maandag 12 november 2018

100 năm kết thúc Thế Chiến I : Đại lễ quốc tế vì hòa bình tại Paris + Anh, Úc, New Zealand, Ấn Độ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Thế Chiến I

100 năm kết thúc Thế Chiến I : Đại lễ quốc tế vì hòa bình tại Paris

mediaNguyên thủ và lãnh đạo các nước trên thế giới dự lễ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Thế Chiến I, ngày 11/11/2018 tại Khải Hoàn Môn, Paris.REUTERS/François Mori
Gần 70 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ từ năm lục địa tề tựu về Paris tham gia đại lễ 100 năm đại chiến khốc liệt giết chết hơn 10 triệu người, kết thúc vào ngày 11/11/1918 với hòa ước đình chiến, nước Đức đầu hàng. Đại lễ hòa bình cũng là cơ hội để tổng thống Pháp Emmanuel Macron cổ vũ cho tinh thần đa phương trong quan hệ quốc tế.
Paris trong ngày 11/11/2018 là một pháo đài đặt trong sự bảo vệ của một lực lượng khoảng 10.000 người trang bị vũ khí và các phương tiện an ninh đủ loại. Từ 8 giờ sáng, quan khách quốc tế, từ tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Canada Justin Trudeau cho đến thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, từ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, quốc vương Maroc Mohammed đệ lục cho đến lẽnh đạo nhiều nước châu Phi lần lượt được tổng thống Emmanuel Macron nghênh đón tại Điện Élysée.
Sau đó, tất cả quan khách, đại diện của những quốc gia trước đây từng tham chiến, dù thắng hay bại, đều cùng tổng thống nước chủ nhà ra địa điểm hành lễ tại Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs-Élysées, theo tường thuật của phóng viên Trọng Thành.
« Paris một lần nữa lại ở trung tâm của thế giới. Toàn bộ đại lộ Champs-Élysée cấm người qua lại để nhường chỗ cho cuộc tưởng niệm. Hơn 60 lãnh đạo các nước có mặt tại Khải Hoàn Môn. Gần như tất cả lãnh đạo các nước châu Âu đều có mặt, trong đó có đại diện các quốc gia từng tham chiến trước đây, bên thắng trận, cũng như bên bại trận.
Đúng 11 giờ sáng, ngoại trừ tổng thống Mỹ đi bằng đường khác và tổng thống Nga đến trễ, lãnh đạo các nước tham dự, với trang phục sẫm màu, đi bộ chậm rãi hướng về cổng Khải Hoàn, trong tiếng chuông nhà thờ đổ dồn liên tục trong 11 phút, đúng như cách nay một thế kỷ, vào thời điểm thỏa thuận đình chiến chính thức có hiệu lực.
Hồi ức, tri ân và những bài học từ quá khứ
Hoà giải và rút ra các bài học từ quá khứ đau thương, để tránh lặp lại một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế nhằm hoá giải các thách thức ghê gớm mà nhân loại phải đối mặt hiện nay, là mục tiêu chính phủ Pháp đặt ra khi tổ chức cuộc tưởng niệm đặc biệt này. Trong buổi lễ tưởng niệm hôm nay, không có duyệt binh, không hề có chỗ cho niềm hân hoan kỷ niệm chiến thắng.
Cuộc tưởng niệm mở đầu phần nhân chứng của những người chứng kiến thời khắc đình chiến năm xưa, cả hai bên chiến tuyến, người Pháp, người Đức, người Hoa, qua giọng đọc của các học sinh thuộc nhiều quốc tịch. Đồng hành với các nhân chứng là nhạc phẩm saraband số 5 chậm rãi, trầm mặc và long trọng của nhà soạn nhạc Đức Jean-Sebastian Bach, do nghệ sĩ violoncelle Yo-Yo Ma người Mỹ gốc Hoa thể hiện. Một giàn hợp xướng của châu Âu cử hành bản nhạc Boléro nổi tiếng của Ravel, vào lúc tổng thống Pháp thắp lửa tại ngôi mộ Người lính vô danh
Hôm thứ Sáu 09/11 vừa qua, lần đầu tiên đóng góp của khoảng 400.000 người châu Á, chủ yếu là người Đông Dương (Việt Nam, Lào và Cam Bốt), người Ấn Độ, người Trung Quốc, trong Thế Chiến Thứ Nhất đã được vinh danh cũng tại địa điểm lịch sử này.
Trong bài diễn văn, tổng thống Pháp nhắc lại những nỗi thống khổ không kể xiết của chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh, « một trăm năm sau cuộc thảm sát mà dấu ấn vẫn còn hiện rõ ». Emmanuel Macron tri ân những người đã ngã xuống cho tự do, cho lý tưởng của một nước Pháp mang trong mình những giá trị phổ quát của nhân loại, đồng thời nghiêng mình trước vong linh những người lính từng ở bên kia chiến tuyến.
Trách nhiệm chung tay hợp sức
Trên hết là hòa bình, mà tổng thống Pháp coi là giá trị cao nhất. Ông nhắc với lãnh đạo các nước về « trách nhiệm vô cùng lớn » trước vận mệnh nhân loại, và kêu gọi tất cả không để « bị quyến rũ bởi thái độ co cụm, thích bạo lực và tham vọng thống trị », để chung tay hợp sức đối mặt các đe dọa lớn trong hiện tại, « khí hậu bị hâm nóng, thiên nhiên bị suy thoái, nghèo đói, bệnh tật, bất bình đẳng, thất học ».
Sau lễ tưởng niệm tại Khải Hoàn Môn, đông đảo lãnh đạo các nước và nhiều định chế quốc tế sẽ tham dự Diễn Đàn Paris vì Hoà Bình, lần đầu tiên được tổ chức. Đây là một sáng kiến của Pháp nhằm cổ vũ cho cơ chế hợp tác đa phương, hiện đang bị thách thức bởi chính lãnh đạo nhiều quốc gia có truyền thống dân chủ. Tổng thống Mỹ Donald Trump không dự Diễn đàn Paris vì Hoà Bình. Lập trường đơn phương chủ nghĩa, đặt nước Mỹ lên trên hết của ông Donald Trump chắc chắn sẽ bị nhiều chỉ trích trong dịp này ».
Diễn Đàn Paris vì Hòa Bình
Sau buổi lễ tưởng niệm Chiến Sĩ Vô Danh dưới chân Khải Hoàn Môn, và hai giờ nghỉ trưa tại điện Élysée, tổng thống Pháp cùng các vị thượng khách đến La Villette khai mạc Diễn Đàn Hòa Bình. Đây là một sự kiện quan trọng khác đánh dấu lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất.
Diễn Đàn Hòa Bình mở ra từ chiều 11/11 đến hết ngày 13/11/2018. Thủ tướng Đức Angela Merkel là vị khách mời đầu tiên, trước nhiều nhà lãnh đạo khác, như thủ tướng Canada, hay tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lần lượt thuyết trình, bảo vệ một mô hình đa phương trong quan hệ quốc tế. Mô hình đó được coi là nền tảng trong bang giao thế giới từ sau Thế Chiến Thứ Hai.
Riêng tổng thống Mỹ vắng mặt trong Diễn Đàn Hòa Bình. Ông Donald Trump vốn không mặn mà với các cuộc đối thoại đa chiều, chọn viếng thăm nghĩa trang nơi hơn 1.500 lính Mỹ trong Đệ Nhất Thế Chiến yên nghỉ tại thị trấn Suresnes.
Diễn Đàn Hòa Bình không là một thượng đỉnh hay một hội nghị quốc tế. Đây là một hoạt động mới, dự trù tổ chức hàng năm nhằm mục đích đẩy mạnh hợp tác quốc tế vì hòa bình. Những tác nhân chính đóng góp cho hòa bình bao gồm từ các tổ chức chính phủ, các định chế quốc tế, đến các chính quyền địa phương, hội đoàn, tổ chức dân sự...
http://vi.rfi.fr/phap/20181111-100-nam-the-chien-mot-ket-thuc-dai-le-quoc-te-vi-hoa-binh-tai-paris

Anh, Úc, New Zealand, Ấn Độ kỷ niệm 100 năm chấm dứt Thế Chiến I

mediaHình hoa anh túc được chiếu trên mái nhà hát Sydney, Úc, để tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I, ngày 11/11/2018.REUTERS/David Gray
Ngày 11/11/2018, New Zealand, Úc và Ấn Độ lần lượt kỷ niệm tròn 100 năm chấm dứt Thế Chiến I và tưởng nhớ đến 150.000 quân nhân của ba nước hy sinh khi sát cánh cùng quân đồng minh trên chiến trường châu Âu.
Ấn Độ tổ chức một buổi lễ long trọng tại thủ đô New Delhi để tưởng nhớ đến khoảng 74.000 người đã ngã xuống trong cuộc chiến 1914-1918. Dù không liên quan trực tiếp đến cuộc đại chiến thứ nhất, nhưng lúc đó Ấn Độ là thuộc địa của Anh nên có khoảng 1,3 triệu quân nhân Ấn Độ đã nhập ngũ.
Về phía Úc, thủ tướng Scott Morrison, trước hàng nghìn người tụ họp tại Canberra ngày 11/11, đã nhắc lại sự hy sinh những người lính Úc, đặc biệt là trên mặt trận Fromelles, phía bắc nước Pháp. Trong Thế Chiến I, có hơn 300.000 quân nhân Úc chiến đấu ở nước ngoài và gần 62.000 người tử trận.
Tại New Zealand, buổi lễ tưởng niệm bắt đầu bằng hai phút mặc niệm, đúng vào 11 giờ, thời điểm thỏa thuận đình chiến bắt đầu có hiệu lực. Tiếp theo là 100 cú đại bác được bắn ra phía bờ biển Wellington trong tiếng còi xe và tiếng chuông ngân vang từ các nhà thờ trên khắp nước. Hơn 100.000 người New Zealand, chiếm 1/10 dân số lúc đó, tham chiến ở nước ngoài trong Thế Chiến I, trong đó khoảng 18.300 người đã hy sinh.
Còn tại Anh, theo thông tín viên RFI Muriel Delcroix, từ một tuần trước ngày ký kết Đình chiến 1918, nhiều hoạt động nghệ thuật đã được tổ chức trên khắp nước Anh, đặc biệt là buổi lễ long trọng tại đài tưởng niệm Whitehall ở Luân Đôn vào ngày 11/11 :
« Người dân Anh gọi sự kiện này là « Remembrance Sunday », ngày Chủ Nhật tưởng nhớ, diễn ra vào ngày Chủ Nhật thứ hai của tháng Mười Một. Ngày này được vua George V đặt ra đúng một năm sau khi cuộc chiến chấm dứt để không bao giờ quên thảm họa, đó chính là « cuộc chiến phải chấm dứt mọi cuộc chiến khác ».
Theo thông lệ, vào lúc 11 giờ và trong vòng hai phút, mọi hoạt động trên cả nước dừng lại, người dân giữ im lặng để tưởng nhớ đến không chỉ hàng triệu người đã chết trong Chiến Tranh Thế Giới thứ nhất mà cả những người đã tử trận trong những cuộc chiến sau đó.
Rất nhiều buổi lễ được tổ chức trên khắp nước Anh và ở Luân Đôn là tại đài tưởng niệm Whitehall, nơi nữ hoàng Elisabeth II và nhiều chính trị gia đến tưởng nhớ những người đã khuất, sau đó là một buổi diễu binh. Năm nay, hàng nghìn người dân Anh đến đài tưởng niệm (The Cenotaph), tất cả đều cài trên khuy áo một bông hoa anh túc (poppy) bằng giấy hoặc bằng lụa để tưởng nhớ đến các cựu chiến binh.
Truyền thống bán hoa anh túc của Quân đoàn Anh vì lợi ích của các gia đình cựu chiến binh vẫn rất sôi nổi ở Anh Quốc. Hoa anh túc được chọn làm biểu tượng sau thành công của bài thơ In Flanders Fields (Trên Cánh đồng vùng Flandres), được một bác sĩ Canada viết năm 1915, xúc động trước những bông hoa anh túc, đỏ rực như mầu máu, nở rộ trên những vùng đất bị tàn phá ở vùng Flandres ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181111-anh-uc-new-zealand-an-do-ky-niem-100-nam-cham-dut-the-chien-i

Geen opmerkingen:

Een reactie posten