donderdag 8 november 2018

Biển Đông : Nhật Bản-Malaysia tăng cường hợp tác an ninh hàng hải + Canada+Anh cử chiến hạm đến châu Á tập trận bảo vệ tự do hàng hải


Biển Đông : Nhật Bản-Malaysia tăng cường hợp tác an ninh hàng hải


mediaThủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung tại Tokyo ngày 06/11/2018.REUTERS/Issei Kato
Sau cuộc hội đàm lần thứ nhất vào tháng Sáu, thủ tướng Malaysia đã gặp gỡ với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 06/11/2018. Tài chính và an ninh hàng hải là hai chủ đề được lãnh đạo Nhật Bản và Malaysia nhấn mạnh.
Theo đài truyền hình NHK, thủ tướng Shinzo Abe và đồng nhiệm Mahathir Mohamad nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải tại vùng Biển Đông, bảo vệ các vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong buổi họp báo chung, ông Abe phát biểu muốn thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản sẵn sàng giúp Malaysia xây dựng lại hệ thống tài chính. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý tiếp tục kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ dài hạn trị giá 200 tỉ yen thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.
Theo South China Morning Post, nhân dịp này, thủ tướng Malaysia được tặng Huân chương Đồng hoa (Grand Cordon of the Order of the Paulownia Flowers) để ghi nhận sự đóng góp của ông Mahathir trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Ông là nhà lãnh đạo châu Á thứ ba được nhận huân chương này sau cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cựu thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.
Tuy nhiên, báo mạng Hồng Kông cho rằng đây là hành động để thu hút thêm một đồng minh mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181107-bien-dong-nhat-ban-malaysia-dong-y-tang-cuong-hop-tac-an-ninh-hang-hai

Nhật cấp cho Malaysia hai tàu tuần duyên


media Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe họp báo, Tokyo, ngày 16/11/2016. Ảnh : REUTERS/Kimimasa Mayama
Hôm nay, 16/11/2016, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo là Tokyo sẽ cấp cho Kuala Lumpur 2 tàu tuần duyên, một hành động mà thủ tướng Malaysia Najib Razak hoan nghênh như là một sự trợ giúp để thúc đẩy ổn định ở vùng Biển Đông.
Hai vị thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định trao 2 tàu cũ được sửa chữa lại của lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho Cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia.
Thủ tướng Malaysia đã đến Nhật Bản hôm qua, mở đầu chuyến viếng thăm 3 ngày tại nước này, chỉ vài tuần sau khi công du 6 ngày ở Trung Quốc, trong đó ông đã đồng ý mua 4 tàu tuần duyên của Trung Quốc. Đây được coi là thỏa thuận quốc phòng quan trọng đầu tiên giữa hai nước.
Thủ tướng Najib cho biết trong cuộc hội đàm hôm nay ông đã đề cập với thủ tướng Abe vấn đề Biển Đông, khẳng định rằng “Malaysia sẽ tiếp tục góp phần bảo đảm cho Biển Đông trở thành một vùng của hòa bình và ổn định”.
Cuộc hội đàm giữa hai vị thủ tướng Malaysia và Nhật Bản cũng bàn về dự án đường xe lửa cao tốc giữa Singapore với Kuala Lumpur, dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2026. Hai nước láng giềng Đông Nam Á dự trù sẽ đúc kết một hiệp định song phương về dự án này vào tháng 12 tới.
Tokyo đã tỏ vẻ rất quan tâm đến dự án đường xe lửa cao tốc nói trên, với hy vọng chính phủ hai nước Singapore và Malaysia sẽ sử dụng hệ thống xe lửa cao tốc Shinkansen của Nhật. Thủ tướng Najib đã bảo đảm với thủ tướng Abe rằng tiến trình đấu thầu quốc tế cho dự án này sẽ được tiến hành một cách công bằng và minh bạch.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20161116-nhat-cap-cho-malaysia-hai-tau-tuan-duyen

Canada cử chiến hạm đến châu Á tập trận bảo vệ tự do hàng hải


media Thủy thủ đoàn trên tàu Canada Halifax Calgary (FFH335) tại căn cứ hải quân Mỹ, ở Yokosuka, Nhật Bản, ngày 07/11/2018 REUTERS/Issei Kato
Vào hôm nay, 08/11/2018, Quân Đội Mỹ và Nhật Bản đã kết thúc cuộc tập trận Keen Sword, mở ra từ hôm 29/10 vừa qua ở vùng Tây Thái Bình Dương ngoài khơi Nhật Bản.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, năm nay, cuộc tập trận hai năm một lần, có sự tham gia của hộ tống hạm chống ngầm Canada HMCS Calgary, đến vùng biển châu Âu hợp sức với các cường quốc hàng hải đồng minh để tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.
Phát biểu tại cảng Yokosuka, Nhật Bản, ông Blair Saltel, hạm trưởng chiếc Calgary cho biết là ông chờ đợi việc Canada hàng năm sẽ có từ một đến hai chiến hạm Canada đến châu Á « thực hiện những nhiệm vụ khác nhau với các đối tác khu vực khác nhau » của Canada.
Hộ tống hạm HMCS Calgary, cùng với tàu tiếp liệu Asterix, đã rời Canada vào tháng Bảy trong một chuyến công tác đến biển Hoa Đông, Úc và Biển Đông, nơi tàu chiến của Canada đã bị chiến hạm Trung Quốc theo dõi.
Vào tuần trước, hộ tống hạm Canada đã tham gia các cuộc tập trận chống tàu ngầm cùng với các tàu chiến Nhật Bản và Mỹ, trong đó có tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan. Theo hạm trưởng Saltel, đó là « cơ hội để Canada chứng tỏ rằng mình có kinh nghiệm hợp đồng tác chiến với các đồng minh ».
Theo Reuters, quyết định của Canada về việc triển khai chiến hạm đến tham gia các cuộc tập trận hải quân ở châu Á được đưa ra sau khi nhiều quốc gia khác, trong đó có Anh và Pháp, đã tăng cường sự hiện diện của họ trong khu vực để đối phó với nguy cơ Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để không chế quyền tự do qua lại trên biển.
Anh Quốc đã gửi ba chiến hạm đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có cả tàu đổ bộ tấn công lớn nhất của nước này là chiếc HMS Albion. Trên hành trình trở về sau chuyến thăm Nhật Bản, chiếc HMS Albion đã đi sát một số đảo đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Hành động của Anh Quốc đã lập tức bị Bắc Kinh tố cáo là « khiêu khích ».
Nhật Bản, nước có một lực lượng hải quân lớn thứ hai ở châu Á, năm nay đã phái tàu chở trực thăng Kaga đi công tác hai tháng ở Biển Đông và Ấn Độ Dương, nơi tàu Nhật đã thao diễn chung với chiếc Argyll, một chiến hạm khác được Anh Quốc phái đến khu vực.
Trước khi trở về Canada, trong tháng này, hộ tống hạm Calgary sẽ ghé Sasebo ở miền tây Nhật Bản, một cơ sở quan trọng khác của Hải Quân Mỹ và Nhật Bản, để tiến hành thêm nhiều bài tập chống tàu ngầm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181108-den-luot-canada-cu-chien-ham-den-chau-a-tap-tran-bao-ve-tu-do-hang-hai

Hải Quân Anh tiếp tục điều chiến hạm đến Biển Đông

media Một số xe quân sự trên HMS Albion, tàu tấn công đổ bộ hàng đầu của Hải quân Hoàng gia Anh, khi tàu đến Harumi Pier ở Tokyo, Nhật Bản ngày 03/08/2018. REUTERS/Toru Hanai
Trả lời phỏng vấn nhật báo Anh Financial Times hôm nay, 22/10/2018, lãnh đạo Hải Quân Anh cho biết là Anh Quốc sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, bất chấp những lời chỉ trích gần đây của Bắc Kinh cho rằng Luân Đôn đã có hành vi khiêu khích.
Phát biểu với tờ báo có uy tín của Anh Quốc, đô đốc Philip Jones, tư lệnh Hải Quân Hoàng Gia Anh, giải thích : « Nếu ai đó có một cách giải thích khác về các công ước (về luật biển) vốn được đa số các quốc gia công nhận, thì điều đó phải bị kháng lại ». Đối với tư lệnh Hải Quân Anh, nếu không chống lại thì « sẽ thấy ngay là trên thế giới sẽ có những nước bắt đầu đưa lời giải thích của riêng mình. »
Tháng Chín vừa qua, Bắc Kinh đã tố cáo nước Anh vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, khi một trong những tàu đổ bộ tấn công của Hải Quân Hoàng Gia Anh, HMS Albion, di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp, một khu vực mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Khi được hỏi liệu ông có tiếp tục phái chiến hạm Anh đi qua vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông hay không, Sir Philip Jones nói rõ thêm: « Tôi hy vọng là tôi sẽ làm nhiều hơn khi chúng tôi cho các chiếc tàu mà chúng tôi có ở đó đi qua khu vực ».
Lãnh đạo Hải Quân Anh tái khẳng định quyết tâm bảo về quyền tự do hàng hải trên Biển Đông vào lúc Hải Quân nước này đang chuẩn bị cho chiếc tàu lớn nhất và đắt nhất của Anh hoạt động tại những vùng biển ít tranh chấp hơn. Đó là hàng không mẫu hạm mới của Anh, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, trị giá 3,1 tỷ bảng Anh.
Kể từ đầu tháng 10, con tàu đã tiến hành các thử nghiệm trên biển và thử nghiệm hạ cánh với hai chiến đấu cơ F-35B ngoài khơi phía đông của Hoa Kỳ, để chuẩn bị cho việc chính thức hoạt động vào năm 2021.
Hôm thứ Sáu 19/10 vừa qua, chiếc tàu sân bay Anh đã ghé cảng New York, và thả neo gần tượng Nữ Thần Tự Do, trong một động thái được cho là nhằm báo hiệu sự đổi mới của nước Anh trong tư cách một cường quốc Hải Quân.
Tuy nhiên, vấn đề được báo Financial Times ghi nhận là Hải Quân Anh đang phải chịu nhiều áp lực lớn, vừa phải đối mặt với quyết định dấn thân ngày càng nhiều vào vùng Viễn Đông - bộ trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson đã ra lệnh cho ba chiến hạm đi đến vùng châu Á Thái Bình Dương trong năm nay - vừa phải canh chừng hoạt động của Hải Quân Nga gần nước Anh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181022-hai-quan-anh-cam-doan-cu-chien-ham-den-bien-dong-ung-ho-tu-do-hang-hai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten