donderdag 8 november 2018

Trung Quốc... "hứng bão" tại Liên Hiệp Quốc vì giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ

Trung Quốc hứng bão tại LHQ vì giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ

mediaBiểu tình trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève ngày 06/11/2018 phản đối Bắc Kinh. Dòng chữ trên biểu ngữ: "Trên 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Liên Hiệp Quốc cần phải lên tiếng!"REUTERS/Denis Balibouse
Hôm qua 06/11/2018 tại Genève, trong suốt cả buổi sáng, phái đoàn đông đảo của Trung Quốc do thứ trưởng ngoại giao Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) làm trưởng đoàn, đã phải hứng chịu một trận bão chỉ trích trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Đại diện Mỹ Mark Cassayre đòi hỏi Bắc Kinh « chấm dứt tất cả các kiểu bắt giam tùy tiện, trả tự do ngay lập tức cho hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương ». Đại sứ Pháp François Rivasseau cũng yêu cầu « kết thúc việc giam giữ người hàng loạt trong các trại tập trung », và đề nghị cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet giám sát tình hình tại chỗ.
Trong lúc đại sứ các nước liên tục đặt câu hỏi, đả kích, chất vấn đoàn Trung Quốc, bên ngoài trụ sở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khoảng 500 người biểu tình với các khẩu hiệu đòi « Chấm dứt diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ».
Phía Trung Quốc, như thường lệ, bác bỏ các cáo buộc mà họ cho là « đầy định kiến » đối với « cuộc chiến chống khủng bố » của Bắc Kinh.
Một phóng sự trước đó của hãng tin Pháp AFP ghi nhận, nếu cứ tin vào các hình ảnh trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, thì một trong những « trung tâm huấn nghiệp » dành cho những người Hồi giáo ở miền tây bắc nước này là một trường học hiện đại, nơi đó học viên được dạy tiếng Hoa, một môn thể thao hay múa cổ truyền.
Trại tập trung được giới thiệu trên kênh truyền hình nhà nước CCTV vào tuần rồi là một trong số 181 trại cải tạo được lập ra tại Tân Cương kể từ năm 2014, theo điều tra của AFP. Đài CCTV nói rằng việc nhập trại là tự nguyện, chiếu cảnh các học viên đang vui vẻ học tiếng Hoa, và học các nghề may mặc hay chế biến thực phẩm.
Ma trắc, còng…tại các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ
Nhưng cơ quan chính quyền phụ trách về trung tâm này ở thành phố Hòa Điền (Hotan) nơi các hình ảnh trên được quay, hồi đầu năm đã đặt mua cả một kho vũ khí chẳng liên quan gì đến giáo dục. Có thể kể : 2.768 cây ma-trắc, 1.367 bộ còng tay, 2.792 bình xịt hơi cay.
Danh sách trên đây nằm trong số hàng ngàn đơn đặt hàng của các chính quyền địa phương ở Tân Cương, từ hai năm qua phải chịu trách nhiệm về việc thiết lập một mạng lưới « các trung tâm huấn nghệ », nhằm đối phó với các phong trào Hồi giáo và ly khai đang tăng lên tại khu vực đại đa số dân cư là người theo đạo Hồi, nằm cách Bắc Kinh 2.200 km về phía tây.
Theo các nhà tranh đấu lưu vong, thực ra đó là những trại cải tạo, đang giam giữ đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ, trên tổng số 11,5 triệu người thuộc sắc tộc này. Bên cạnh đó, các sắc tộc thiểu số khác theo đạo Hồi như người Kazakhstan mang quốc tịch Trung Quốc, cũng nằm trong tầm ngắm.
Do bị đả kích tại Liên Hiệp Quốc cũng như từ các nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, Bắc Kinh sau nhiều tháng chối cãi sự hiện diện của các trại giam này, đã tung ra một chiến dịch truyền thông nhằm giới thiệu các trại cải tạo trên đây như là các trung tâm dạy nghề. Mục tiêu lập ra, theo chế độ cộng sản Trung Quốc là : ngăn ngừa khủng bố trỗi dậy, trong bối cảnh người Duy Ngô Nhĩ là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu trong những năm gần đây.
Tuy nhiên một cuộc điều tra của AFP dựa theo trên 1.500 tài liệu có thể tham khảo trên mạng – gồm cáo thị gọi thầu, dự chi ngân sách, báo cáo công tác – cho thấy các trung tâm trên là nhà tù thay vì trường học.
Hàng ngàn quản giáo được trang bị hơi cay, ma-trắc, súng điện giám sát các trại cải tạo bao quanh là những hàng rào thép gai và camera hồng ngoại. Những trại này phải « giảng dạy như ở trường học, được quản lý như trong quân đội và được canh gác như nhà tù » - một văn bản dẫn lời bí thư tỉnh ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) chỉ đạo như trên.
Một tài liệu khác nhấn mạnh, « các biện pháp đặc biệt rất cần thiết để chấm dứt nạn khủng bố ». Để tạo ra các công dân tốt, những trung tâm này phải giúp « cắt đứt việc tạo ra các thế hệ (khủng bố) mới, cội rễ, các quan hệ và nguồn lực của họ ».
Chỉ tiêu mỗi gia đình một người đi cải tạo
Các trại cải tạo loại này trở nên phố biến từ năm ngoái, sau khi có chỉ thị của chính quyền Tân Cương. Một danh sách 25 thái độ « khả nghi » về tôn giáo và 75 dấu hiệu « cực đoan » đã được phổ biến, trong đó có việc bỏ hút thuốc, để râu dài hay mua một căn lều « mà không có lý do chính đáng »…Hoặc những người đã sống « quá lâu » ở nước ngoài, những gia đình có thành viên bị công an bắt hoặc giết chết.
Theo báo cáo của Human Rights Watch, các quy định mới được đưa ra từ năm 2014 cấm hàng loạt hành động, mơ hồ cho đến nỗi muốn bắt ai cũng được. Nhiều nhân chứng khẳng định có những người Duy Ngô Nhĩ bị bỏ tù chỉ vì đi học tiếng Ả Rập ở Ai Cập, hoặc công an tìm thấy những văn bản tôn giáo trong máy tính của họ, thậm chí chỉ do tiếp xúc với người nước ngoài. Có công an viên cho biết họ phải « hoàn thành chỉ tiêu ». Một chỉ thị cho chính quyền địa phương đòi hỏi mỗi gia đình phải có ít nhất một người vào trại cải tạo trong thời gian tối thiểu ba tháng.
Số vụ bị bắt vào trại cải tạo đã tăng vọt, và vào mùa xuân năm 2017 chính quyền các địa phương bắt đầu đưa ra nhiều cáo thị gọi thầu để xây dựng thêm các trại mới. Trong số các đơn đặt hàng có : các loại giường tầng, máy điều hòa, chén bát… Vào đầu năm nay, chỉ trong vòng một tháng, riêng cơ quan phụ trách « huấn nghệ » ở Hòa Điền đã đặt mua 194.000 sách dạy tiếng Hoa, và 11.310 đôi giày. Có cả camera giám sát, thiết bị nghe trộm điện thoại, cảnh phục, nón bảo hộ, khiên chống bạo động, lựu đạn cay, ma-trắc dùng điện và loại có gai nhọn được mệnh danh là « răng chó sói ».
Có ít nhất một trại cải tạo đặt mua loại ghế có thể trói tay chân các nghi can vào. Các cán bộ đảng ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương đã đòi được cung cấp ngay súng điện cho các trại cải tạo, giải thích rằng nhằm « bảo đảm an toàn cho nhân viên ». Loại vũ khí không sát thương này giúp « giảm bớt nguy cơ xảy ra sự cố khi không cần thiết phải dùng đến súng ».
Hãng tin Pháp đã liên lạc với các cơ quan chính quyền địa phương về các thông tin trên nhưng không được trả lời.
Theo một chỉ thị vào cuối năm 2017, học viên phải thường xuyên được trắc nghiệm về tiếng Hoa, về chính trị và làm các bản tự kiểm thảo, bày tỏ lòng trung thành với đảng Cộng sản. Suốt cả ngày, họ phải « hô khẩu hiệu, hát những bài ca cách mạng và học thuộc lòng Tam Tự Kinh ca ngợi chế độ », như thời mao-ít trước đây (1949-1976).
Các cán bộ được lệnh phải thường xuyên đi thăm gia đình các « học viên » để quảng bá việc giáo dục « chống cực đoan » và phát hiện kịp thời các dấu hiệu phẫn nộ trước khi đối tượng trở thành người chống đối đảng Cộng Sản Trung Quốc. Một số cơ quan được lập ra năm 2017 để tập trung quản lý các trại cải tạo, bảo đảm « an toàn tuyệt đối » tại đây, tránh các vụ vượt ngục.
Học viên được phân loại theo mức độ « nhiễm độc ý thức hệ » để tẩy não. Nếu phản kháng, họ sẽ bị trừng phạt như bỏ đói, không cho ngủ, biệt giam, bị đánh đập. Một bài điều tra trên báo Libération dẫn lời Omurbel Eli, một người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo khoảng 20 ngày mô tả : « Trong xà lim có khoảng 40 tù nhân, tất cả đều là người đạo Hồi, có hai camera giám sát. Ngủ thì phải thay phiên, mỗi tháng chỉ được tắm một lần. Việc đánh đập thường xuyên diễn ra, có những người không chịu nổi đã tự sát ».
Bị đàn áp như thế, nhưng theo chuyên gia Thierry Kellner trên Le Monde, khả năng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đứng lên đấu tranh vũ trang là rất thấp. Ngoài sự bênh vực từ các tổ chức phi chính phủ, ít có Nhà nước nào muốn chọc giận Bắc Kinh. Chuyên gia này lý giải, do là vùng đất bản lề trong dự án « Con đường tơ lụa mới », nên Trung Quốc muốn kiếm soát toàn bộ Tân Cương, không chấp nhận bất kỳ một rủi ro nào.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181107-trung-quoc-hung-bao-tai-lien-hiep-quoc-vi-giam-giu-ca-trieu-nguoi-duy-ngo-nhi

Trung Quốc bị chất vấn ở Liên Hiệp Quốc về các trại cải tạo Duy Ngô Nhĩ

mediaCảnh sát Trung Quốc giám sát an ninh trước cửa một đền thờ Hồi Giáo của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ảnh chụp ngày 26/06/2017.Johannes EISELE / AFP
Hôm nay 06/11/2018 tại Genève, Trung Quốc bị các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc chất vấn về việc giam giữ gần một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo, một chủ đề ngày càng bị thế giới chỉ trích.
Trong khuôn khổ cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR theo tiếng Anh, EPU theo tiếng Pháp) tổ chức bốn năm một lần đối với 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc trình bày bản báo cáo và tất cả các nước đều có thể đặt câu hỏi.
Một số nước đã công khai các chất vấn. Chẳng hạn Hoa Kỳ vốn nắm vững vấn đề này, đã đòi hỏi Bắc Kinh làm rõ căn cứ của việc hình sự hóa việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo, và giải thích vì sao lại cưỡng bức người dân đi cải tạo. Washington cũng yêu cầu công bố số lượng tù nhân bị giam giữ tại tất cả các trại cải tạo ở Tân Cương trong năm năm qua.
Anh quốc muốn biết khi nào Trung Quốc mới thực hiện khuyến cáo của một ủy ban Liên Hiệp Quốc, nhằm « chấm dứt việc giam giữ người không thông qua xét xử ». Hoa Kỳ và Đức đòi hỏi Liên Hiệp Quốc phải được vào điều tra tại Tân Cương và Tây Tạng.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm nay cũng bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về việc cả triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo, và sẽ đề cập vấn đề này với người đồng nhiệm Vương Nghị trong chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày 8 và 9/11.
Ban đầu Trung Quốc chối cãi là không có trại cải tạo nào, nhưng sau khi các hình ảnh vệ tinh được công bố, cùng với bằng chứng là các văn bản chính thức của chính quyền địa phương trên internet, lại nói rằng đó là những « trại dạy nghề » cho người Duy Ngô Nhĩ tiếng Hoa, các môn thể thao và múa.
Tuy nhiên AFP tham khảo trên 1.500 cáo thị đấu thầu công khai trên mạng đã nhận thấy 181 trại được cho là « dạy nghề » ở Tân Cương đặt mua chủ yếu là ma-trắc, còng tay hoặc bình xịt hơi cay. Nhiều người bị tống vào trại cải tạo chỉ vì để râu dài, choàng khăn hoặc chúc mừng các lễ hội Hồi giáo trên internet.
Ngoài Tân Cương, các vấn đề khác về nhân quyền ở Trung Quốc cũng được nêu ra trong UPR lần này. Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, những tiếng nói ly khai bị đàn áp mạnh mẽ và việc giám sát bằng kỹ thuật số tăng cao. Tháng 07/2017, giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba đã chết trong tù. Về phía Bắc Kinh, trong báo cáo UPR khẳng định « Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa vấn đề nhân quyền ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181106-trung-quoc-bi-chat-van-o-lien-hiep-quoc-ve-cac-trai-cai-tao-duy-ngo-nhi

Liên Hiệp Quốc: Một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam ở Trung Quốc

mediaNgười Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc qua Thái Lan tị nạn. Ảnh chụp tại Songkhla, nam Thái Lan ngày 15/03/2014.Tuwaedaniya MERINGING / AFP
Một ủy ban gồm các chuyên gia Liên Hiệp Quốc hôm qua 10/08/2018 thông báo đang nắm giữ nhiều thông tin khả tín, theo đó hiện có một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị nhốt trong « các trại giam khổng lồ được giữ bí mật ».
Reuters dẫn lời bà Gay McDougall, thành viên của Ủy ban thanh toán nạn phân biệt chủng tộc trực thuộc Liên Hiệp Quốc, cho biết bên cạnh đó còn có hai triệu người, gồm người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác theo đạo Hồi, bị buộc phải sống trong các « trại học tập chính trị », tức trại cải tạo, ở khu Tự trị Tân Cương.
Bà McDougall thông báo như trên nhân dịp khai mạc phiên kiểm điểm định kỳ về nhân quyền ở Trung Quốc ở Genève. Bà cũng tố cáo trên 100 sinh viên Duy Ngô Nhĩ quay về Trung Quốc từ nhiều nước trong đó có Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị bắt giam, và một số đã chết trong trại giam.
Phái đoàn Trung Quốc gồm khoảng năm chục người hiện chưa muốn trả lời hãng tin Anh. Phiên điều trần này sẽ kết thúc vào thứ Hai tới.
ABC News nói thêm, phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc cho biết « vô cùng quan ngại trước các báo cáo về nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác tại Trung Quốc ». Đồng thời « kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các chính sách phản tác dụng, trả tự do cho tất cả những ai bị bắt giữ tùy tiện ».
Các cáo buộc trên đây từ nhiều nguồn, trong đó có nhóm Chinese Human Rights Defenders, tháng trước đã báo động có đến 21% những vụ bắt người tại Trung Quốc trong năm 2017 diễn ra tại Tân Cương.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180811-lien-hiep-quoc-mot-trieu-nguoi-duy-ngo-nhi-bi-giam-o-trugn-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten