vrijdag 13 september 2013

Khi mafia thao túng cá cược thể thao

Thứ năm 12 Tháng Chín 2013

Khi mafia thao túng cá cược thể thao

Europol điều tra về cá cược bóng đá Hungary
Europol điều tra về cá cược bóng đá Hungary
AFP

Minh Anh
Trong vài năm gần đây, cá cược đã mở ra một cánh cửa mới cho các tổ chức tội phạm trong lãnh vực thể thao. Dàn xếp các trận đấu, nhất là trong bóng đá cho phép các tổ chức này thao túng một thị trường trị giá lên đến hàng trăm tỷ euro. Chủ đề này được nhật báo kinh tế Les Echos số ra hôm nay 12/09/2013 đề cập đến qua bài phóng sự đề tựa « Khi mafia đặt cược vào thể thao ».


Từ nhiều năm gần đây, các tổ chức tội phạm bắt đầu nhúng tay vào lãnh vực cá độ thể thao. Theo Les Echos, hiện tượng này cũng không có gì là mới, vốn dĩ đã xuất hiện từ thế kỷ 17 trong các cuộc đấu golf hay cricket (bóng chày). Giờ đây, với sự tiến bộ khoa học công nghệ, Internet đã tạo ra một thị trường cá cược thể thao trên toàn cầu, nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh ra vô số nhà tổ chức cá cược hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Ông Christian Kalb, giám đốc tập đoàn tư vấn CK Consulting và là cựu quan chức phụ trách marketing về cá độ thể thao nhận định : « […]Trái với ý tưởng ban đầu, Internet không giúp dễ dàng truy ra nguồn gốc xuất xứ dòng tài chính : giữa vận động viên, nhà điều hành, các máy chủ và các tài khoản ngân hàng, tiền cược có thể lưu hành qua nhiều quốc gia nhưng chỉ cho một trận đấu duy nhất, khiến cho việc điều tra gặp nhiều khó khăn ».
Đối với các tổ chức tội phạm, nếu làm chủ được các yếu tố ngẫu nhiên các kết quả trận đấu, trò cá độ có thể sẽ mang lại rất nhiều lợi, hơn là đi buôn thuốc phiện. Theo giải thích của vị chuyên gia trên : « Đối với một kẻ buôn thuốc phiện, anh ta phải mất đến một năm mới kiếm được một triệu euro, nhưng nhiều rủi ro và việc lưu trữ phức tạp. Trong khi đó, anh ta có thể dễ dàng kiếm được cũng ngần ấy số tiền bằng một trận đấu được dàn xếp trước, chẳng hạn trong các trận đấu xếp hạng, […] mà rủi ro cũng rất thấp : người cá độ đặt cược trên một trang mạng bất hợp pháp bất kỳ sẽ không bị điều tra, duy chỉ có nhà tổ chức đặt cược mới bị nhắm đến ».
Tờ báo cho hay là trong vài năm gần đây, nhiều tổ chức tội phạm đang hoành hành tại châu Âu đã bị phá vỡ. Trong giai đoạn 2008-2011, các nhà điều tra phá vỡ một mạng lưới cá độ có trụ sở tại Singapore. Mạng lưới này do Dan Tan cầm đầu, đã dàn xếp được hàng trăm trận cầu trên toàn thế giới. Tên này đã thực hiện một chương trình « hợp tác » quốc tế với nhiều tổ chức mafia tại các vùng Balkan và các tay chân anh chị tại Ý để sắp đặt các trận bóng trong giải Vô địch Ý. Vụ án này dính líu đến hàng trăm người bị cáo buộc đã gian lận các trận đấu xếp hạng.
Để đối phó với nạn dàn xếp trận đấu, tập đoàn Thụy Sỹ Sportradar, cùng với sự phối hợp chặt chẽ với nhiều nhà tổ chức cá độ hợp pháp, đã đưa ra một hệ thống giám sát các tỷ lệ cá cược nhằm phát hiện những hoạt động đáng ngờ. Tập đoàn này ước tính hàng năm tại châu Âu có khoảng 300 trận đấu đã được dàn xếp trước. Chủ yếu là các giải đá bóng các câu lạc bộ chuyên nghiệp, cúp quốc gia và cả Cúp thế giới. Hơn 5000 người liên can đã bị bắt giữ tại nhiều quốc gia, chủ yếu tại châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Thái Lan với tổng số tiền thu giữ được hơn 10 triệu đô-la.
Còn văn phòng CK Consulting ước tính riêng trong năm vừa qua (2011), hơn 300 tỷ euro tiền cược đã được đặt trên toàn thế giới, trong đó 80% số tiền này đều thông qua các tổ chức cá độ bất hợp pháp, tức là không tuân theo luật lệ quy định ở những nước có tổ chức cá độ. Nếu tính theo mức doanh thu, các « nhà cá » có kích cỡ như là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng lại quản lý đến hàng triệu euro tiền cược : chẳng hạn như « nhà cá » Sbobet, một trong những cơ sở tổ chức cá cược quan trọng tại châu Á, luân chuyển khối lượng tiền ngang bằng với doanh thu của tập đoàn sản xuất xe ô tô Renault hay EDF của Pháp trong vòng một năm.
Điều tra của Les Echos cho biết cá độ được thực hiện trong hầu hết các loại hình thể thao, nhưng riêng trong bóng đá chiếm 2/3. Một đại sứ Mỹ tại Bulgary đã từng phải thốt lên rằng : « Hầu như tất cả các đội tuyển đều nằm dưới sự kiểm soát hay có dính líu đến các tổ chức tội phạm », những kẻ « sử dụng các đội tuyển của họ để mua tính hợp pháp, rửa tiền và kiếm ăn dễ dàng ».
Một chuyên gia khác tỏ ra lo ngại rằng rồi một ngày nào đó, khi những trận cầu bị dàn xếp không còn hấp dẫn nữa, giới hâm mộ và các nhà tài trợ cũng không còn hào hứng với những trận tranh hùng và như vậy, các câu lạc bộ sẽ ngày càng ít nguồn thu tài chính để hoạt động. Ông kết luận : « Đây chính là cái vòng lẩn quẩn ».
Hãy duy trì áp lực lên Syria !
Về thời sự quốc tế, các báo Pháp sáng nay vẫn tập trung chủ yếu vào hồ sơ Syria. Ngày hôm nay, hai Ngoại trưởng Mỹ và Nga gặp nhau tại Genève để đàm phán về đề nghị bất ngờ của Nga, là đặt kho vũ khí hóa học do Damas nắm giữ dưới sự kiểm soát của quốc tế. Nhìn chung các báo đều nhìn nhận căng thẳng vẫn tiếp tục giữa hai cường quốc quân sự này.
Libération đưa tít nhận định « Syria : Mỹ - Nga chạm kiếm ». Washington muốn dự kiến các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Damas có thái độ không hợp tác trong việc hủy kho vũ khí hóa học của mình. Tờ báo bình luận rằng « nếu như trong lúc này hồ sơ Syria vẫn còn là tờ giấy nháp, chúng ta có thể suy ra một điều từ buổi gặp này : những ngày gần đây, con đường ngoại giao đổi lấy sự lựa chọn quân sự. Một sự can thiệp dù sao đi chăng nữa ngày càng khó thực hiện. Tổng thống Mỹ mỗi ngày trôi qua nhận được nhiều tiếng nói phản đối từ trong dân chúng lẫn trong giới chính khách.
Nhìn sang phía Pháp, nhật báo cộng sản L’Humanité đánh giá « Paris bị sa lầy », tít lớn trên trang nhất. Trong bài xã luận mang tựa đề « Một nền ngoại giao lạc lõng », tác giả bài viết cho rằng « Kể từ giờ, ông François Hollande tay đã đặt lên phím bấm và kế hoạch kiểm soát vũ khí hóa học tại Syria do Matxcơva đề xướng lại do hai vị Ngoại trưởng Nga – Mỹ bàn bạc. Điện Elysée giờ phải phụ thuộc vào John Kerry ».
Bài xã luận của Le Monde kêu gọi « Duy trì áp lực lên Matxcơva và Damas ». Theo bài viết, Hoa Kỳ và các đồng minh nên cẩn thận tránh né một cuộc mặc cả lừa đảo và hãy tiếp tục duy trì các áp lực lên Syria và Nga. Bởi vì, chính sự đe dọa tấn công quân sự đã khiến ông Putin thay đổi lập trường và chịu nhúc nhích trên hồ sơ Syria. Bài viết nhấn mạnh rằng, trong khi chờ đợi, Damas vẫn tiếp tục tàn phá đất nước và thảm sát người dân. Chúng ta sẽ rất nhầm lẫn khi quên rằng người Nga là những nhà vô địch cờ vua.
Syria : Canh bạc gian lận của Vladimir Putin
Quan điểm này cũng được nhật báo công giáo la Croix đồng chia sẻ qua hàng tựa « Canh bạc gian lận của Vladimir Putin về hồ sơ Syria ». Theo tờ báo, một chuỗi yếu tố cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa Syria và Nga. Mối quan hệ đặc quyền này có từ thời chiến tranh lạnh, cụ thể là hơn 50 năm hợp tác quân sự.
Tờ báo cho biết đa số các sĩ quan cao cấp trong ngành tình báo Syria đều được đào tạo tại Nga. Mối quan hệ này còn chặt chẽ ở chỗ trong vòng hai thế hệ, gần 50 ngàn cặp đôi Nga – Syria ngay trong lòng giới lãnh đạo an ninh – quân sự.
Từ hơn thập niên nay, quan hệ thương mại đôi bên giữa Nga và thân cận của Bachar al-Assad cũng sinh sôi nảy nở. Một yếu tố quan trọng khác khẳng định vị thế của Nga, từ chối mọi sự can thiệp vào nội bộ các nước. Bởi vì, cho đến giờ, Vladimir Putin vẫn chưa « nuốt trôi » chuyện các cường quốc phương Tây đánh Libya năm 2011.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130912-khi-mafia-thao-tung-ca-cuoc-the-thao

Geen opmerkingen:

Een reactie posten