Đài Loan tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế sau các vụ xâm nhập của Trung Quốc
Đăng ngày:
Đài Loan sẽ tiếp tục đóng vai trò một thành viên cộng đồng quốc tế và bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tổng thống Thái Anh Văn hôm nay 07/10/2021 tuyên bố như trên khi tiếp đón các thượng nghị sĩ Pháp.
Chuyến thăm của phái đoàn bốn thượng nghị sĩ Pháp diễn ra sau khi Đài Loan đã phải chịu đựng suốt bốn ngày liên tiếp, kể từ thứ Sáu tuần trước, chiến đấu cơ Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vùng nhận diện phòng không với số lượng lên đến 148 chiếc, gây lo ngại cho Washington và các đồng minh.
Bà Thái Anh Văn ngỏ lời cảm ơn Pháp đã tỏ ra lo lắng trước tình hình eo biển Đài Loan, và ủng hộ Đài Bắc tham gia vào cộng đồng quốc tế. Thượng nghị sĩ Alain Richard, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Pháp dẫn đầu phái đoàn, nêu ra « đóng góp quan trọng của Đài Loan trong lãnh vực quan trọng cho tiến bộ nhân loại », nhưng không nhắc đến căng thẳng quân sự với Bắc Kinh.
Các thượng nghị sĩ Pháp đến Đài Loan hôm qua, bất chấp Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Bà Thái Anh Văn nói rằng « rất cảm động » vì việc này. Hồi tháng Ba, đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đã đe dọa sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Pháp-Trung, nhưng bộ Ngoại Giao Pháp khẳng định các thượng nghị sĩ có quyền tự do đi lại theo ý họ.
Trong một diễn biến khác, hôm qua 06/10 bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo Cheng) trong cuộc điều trần trước Quốc Hội nhận định, từ nay đến 2025 Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến tổng lực để xâm chiếm Đài Loan.
Đài Loan tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế sau các vụ xâm nhập của Trung Quốc (rfi.fr)
Trung Quốc leo thang hăm dọa, trắc nghiệm sức bền của người dân Đài Loan
Đăng ngày:
Gần 150 chiến đấu cơ, trong đó có một chiếc oanh tạc cơ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc trong vòng bốn ngày liên tiếp từ ngày 01-04/10/2021, đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Một hành động hăm dọa hay tín hiệu khởi đầu một cuộc xâm chiếm đảo ?
Chưa có lúc nào tình hình ở eo biển Đài Loan lại đen tối như lúc này. Tổng thống Thái Anh Văn trong một diễn đàn đăng trên tờ Foreign Affairs cảnh báo : Nếu hòn đảo rơi vào tay Trung Quốc, điều đó sẽ mang lại hậu quả « thảm khốc » cho châu Á.
Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chinh (Chiu Kuo-cheng) ngày 06/10/2021 cũng phải lên tiếng báo động căng thẳng hai bờ eo biển ở mức chưa từng có từ hơn 40 năm nay, và Bắc Kinh có đủ phương tiện để xâm chiếm « toàn bộ » hòn đảo vào năm 2025.
Bắc Kinh muốn gì khi đột ngột leo thang căng thẳng quân sự ? Liệu chiến tranh Trung – Đài có xảy ra hay không ? Đài Loan phải làm gì trong bối cảnh hiện nay ? Và đâu là những nguồn hậu thuẫn cho Đài Bắc ?
Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu về Đông Á, Antoine Bondaz, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, cho rằng Trung Quốc có nhiều khả năng tiến hành cuộc chiến tiêu hao, trắc nghiệm hệ thống phòng thủ, sức bền của người dân Đài Loan và phản ứng của cộng đồng quốc tế nhất là từ Mỹ cùng các đồng minh.
RFI Tiếng Việt : Trong bốn ngày liên tiếp, Trung Quốc điều gần 150 chiến đấu cơ đi vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Làm thế nào giải thích một con số kỷ lục như vậy ? Tại sao Trung Quốc lại có chiến dịch quân sự đó vào thời điểm này ?
Antoine Bondaz : Những gì diễn ra với Đài Loan những ngày vừa qua là chưa từng có. Chưa bao giờ Trung Quốc điều ngần ấy chiến đấu cơ trong một quãng thời gian ngắn ngủi như vậy : Gần 150 máy bay quân sự chỉ trong vòng 4 ngày. Nếu so với tháng 7 và 8, có chưa tới 30 chiến đấu cơ mỗi tháng. Riêng ngày 04/10 là có đến 56 máy bay chỉ trong vòng một ngày, còn nhiều hơn cả so với phần lớn thời gian là trong một tháng.
Thời điểm được chọn khá quan trọng. Tôi nghĩ là có nhiều sự kiện để giải thích. Thứ nhất, đó là ngày Quốc Khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mồng 01 tháng Mười. Một hình thức nào đó, Trung Quốc muốn biểu dương sức mạnh tinh thần dân tộc. Tổng biên tập tờ Global Times, cách nay vài hôm tuyên bố : "Cuộc diễu binh năm nay đã được dời sang eo biển Đài Loan". Đây còn là một thông điệp gởi đến cho toàn thể người dân Trung Quốc.
Một sự kiện quan trọng khác chính là cuộc tập trận chung ngoài khơi Okinawa giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Anh Quốc, Canada, và Hà Lan. Cuộc tập trận quy tụ hai chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ, một tầu sân bay Anh, một tầu sân bay trực thăng Nhật Bản. Như vậy, đây cũng là một cuộc biểu dương lực lượng của Mỹ nhưng là ở phía bên kia chuỗi đảo Okinawa.
Có thể nói, đây là hai sự kiện quan trọng giải thích vì sao có những hành động phô trương sức mạnh dữ dội như vậy vào đầu tháng 10 này.
Nhưng ngày 10/10 sắp tới đây cũng là một ngày quan trọng đối với Đài Loan. Phải chăng đó cũng là lý do để giải thích cho hành động hung hăng này của Trung Quốc ?
Antoine Bondaz : Đúng vậy, ngày 10/10 tới đây là ngày lễ lớn của Trung Hoa Dân Quốc, đó là ngày quốc khánh của Đài Loan. Người ta có thể đoán là "sẽ có một cuộc biểu dương sức mạnh mới từ Trung Quốc". Hôm nay, còn có 1-2 chiếc máy bay quân sự Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, chúng ta có thể nghĩ là từ đây đến Chủ Nhật sẽ có nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, phía Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn, cơ hội để thực hiện các chiến dịch này cũng đang khép lại do điều kiện thời tiết, như vậy số chiến đấu cơ trung bình được điều đến trong mùa đông sẽ ít hơn vào mùa hè.
Chỉ có điều, Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền từ năm 2012 ?
Antoine Bondaz : Chúng ta nhận thấy có một sự gia tăng áp lực từ Trung Quốc, bất kể là quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với đảo Đài Loan, nhất là kể từ năm 2016 khi bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến đắc cử tổng thống. Chúng ta thấy rõ trên bình diện ngoại giao, Trung Quốc có một chính sách ngoại giao hung hăng, tìm cách cô lập Đài Loan trên trường quốc tế như ngăn cản Đài Bắc tham dự với tư cách là quan sát viên thuộc Tổ chức Y Tế thế giới hay như là thành viên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Trung Quốc còn tìm cách ép buộc nhiều nước cắt đứt bang giao với Đài Loan như Panama, đảo quốc Salomon ở Thái Bình Dương. Trung Quốc còn gây áp lực kinh tế với Đài Loan thông qua các biện pháp trừng phạt, hoặc một cách gián tiếp như hạn chế dòng du khách Trung Quốc, hay tăng mức áp thuế đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp của Đài Loan như trái cây. Cuối cùng là áp lực trên bình diện quân sự, một cách cụ thể là thông qua việc gia tăng các chiến dịch xâm nhập ADIZ của Đài Loan.
Thái độ hung hăng này của Bắc Kinh liệu có phải còn do gần đến thời hạn 2049, năm kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc. Đài Loan được cho là « mảnh ghép còn thiếu » trong « giấc mộng Trung Hoa » của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ?
Antoine Bondaz : Thật vậy, từ năm 1949, năm thành lập nước, Trung Quốc không ngừng tìm cách hợp nhất Đài Loan với Hoa lục. Hòn đảo tự trị này là một vùng lãnh thổ còn lại mà Trung Quốc cho tới giờ vẫn chưa kiểm soát được. Do vậy, thời điểm 2049 đương nhiên vẫn là mục tiêu xa xôi cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Dù vậy, ông Tập Cận Bình nhiều lần nhắc đến và luôn cho rằng từ đây cho đến một thế hệ nữa, cần phải có một giải pháp cho vấn đề Đài Loan, nghĩa là sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực hay không vào lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hơn nữa, người ta nhận thấy có một sự thay đổi về chiến lược từ phía Trung Quốc. Họ cho rằng Đài Loan đang tìm cách thay đổi nguyên trạng, bởi vì tổng thống Thái Anh Văn không nhìn nhận đồng thuận 1992, một đồng thuận mà Bắc Kinh cho rằng phải chi phối mối quan hệ đôi bờ eo biển Đài Loan.
Trong tình cảnh Trung Quốc mỗi lúc một hung hăng, liệu chiến tranh Trung – Đài có sẽ nổ ra ?
Antoine Bondaz : Tôi nghĩ rằng rủi ro chiến tranh toàn diện giữa Đài Loan và Trung Quốc trong ngắn hạn vẫn rất hạn chế dù rằng Bắc Kinh không ngừng gia tăng khiêu khích, nhưng những hành động này vẫn rất được cân nhắc, có chừng mực bởi vì cho đến lúc này Trung Quốc vẫn chưa đi vào vùng không phận của Đài Loan mà chỉ ở ADIZ. Đó là vùng không gian do Đài Bắc đơn phương tuyên bố, đó không phải là một khoảng cách hợp pháp, theo pháp lý.
Phía Trung Quốc rõ ràng có ý muốn xem xét lại nguyên trạng và do vậy Trung Quốc luôn tìm cách khiêu khích gây ra sự cố như xâm nhập vào vùng không phận cách nay vài năm, cũng có thể có khả năng tiến hành một dạng bán phong tỏa một số đảo, cản trở các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Đài Loan như quần đảo Đông Sa ở Biển Đông.
Tóm lại, Trung Quốc sẽ tiếp tục trắc nghiệm Đài Loan, trắc nghiệm khả năng phòng thủ, thử sức bền và lòng quyết tâm bảo vệ đảo của người dân Đài Loan, cũng như là thăm dò phản ứng của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy là các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, hay Liên Hiệp Châu Âu có một vai trò quan trọng cần nắm giữ, nhất là về phía Liên Âu.
Vai trò này khá là quan trọng không phải để can thiệp trong trường hợp có xung đột vì châu Âu không có khả năng quân sự trong khu vực - nhưng cho phép dự báo một cuộc xung đột có thể xảy ra, do vậy Liên Hiệp Châu Âu cần phải nỗ lực nhiều hơn.
Trước những hành động mỗi lúc một hung hăng trong khu vực, và đà đi lên thành cường quốc của Bắc Kinh, người ta nhận thấy Tokyo giờ không còn ngần ngại công khai hậu thuẫn Đài Bắc. Vì sao Nhật Bản lại có sự thay đổi thái độ như vậy ? Liệu sự hậu thuẫn này có mang lại những rủi ro nào cho Nhật Bản hay không ?
Antoine Bondaz : Rõ ràng là ngày nay có nhiều nước bày tỏ trực tiếp mối quan ngại của họ và kêu gọi duy trì ổn định và hòa bình tại eo biển Đài Loan. Những cử chỉ này đúng là một « điều mới ».
Mới là vì nước Pháp đã ký vào thông cáo chung của G7 đề cập đến sự ổn định và hòa bình tại eo biển Đài Loan. Mới cũng vì Nhật Bản, theo cách công khai, đã ký vào thông cáo chung với Mỹ, bày tỏ sự gắn kết, kêu gọi một sự ổn định cho khu vực. Mới cũng là vì lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu trong dự thảo chiến lược hợp tác châu Á – Thái Bình Dương có đề cập một cách công khai đến sự ổn định của eo biển Đài Loan, và cũng là một trong số ưu tiên của Bruxelles.
Về điểm này, đúng là có những cử chỉ mới từ phía quốc tế đối với Đài Loan. Nhưng về phía Nhật Bản, tình hình phức tạp hơn. Nếu như chiến tranh xảy ra với Đài Loan, lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng trước tiên trên bình diện an ninh, binh sĩ Mỹ đóng tại Nhật Bản có thể sẽ được huy động. Vì lợi ích của mình, Nhật Bản ít nhiều gì phải hậu thuẫn trực tiếp Đài Loan.
Nếu như ngày mai Đài Loan bị quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc chiếm đóng, điều đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn thế cân bằng địa chính trị, và môi trường an ninh Nhật Bản. Do vậy, Tokyo chỉ được lợi khi nguyên trạng này được duy trì.
Trong hoàn cảnh này, Đài Bắc phải làm gì để đối phó với sức ép ngày càng lớn từ Bắc Kinh ?
Antoine Bondaz : Hiện tại, chiến lược của Đài Loan là vẫn giữ thái độ ôn hòa. Nghĩa là chúng ta sẽ không có một chính phủ, ví dụ như công khai đi Mỹ, đây vẫn là một chủ đề nhạy cảm, như đã từng làm cách nay 15 năm, khi ông Trần Thủy Biển còn cầm quyền. Chính phủ Dân Tiến hiện nay tìm cách giữ thế nguyên trạng. Trên thực tế Đài Loan là một Nhà Nước độc lập, xã hội Đài Loan là một xã hội dân chủ, đương nhiên, họ cũng mong muốn bảo vệ những lợi ích và các giá trị của mình.
Về phía Đài Loan, ngày nay họ có nhiều giải pháp. Điều trước tiên là phải tăng cường năng lực phòng thủ. Đài Loan hiện có chương trình tự phát triển tầu ngầm theo quy ước. Việc phối hợp và hợp tác với Hoa Kỳ như trong việc mua vũ khí và hệ thống phòng thủ vẫn được tiếp tục. Rồi Đài Loan cũng nỗ lực tiếp cận với phần còn lại của cộng đồng quốc tế, không phải để họ hậu thuẫn đảo trên bình diện chính trị hay quân sự, mà là để Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, hay Úc ý thức được rằng nếu ngày mai có một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan, chắc chắn là sẽ có nhiều vấn đề phải đối mặt.
Tuần này, Pháp gởi một phái đoàn nghị sĩ đến thăm Đài Loan. Trong hồ sơ này, Paris có thể làm được gì cho Đài Bắc ?
Antoine Bondaz : Quả thật, phạm vị hành động của Pháp rất hạn hẹp. Tình thế của Pháp hiện giờ không giống như đầu những năm 1990, vào thời đó, Paris có thể cung cấp cho Đài Loan các hệ thống phòng thủ, tầu tuần tra, chiến đấu cơ Mirage 2000… Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Pháp không có một « đòn bẫy » nào. Pháp vẫn có những lá chủ bài ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu, ở Hội Đồng Bảo An để có một tiếng nói, tiếng nói của Liên Hiệp Châu Âu, nghĩa là việc duy trì sự ổn định tại vùng eo biển Đài Loan này là cực kỳ quan trọng. Nếu ngày mai, Trung Quốc khơi ngòi cuộc chiến, sự việc sẽ có những tác động tiêu cực cho Liên Âu.
Tôi cho rằng nước Pháp nên tỏ ra có sự gắn kết trong những tuyên bố công khai. Chúng ta thấy rõ là những tháng gần đây, việc áp dụng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp đã được cập nhật vào tháng 7/2021. Chỉ có điều trong bản chiến lược này vấn đề an ninh được đề cập đến nhưng lại không có một tham chiếu nào nhắc đến tình hình eo biển Đài Loan.
Đây thật sự là một vấn đề về sự gắn kết, bởi vì nước Pháp chấp nhận nói đến vấn đề này trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, với nước Úc một cách công khai nhưng Paris lại không nói đề cập đến vấn đề này một cách đơn phương trong các tài liệu chính thức, do vậy ngày nay đặt ra các vấn đề.
RFI Tiếng Việt cảm ơn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten