maandag 12 november 2018

Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng quân sự hóa Biển Đông + Lần đầu tiên Mỹ đòi Trung Quốc rút tên lửa khỏi Trường Sa


Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng quân sự hóa Biển Đông


mediaNgoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và chánh văn phòng đối ngoại đảng CS Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc họp báo ngày 09/11/2018 tại Washington.REUTERS/Leah Millis
Mỹ và Trung Quốc không ngừng cáo buộc nhau gây căng thẳng ở Biển Đông trong khuôn khổ cuộc đối thoại thường niên 2+2 về an ninh và ngoại giao tại Washington ngày 09/11/2018.
Theo hãng tin AFP, trả lời họp báo sau buổi làm việc với phái đoàn Trung Quốc, chánh văn phòng đối ngoại đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh : « Chúng tôi tiếp tục quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc và quá trình quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết của mình trong lĩnh vực này ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis kêu gọi « giảm nguy cơ tính toán sai lầm » có thể dẫn đến các cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông.
Về phía phái đoàn Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh kiên quyết tránh mọi va chạm tại Biển Đông, đồng thời yêu cầu Mỹ ngừng điều chiến hạm và chiến đấu cơ đến gần các đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, cũng như chấm dứt các « hành động phá hoại chủ quyền của Trung Quốc » tại Biển Đông.
Ông Dương Khiết Trì cũng kêu gọi Washington chấm dứt « can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc » liên quan đến nhân quyền, ngụ ý đến các trại cải tạo người Duy Ngô Nghĩ và sắc dân thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương.
« cuộc đối thoại mang tính xây dựng và hữu nghị », theo ngoại trưởng Mỹ, AFP cho rằng hai nước không tìm cách che giấu những bất đồng sâu sắc trong nhiều chủ đề quan trọng. Tuy nhiên, ông Pompeo trấn an rằng sẽ tránh « một cuộc chiến tranh lạnh mới ».
Thương mại và hạt nhân Bắc Triều Tiên
Cũng trong buổi họp báo, đại diện cho ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Khiết Trì tuyên bố hy vọng đôi bên sớm tìm ra đồng thuận. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thì tránh đề cập nhiều tới chủ đề này.
Về hạt nhân Bắc Triều Tiên, Mike Pompeo kêu gọi Bắc Kinh duy trì áp lực lên chính quyền Bình Nhưỡng, hợp tác với Washington nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên cho tới khi nào quốc gia này bãi bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân.
Đáp lời ngoại trưởng Mỹ, chánh Văn Phòng Đối Ngoại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Vương Khiết Trì, nhắc lại lập trường của Bắc Kinh : « Ủng hộ công cuộc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực qua đối thoại và đàm phán » và Trung Quốc « tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh » các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Bắc Kinh cũng hy vọng Mỹ và Bắc Triều Tiên chóng nối lại đàm phán sau khi Washington hoãn cuộc gặp hôm 08/11/2018 với phó chủ tịch đảng Lao Động Bắc Triều Tiên, Kim Yong Chol. Nhân vật này được coi là cánh tay mặt của chủ tịch Kim Jong Un.
Phát biểu ngày 09/11/2018, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley giải thích phía Bình Nhưỡng chưa sẵn sàng. Còn ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cho biết Bình Nhưỡng và Washington đang tìm kiếm một thời điểm thích hợp cho cuộc gặp được dự trù giữa các ông Mike Pompeo và Kim Yong Chol.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181110-my-yeu-cau-trung-quoc-ngung-quan-su-hoa-bien-dong

Biển Đông: Lần đầu tiên Mỹ đòi Trung Quốc rút tên lửa khỏi Trường Sa


media Từ trái qua phải: Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Ủy Viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, họp báo chung ngày 09/11/2018 tại Washington (Mỹ). REUTERS/Leah Millis
Trước thềm các hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN và Thượng Đỉnh Đông Á EAS tại Singapore (13-15/11/2018), nơi vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được gợi lên, Washington ngày 09 /11/2018 đã tăng cường đáng kể sức ép trên Bắc Kinh nhân Đối Thoại Ngoại Giao và An Ninh Mỹ-Trung thường niên tại thủ đô Hoa Kỳ. Không những thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc, muốn Mỹ dừng các chiến dịch tuần tra ở Biển Đông, Mỹ còn công khai lên tiếng đòi Bắc Kinh phải triệt thoái các loại tên lửa ra khỏi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa.
Thái độ cứng rắn hẳn lên của Hoa Kỳ trên hồ sơ Biển Đông được thấy một cách rõ ràng trong bản thông cáo báo chí về cuộc Đối Thoại - thường được gọi là 2+2 - mà bộ Ngoại Giao Mỹ công bố sau cuộc họp giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis với Ủy Viên Quốc Vụ phụ trách đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa.
Công khai yêu cầu Trung Quốc triệt thoái các hệ thống tên lửa
Trong phần nói riêng về Biển Đông, ngoài những lời lẽ ngoại giao thường thấy như « cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông… giải quyết tranh chấp một cách hòa bình… bảo đảm an toàn hàng không và hàng hải… xử lý các rủi ro một cách xây dựng… », giới quan sát đã ghi nhận môt lời yêu cầu Bắc Kinh rút tên lửa khỏi Trường Sa :
« Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa ra khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, và khẳng định trở lại rằng tất cả các nước nên tránh giải quyết tranh chấp thông qua các hành vi cưỡng chế hay hù dọa ».
Theo tờ báo Nhật Bản The Japan Times, số ra ngày 10/11, đây là lần đầu tiên mà Mỹ thúc giục Trung Quốc triệt thoái các hệ thống tên lửa mà họ đã triển khai trên các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.
Sự kiện Washington trực tiếp và công khai kêu gọi bằng văn bản Trung Quốc rút tên lửa, thể hiện một thái độ cứng rắn hẳn lên từ phía Washington, vì cho đến nay mối quan ngại của Mỹ chỉ được nêu lên một cách kín đáo.
Tờ Japan Times đã nhắc lại rằng hồi tháng Năm vừa qua chẳng hạn, Lầu Năm Góc còn từ chối bình luận về các thông tin tình báo cho biết là Trung Quốc đã cho triển khai các loại tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên 3 hòn đảo nhân tạo mới được họ bồi đắp là Đã Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn.
Nhắc nhở Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế
Ngoài chi tiết cụ thể liên quan đến yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa, bản thông cáo báo chí của bộ Ngoại Giao Mỹ còn nhắc nhở Bắc Kinh về nhu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, khi xác định cam kết « hậu thuẫn quyền tự do hàng hải và hàng không và quyền khai thác biển một cách hợp pháp trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế ».
Bản thông cáo cũng nêu lên thái độ quan ngại của Mỹ khi xác nhận rằng trong cuộc họp « Hoa Kỳ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc mọi tàu thuyền và máy bay quân sự, dân sự và của các lực lượng chấp pháp, đều phải hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp, phù hợp với luật lệ quốc tế ».
Nhận xét này đã gợi đến sư cố ngày 30/09/2018 tại Đá Ga Ven (Trường Sa) khi một chiến hạm Trung Quốc cố tình cắt ngang đường đi của một khu trục hạm Mỹ, gây nguy hiểm cho cả hai phía.
Bản thông cáo cũng lưu ý rằng « Mỹ vẫn quyết tâm cho tàu thuyền và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ».
Đấu khẩu “nẩy lửa” về Biển Đông trong cuộc họp báo chung
Quan điểm cứng rắn của Mỹ trên hồ sơ Biển Đông còn được hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ thể hiện trong cuộc họp báo chung với hai trưởng đoàn Trung Quốc sau cuộc đối thoại.
Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không ngần ngại công khai chỉ trích Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ « tiếp tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động và chính sách quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông (và) yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra trước đó trên vấn đề này ».
Phản ứng trước lời đả kích của ông Pompeo, Ủy viên Quốc Vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cho rằng Bắc Kinh « có quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết » ở những khu vực mà ông gọi là « lãnh thổ » của Trung Quốc. Không chỉ thế, ông Dương Khiết Trì còn lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ là phải « đình chỉ việc đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến gần những đảo đá của Trung Quốc và dừng những hoạt động phá hoại chủ quyền Trung Quốc ».
Đòi hỏi nói trên đã bị bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis bác bỏ ngay sau đó khi ông tuyên bố : « Chúng tôi đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Hoa Kỳ luôn kiên định trong cam kết về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, một khu vực xây dựng trên nền tảng luật pháp và trật tự quốc tế cũng như sự ổn định của toàn vùng ».
Trung Quốc sẽ lại làm ngơ trước yêu cầu của Mỹ
Sức ép trên đây của Mỹ liệu có làm cho Trung Quốc thay đổi thái độ về Biển Đông hay không ? và cụ thể là yêu cầu triệt thoái tên lửa có được Bắc Kinh đáp ứng hay không ? Trên vấn đề này, một số chuyên gia phân tích được nhật báo The Japan Times trích dẫn đã tỏ ý rất hoài nghi.
Trên tài khoản Twitter của mình, ông Jeffrey Ordaniel, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương Diễn Đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) ở Hawaii cho rằng dù đây là lần đầu tiên mà Mỹ lên tiếng đòi Bắc Kinh rút tên lửa khỏi Trường Sa, lời kêu gọi này ít có khả năng được Trung Quốc lắng nghe.
Theo chuyên gia Ordaniel, Trung Quốc đã « không bị hề hấn gì » khi làm ngơ trước lời kêu gọi của Mỹ trước đây, muốn Bắc Kinh dừng việc bồi đắp và xây dựng mới ở Biển Đông, vì vậy họ « không có lý do gì » để đáp ứng yêu cầu lúc này về tên lửa.
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại viện nghiên cứu Rand Corp. cũng thận trọng, cho rằng Trung Quốc có thể rút các hệ thống tên lửa ra khỏi Trường Sa trong một động thái xây dựng lòng tin để tỏ thiện chí với Mỹ vào lúc này. Tuy nhiên theo ông, Bắc Kinh « có thể dễ dàng tái triển khai loại vũ khí này nếu quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trở lại ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181112-bien-dong-lan-dau-tien-my-doi-trung-quoc-rut-ten-lua-khoi-truong-sa

Mỹ đòi Trung Quốc rút hỏa tiễn khỏi Trường Sa


Bãi Gạc Ma của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cướp năm 1988 và biến thành đảo nhân tạo rồi xây dựng, bố trí vũ khí và thiết bị quân sự. (Hình: Báo Thanh Niên)
WASHINGTON DC (NV) – Lần đầu tiên, người ta thấy Mỹ đòi Trung Quốc rút các hệ thống hỏa tiễn ra khỏi các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa để khu vực hòa bình ổn định lâu dài.
Báo Japan Times cho hay như vậy và nhận xét rằng, đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ trực tiếp đề cập vấn đề các giàn hỏa tiễn tối tân được Trung Quốc bố trí trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Yêu cầu này đưa ra khi các giới chức ngoại giao và quân sự hàng đầu của hai nước gặp nhau hôm 9 Tháng Mười Một 2018 trước khi có thể có cuộc gặp giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình.
Cuộc gặp này là giữa ngoại trưởng Mike Pompeo, bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis của Mỹ với ủy viên bộ chính trị đặc trách ngoại vụ Dương Khiết Trì và bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phụng Hòa của Trung Quốc nhằm đối thoại các vấn đề đang gây căng thẳng giữa hai nước.
Sau cuộc họp, họ đã mở họp báo để thông tin cho báo chí nội dung hai bên gặp nhau. Báo chí quốc tế tường thuật lại cuộc họp báo, riêng về phần Biển Đông, kể lại sự đòi hỏi của Hoa Kỳ một cách tổng quát là đòi Bắc Kinh dừng quân sự hóa Biển Đông. Đại diện Bắc Kinh thì vẫn như cũ, cãi cối là họ có quyền trang bị bất cứ thứ gì cần thiết để phòng vệ tại những nơi thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ. Họ còn đòi Mỹ chấm dứt các chuyến bay cũng như cho tàu chiến đến gần các đảo và đảo nhân tạo của họ trên Biển Đông.
Các vị trí hỏa tiễn Trung Quốc bố trí trên đảo nhân tạo Đá Chữ Thập. (Hình: CSIS)
Giới chức Mỹ, ngược lại, tuyên bố họ sẽ tiếp tục bay qua hay đi tàu qua bất cứ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép. Hoa Kỳ không coi các đảo nhân tạo ở Trường Sa và các đảo ở quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Việt Nam vẫn tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam với các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi.
Sau cuộc họp nói trên, Ngũ Giác Đài ra một bản tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ.
“Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống hỏa tiễn khỏi những cứ điểm đang tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và tái xác định rằng mọi quốc gia nên tránh giải quyết tranh chấp xuyên qua ép buộc hay đe dọa”. Bản tuyên bố của Ngũ Giác Đài viết.
Trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ tránh bình luận về một bản tin viết căn cứ vào tin tình báo của chính phủ nói rằng Trung Quốc đã bố trí các giàn hỏa tiền phòng không và hỏa tiễn chống tàu mặt nước trên các đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Đá Su-bi và Đá Vành Khăn từ Tháng Tư sang đầu Tháng Năm vừa qua.
Ba đảo vừa kể được gọi là nhóm “ba đảo lớn” vì chúng có cả phi đạo dài 3,000 mét và nhiều nhà chứa máy bay để các phi cơ quân sự lớn nhất của họ lên xuống hay cất giữ ở đó. Ngoài phi đạo và nhà chứa máy bay, trên các đảo này còn hàng chục tòa nhà cao tầng, các dàn radar, các hệ thống truyền tin, viễn thông.
Theo những gì được tiết lộ, Trung Quốc đã mang đến các đảo nhân tạo vừa kể các hệ thống hỏa tiễn chống hạm YJ-12B có tầm bắn từ 400km đến 500km, các hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9B có tầm bắn đến 200km với khả năng tiêu diệt máy bay, máy bay không người lái và các hỏa tiễn địch bắn tới.
Tháng Bảy năm 2016, Tòa án Hòa giải Quốc Tế The Hague (Hòa Lan) ra phán quyết yêu sách chủ quyền “đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc chiếm hơn 80% Biển Đông là vô giá trị sau khi Bắc Kinh bị chính phủ Philippines kiện. Dù vậy và dù là một thành viên ký công nhận Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) Bắc Kinh vẫn ngang ngạnh bác bỏ phán quyết và coi những đảo và bãi đá ngầm họ cướp của Việt Nam là của ông cố ông tổ nhà họ để lại từ ngàn xưa.
Với những tuyên bố người ta nghe thấy hay nhìn thấy những ngày gần đây, căng thẳng Biển Đông không có dấu hiệu giảm bớt. (TN)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/my-doi-trung-quoc-rut-hoa-tien-khoi-truong-sa/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten