NASA hợp tác nghiên cứu đất đai với VN
Lần đầu tiên NASA hợp tác với Việt Nam trong một dự án nghiên cứu đa quốc gia quy mô nhất chưa từng có về khía cạnh khoa học và xã hội của việc quy hoạch đất đai.
Dự án có thể sẽ đưa ra một câu trả lời bao quát hơn về tình hình ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt hạn hán, và mối quan hệ tương quan giữa chính sách, con người và môi trường ở Việt Nam nói riêng cũng như khu vực ba nước Đông Dương nói chung. Tám sự kiện khoa học nổi bật năm 2017
John Glenn, phi hành gia tiên phong, qua đời
Ô nhiễm môi trường 'đe dọa ổn định ở VN'
Nghiên cứu quy mô nhất giữa Việt Nam-NASA
Dự án nghiên cứu Tình hình sử dụng đất, thay đổi và tác động ở Việt Nam, Lào và Campuchia, bắt đầu tiến hành từ tháng 5/2018 và sẽ kéo dài 3 năm, với sự hợp tác của nhiều nhà khoa học và nghiên cứu từ hơn 20 trường đại học và viện nghiên cứu từ nhiều quốc gia ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á."Khi bạn nghe đến NASA, bạn ngay lập tức nghĩ đến mặt trăng và sao hỏa. Đó chỉ là một phần của NASA mà thôi. Chúng tôi có rất nhiều vệ tinh bay quanh Trái Đất, liên tục theo dõi giám sát sự thay đổi của nó," Tiến sĩ Nghiêm Văn Sơn, nhà nghiên cứu cấp cao của NASA cho BBC biết hôm 10/5.
Ông Sơn cho biết, dự án này nằm trong dự án nghiên cứu Độ che phủ đất và Thay đổi đất (LCLUS) của NASA, vốn đang được thực hiện bởi hàng trăm nhà khoa học toàn thế giới.
Mục đích của dự án nghiên cứu là tìm hiểu tình trạng sử dụng đất ở Việt Nam, Lào và Campuchia và tác động từ những thay đổi đến môi trường hệ sinh thái và đưa ra kết quả phục vụ cho các nghiên cứu thực tiễn trên toàn thế giới.
"Đây là dự án đầu tiên quy mô như thế, bằng việc kết hợp dữ liệu từ vệ tinh của NASA đến các nghiên cứu trên mặt đất và khảo sát người dân để giúp đưa ra các dự đoán cho tương lai, phục vụ cho việc quy hoạch đô thị."
Phía Việt Nam có các nhà nghiên cứu và sinh viên từ một số trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP HCM, Đại học Hoa Sen và một số trung tâm, cơ quan nghiên cứu tham gia dự án dự án này.
"Chúng tôi sẽ chia sẻ dữ liệu vệ tinh của NASA cho đoàn nghiên cứu Việt Nam, và cũng chia sẻ những phát hiện, kết quả nghiên cứu cho các nhà khoa học trong dự án, để họ có thể tiếp tục đưa ra những nghiên cứu riêng, xa hơn, phù hợp cho quốc gia của họ," ông Sơn nói.
Dự án này nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Sơn nói, đặc biệt là khi có phái viên Khoa học bà Magaret Leinen, người đã có bài phát hiểu mở đầu cuộc khai mạc dự án hôm 7/5.
Tìm hiểu vấn đề đất đai và môi trưởng ở Việt Nam
Vị tiến sĩ người Mỹ gốc Việt Nghiêm Văn Sơn, trưởng dự án nghiên cứu nói: "Sự phát triển đô thị hóa ở Việt Nam diễn rất nhanh. Nhiều tòa nhà chọc trời mọc lên ở nhiều thành phố lớn. Cần phải xác định nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước."Việt Nam có tỷ lệ khu vực xây dưng đô thị cao nhất và tốc độ đô thị nhanh nhất toàn khu vực Đông Nam Á, theo một nghiên cứu của tiến sĩ Peilei Fan của Đại Học Michigan.
