Nieuw
CSVN thương lượng, ‘trả’ Trịnh Xuân Thanh cho Đức
BERLIN, Đức (NV) – Chính phủ Đức và Việt Nam tiến hành thương lượng vụ “trả” lại ông Trịnh Xuân Thanh tại trụ sở Bộ Ngoại Giao ở Berlin từ hôm 1 Tháng Mười Một, 2018, tin do nhật báo TAZ của Đức tiết lộ.
“Việc bình thường hóa quan hệ Đức-Việt tùy thuộc vào thỏa thuận về vụ Trịnh Xuân Thanh. Cuộc thương lượng được thực hiện theo lời mời của chính phủ Đức. Đại diện Việt Nam là một thứ trưởng Bộ Ngoại Giao CSVN. Văn phòng Bộ Ngoại Giao Đức xác nhận cuộc thương lượng là một phần của ‘quá trình thảo luận chặt chẽ’ với Việt Nam về ‘các vấn đề quốc tế và song phương,’” nhật báo TAZ tường thuật.
Tin đồn về việc CSVN sắp sửa trả lại ông Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức đã râm ran từ vài tháng nay và đã dấy lên suy đoán rằng ông Thanh “sẽ đi Đức trước cuối năm 2018.”
Đức đã tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi chính thức đưa ra cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin ngày 23 Tháng Bảy, 2017.
Tờ báo của Đức cũng hé lộ thêm, vụ trả lại ông Trịnh Xuân Thành cho Đức “đang gây tranh cãi ngay tại Hà Nội.” Bộ Ngoại Giao và Bộ Công Thương CSVN được cho là muốn thúc đẩy việc này sớm vì đây là cách duy nhất để khôi phục quan hệ ngoại giao với Đức nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những giới chức cao cấp liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh.
TAZ không nêu danh tính vị thứ trưởng Bộ Ngoại Giao CSVN, nhưng theo Thoibao.de, đó là ông Bùi Thanh Sơn, người đến dự lễ quốc khánh Đức ngày 5 Tháng Mười tại Hà Nội.
Thông tin này trùng khớp với một post lúc 8 giờ tối 2 Tháng Mười Một trên trang Facebook cá nhân của ông Đoàn Xuân Hưng, đại sứ Việt Nam tại Đức, với hình ảnh và nội dung: “Thứ Trưởng Thường Trực Bộ Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại Giao Đức gặp nhau tại Berlin bàn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước (1 Tháng Mười Một, 2018).”
“Nền tảng quan hệ hai nước rất vững chắc. Tiềm năng hợp tác trên mọi lĩnh vực rất lớn. Chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai,” ông Đoàn Xuân Hưng bình luận trên Facebook cá nhân.
Cũng vậy, một bản tin đăng trên báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 2 Tháng Mười Một cho hay: “Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc theo lời mời của phía Đức, hôm 1 Tháng Mười Một, tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Đức, Thứ Trưởng Thường Trực Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm với ông Andreas Michaelis, quốc vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại Giao Đức. Tại hội đàm trong không khí vui vẻ, cởi mở và thân tình, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước. Phía Đức đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua cũng như vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong ASEAN và tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; cho rằng đây là cơ sở quan trọng để hai bên hợp tác trong thời gian tới.”
Tất nhiên, báo này không đả động gì về vụ thương lượng trả lại ông Thanh là nội dung chính của cuộc họp.
Trong khi đó, nhà văn Trần Quốc Quân ở Ba Lan viết trên trang cá nhân: “Một nguồn tin mới nhất về Trịnh Xuân Thanh cho biết: Vào lúc 23 giờ 15 phút đêm 2 Tháng Mười Một, 2018, công an đã đưa ông Trịnh Xuân Thanh đi vào cửa sau sân bay Nội Bài để chuẩn bị cho chuyến bay Air VN 37 từ Hà Nội đi Berlin. Đi theo chuyến bay là phụ tá của ông Đại Sứ Đức Christian Berger từ Hà Nội. Chuyến bay sẽ đáp xuống FrankFurt lúc 14 giờ 45 phút giờ địa phương để đổi sang máy bay Lufthansa 188 đến Berlin. Cả hai phía Đức và Việt Nam sẽ giữ kín thông tin này và ông Thanh được cho là cũng sẽ không tiết lộ với báo chí vì đây là cam kết giữa ba bên.”
Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam – PVC), bị kết án chung thân hai lần hồi đầu năm 2018.
CSVN đang đặt nhiều hy vọng vào Hiệp Định Thương Mại Tự Do với EU (EVFTA) nhưng vấn đề là quan hệ ngoại giao với Đức và Slovakia, hai thành viên của khối này, đang rơi vào khủng hoảng về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Hồi tháng trước, theo hãng thông tấn nhà nước TASR, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Slovakia Boris Gandel tuyên bố: “Quan hệ song phương Slovakia-Việt Nam sẽ bị đóng băng cho đến khi Bratislava nhận được lời giải thích đáng tin cậy từ Hà Nội về vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đã kết thúc tại Việt Nam như thế nào.”
Thời điểm đó, tuần báo Spectator và nhật báo Denník N của Slovakia tiết lộ một chi tiết ít người biết về vụ bắt cóc: “Một passport trong đoàn Việt Nam thiếu visa Schengen theo yêu cầu. Tên của người đó trên passport là Trung Việt Lưu và ngày tháng năm sinh là 2 Tháng Chín, 1968. Người này nhiều khả năng chính là Trịnh Xuân Thanh. Các nhân viên cận vệ của Slovakia mô tả rằng họ để ý trong số ba người Việt cuối cùng lên máy bay, hai người khống chế người còn lại. Slovakia có thể cấp ngoại lệ ra vào nước này mà không cần visa Schengen vì ba lý do: nhân đạo, lợi ích của nhà nước hoặc cam kết quốc tế.” (T.K.)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-thuong-luong-tra-trinh-xuan-thanh-cho-duc/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten