Group phục vụ 4 tỷ bữa ăn trên toàn cầu. Từ 2005 đến 2010, Compass Group đã tuyển dụng thêm gần 18.000 nhân viên. Lao động tại Anh và Ireland chỉ chiếm 20% lực lượng lao động của tập đoàn trong khi đó Bắc Mỹ chiếm hơn 40%.
Trong những năm gần đây, Compass đang cố gắng cải thiện năng suất lao động của nhân viên. Doanh thu tính trên mỗi nhân viên của tập đoàn này đã tăng gần 14.500 USD so với năm 2005 còn lợi nhuận tính trên mỗi nhân viên tăng 5 lần.

8. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (AgBank)


Số lượng nhân viên: 444.440 người
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 85.470 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 33.500 USD
AgBank là ngân hàng lớn nhất thế giới xét về số lượng khách hàng, chi nhánh và nhân viên. Một vài năm trở lại đây, lực lượng lao động đông đảo của Agbank không giảm nhiều ngay cả khi ngân hàng này chuyển đổi từ hình thức quốc doanh sang ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy phát triển mạnh mẽ là vậy, nhưng lợi nhuận tính trên mỗi nhân viên của AgBank lại thấp hơn so với các ngân hàng khác tại Trung Quốc như ICBC.

7. Deutsche Post DHL


Số lượng nhân viên: 467.000 người
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 148.000 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 8.350 USD
Deutsche Post DHL hãng thư tín và phát chuyển nhanh lớn nhất và đồng thời cũng là một trong những công ty hậu cần lớn nhất thế giới,có mặt tại hơn 220 quốc gia. Trong những năm gần đây, lực lượng lao động của Deutsche Post tăng lên do công ty thực hiện nhiều thương vụ mua lại, trong đó nổi bật là vụ mua lại công ty hậu cần Exel của Anh và Blue Dart của Ấn Độ.
Tuy vậy, số nhân viên toàn thời gian của công ty đã giảm khoảng 7,5% so với tổng số 455.000 lao động của năm 2005. Điều này được cho là bởi xu hướng sử dụng email thay vì thư viết tay như trước đây.

6. Carrefour


Số lượng nhân viên: 471.750 người
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 256.000 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 3.920 USD
Tập đoàn Carrefour của Pháp là hãng bán lẻ lớn nhất châu Âu và lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Wal-Mart. Hiện cửa hàng và siêu thị của hãng có mặt tại 32 quốc gia, trong đó 57% doanh thu đến từ các nước bên ngoài lãnh thổ Pháp.
Tính đến cuối năm 2010, lực lượng lao động của hãng tăng lên trên 471.000 người so với 436.000 người của năm 2005. Tuy đang gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt, Carrefour vẫn khẳng định hạn chế mức tối đa việc cắt giảm lao động.

5. Tesco


Số lượng nhân viên: 492.700 người (cả bán thời gian)
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 194.000 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 9.000 USD
Tesco là hãng bán lẻ lớn thứ 3 trên thế giới, sau Wal-Mart và Carrefour. Hãng này bán lẻ đủ loại mặt hàng từ sách, quần áo, đồ điện tử cho đến dịch vụ tài chính.
Trong 5 năm qua, lực lượng lao động của Tesco đã tăng 19%, và từ 2007 đến 2011, hãng đã tuyển dụng thêm gần 80.000 lao động. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế tại Anh khiến lợi nhuận nội địa giảm nhưng hãng lại liên tục mở rộng sang các thị trường mới nổi tại châu Á. Mới đây, hãng Tesco cũng đã tuyên bố rút lui khỏi thị trường Nhật Bản sau 8 năm thất bại và phải bán đi 129 siêu thị mini tại đây để tập trung vào phát triển tại các nước châu Á khác.

4. PetroChina


Số lượng nhân viên: 592.700 người
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 398.000 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 37.250 USD
PetroChina là công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc với vốn hóa thị trường là 274,3 tỷ USD. Đây cũng là hãng năng lượng có giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ 2 thế giới sau Exxon Mobil của Mỹ. Các hoạt động của PetroChina bao gồm thăm dò, lọc hóa, bán lẻ xăng dầu. Hiện công ty đang sở hữu 18.000 trạm bán xăng trên toàn Trung Quốc.
Từ 2005 đến 2010, lực lượng lao động của PetroChina tăng 25% tương đương 113.000 người. Hơn 60% lực lượng lao động của hãng làm việc trong mảng sản xuất năng lượng.

3. Hon Hai Precision Industry


Số lượng nhân viên: 836.000 người
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 117.700 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 3.000 USD
Hon Hai Precision Industry là công ty mẹ của hãng công nghệ Foxconn và cũng là hãng điện tử lớn nhất thế giới tính về doanh thu. Còn Foxconn hiện là công ty xuất khẩu lớn nhất tại Trung Quốc lục địa. Hãng lắp ráp mọi thứ từ máy tính cho đến điện thoại thông minh hay tấm màn hình cho các đối tác như Apple, Cisco, Dell, Nokia và Sony.
Năm 2010, Foxconn lên kế hoạch tuyển thêm 400.000 lao động trong vài năm tới. Hiện công ty này đang phải đối mặt với tình trạng số lượng nhân viên tự tử gia tăng, mà nguyên nhân chính được cho là điều kiện làm việc quá khắc nghiệt. Do vậy, trong năm 2010, Foxconn đã phải tăng lương cho nhân viên. Chi phí lao động tăng cũng ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của hãng.

2. McDonald’s


Số lượng nhân viên: 1,7 triệu người (cả bán thời gian)
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 14.200 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 2.930 USD
McDonald’s là một trong những thương hiệu giá trị nhất trên thế giới với 33.000 cửa hàng, trên 118 quốc gia. Trong chương trình "National hiring day" hồi tháng 4 vừa rồi, McDonald tuyển dụng thêm 62.000 lao động chỉ trong một ngày. Con số này nhiều hơn so với dự đoán ban đầu là 50.000 người. Chương trình này nằm trong kế hoạch tăng thêm 7% lao động Mỹ của hãng. Hiện McDonald vẫn có kế hoạch mở thêm nhiều chuỗi cửa hàng tại nhiều nước trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng lao động của hãng sẽ còn tăng cao trong các năm tới.

1. Wal-Mart


Số lượng nhân viên: 2,1 triệu người (cả bán thời gian)
Doanh thu trên mỗi nhân viên: 199.500 USD
Lợi nhuận trên mỗi nhân viên: 7.100 USD
Wal-Mart là hãng bán lẻ lớn nhất thế giới với hơn 9.600 cửa hàng tại 28 quốc gia. Từ 2005 đến 2010, lực lượng của Wal-Mart đã tăng gần 17%, từ 1,8 triệu lao động năm 2005 lên 2,1 triệu lao động năm 2010.
Trong số 2,1 triệu nhân viên của Wal-Mart, có 1,4 triệu người làm việc tại Mỹ. Ngoài ra, Wal-Mart cũng là hãng sử dụng nhiều nhân viên nhất tại Mexico và là một trong những hãng tư nhân đông nhân viên nhất tại Canada. Sử dụng nhiều lao động hơn bất cứ công ty tư nhân nào trên thế giới, Wal-Mart chịu sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức công đoàn và liên tục bị chỉ trích là có chính sách chống công đoàn.

Tạ Linh (theo CNBC)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten