donderdag 8 november 2018

100 năm "Dịch cúm Tây Ban Nha" (50 triệu người chết) và hai cuộc đại chiến


Dịch cúm Tây Ban Nha và hai cuộc đại chiến

Dịch cúm Tây Ban Nha và hai cuộc đại chiến
Trạm quân y số 45 tại Aix-Les-Bains, Pháp. Binh sĩ Mỹ đến từ căn cứ American Expeditionary Force là nạn nhân của dịch cúm năm 1918.Wikimedia Commons

    Năm 2018, thế giới nhắc nhiều về 100 năm Thế Chiến Thứ Nhất nhưng lại lãng quên một mảng tối khác trong lịch sử thế giới đương đại thế kỷ XX. Vào lúc cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất sắp bước vào hồi chung cuộc, một trận đại dịch cúm Tây Ban Nha đã bùng phát dữ dội, dẫn đến một đợt « diệt chủng » lớn trên toàn cầu.

    Chỉ trong vòng có vài tháng, dịch cúm đã lan rộng khắp năm châu. Cục diện cuộc chiến vì thế mà cũng có những thay đổi. « Sát thủ vô hình », theo như cách gọi các sử gia ngày nay, đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người trên khắp hành tinh. Số người chết vì dịch bệnh còn cao hơn cả số nạn nhân chết vì bom đạn trong thế chiến.
    Nỗi oan Tây Ban Nha
    Mọi sự bắt đầu từ mùa xuân năm 1918. Rất nhiều nhật báo Pháp loan tin rộng rãi về trận dịch cúm ở Tây Ban Nha. Le Figaro thời ấy còn ghi rằng « Nhà vua ốm liệt giường. Họ tin rằng ông bị nhiễm dịch cúm, hiện đang lây lan khắp nước Tây Ban Nha ». Hay như trên tờ Le Matin có thuật lại : « Dịch cúm tiếp tục lan rộng. Người ta ước tính chỉ riêng tại thủ đô Madrid, có khoảng 120 ngàn người nhiễm bệnh ».
    Cùng thời điểm này, dịch cúm bắt đầu hoành hành tại Pháp. Ngay từ tháng 04/1918, sau bốn năm giao tranh xung đột, quân đội hai phía bỗng nhiên nhận thấy nhiều hiện tượng tử vong mới. Binh sĩ lần lượt « rơi rụng » không phải vì trận chiến hay vết thương mà là do bệnh cúm.
    Thế nhưng, truyền thông Pháp không được phép nói đến. Tuyệt nhiên, không được cung cấp thông tin cho kẻ thù, theo như giải thích của ông Bruno Halioua, bác sĩ và là tác giả tập sách « Lịch sử y học từ A đến Z » trên đài truyền hình France 3 :
    « Có một dạng kiểm duyệt rất chặt đến mức không ai biết gì về dịch cúm. Trong khi đó, quân đội Đức cũng như quân đội phe Đồng Minh, như Pháp, Mỹ, Canada, có rất nhiều binh sĩ bị cúm. Nước duy nhất thông báo dịch cúm cho người dân của mình biết là chính phủ Tây Ban Nha. »
    Tây Ban Nha lúc ấy là nước trung lập. Thông tin không bị kiểm duyệt. Do vậy, người ta tin rằng dịch bệnh chỉ xảy ra ở Tây Ban Nha và không có ở nơi nào khác. Cũng vì thế mà người ta gán tên cho dịch bệnh này là Tây Ban Nha.
    Hoa Kỳ : Ổ dịch cúm đầu tiên
    Nhưng có ai ngờ rằng mầm mống dịch bệnh đã bùng phát trước đó cách xa chiến trường châu Âu hàng ngàn kilomet, từ các trại huấn luyện quân sự của Mỹ. Các nhà khoa học ngày nay gần như chắc chắn, ổ dịch đầu tiên là từ khu căn cứ AEF (American Expeditionary Force), nơi gởi đi các đạo quân đến hỗ trợ các đồng minh Pháp và Anh.
    Ngay từ tháng 3/1918, các bác sĩ trong khu căn cứ quân sự ở Kansas đã phát hiện những ca sốt cao kèm theo đau nhức mình đầu tiên. Virus đã nhanh chóng lây lan khắp cả vùng Midwest (Trung Tây) nước Mỹ, rồi sau đó là các thành phố ven bờ Đại Tây Dương, điểm tập trung đưa quân lên tầu sang chiến trường châu Âu.
    Tại Philadelphia, vào thời điểm cao trào dịch bệnh, dịch vụ mai táng gần như quá tải. Tòa thị chính thời ấy buộc phải kêu gọi những người tình nguyện để đào mồ và đảm trách việc đặt áo quan với một mức giá ấn định để ngăn chận tình trạng nâng giá.
    Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, châu Âu vật vã đối phó với dịch bệnh. Xung đột đang đến hồi cao trào và dịch bệnh tiếp tục lan rộng cùng với các đợt di chuyển quân đồng minh. Trận dịch và cuộc chiến đã tạo thành một dạng « sát thủ hỗn hợp » nguy hiểm. Các điểm tụ quân và các chiến hào chẳng khác gì miền đất mầu mỡ cho virus sinh sôi nảy nở.
    Tại Pháp, dịch bệnh âm thầm len lỏi vào các nơi đô thị. Đủ loại « thần dược » như cách gọi lúc bấy giờ được quảng bá ầm ĩ nhưng không đem lại kết quả. Khẩu trang chống lây nhiễm vì thế lần đầu xuất hiện. Tháng 10/1918, ngay giữa lòng dịch bệnh, cuộc sống tại Pháp hầu như bị tê liệt. Ông Bruno Halioua cho biết tiếp :
    « Các trường học, trường trung học phải đóng cửa để tránh dịch cúm lây lan. Người ta cũng hạn chế các lễ lạt tôn giáo. Ví dụ, khi có đám tang, chôn cất, người ta quy định là mỗi nhà thờ chỉ được tổ chức một lễ mỗi ngày mà thôi. »
    Dịch cúm Tây Ban Nha : Một tác nhân của Đệ Nhị Thế Chiến ?
    Trong vòng 5 tháng, dịch cúm Tây Ban Nha đã lan rộng khắp hành tinh. Một phần năm dân số đã bị nhiễm cúm ngay trong khoảng thời gian 1918-1919. Từ Mỹ đến châu Âu, để rồi sau đó nhanh chóng lan sang châu Phi và châu Á : Bệnh cúm cứ như vòi bạch tuộc âm thầm vươn ra khắp toàn cầu.
    Bởi vì nhịp độ lây nhiễm tăng theo cùng với các đợt tuyển mộ quân lính tại nhiều châu lục : từ các tay súng người Senegal hay Algeri đến chi viện cho các chiến hào của Pháp, những người lính thợ Đông Dương giúp vận hành các nhà máy sản xuất vũ khí tại Pháp, cho đến cả việc huy động binh sĩ Ấn Độ đến các mặt trận có quân đội Anh…
    Từng đoàn tầu chiến liên tục đi về giữa châu Âu và châu Phi, Nam Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc hay như cả với châu Úc, mang theo trên tầu là những đoàn thủy thủ đã bị nhiễm cúm. Chiến tranh kết thúc, sau hiệp ước Đình chiến 1918, những đoàn quân Mỹ trở về đã có một buổi diễu binh ngoài sức tưởng tượng. Tại San Francisco, binh lính Mỹ đã phải đeo khẩu trang diễu binh trên phố.
    Đại dịch lan rộng không thể giấu mãi. Bên cạnh chiến sự, việc chống chọi với bệnh tật, quân đội hai phe còn phải đối mặt với trận chiến thông tin. Quân đội Đồng Minh tố cáo phe Đức đánh thuốc độc vào các hộp đồ ăn dự trữ và cam quýt. Ngược lại, tại Đức người ta gọi đó là « cúm vùng Flandre ». Hay như Ba Lan nêu đích danh thủ phạm là những người bôn-sê-vich.
    Nhưng một điều chắc chắn là dịch bệnh đã ảnh hưởng đến cuộc đại chiến. Quân đội Anh vào cuối tháng Sáu năm đó buộc phải từ bỏ kế hoạch tấn công La Becque tại vùng Flandre phía bắc nước Pháp. Bên kia chiến tuyến, theo lời kể của tướng Erich Ludendorff trong tập sách « Souvenirs de guerre » năm 1920 (tạm dịch là Ký ức chiến sự), bệnh cúm là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại « ê chề » trong đợt phản công tháng 7/1918.
    Giới sử gia còn đưa ra giả thuyết, dịch cúm đã làm thay đổi cục diện địa chính trị và dòng chảy lịch sử thế kỷ XX. Cúm Tây Ban Nha đã có một tác động nhất định đến cuộc Đại chiến Thế giới lần 2. Chiến tranh kết thúc nhưng trận dịch cúm tiếp tục diễn ra, kéo dài cho đến tận mùa xuân năm 1919.
    Vào thời điểm đó, các phe tham chiến đang thương thuyết về số tiền bồi thường chiến phí và vạch lại các đường biên giới. Tổng thống Pháp Georges Clemenceau đề nghị chiếm đóng vùng Rheinland và hạ Saar, nhưng tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Thomas Wilson lại phản đối. Giữa lúc thương lượng căng thẳng, dịch cúm đã len lỏi vào các bàn đàm phán hòa bình.
    Về điểm này, trên đài truyền hình TV5, phóng viên khoa học và tiểu thuyết gia người Anh, bà Laura Spinney, tác giả tập sách « Đại sát thủ - Dịch cúm Tây Ban Nha đã làm thay đổi thế giới như thế nào » (La Grande Tueuse. Comment la grippe espagnole a changé le monde) do nhà xuất bản Albin Michel phát hành vào đầu tháng 9/2018 giải thích vì sao có giả thuyết trên.
    « Đây là một chủ đề gây nhiều tranh luận. Người ta có thể lập luận rằng dịch bệnh đã tác động đến tiến trình tái lập hòa bình vào mùa xuân năm 1919, ảnh hưởng đến diễn tiến cuộc chiến. Ví dụ, người ta cho rằng tổng thống Mỹ Thomas Wilson bị ốm đau, thần kinh yếu kém. Người ta nghĩ là dịch cúm làm cho tổng thống Mỹ bị tai biến mạch máu não nhẹ, làm thay đổi suy nghĩ, tính cách của ông và do vậy, ông không có khả năng đàm phán tốt để có được hòa bình. »
    Dịch cúm và những thay đổi xã hội
    Kết quả là suốt mùa đông năm 1919, người ta ước tính có khoảng từ 40-50 triệu người chết, cao gấp năm lần so với số binh sĩ tử trận trên chiến trường. Những nghiên cứu gần đây còn đưa ra con số nạn nhân lên đến 100 triệu người. Một con số bị cho là hơi phóng đại.
    Vẫn theo nữ ký giả Laura Spinney, con số tử vong này vẫn khó có thể kiểm chứng do các hạn chế hiểu biết về bệnh cúm thời ấy.
    « Điều cần biết là có một vấn đề lớn về việc chẩn đoán bệnh dịch vào thời đó. Bởi vì tất cả các bác sĩ trên thế giới đều nghĩ đó là bệnh dịch do vi khuẩn gây ra, trong khi dịch cúm là do virus. Thế nhưng vào thời đó, virus là một khái niệm mới. Do vậy, người ta không thể chẩn đoán đúng và đặt đủ mọi loại tên cho bệnh dịch này. Chính vì thế hiện nay, giới sử học hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc lần tìm ra dấu vết của dịch cúm này. »
    Dẫu sao thì theo bà Laura Spinney, trận đại dịch cúm cách nay 100 năm đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo xã hội thế giới cho đến tận ngày nay.
    « Dịch cúm đã làm thay đổi cơ cấu dân số bởi vì nó giết chết nhiều người trẻ, người cao tuổi và một số lượng lớn những người trong độ tuổi từ 20 đến 40.
    Dịch cúm khiến nhiều trẻ em mồ côi, làm thay đổi khoa học, tạo ra một động lực thúc đẩy nghiên cứu virus học, dịch tễ học, y tế cộng đồng… Dịch cúm đã buộc giới y bác sĩ phải chú ý đến việc virus không có biên giới. Do vậy, cần phải có một tổ chức quốc tế để xử lý đại dịch. »
    http://vi.rfi.fr/phap/20181107-dich-cum-tay-ban-nha-hai-cuoc-dai-chien

    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >                 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten