woensdag 14 november 2018

Việt Nam-Campuchia thảo luận về việc di dời người Việt ở Biển Hồ + Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Campuchia, bà Rhona Smith kêu gọi Chính phủ Phnom Penh hãy công bằng và minh bạch

Việt Nam Campuchia thảo luận về việc di dời người Việt ở Biển Hồ

Một ngư dân Việt Nam tự sửa chữa chiếc thuyền gỗ ở một làng chài trên sông Tonle Sap, Phnom Penh
Một ngư dân Việt Nam tự sửa chữa chiếc thuyền gỗ ở một làng chài trên sông Tonle Sap, Phnom Penh
AFP
Tình hình người gốc Việt sinh sống ở Biển Hồ, Campuchia được đại diện hai chính phủ Việt Nam và Campuchia nêu ra bên lề Hội nghị Cấp Cao ASEAN 33 và các hội nghị liên quan tại Singapore hôm thứ Ba, 13 tháng 11.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn khẳng định với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh rằng Campuchia sẽ nỗ lực hỗ trợ cuộc sống của bà con gốc Việt tái định cư ở khu vự Biển Hồ của nước này.
Truyền thông trong nước dẫn lại lời ông Prak Sokhonn mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ 2 nước và sẽ tạo điều kiện cho người dân gốc Việt ở Biển Hồ ổn định cuộc sống.
Về phía Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nhắc lại đề nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hunsen nhân dịp tham dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN và Hội nghị Thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (IMF - WB) tại Bali, Indonesia, đó là việc Campuchia thực hiện di dời theo lộ trình từng bước, hỗ trợ người gốc Việt di dời khỏi Biển Hồ có cuộc sống ổn định.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua chính quyền tỉnh Kamphong Chhnang của Campuchia cho biết kế hoạch di dời khoảng 2000 gia đình sống trên các con thuyền trên dòng sông Tonle Sap thuộc địa phận tỉnh này, trong đó có khoảng 115 gia đình là người Việt và Hồi Giáo Khmer. Mục đích di dời được cho biết là để khôi phục chất lượng nước dòng sông.
Tuy nhiên một số người Việt ở địa phương cho Đài Á Châu Tự Do biết những điều kiện về nguồn nước khi di dời mà chính quyền địa phương hứa không đảm bảo.
Hôm 9 tháng 11, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Campuchia, bà Rhona Smith kêu gọi Chính phủ Phnom Penh hãy công bằng và minh bạch trong vấn đề giải quyết cưỡng chế những gia đình Việt Nam ở Biển Hồ, tại tỉnh Kampong Chhnang.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Cambodian-gov-promises-to-support-resettlement-vietnamese-living-in-bienho-11132018073510.html

LHQ kêu gọi Campuchia hãy đối xử công bằng trong việc cưỡng chế các gia đình Việt Nam ở Biển Hồ

Bà Rhona Smith, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Campuchia.
Bà Rhona Smith, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Campuchia.
AFP
Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Campuchia, bà Rhona Smith kêu gọi Chính phủ Phnom Penh hãy công bằng và minh bạch trong vấn đề giải quyết cưỡng chế những gia đình Việt Nam ở Biển Hồ, tại tỉnh Kampong Chhnang. Tờ Phnompenh Post loan tin vừa nêu vào ngày 9 tháng 11.
Bà Rhona Smith đưa ra lời kêu gọi tại buổi họp báo ở văn phòng Cao ủy Nhân quyền nhân chuyến thăm kéo dài 11 ngày, gặp gỡ với giới chức cấp cao của Chính phủ Campuchia.
Sau khi đến tận tỉnh Kampong Chhnang để xem xét kế hoạch tái định cư cho người Việt Nam ở Biển Hồ, bà Rhona Smith khẳng định rằng cần thiết phải đảm bảo quản lý nguồn nước sẵn có và lâu dài cũng như vệ sinh cho các nạn nhân, đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên sông và hồ Tole Sap.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Campuchia Sar Kheng, vào ngày 7 tháng 11, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Campuchia bày tỏ lo ngại về kế hoạch tái định cư vi phạm nhân quyền. Bà Rhona Smith nói rằng nhiều người Việt Nam bị ảnh hưởng trong kế hoạch di dời khỏi Biển Hồ là những người nghèo nhất và không có giấy tờ tùy thân để họ được tiếp cận các quyền và phúc lợi căn bản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Campuchia Sar Kheng phản bác và nói rằng chính quyền Campuchia rất quan tâm đến lãnh vực nhân quyền trong kế hoạch di dời dân chúng ở Biển Hồ.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Campuchia cũng kêu gọi Chính phủ Pnom Penh cải thiện cách thức giải quyết các vấn đề phức tạp về quyền sử dụng đất, thông qua minh bạch hơn, công bằng hơn và đảm bảo một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết tranh chấp đất đai khi xem xét di dời.
Phó Tỉnh trưởng Kampong Chhnang, ông Sun Sovannarith được Phnompenh Post trích lời cho biết chính quyền tỉnh có kế hoạch rõ ràng trong việc di dời và trẻ em sẽ được học hành ở gần nhà cũng như sẽ không bị phân biệt đối xử vì là người Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/un-calls-for-fairness-in-evicting-vn-families-11092018073746.html

Người Việt ở Tonle Sap ‘miễn cưỡng’ di dời

Một ngư dân Việt Nam tự sửa chữa chiếc thuyền gỗ ở một làng chài trên sông Tonle Sap, Phnom Penh
Một ngư dân Việt Nam tự sửa chữa chiếc thuyền gỗ ở một làng chài trên sông Tonle Sap, Phnom Penh
AFP photo
Một số gia đình người Việt sống trên Sông Tonle Sap không chưa muốn di dời theo như kế hoạch mà cơ quan chức năng địa phương Campuchia đưa ra.
Mạng báo Phnom Penh Post vào ngày 3 tháng 10 loan tin như vừa nêu. Và một người dân trong diện di dời cũng cho Đài Á Châu Tự Do biết vào ngày 3 tháng 10 như sau:
“Chúng tôi là người dân chỉ mong được chính quyền lo cho yên ổn thôi chứ nơi di dời mới không có nước sạch, phương tiện làm ăn; Chúng tôi chỉ mong lui lại chừng 1 năm để sắp xếp chứ chúng tôi đâu dám cãi.”
Một thầy giáo tham gia giảng dạy cho con em những gia đình người Việt đang sống tại những nhà sàn trên Sông Tonle Sap thừa nhận thực tế khó khăn của người dân tại đó:
“Có lệnh đuổi dân lên bờ nên dân đang nhốn nháo lắm. Dân quen sống trên sông nước nhưng nay phải di dời đi quá xa; xuồng- ghe-bè cá không ai trông coi. Dân không có quyền để chống đối mà chỉ xin cơ quan nhà nước di dời cặp mé sông để có thể coi bè cá, ghe xuồng nhưng họ không cho mà bắt di dời rồi tự mướn đất.”
Vào ngày 2 tháng 10, Phnom Penh post loan tin nhiều gia đình người Việt sống tại các nhà sàn trên sông Tonle Sap của Campuchia sẽ phải di dời đến vùng đất khác chậm nhất là đến cuối năm nay theo lệnh của chính quyền địa phương tỉnh Kampong Chhnang.
Phnom Penh Post trích lời của Phó tỉnh trưởng Sun Sovannarith cho biết tổng cộng có hơn 2.000 gia đình hiện sống trên các con thuyền trên dòng sông ở địa phận tỉnh này. Ông này cho biết có khoảng 115 gia đình là người Việt và người Hồi giáo Khmer sẽ bị di dời. Biện pháp di dời được cho biết là để phục hồi chất lượng nước của dòng sông.
Giới chức tỉnh Kampong Chhang cho biết đã thu xếp 40 ha đất tại quận Rolea P’ier cho những gia đình di dời. Ngoài ra, địa phương cũng hỗ trợ 3 tháng cho những hộ bị di chuyển bao gồm điện và nước sạch.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tonle-sap-vietnamese-reluctant-to-move-10032018100916.html

Hà Nội-Phnom Penh hợp tác trong vấn đề pháp lý cho người Việt tại Campuchia

Ảnh minh họa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Hun-Sen (phải) trong lần gặp gỡ tại Phnom Penh vào ngày 25/04/2017.
Ảnh minh họa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Hun-Sen (phải) trong lần gặp gỡ tại Phnom Penh vào ngày 25/04/2017.
AFP
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia cam kết thúc đẩy giải quyết tư cách pháp lý cho người Việt ở xứ Chùa Tháp.
Thông cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết cam kết vừa nêu được Thủ tướng Hun Sen đưa ra trong cuộc gặp song phương với người tương nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 10 tháng Giêng, bên lề Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương tại Phnom-penh, Campuchia.
Thông cáo ghi rõ hai nước nhất trí phối hợp giải quyết tích cực vấn đề pháp lý cho người Campuchia gốc Việt tại Campuchia trên cơ sở luật pháp Campuchia và tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước.
Tuy nhiên, tờ Phnompenhpost vào ngày 11 tháng Giêng dẫn lời của Vụ trưởng Di trú Campuchia Sok Phal và của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Campuchia rằng họ không biết gì về cuộc thảo luận của hai vị thủ tướng, liên quan vấn đề pháp lý của người Việt sinh sống tại Campuchia.
Ông Sok Phal nói rằng người Việt sống bất hợp pháp tại Campuchia có hai lựa chọn, bao gồm hoặc “tự nguyện hồi hương” hoặc phải trả tiền phạt 250 ngàn riel, tương đương 62.50 đô la Mỹ để được cấp giấy tờ di trú hợp pháp.
Hồi năm ngoái, giới chức di trú Campuchia công bố một kế hoạch tước bỏ các giấy tờ của người Việt mà họ cho là “không bình thường”. Vào tháng 11, giới chức di trú Campuchia bắt đầu tiến hành tịch thu giấy tờ của những người Việt sống ở khu vực Kampong Chhnag, Biển Hồ và sẽ thực hiện đối với những người Việt sinh sống trên khắp lãnh thổ Campuchia.
Việc làm này của Chính quyền Campuchia bị cho là vi phạm nhân quyền.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-government-hun-sen-seek-solution-on-legal-status-01112018075512.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten