Úc cảnh báo về căng thẳng Mỹ-Trung
Tân thủ tướng Úc Scott Morrison trả lời họp báo hôm 24/8/2018 ở Canberra.
REUTERS/David Gray
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay 01/11/2018 cảnh báo, sự trỗi dậy của Trung Quốc và « ảnh hưởng chưa từng thấy từ trước đến nay » của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ thách thức lợi ích của Mỹ ; tuy nhiên Hoa Kỳ và Trung Quốc không nên đối đầu. Ông Morrison cũng loan báo việc phát triển một quân cảng tại Papua New Guinea, để đối phó với Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.
Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại đọc tại Sydney, thủ tướng Úc nhận định Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Theo ông, Trung Quốc là « quốc gia gây thay đổi nhiều nhất trong cán cân quyền lực, đôi khi thách thức các lợi ích lớn của Hoa Kỳ ».
Thủ tướng Morrison cho rằng « trong thời gian sắp tới, cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn tăng lên. Tuy nhiên điều quan trọng là quan hệ Mỹ-Trung không nên trở thành đối đầu ». Tuyên bố của thủ tướng Úc được đưa ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh thi nhau ăn miếng trả miếng trong chiến tranh thương mại.
Nước Úc - thành viên của « Five Eyes » (liên minh tình báo gồm 5 quốc gia Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ) và có quan hệ quốc phòng chặt chẽ, lâu dài với Hoa Kỳ - bị lọt vào một trong những điểm nóng địa chính trị của thế kỷ 21. Một cuộc chiến thầm lặng đang diễn ra tại Nam Thái Bình Dương : Bắc Kinh và Washington đều tranh giành ảnh hưởng tại tuyến đường hàng hải quan trọng này.
Sau quyết định cấm các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc khai thác mạng 5G trên đất Úc vì lý do an ninh quốc gia, thủ tướng Scott Morrison tìm cách xoa dịu khi tuyên bố quan hệ Úc – Trung Quốc là « đặc biệt quan trọng », nêu ra các trao đổi thương mại, du lịch và giáo dục giữa đôi bên đều tăng lên ở mức kỷ lục.
Tuy nhiên song song đó, thủ tướng Úc hôm nay cùng với đồng nhiệm Papua New Guinea loan báo việc cùng đầu tư nâng cấp quân cảng Lombrum ở đảo Manus. Thỏa thuận này giúp tăng cường khả năng tương tác với quân đội các nước láng giềng, và các chiến hạm Úc có thể qua lại thường xuyên hơn.
Hồi tháng Năm, người tiền nhiệm Malcolm Turnbull từng bày tỏ quan ngại trước việc Bắc Kinh đổ hàng tỉ đô la vào các đảo quốc tí hon ở Thái Bình Dương. Đặc biệt là nguy cơ Trung Quốc hiện diện quân sự thường trực tại đảo quốc Vanuatu, cựu thuộc địa của Anh-Pháp, với 280.000 dân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181101-uc-canh-bao-ve-cang-thang-my-trung
Biển Đông : Úc xây quân cảng tại Papua New Guinea để đề phòng Trung Quốc
Papua New Guinea
wikimedia.org
Đảo Manus, thuộc quần đảo Papua New Guinea ở Nam Thái Bình Dương, sẽ là một căn cứ quân sự chiến lược của hải quân Úc, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng biểu dương lực lượng trong khu vực. Trong chiều hướng này, Canberra đã chi 5 triệu đôla Úc để nâng cấp bến cảng, trước ngày trao cho Papua New Guinea một tàu tuần duyên.
Theo báo Úc The Australian và The Australian Financial Review hôm nay 24/10/2018, thông tin thứ nhất được nhiều viên chức cao cấp của bộ Quốc Phòng xác nhận là Canberra đảm nhận phần lớn chi phí xây dựng một căn cứ quân sự tại quốc đảo Papua New Guinea. Thông tin thứ hai là Hải quân Úc gia tăng hoạt động tại Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh giành chủ quyền với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Cụ thể, trong cuộc điều trần ngày 24/10/2018 tại Thượng Viện, tư lệnh hải quân Úc, phó đô đốc Mike Noonan cho biết các tàu chiến của Úc di chuyển trong vùng Biển Đông và thường bị chiến hạm Trung Quốc tra hỏi qua hệ thống liên lạc. Cho đến nay, hai bên luôn giữ thái độ lịch sự, không khiêu khích nhau. Tuy chưa tham gia vào các cuộc tập trận bảo vệ tự do lưu thông như hạm đội Mỹ tiến sát các đảo bị Trung Quốc tự cho là chủ nhân, chiến hạm của Úc đã hiện diện thường xuyên hơn và ở lâu hơn ở Biển Đông : từ 43 ngày trong năm 2014 lên đến 254 ngày trong năm 2017.
Tham mưu trưởng Angus Cambell cũng cho biết Hải quân Úc sẽ hiện diện nhiều hơn trong khu vực Biển Đông, với 8 chiến hạm trong 60 ngày tính từ đầu năm nay, tại con đường huyết mạch của thương mại thế giới.
Ngoài Papua New Guinea, bộ Quốc Phòng Úc cũng đang chuẩn bị kế hoạch phát triển căn cứ ở đảo Fiji trong mục đích không che giấu : ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và Nam Thái Bình Dương.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181024-bien-dong-uc-xay-quan-cang-tai-papuanew-guinea-de-de-phong-trung-quoc
Úc chi 7 tỉ đô mua phi cơ không người lái giám sát Biển Đông
Phi cơ không người lái MQ-4C Triton. Ảnh minh họa.LAC Michael Green / AUSTRALIAN DEPARTMENT OF DEFENCE / AFP
Úc sẽ chi ra 7 tỉ đô la để mua sáu máy bay do thám không người lái, có thể hoạt động trên không trung hơn một ngày, để truy tìm tàu ngầm của kẻ địch và giám sát các chuyến bay. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm nay 26/06/2018 loan báo như trên.
Các phi cơ công nghệ cao Triton với tầm hoạt động xa có thể giám sát cả Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương, thậm chí cả Nam Cực, để phát hiện các chiến hạm nước ngoài, tàu đánh cá bất hợp pháp hoặc buôn người. Tuy nhiên Biển Đông được xác định là trọng tâm.
Theo Bộ trưởng Kỹ nghệ Quốc phòng Christopher Pyne, những chiếc Triton hiện đại sẽ giúp Úc tiếp tục giám sát được khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Ông nói : « Úc nhấn mạnh đến quyền của mình du hành xuyên qua Biển Đông trên vùng biển quốc tế, như nước Úc vẫn luôn tiến hành, dù bằng tàu thủy hay máy bay ».
Căn cứ của đội phi cơ Triton đặt tại Edinburg, Nam Úc, tuy nhiên đến năm 2025 mới chính thức đi vào hoạt động. Các thông tin thu thập được sẽ chia sẻ cho các đồng minh của Úc như Hoa Kỳ, Anh, Canada, New Zealand.
Nhật giúp Indonesia phát triển nghề cá tại Biển Đông
Cũng tại Biển Đông, Nhật Bản hôm qua 25/06/2018 cho biết sẽ viện trợ 2,5 tỉ yen (23 triệu đô la) cho Indonesia để phát triển nghề cá tại sáu hòn đảo hẻo lánh, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng trong khu vực.
Ngoại trưởng Nhật Taro Kono và đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi đã ký kết văn bản liên quan tại Jakarta, nằm trong nỗ lực của Tokyo để xúc tiến « chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Khoản viện trợ trên đây sẽ được dùng để xây dựng các cảng và trang thiết bị cho nghề đánh cá từ nay đến tháng Giêng năm 2020 trên sáu đảo nhỏ, trong đó có Natuna vốn thường bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180626-uc-chi-7-ti-do-mua-phi-co-khong-nguoi-lai-giam-sat-bien-dong
Geen opmerkingen:
Een reactie posten