donderdag 8 november 2018

Khám bệnh từ xa : Bước ngoặt của Y Tế Pháp + Pháp: Bất bình đẳng chăm sóc y tế giữa nông thôn và thành thị

Khám bệnh từ xa : Bước ngoặt của Y Tế Pháp

Khám bệnh từ xa : Bước ngoặt của Y Tế Pháp
 
Bác sĩ Philip Bardin trong phòng làm việc ở Brassac-les-Mines, miền trung Pháp, khám bệnh từ xa. Ảnh tháng 11/2012.THIERRY ZOCCOLAN / AFP

    Kể từ ngày 15/09/2018, sau hàng chục năm thử nghiệm, với khoảng 300 dự án và những cuộc đàm phán gay gắt giữa Cơ quan Bảo hiểm Y Tế Pháp và các nghiệp đoàn Y khoa, các bác sĩ khi khám bệnh từ xa cho bệnh nhân chính thức được Bảo hiểm Y Tế Pháp chi trả tiền giống như đối với các buổi khám bệnh tại phòng khám kiểu truyền thống từ trước tới nay.

    Thực ra, tại Pháp, người ta bắt đầu nói tới phương thức khám bệnh từ xa từ cách nay 15 năm. Nhiều nguyên tắc cơ bản về phương thức khám bệnh từ xa cũng đã được đưa vào một bộ luật hồi năm 2010. Các thử nghiệm chủ yếu được triển khai trong các bệnh viện, nhưng các dự án chỉ ở cấp vùng. Rào cản lớn nhất là chi phí chi trả cho bác sĩ khám bệnh từ xa. Cho tới trước ngày 15/09/2018, ngoài các chương trình thử nghiệm do Nhà nước tiến hành, các bác sĩ không được Bảo hiểm Y Tế trả tiền khi thực hiện các cuộc thăm khám từ xa.
    Vì vậy, ngày 15/09/2018 được coi là một bước ngoặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Pháp, nhất là trong bối cảnh ở nhiều vùng miền thiếu các cơ sở chăm sóc y tế, thiếu phòng khám và ít bác sĩ hành nghề. Nhiều khi người bệnh phải đợi rất lâu, có khi tới vài tháng hay hàng năm, mới hẹn được bác sĩ khám bệnh, vì thế nhiều người đành chọn giải pháp đăng ký vào khoa Cấp cứu ở các bệnh viện chỉ để khám bệnh thông thường, khiến các khoa cấp cứu nhiều khi quá tải.
    Thông tin Bảo hiểm Y Tế chi trả tiền khám chữa bệnh từ xa đã được công bố từ hồi giữa tháng 07/2018. Ngày 10/07, bộ trưởng Y Tế Agnès Buzin khẳng định: « Bảo hiểm Y Tế sẽ chi trả phí khám bệnh từ xa cho các bác sĩ kể từ tháng 09/2018. Kể từ tháng 09, tất cả mọi người đều có quyền được khám bệnh từ xa. Các thử nghiệm đã cho thấy dịch vụ khám bệnh từ xa rất tuyệt vời, cho phép tiết kiệm thời gian đi khám bệnh, giúp mọi người cảm thấy yên tâm ».
    Khám bệnh từ xa có nghĩa là người bệnh không cần phải đến phòng khám, bệnh viện, mà có thể đăng ký khám bệnh qua một ứng dụng hay trên một trang chuyên dụng. Khách hàng ngồi ở nhà, cơ quan hoặc kể cả ở khách sạn nơi đang đi du lịch, và buổi thăm khám sẽ được thực hiện qua máy tính hoặc máy tính bảng có kết nối internet đường truyền cao, với thiết bị nghe nhìn kết nối mạng, đảm bảo âm thanh và hình ảnh chất lượng tốt.
    Một điều quan trọng là phải bảo mật thông tin cá nhân và thông tin về sức khỏe của bệnh nhân. Người bệnh sau đó sẽ nhận được đơn thuốc qua hòm thư riêng hoặc bằng tin nhắn được bảo mật. Nếu người bệnh cần được kiểm tra, xét nghiệm thêm hay cần được khám bệnh trực tiếp, bác sĩ khám bệnh từ xa sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân tới bệnh viện hoặc các phòng khám truyền thống.
    Phương thức khám bệnh từ xa có rất nhiều ưu điểm : việc kết nối bác sĩ với người bệnh trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn, bất kể khoảng cách địa lý, giúp người bệnh tiết kiệm nhiều thời gian và công sức đi lại. Tuy nhiên, hạn chế là không phải ai cũng có đủ thiết bị công nghệ cần thiết như máy tính, caméra, đường truyền internet tốc độ cao, và không phải ai cũng am hiểu để có thể tự xoay xở, nhất là người cao tuổi hoặc những người ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ hiện đại. Trong trường hợp đó, người bệnh có thể tới một phòng khám được thiết kế lắp đặt với đầy đủ phương tiện phục vụ phương thức khám bệnh từ xa, với sự hỗ trợ của một y tá, hộ lý.
    Bác sĩ Frank Baudino, tổng giám đốc công ty H4D - Sức khỏe vì sự phát triển, giải thích trên kênh truyền hình BFMTV :« Các phòng khám bệnh từ xa được đặt trong các doanh nghiệp, ký túc xá sinh viên, trại dưỡng lão và ở các khu vực thiếu phòng khám, ít bác sĩ hành nghề. Bệnh nhân đặt lịch hẹn khám. Đến ngày hẹn, họ mang theo thẻ bảo hiểm y tế, vì trong đó có thông tin về danh tính cá nhân và các dữ liệu khác về người bệnh. Người bệnh được kết nối với một bác sĩ đã được đào tạo để khám bệnh từ xa.
    Trước tiên, cần nói là bác sĩ cũng làm mọi việc như ở một phòng khám truyền thống. Bác sĩ sẽ hỏi thăm xem hôm đó khách hàng có vấn đề gì về sức khỏe, họ có tiền sử bệnh gì không, họ đang phải điều trị bệnh gì… Bác sĩ sẽ làm hồ sơ bệnh án và sau đó sẽ gửi hồ sơ để bác sĩ phụ trách riêng của khách hàng nắm được tình hình. Có đủ các thiết bị y khoa trong phòng khám từ xa để, nếu bác sĩ thấy cần thì người bệnh được đo thân nhiệt, đo huyết áp, nghe phổi, đo nhịp tim, soi màng nhĩ, khám họng … Nói tóm lại, từ xa, bác sĩ có thể làm tới trên 90% số việc mà họ vẫn thực hiện trực tiếp trong các phòng khám truyền thống. »
    Trả lời cho câu hỏi liệu việc lắp đặt, triển khai các phòng khám bệnh từ xa với các thiết bị y tế được kết nối có rẻ hơn so với việc xây dựng một phòng khám thông thường hay không, ông Frank Baudino nhấn mạnh : « Chúng ta không thể so sánh hai hình thức này. Đương nhiên là không. Vấn đề là có những vùng không có bác sĩ. Có những khu vực ngày càng ít bác sĩ hành nghề. Mục tiêu quan trọng nhất là chúng ta phục vụ bệnh nhân, để họ được bác sĩ khám bệnh. Chúng ta không thể so sánh khám bệnh từ xa với khám bệnh trực tiếp kiểu truyền thống. Chúng ta sẽ phục vụ được nhiều bệnh nhân. Chúng ta không nói tới việc lắp đặt phòng khám từ xa mà là chúng ta nói tới việc xây dựng một dự án chăm sóc sức khỏe tại một vùng. Mục tiêu là những người bệnh trước đây không được tiếp cận với bác sĩ sẽ có nhiều cơ hội được bác sĩ thăm khám hơn. »
    Hiện nay, phương thức khám bệnh từ xa được triển khai nhiều tại các trại dưỡng lão, và đặc biệt là tại các EHPAD - cơ sở chăm sóc người già sống phụ thuộc, nơi nhiều người cao tuổi ốm yếu, thường xuyên phải khám bệnh, trong khi việc đi lại của các cụ lại không hề đơn giản. Cơ sở EHPAD Thizy, tỉnh Yonne, được trang bị một phòng khám bệnh từ xa. Cụ bà Nilda, 84 tuổi, vừa được bác sĩ khám tim từ xa, bên cạnh cụ có một y tá trợ giúp. Cụ Nilda chia sẻ trên kênh LCI: « Tôi thấy phương thức khám bệnh từ xa rất tuyệt vời, rất có ích. Chúng tôi không cần phải đi đâu xa ». Cô y tá Anais Pungier tiếp lời cụ : « Hơn nữa, phương thức khám bệnh từ xa thuận tiện cho chúng tôi rất nhiều về mặt thuốc men. Chúng tôi có thể có đơn thuốc ngay lập tức cho các cụ. Chúng tôi có thể đi mua thuốc ngay lập lức. »
    Vùng Aquitaine - miền tây nam nước Pháp - là vùng phát triển tốt dịch vụ khám bệnh từ xa. Hiện tại, bệnh viện Đại học Bordeaux đảm nhiệm việc khám bệnh từ xa cho người cao tuổi ở 55 trại dưỡng lão và cơ sở chăm sóc người già sống phụ thuộc của hai tỉnh Gironde và Dordogne. Tất cả các cơ sở chăm sóc người cao tuổi này đều có phòng với các thiết bị phục vụ công tác khám bệnh từ xa. Bác sĩ, giáo sư Salles thuộc bệnh viện Đại học Bordeaux giải thích : « Mỗi tháng, chúng tôi thực hiện 70 buổi thăm khám từ xa với các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Chúng tôi có thể khám tim, khám da liễu … Nhìn hình ảnh trên caméra, được sử dụng bởi một y tá bên cạnh các cụ già, chúng tôi có thể đưa ra cách điều trị về các vết thương bị hoại tử hay các vết thương lâu liền sẹo ».
    Về mặt xã hội, nhiều người lo ngại phương thức khám bệnh từ xa sẽ làm giảm sự giao tiếp trực tiếp giữa bác sĩ với người bệnh, tức là làm giảm quan hệ trực tiếp giữa con người với con người. Về vấn đề này, bác sĩ Frank Baudino khẳng định : « Không, điều đó không hề ảnh hưởng tới quan hệ giữa con người với con người, bởi vì có đến 86% số người được khám bệnh từ xa quên rằng mình đang được bác sĩ chẩn bệnh từ xa, chỉ sau có 3 phút. Tất cả những người bệnh từng được bác sĩ thăm khám từ xa đều vô cùng hài lòng. Và ngày càng có nhiều bác sĩ muốn làm thêm ngoài giờ ở các phòng khám từ xa. Tôi đảm bảo với quý vị là ở đó giao tiếp giữa con người với con người vẫn diễn ra bình thường. »
    Tuy nhiên, bác sĩ đa khoa Richard Champeaux, thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe ở thị trấn Guillon nhấn mạnh : « Khám bệnh từ xa không bao giờ có thể thay thế được bác sĩ truyền thống. Các phương thức khám bệnh cũng tiến triển như sự tiến triển ở các ngành nghề khác trong vòng 15 năm qua. Khám bệnh từ xa phải trở thành một công cụ hữu ích phục vụ cả bác sĩ và bệnh nhân. Tôi muốn nói rằng nó sẽ trở thành một phương thức khám bệnh thông dụng trong ngành y tế. »
    Mặc dù phương thức khám bệnh từ xa có nhiều ưu điểm, nhưng để nó trở nên phổ thông, ngành y tế Pháp vẫn còn rất nhiều việc phải làm, sẽ cần thêm nhiều thời gian chuẩn bị, chẳng hạn hướng dẫn kỹ năng khám bệnh từ xa cho bác sĩ, lắp đặt thêm các phòng khám bệnh từ xa. Trước mắt, các bác sĩ mới về hưu, bác sĩ nội trú được khuyến khích dành thêm thời gian khám bệnh từ xa. Các y tá, hộ lý được khuyến khích làm thêm dịch vụ tới nhà hỗ trợ người dân trong khu phố nếu họ muốn được bác sĩ khám bệnh từ xa. Bộ Y Tế Pháp cũng khuyến khích các hiệu thuốc xắp xếp một phòng nhỏ cho khám bệnh từ xa, và chính các dược sĩ sẽ là người hỗ trợ người bệnh sử dụng thiết bị y tế trong quá trình thăm khám.
    http://vi.rfi.fr/phap/20180926-kham-benh-tu-xa-buoc-ngoat-cua-y-te-phap

    Pháp: Bất bình đẳng chăm sóc y tế giữa nông thôn và thành thị

    Pháp: Bất bình đẳng chăm sóc y tế giữa nông thôn và thành thị
     
    Nhân viên và sinh viên ngành Y biểu tình phản đối cải cách của chính phủ tại Paris, ngày 09/10/2018.REUTERS/Gonzalo Fuentes

      Tại Pháp, ốm (bệnh) cũng cần kiên nhẫn. Ngồi chờ đến lượt ở phòng khám tư nhân hay bệnh viện, may mắn thì 15-20 phút, thậm chí 40 phút hoặc hơn một giờ là chuyện bình thường dù đã có hẹn trước. Nhưng để có được một cuộc hẹn là cả nhiều ngày chờ đằng đẵng, cần có đủ kiên nhẫn và đặc biệt... không được quên ngày hẹn.

      Pháp có hệ thống chăm sóc y tế, cùng với đội ngũ y-bác sĩ có chuyên môn cao, tận tình, nhưng họ cũng đang bị quá tải. Nếu như cần trung bình từ 2 đến 6 ngày để có được một cuộc hẹn với bác sĩ đa khoa, số ngày chờ tăng lên gấp 10, thậm chí gấp 15-20 lần để lấy hẹn được với một số bác sĩ chuyên khoa : 50 ngày với một bác sĩ tim mạch, 60 ngày với một bác sĩ da liễu, 80 ngày với một bác sĩ mắt…
      Đây là thống kê được nêu trong bản báo cáo ngày 08/10/2018 của Drees (Cơ quan Nghiên cứu, Thẩm định và Dữ liệu), trực thuộc bộ Y Tế Pháp. Bản báo cáo cho thấy sự chênh lệch rất lớn về khả năng tiếp cận với chăm sóc y tế, sự bất cân bằng giữa đô thị và vùng xa, được nhật báo Le Monde ngày 10/10/2018 đánh giá là « Một nước Pháp với nhiều tốc độ ». Có nghĩa là những nơi có mật độ bác sĩ (hoạt động độc lập) ít hơn thì thời gian chờ càng lâu hơn. Ví dụ, tại Paris và vùng phụ cận, thời gian để có được một cuộc hẹn với bác sĩ mắt là khoảng 29 ngày, nhưng ở những đô thị nhỏ hơn thì phải chờ đến 97 ngày.
      Tuy nhiên, vẫn theo Le Monde, phần lớn người Pháp hài lòng về thời gian chờ đợi vì họ thường lên lịch cho lần hẹn khám tiếp theo. Chỉ có hai chuyên ngành, khoa mắt và da liễu, bị gần nửa người dân Pháp đánh giá là thời gian chờ « quá lâu ». Ở một số tỉnh, như Orne (tây bắc nước Pháp), chỉ còn hai bác sĩ da liễu. Bệnh nhân phải đi gần 50-60 km để khám bệnh.
      1/3 địa phương Pháp trong tình trạng “thiếu hụt chăm sóc y tế”
      Dựa vào số liệu mới của bộ Y Tế Pháp, báo Le Figaro (10/10/2018) đã lập bản đồ hơn 11.300 « địa điểm thiếu hụt chăm sóc y tế » (désert médical) (chiếm gần 1/3 số địa phương của Pháp) ; gần 20% người dân Pháp sống trong những vùng như vậy.
      Bác sĩ nha khoa Đỗ Thị Thủy Thảo, làm việc tại một phòng khám nha khoa ở thành phố Châtillon (ngoại ô Paris), giải thích một số lý do khiến vùng xa xôi, hoặc địa phương có ít dân cư, không hấp dẫn các bác sĩ trẻ :
      « Hiện nay, các bác sĩ ngày càng ít chấp nhận luôn sẵn sàng cả ngày, trái với các vùng được cho là xa xôi, nơi mà bác sĩ không được nghỉ ngơi. Ngoài ra, còn phải kể đến thiếu vắng trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Vì thế, các bác sĩ và gia đình họ không thích đến sống ở các vùng hẻo lánh mà không có dịch vụ.
      Một bác sĩ thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi hoạt động ở vùng nông thôn, ví dụ như sức hấp dẫn, quá tải về giấy tờ hành chính, thu nhập ít hơn. Bác sĩ trẻ hiện nay không muốn đi theo thế hệ trước, làm việc một mình, không thư ký, luôn sẵn sàng từ sáng đến tối. Khi một phòng khám cần nhượng lại, được trang bị đầy đủ và có một thư kí, thì phòng khám đó dễ tìm được bác sĩ chấp nhận mua lại.
      Ở những vùng xa xôi, không dễ dàng gì để các bác sĩ trẻ sống và làm việc. Vì vậy, ở đó thường có các nhà chăm sóc y tế. Hoàn cảnh của các bác sĩ cũng khó khăn với các bó buộc ngày càng nhiều. Khi một bác sĩ quen biết mọi người thì rất khó đặt ra được giới hạn. Mọi người đến tận nhà tìm bác sĩ, kể cả vào Chủ Nhật ».
      Điều ngạc nhiên là ngay cả một số thành phố ngoại ô Paris cũng rơi vào tình trạng « thiếu hụt chăm sóc y tế ». Ngày 18/09, khi giới thiệu chiến lược cải tổ hệ thống y tế, tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh : « Những khu vực thiếu hụt chăm sóc y tế không chỉ nằm ở nông thôn, mà còn nằm trong những khu đô thị gần các thành phố lớn, trong các khu phố nghèo khó nhất ».
      Nguyên nhân đầu tiên, được nêu trong báo cáo của Drees năm 2017, là số bác sĩ đa khoa hành nghề độc lập tại các phòng khám ngày càng ít đi kể từ năm 2010, trong đó gần một nửa đã ngoài 60 tuổi. Tình hình này sẽ chưa được cải thiện trước năm năm 2025.
      Bác sĩ trẻ « ngại » về nông thôn và vùng hẻo lánh
      Thực vậy, rất nhiều bác sĩ trẻ không thích làm việc kiểu biệt lập, đặc biệt là ở vùng nông thôn, theo giải thích của bác sĩ đa khoa Jean-Paul Hamon ở thành phố Clamart, bị đưa vào danh sách « vùng ưu tiên » về y tế, trong khi chỉ cách Paris chưa đầy 10 km. Đây cũng là nhận định của bác sĩ Thủy Thảo :
      « Sinh viên ngành Y thường xuất thân từ tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn. Họ gần như thường sống, hoặc thậm chí toàn sống ở thành phố. Vì thế, trừ khi có cảm tình mạnh mẽ với một vùng nào đó, thì việc đến sống và làm việc ở khu vực nông thôn, hẻo lánh có thể là sự tách rời khỏi môi trường của họ. Sống ở nông thôn không phải là sống với ít người xung quanh hơn. Việc này đòi hỏi sự thích nghi. Rất nhiều người thành phố từng thử « về nông thôn » nhưng bị vỡ mộng sau khi ấp ủ nhiều hy vọng lãng mạn nhưng phi thực tế.
      Hơn nữa, trong số các bác sĩ trẻ, có đến 60% là phụ nữ. Thường thì họ tình nguyện làm nhân viên với thời gian làm việc hạn chế hơn, điều mà chỉ có thể thấy ở những thành phố lớn.
      Phần lớn sinh viên mong muốn được làm việc theo nhóm hoặc trong một cơ cấu. Vì họ có cơ hội thảo luận về việc chăm sóc bệnh nhân với đồng nghiệp và các nhóm đa chuyên môn, tham gia vào các dự án của cơ quan đó, mà vẫn tiếp tục được đào tạo.
      Các thành phố lớn thu hút bác sĩ trẻ vì hệ thống dịch vụ tốt. Họ không gặp khó khăn để làm thủ tục giấy tờ vì mọi cơ sở hành chính đều nằm gần nhau. Các trung tâm thương mại cũng nhiều hơn. Trong trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe, các bệnh viện và đội ngũ bác sĩ cũng đông hơn nên họ được điều trị nhanh hơn. Thêm vào đó là hệ thống giao thông dày đặc. Nếu sống ở nông thôn, phần lớn bác sĩ chỉ sử dụng xe hơi của mình. Ngược lại, ở thành phố có rất nhiều lựa chọn (tầu điện ngầm, xe buýt, tầu điện hoặc tầu hỏa).
      Một yếu tố khác là có rất nhiều hoạt động giải trí, như bảo tàng, rạp chiếu phim, hòa nhạc… nên không cảm thấy buồn tẻ và rất tiện khi họ có con. Cuối cùng chính là yếu tố trường học cho con cái. Họ có nhiều lựa chọn hơn (trường công, trường tư, trường quốc tế…), trong khi ở vùng hẻo lánh có rất ít lựa chọn ».
      Nhiều ưu đãi cho bác sĩ tình nguyện về nông thôn
      Theo lộ trình cải cách Y tế của chính phủ Pháp, cần giảm bớt cường độ cho các bác sĩ, có nghĩa là một số công việc có thể được giao cho trợ lý y tế. Mục tiêu đề ra là tiết kiệm được 15 đến 20% thời gian khám bệnh. Theo tổng thống Pháp, cần có thêm 2.000 bác sĩ từ giờ đến năm 2020. Trước mắt, các bác sĩ nghỉ hưu được khuyến khích tiếp tục làm việc.
      Tiếp theo, làm thế nào để thu hút được các bác sĩ trẻ về vùng ít thuận lợi hơn ? Bác sĩ Thủy Thảo giải thích :
      « Họ không bị bắt buộc những được khuyến khích mạnh mẽ. Ví dụ, loại hợp đồng cam kết dịch vụ công (Contrat d’engagement de service public, CESP) cấp học bổng 1.200 euro/tháng cho sinh viên ngành Y nào cam kết về làm việc ở vùng khó khăn. Tiếp theo là loại hợp đồng Bác sĩ đa khoa khu vực (Praticien territorial de médecine générale, PTMG), dành cho các bác sĩ trẻ muốn lập nghiệp ở các vùng thiếu thầy thuốc. Họ được đảm bảo tổng thu nhập 6.900 euro/tháng với điều kiện thăm khám ít nhất 165 lần/tháng.
      Quy ước Y Tế 2014 còn áp dụng một loại hợp đồng giúp đỡ các bác sĩ hoạt động ở những vùng ít được trang bị. Số tiền này là 50.000 euro và bác sĩ cam kết làm việc ở đó trong vòng 5 năm ».
      Một số địa phương đã đi trước một bước khi giúp các bác sĩ nội trú trẻ mở phòng khám ngay trong bệnh viện với giá thuê hợp lý. Lấy ví dụ bệnh viện ở xã Palais, tỉnh Morbihan, đã cho các bác sĩ hoạt động độc lập « mượn » phòng khám, cấp thư ký và để họ truy cập hệ thống tin học với giá thuê rất ưu đãi, 500 euro/tháng.
      Đây cũng chính là hướng mà chính phủ Pháp muốn phát triển. Khi giới thiệu chiến lược cải tổ hệ thống y tế, tổng thống Pháp và bộ trưởng Y tế đã đề xuất thành lập các Cộng đồng Khu vực chuyên ngành Y tế (Communauté professionnelles territoriales de santé, CPTS) vì, theo thống kê năm 2016, có đến 52% bác sĩ đa khoa trẻ, hoạt động tự do, muốn làm việc theo nhóm. Họ không muốn đi theo gương các đồng nghiệp thế hệ trước, tự làm mọi công việc.
      http://vi.rfi.fr/phap/20181019-phap-bat-binh-dang-cham-soc-y-te-giua-nong-thon-va-thanh-thi

      Cùng chủ đề
      • TẠP CHÍ XÃ HỘI

        Khám bệnh từ xa : Bước ngoặt của Y Tế Pháp
      • DƯƠC PHẨM

        Tệ nạn trong công nghiệp dược phẩm: Tạo khan hiếm giả để đội giá
      • PHÁP - Y TẾ

        Pháp: Bê bối thuốc động kinh, bị nghi gây dị tật thai nhi

      1. 1
      2. 2
      3. 3
      4. ...
      5. trang sau >
      6. trang cuối >                 

      Geen opmerkingen:

      Een reactie posten