maandag 12 november 2018

Thế Chiến I vẽ lại bản đồ thế giới + 1914-1918 : Cuộc chiến thảm khốc kéo dài 52 tháng + Rethondes: Biểu tượng của hai cuộc Đại Chiến thế kỷ XX

Thế Chiến I vẽ lại bản đồ thế giới

mediaBản đồ thế giới năm 1914.herodote.net
Các đế chế tại châu Âu sụp đổ cùng với cuộc Đại Chiến Thứ Nhất. Từ đế chế Nga đến Áo - Hung hay đế chế Ottoman, bản đồ châu Âu và Trung Đông được vẽ lại.
Tại Nga, cuộc Cách Mạng Tháng 10 năm 1917 khai tử chế độ Sa Hoàng. Từ mùa xuân năm 1918, chính quyền của Lênin đàm phán trực tiếp với phía Đức.
Đế chế Áo - Hung, liên tục chiếm vị trí hàng đầu tại Trung Âu trong 5 thế kỷ, ảnh hưởng trải rộng từ Thụy Sĩ đến Ukraina ngày nay, nhường chỗ cho những quốc gia như Tiệp Khắc, Nam Tư… lần lượt ra đời. Áo và Hung trở thành hai nền cộng hòa độc lập.
Sau chiến tranh, Ba Lan hồi sinh. Bốn quốc gia mới được hình thành : Phần Lan, Estonia, Litva và Latvia.
Đế chế Ottoman tan rã. Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nhà nước Cộng Hòa. Nhưng trước khi tàn cuộc chiến, từ năm 1916, Paris và Luân Đô ngầm thỏa thuận với nhau để chia sẻ ảnh hưởng tại Trung Đông : Liban và Syria thuộc về phía Pháp, còn Jordani và Irak được đặt dưới sự kiểm soát của Anh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181111-the-chien-i-ve-lai-ban-do-the-gioi

1914-1918 : Cuộc chiến thảm khốc kéo dài 52 tháng

mediaNgười dân Paris tràn xuống đại lộ Grands Boulevards ở Paris, ăn mừng ký kết Đình chiến ngày 11/11/1918 giữa quân đội đồng minh và Đức.STR / AFP
Thế Chiến Thứ Nhất lôi kéo 70 quốc gia trên thế giới vào vòng xoáy của chiến tranh. Trong số ấy, không ít vẫn còn là những thuộc địa của Anh, Pháp, Nga hay Đức vào đầu thế kỷ XX.
Mùa hè năm 1918 khi chiến tranh khai mào, chỉ có khoảng một chục quốc gia độc lập dấn thân. Khoảng 800 triệu người chịu ảnh hưởng của cuộc chiến mà trận địa khoanh gọn ở châu Âu.
70 triệu người lính trên khắp năm châu bị huy động trong cuộc chiến 1914-1918. Hơn 8 triệu thanh niên Pháp bị điều ra chiến trường ; Phía Đức là 13 triệu, đế chế Áo - Hung là 9 triệu, tương tự như vương quốc Anh và các vùng thuộc địa của Anh ; 18 triệu người lính Nga, 6 triệu tại Ý và 4 triệu ở Mỹ bị động viên.
Cho đến Đình Chiến, ngày 11/11/1918, đã có tới 10 triệu quân nhân phơi xác trên các mặt trận ở sườn đông và sườn tây châu Âu ; 20 triệu thương binh còn may mắn trở về.
1,4 triệu lính Pháp chết trận, Đức là 2 triệu. Nhưng thảm khốc nhất là đối với lực lượng của Serbia : tham chiến với số quân nhân khiêm tốn nhất, nhưng quân đội Serbia lại trả giá đắt nhất khi có tới 3/4 quân nhân chết và bị thương.
52 tháng chinh chiến cũng được đánh dấu bằng những trận đánh tàn khốc như trận Verdun và trong vùng Somme ở miền đông bắc nước Pháp năm 1916, làm 1.970.000 nạn nhân (tử vong, bị thương hoặc mất tích).
Trong cuộc Đại Chiến ấy, theo thẩm định của giới sử gia quốc tế, có khoảng từ 5 đến 10 triệu thường dân bị chết vì bom đạn, vì cảnh đói nghèo hay phải di dời chỗ ở.
Tàn cuộc chiến, còn lại 60 triệu tù bình, 10 triệu người tị nạn, 3 triệu góa phụ và 6 triệu đứa trẻ mồ côi. Phí tổn chiến tranh tương đương với từ 3 đến 4 lần so với tổng sản phẩm nội địa của các nước châu Âu. Nhiều quốc gia trên Lục Địa Già khánh tận.

Rethondes: Biểu tượng của hai cuộc Đại Chiến thế kỷ XX

mediaTướng Foch (thứ ba từ trái sang phải) trước khi ký Hòa Ước 11/11/1918.AFP
Cách nay 100 năm, 5 giờ 20 sáng ngày 11/11/1918, Hòa Ước kết thúc cuộc Đại Chiến I được ký kết trong một toa xe lửa, tại khu rừng trống Rethondes, trong rừng Compiègne, vùng Oise. Thế giới sang trang bốn năm chiến tranh kéo dài, với những thiệt hại về nhân mạng tàn khốc. Thời khắc lịch sử đem lại hòa bình đó cũng chính là điểm khởi đầu dẫn tới Thế Chiến Thứ Hai.
Sau bốn năm chiến tranh, 18 triệu người thiệt mạng trong cuộc Đại Chiến 1914-1918. Một triệu tư những người lính trẻ của Pháp chết trận. Thiệt hại về phía Đức còn nghiêm trọng hơn với hai triệu binh sĩ tử vong.
Lúc 11 giờ sáng ngày 11/11/1918, Đệ Nhất Thế Chiến chính thức kết thúc. Mờ sáng cùng ngày, cách Berlin gần 1000 cây số và cách Paris chưa đầy 100 km, tại khu rừng trống Rethondes, Đức đầu hàng.
Đúng một tuần lễ trước đó, chính quyền Berlin cử một chính trị gia lão luyện là Mathias Erzberger và nhà ngoại giao Alfred von Oberndorff sang điều đình với Pháp.
Ngày mồng 8 tháng 11 vào một buổi sáng sớm, chuyến tàu hỏa chở tướng Foch đại diện cho quân đội đồng minh gồm Anh, Mỹ, Canada, Úc, Ý và Nga, dừng lại Rethondes. Đây là nơi tướng Foch tiếp hai sứ giả Đức. Đôi bên gặp nhau trong bầu không khí giá lạnh, nơi một bìa rừng hẻo lánh.
Đến 9 giờ sáng, phía Đức hỏi tướng Foch về những điều kiện của bên thắng cuộc. Đại diện liên quân trả lời : "Các ông có muốn đặt được một bản hòa ước hay không ? Muốn thì cho chúng tôi biết". Phía Đức gật đầu, im lặng nghe những điều kiện của đối phương. Tướng Foch ra tối hậu thư cho Berlin đến ngày 11/11 để hoàn tất mọi thủ tục cần thiết.
Sau 5 giờ sáng ngày 11/11, tướng Foch cùng với một sĩ quan cao cấp của Pháp, hai thượng tướng của quân đội Anh, đại diện cho phe đồng minh. Phía Berlin gồm ba người, là các ông Mathias Erzberger, Alfred von Oberndorff và tướng Vanselow của Hải Quân Đức. Thêm vào đó là hai thông dịch viên Pháp và Đức. Tất cả chứng kiến một thời khắc lịch sử.
11 giờ sáng cùng ngày, Thế Chiến Thứ Nhất chính thức kết thúc. Khu rừng trống Rethondes năm 1922 được mang tên Allée Triomphale. Năm 1937 một bức tượng lớn của tướng Foch được dựng lên chính tại nơi này. Ở giữa khu rừng Rethondes có một tấm bảng khắc hàng chữ: "Nơi này ngày 11 tháng 11 năm 1918, những dân tộc tự do đã đánh gục đế quốc Đức kiêu hãnh".
Toa tàu có dấu ân của tướng Foch sau đó được chuyển về Paris.
Nhưng lịch sử không dừng lại ở đây.
Đối với một phần dân Đức, Hiệp Định Versailles năm 1919 là viên thuốc đắng, Hòa Ước 11 tháng 11 là một sự sỉ nhục. Adolf Hitler nung nấu hận thù.
Năm 1940 khi bắt Pháp đầu hàng, lãnh đạo phát xít Đức đã chọn chính toa tàu năm xưa có dấu ấn của Foch trong khu rừng trống Rethondes là nơi để ký hiệp định với Paris nhưng Pháp là bên thua cuộc.
Hitler ra lệnh đưa toa tàu nơi quân đội đồng minh đã buộc nước Đức ký Hòa Ước năm 1918 từ Paris trở lại Rethondes. Ngày 21 tháng 6  năm 1940, Hitler bước lên toa tàu, ngồi vào đúng chiếc ghế của tướng Foch năm nào nhưng rồi đã rời khỏi bàn đàm phán trước khi hiệp định được ký kết một ngày sau đó.
Từ đó tới nay, chưa một lãnh đạo Đức nào đặt chân đến Rethondes. Phải đợi 100 năm sau kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, thủ tướng Angela Merkel mới là nguyên thủ Đức đầu tiên trở lại khu rừng nơi đã kết thúc và cũng là điểm khởi đầu của chiến tranh trong thế kỷ XX.
 http://vi.rfi.fr/phap/20181110-rethondes-bieu-tuong-cua-hai-cuoc-dai-chien-the-ky-xx

Geen opmerkingen:

Een reactie posten