"Chúng tôi sẽ đo đạc, sử dụng thông tin chuyên gia địa phương để xác định khu vực có tính chất địa lý như thế nào, tìm ra khu vực dễ bị cháy rừng hoặc lũ lụt hoặc có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm không khí."
Ông Sơn cho biết cũng sẽ tìm hiểu các nhân tố chính trị xã hội như chính sách di dân, phát triển đô thị, cũng như các yếu tố địa lý, hóa chất tác động lên một khu vực như thế nào.
Ông cho biết, nhóm nghiên cứu dự kiến tiến hành ở một số khu vực như Vườn Quốc gia Ba Vì, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh cũng như vùng ngoại thành ven biển.
"Nếu chúng tôi có thể thiết lập một bản đồ xác định nơi lũ lụt có thể xảy ra, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho các bên cần nó như các cơ quan đô thị, quản lý cứu hộ."
"Về mặt tác động, đây là cơ hội để nâng cao nhận thức về tình trạng ô nhiễm không khí ô nhiễm nguồn nước và vấn đề thiên tai tự nhiên, cụ thể là cách các phát hiện của nghiên cứu sẽ hỗ trợ giải quyết các vấn đề này như thế nào."
Về mặt chính sách, ông Sơn nói dự án sẽ tìm hiểu chính sách nào đã tác động đền sự thay đổi về đất đai và ngược lại, sự thay đổi đất đai dẫn đến sự thay đổi trong chính sách như thế nào.
Việc so sánh chính sách giữa các nước cũng có thể cho thấy chính sách của nước nào là hiệu quả, phù hợp cho từng khu vực.
Formosa, lũ lụt, nhiệt điện?
Khi được hỏi về các vấn đề môi trường và đô thị hóa nổi cộm nhất Việt Nam, Tiến sĩ Nghiêm Văn Sơn nói ông có nắm các vấn đề này.Ông nói ông có biết về sự cố ô nhiễm môi trường Formosa ở miền Trung Việt Nam, nhưng nó thuộc lĩnh vực môi trường biển và nằm ngoài dự án nghiên cứu của dự án của ông,
Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt ở các thành phố lớn cũng như ô nhiễm không khí ở các khu công nghiệp, nhiệt điện, sẽ là một số vấn đề mà nhóm của ông sẽ nghiên cứu và tìm hiểu.
"Điều này liên quan đến đô thị hóa, sự chuyển động dân số. Ngày càng có nhiều người sống trong các khu vực đô thị, thì càng nhiều xe cộ, càng thải ra nhiều chất thải ra môi trường. Đồng thời, nhiều người hơn thì nhu cầu sử dụng năng lượng càng cao, dẫn đến sự mọc lên của các nhà máy nhiệt điện than.
"Và cũng phải nói đến vấn đề thủy văn học, phải nhìn nhận nó vào một bức tranh lớn hơn, như lượng mưa, biến đổi khí hậu, lượng nước sông giảm, mức nước biển tăng...v.v."
Ông Sơn nói, dự án sẽ gặp nhiều thách thức nhất định, như sự hạn chế về cơ sở vật chất ở nước sở tại, sự đối chiếu thông tin giữa các nguồn dữ liệu vệ tinh và mặt đất, cũng như thời gian nghiên cứu eo hẹp.
Tuy nhiên, ông muốn coi dự án này là "sự khởi đầu của một hành trình hơn là sự kết thúc."
"Từ đó các nghiên cứu riêng biệt có thể tiếp tục tìm hiểu đề xuất giải pháp cho quy hoạch đô thị, giải quyết ô nhiễm môi trường và làm sao để xây dựng một thành phố tốt hơn, đáng sống hơn ở, không chỉ cho khu vực này mà còn vượt ra khỏi vùng Đông Nam Á."
Tin liên quan
- Các thành phố lớn nhất chống ô nhiễm không khí thế nào?
- Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM 'báo động'
- John Glenn, phi hành gia tiên phong, qua đời
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44080842
Geen opmerkingen:
Een reactie posten