maandag 16 september 2013

Nhật ngưng lò phản ứng hạt nhân cuối cùng

Chủ nhật 15 Tháng Chín 2013

Nhật ngưng lò phản ứng hạt nhân cuối cùng

Nhà máy điện hạt nhân Oi, tỉnh Fukui. Ảnh chụp tháng 1/2012.
Nhà máy điện hạt nhân Oi, tỉnh Fukui. Ảnh chụp tháng 1/2012.
Reuters/Issei Kato

Mai Vân
Vào hôm nay, 15/09/2013, Nhật Bản bắt đầu cho tắt lò phản ứng hạt nhân cuối cùng còn hoạt động tại miền tây nước này. Dù nằm trong kế hoạch kiểm tra được dự trù, nhưng với sự kiện này, đây là lần thứ hai kể từ khi cuộc khủng hoảng Fukushima nổ ra tháng 3 năm 2011, mà nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này phải hoạt động mà không có năng lượng nguyên tử.


Theo kế hoạch, lò phản ứng hạt nhân số 4 tại nhà máy điện nguyên tử Oi ở tỉnh Fukui, miền tây Nhật Bản, do tập đoàn Kansai Electric Power quản lý, sẽ dần dần ngừng phát điện kể từ tối nay, và hoạt động sản xuất ​​sẽ dừng hoàn toàn vào sáng sớm ngày mai.
Vấn đề đặt ra là thời điểm cho nhà máy này vận hành trở lại chưa được ấn định vào lúc công chúng Nhật Bản ngày càng tỏ thái độ chống lại việc sử dụng điện hạt nhân.
Thủ tướng Shinzo Abe đã công khai ủng hộ việc sử dụng năng lượng nguyên tử, nhưng đa số người dân lại có quan điểm ngược lại, xuất phát từ nỗi lo sợ trước các sự cố nghiêm trọng có thể xẩy ra, đặc biệt sau khi nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị vướng vào một tai nạn hạt nhân bị liệt vào diện tồi tệ nhất thế giới, kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.
Tình trạng Nhật Bản không có điện nguyên tử đã từng xẩy ra vào tháng Năm năm 2012, khi toàn bộ 50 lò phản ứng hạt nhân thương mại của nước này ngừng vận hành để kiểm tra định kỳ, trong lúc một số nhà máy không được cho khởi động lại, do sự phản đối của quần chúng.
Đấy là lần đầu tiên trong hơn bốn thập kỷ, mà Nhật Bản không có điện hạt nhân.
Vào năm ngoái, chính quyền cũng như giới chức trong lãnh vực năng lượng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng Nhật Bản có thể bị nạn cúp điện nghiệm trọng, nếu không có điện hạt nhân, đặc biệt là ở khu vực miền Tây vốn lệ thuộc nhiều vào năng lượng nguyên tử.
Nỗi lo ngại nói trên không được thực tế chứng minh, nhưng chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận cho tập đoàn Kansai Electric khởi động lại lò phản ứng số 3 và 4 tại nhà máy Oi, cho rằng năng lượng hạt nhân cần thiết để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong mùa đông.
Các lò phản ứng đã được kích hoạt trở lại vào tháng Bảy năm 2012 và tiếp tục hoạt động thương mại đầy đủ các tháng tiếp theo, trong khi các lò phản ứng khác vẫn bị đình chỉ hoạt động.
Trước khi xẩy ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima, điện nguyên tử cung cấp khoảng một phần ba năng lượng mà Nhật Bản sử dụng. Với việc các lò phản ứng hạt nhân bị ngừng hoạt động, nước này đã phải dùng đến nguồn năng lượng hóa thạch tốn kém hơn, để giúp nền kinh tế vận hành.
Các khó khăn về năng lượng hạt nhân của Nhật Bản khởi sự ngày 11 tháng 3 năm 2011, khi động đất kéo theo sóng thần đã đánh vào nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi, phá hoại nhiều cơ sở và làm ngập hệ thống làm nguội các lò phản ứng.
Phóng xạ đã lan ra một khu vực rộng lớn ở phía bắc Nhật Bản, hàng chục ngàn người đã được sơ tán, một số khu vực dự kiến ​​sẽ không thể ở được trong nhiều thập kỷ.
 
tags: Châu Á - Công nghiệp - Hạt nhân - Môi trường - Năng lượng - Nguyên tử - Nhật Bản
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130915-nhat-hoan-toan-vang-bong-dien-hat-nhan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten