vrijdag 15 oktober 2021

Mỹ trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc + Trung Quốc bị nghi thao túng Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

 

Mỹ trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Ảnh minh họa : Một khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ.
Ảnh minh họa : Một khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ. REUTERS/Denis Balibouse

Liên Hiệp Quốc ngày 14/10/2021 biểu quyết cho phép Hoa Kỳ trở lại với Hội Đồng Nhân Quyền (HRC). Tháng 6/2018, Washington dưới chính quyền Trump đã ra khỏi tổ chức này với lý do HRC « che chở cho các quốc gia vi phạm nhân quyền » và có khuynh hướng bài Do Thái.

Trong phiên họp hôm qua tại New York, 168 trên tổng số 193 quốc gia bỏ phiếu thuận để Mỹ hội nhập trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này bao gồm 47 thành viên bắt đầu hoạt động từ năm 2006, trụ sở đặt tại Genève, Thụy Sĩ. Các thành viên được bầu lại 3 năm một lần. Washington sẽ chính thức trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kể từ ngày 01/01/2022 cùng với 17 nước khác, trong đó Ấn Độ, Malaysia hay Qatar, Achentina … Giới quan sát dự báo với việc Washington hội nhập lại định chế đa quốc gia này, « nhiều cuộc tranh cãi gay go sẽ diễn ra, giữa Mỹ và Trung Quốc hay Nga ».

Dưới chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã rút lui khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Hãng tin Reuters lưu ý, trong thời gian Mỹ vắng mặt, Trung Quốc và nhiều đối tác của Bắc Kinh, như là Venezuela hay Belarus, đã tận dụng thời cơ thông qua những tuyên bố chung ủng hộ Bắc Kinh trên các vấn đề từ Hồng Kông đến Tây Tạng hay Tân Cương.

Tháng Giêng 2021, khi lên cầm quyền, tổng thống Joe Biden tuyên bố Nhà Trắng xem nhân quyền sẽ là « trung tâm » trong chính sách đối ngoại. Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas Greenfiels, trong thông cáo hôm qua nhấn mạnh trong giai đoạn đầu, Washington có thể sẽ xem xét trên các hồ sơ liên quan đến Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Ethiopia, Syria và Yemen. Đại diện của Hoa Kỳ cho biết thêm là sẽ đặc biệt chú ý đến trường hợp của Israel, không để các tuyên bố « quá đáng » bất lợi cho quốc gia này. 

Một cuộc điều tra do Reuters thực hiện hồi tháng 9/2021 cho thấy ngay cả chính quyền Biden đôi khi cũng đã gạt vấn đề nhân quyền sang một bên vì những ưu tiên như là « an ninh quốc gia hay nhu cầu cần nối lại đối thoại với một số nước lớn ».

Tổ chức quan sát nhân quyền UN Watch chỉ trích Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, xem cơ quan này là một « trò hề » khi kết nạp các những quốc gia chà đạp nhân quyền, như Syria, Kazakhstan …

Mỹ trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (rfi.fr)

Trung Quốc bị nghi thao túng Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

Ảnh minh họa :  Đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương có triển vọng giành chiếc ghế chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào năm 2021.
Ảnh minh họa : Đảo quốc Fiji ở Thái Bình Dương có triển vọng giành chiếc ghế chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào năm 2021. AFP/File

Trước thềm năm 2021, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bất ngờ lâm vào cảnh không có chủ tịch. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhóm nước châu Á, đến lượt lên làm chủ tịch luân phiên của Hội Đồng, đã không nhất trí được về người được toàn nhóm đề cử. Trung Quốc bị nghi ngờ là tìm cách gạt bỏ ứng viên không vừa ý để đưa người thân Bắc Kinh lên thay.


Ngày 16/12/2020 vừa qua, chủ tịch mãn nhiệm của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Genève (Thụy Sĩ), nhà ngoại giao Áo Elisabeth Tichy-Fisslberger, đã lên tiếng kêu gọi cơ chế Liên Hiệp Quốc này khẩn cấp chọn ra một chủ tịch mới ngay từ đầu năm 2021 để điều hành Hội Đồng.

Hội Đồng Nhân Quyền là một cơ chế của Liên Hiệp Quốc, bao gồm 47 thành viên do Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bầu lên và được phân bổ theo 5 khu vực địa lý: Châu Á -Thái Bình Dương, Châu Mỹ Latinh và Caribê, Châu Phi, Đông Âu và Tây Âu. Các nhóm nước này luân phiên giữ chức chủ tịch trong vòng một năm.

Năm 2021 tới đây, chức lãnh đạo Hội Đồng Nhân Quyền về tay nhóm nước Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do những bất đồng trong nội bộ, cho đến cuối năm 2020, nhóm nước này vẫn chưa nhất trí được về đại diện cho nhóm ra ứng cử chức chủ tịch, thay thế nữ chủ tịch người Áo mãn nhiệm.

Trung Quốc muốn thao túng cơ chế

Đây là một sự kiện tương đối bất thường, vì nhìn chung cho đến nay, các khối nước thường thống nhất được ý kiến một cách dễ dàng về người đại diện để đảm nhận chức chủ tịch Hội Đồng. Nguyên nhân, theo một số nhà quan sát, là do Trung Quốc muốn thao túng cơ chế này.

Trong một bài phân tích ngày 16/12/2020, mang tựa đề: “Thấy Washington sắp thay đổi, Trung Quốc đang tập hợp đồng minh tại Liên Hiệp Quốc”, tuần báo Anh The Economist đã gắn liền động thái của Trung Quốc tại Hội Đồng Nhân Quyền với khả năng tổng thống Mỹ tương lai là ông Joe Biden quan tâm nhiều hơn đến nhân quyền so với người tiền nhiệm Donald Trump.

Theo tuần báo Anh, khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 6 năm 2018, Trung Quốc đã bày tỏ tiếc nuối, một thái độ mà chẳng ai tin.

Đối với mọi người, diễn đàn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc chuyên trách một vấn đề luôn luôn khiến Trung Quốc cực kỳ khó chịu, thành ra sự vắng mặt của Mỹ tại các cuộc thảo luận sẽ có lợi cho Bắc Kinh, tránh được rất nhiều chỉ trích công khai về những hành vi chà đạp nhân quyền của Trung Quốc.

Thế nhưng, Joe Biden chuẩn bị nhậm chức tổng thống Mỹ, có rất nhiều khả năng Washington quay trở lại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Đây chính là điều mà Bắc Kinh lo ngại và họ đã bắt đầu chuẩn bị đối phó ngay trong Hội Đồng.

Fiji trong tầm nhắm của Bắc Kinh

Theo phân tích của The Economist, ý đồ của Trung Quốc có thể được thấy qua những cuộc đấu đá ở hậu trường về việc ai sẽ lên làm chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong thời gian tới đây.

Trước tiên, tuần báo Anh nêu bật nỗ lực của Trung Quốc, với sự tiếp tay của Nga và Ả Rập Xê-Út - nhằm hạ bệ nước được cho là có triển vọng giành ghế chủ tịch, quốc đảo Fiji nhỏ bé ở Thái Bình Dương, và thúc đẩy một nước thích hợp hơn với Bắc Kinh vào vị trí đó. (Trung Quốc và Nga trong năm 2020 không phải là thành viên Hội Đồng Nhân Quyền nhưng đã được bầu vào cơ chế này với một nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày 1 tháng 1 sắp tới).

Một cách cụ thể, vào năm 2021, chức vụ chủ tịch dự kiến ​​sẽ do Fiji, một thành viên của nhóm Châu Á - Thái Bình Dương đảm nhiệm. Đại diện của Fiji rất được tôn trọng nhờ lập trường về nhân quyền, và hầu như không ai chống việc Fiji làm chủ tịch Hội Đồng.

Thế nhưng vào tháng 11, Bahrain chính thức đệ đơn tranh cử chức chủ tịch. Syria sau đó đã phản đối sự ứng cử của Fiji. Giới ngoại giao cho rằng những động thái này được Trung Quốc và các nước thân Bắc Kinh khuyến khích.

Tuy nhiên, qua tháng 12, khoảng 20 tổ chức phi chính phủ đã  kêu gọi các nước châu Á bác đơn ứng cử của Bahrain vì những vi phạm nhân quyền tại nước này. Trong tình hình đó, Uzbekistan, một ứng cử viên thứ ba xuất hiện, và cũng được Trung Quốc chấp nhận.

Mưu toan của Trung Quốc đã bị các thành viên dân chủ trong Hội Đồng phản đối và các nước này đang hậu thuẫn cho Fiji, với hy vọng rằng ông Biden sẽ sớm đưa nước Mỹ trở lại Hội Đồng.

Các nước Châu Á - Thái Bình Dương đã không thống nhất được sự lựa chọn. Vì vậy, toàn bộ thành viên chính thức của Hội Đồng sẽ chọn một chủ tịch vào tháng Giêng. Điều này có thể có lợi cho Fiji.

Vai trò chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền

Vai trò chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền thoạt nhìn không mấy quan trọng vì chương trình hoạt động của cơ chế này do 47 thành viên ấn định chứ không phải chủ tịch, và rất nhiều thành viên Hội Đồng không dám thách thức Trung Quốc.

Ví dụ rõ nhất là cho đến lúc này, Hội Đồng Nhân Quyền vẫn chưa ra một nghị quyết nào về việc Trung Quốc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hoặc tước bỏ các quyền tự do của người dân Hồng Kông. Vào năm 2018, chính quyền Trump đã rút Mỹ ra khỏi cơ chế này sau khi không thuyết phục được Liên Hiệp Quốc đề ra những tiêu chuẩn cho thành viên của Hội Đồng.

Tuy nhiên, trong thực tế, chủ tịch hội đồng là người có quyền bổ nhiệm các báo cáo viên đặc biệt, những người có nhiều quyền tự chủ và có thể trở thành cái gai trong mắt các chế độ độc tài.

Vào tháng 6 vừa qua, hơn 50 báo cáo viên đặc biệt và các chuyên gia do Hội Đồng Nhân Quyền chỉ định đã ký một tuyên bố chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Trung Quốc đã nổi cơn giận dữ, cáo buộc những người này vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

Gần đây hơn, ngày 16/12/2020, bà Mary Lawlor, báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, một chuyên gia được Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ủy nhiệm, đã tố cáo Bắc Kinh về chiến dịch đàn áp kéo dài từ 5 năm nhắm vào giới luật sư đấu tranh cho nhân quyền tại Trung Quốc, với những biện pháp như “buộc tội, bỏ tù, bắt đi mất tích và tra tấn”.

Nhìn chung, theo The Economist, đối với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hiện nay, nếu bổ nhiệm vào ghế chủ tịch một người xuất xứ từ một quốc gia mang tiếng về nhân quyền có thể làm sứt mẻ thêm hình ảnh vốn đã không mấy tốt của định chế này trong công luận phương Tây. Mọi người đều nhớ là vào năm 2003, tiền thân của Hội Đồng là Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đã bầu Libya làm chủ tịch.

Nếu điều tương tự xảy ra một lần nữa, ông Biden sẽ gặp khó khăn trong việc đưa Mỹ trở lại Hội Đồng.

Trung Quốc bị nghi thao túng Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten