Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ nhường sân chơi cho Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tham dự thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, Bắc Kinh, ngày 04/09/2018Lintao Zhang/Pool via REUTERS
Mỹ rút lui khỏi nhiều định chế đa quốc gia để nhường sân chơi lại cho Trung Quốc. Khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 liệu có tạo cho Bắc Kinh thêm một cơ hội nữa để áp đặt một mô hình thế giới đa cực mới ?
Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã có những lời đả kích kịch liệt nhắm vào Iran, Trung Quốc và mô hình thế giới đa cực, thì ở hậu trường phái đoàn ngoại giao Trung Quốc không ngừng mở các cuộc đối thoại bên lề với các đối tác Ấn Độ, Nhật Bản, Úc hay Canada và châu Âu .... Tại Bắc Kinh, hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố bản đồ với những thông tin được cập nhật thường xuyên liên quan đến các định chế đa quốc gia mà Hoa Kỳ đã từng bước "rút lui" kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng.
Mỹ đã ra khỏi Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP (tháng 1/2017), từ bỏ thỏa thuận khí hậu Paris, rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chia tay tổ chức UNESCO hay quyết định hôm 19/06/2018 quay lưng lại với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ... Gần đây nhất là khả năng trừng phạt Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đã được cố vấn an ninh của Nhà Trắng, John Bolton nêu lên.
Trong lúc nước Mỹ của Donald Trump liên tục để lại những chiếc ghế trống ấy, thì Bắc Kinh tận dụng thời cơ để chen chân vào bằng nhiều cách. Qua những tuyên bố ở mọi cấp các lãnh đạo, Bắc Kinh luôn tìm cách chứng minh rằng, Trung Quốc tôn trọng mô hình một thế giới mở và đa cực, là một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, là một quốc gia có trách nhiệm với thế giới.
Một phương tiện thứ nhì cho phép Trung Quốc lấp vào chỗ trống mà Hoa Kỳ để lại là "sức mạnh của đồng tiền". Một nhà báo Ấn Độ trực thuộc cơ quan nghiên cứu độc lập Observer Research Foundation nhận xét : khi Washington thông báo giảm đóng góp vào các chương trình "Gìn Giữ Hòa Bình", thì lập tức Bắc Kinh tỏ ra hào phóng. Trung Quốc hứa rót 1 tỷ đô la trong 5 năm sắp tới để chung sức với Liên Hiệp Quốc gìn giữ hòa bình. Bắc Kinh chuẩn bị đào tạo 8.000 binh sĩ để tham gia lực lượng Lính Mũ Xanh.
Thái độ sốt sắng nói trên của Trung Quốc gây nhiều lo ngại.
Richard Gowan một chuyên gia về an ninh và quốc phòng, thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR), được báo Le Figaro trích dẫn cho biết tại tổ chức quan trọng trực thuộc Liên Hiệp Quốc là UNESCO và Hội Đồng Nhân Quyền, các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày càng áp đặt tiếng nói của mình. Sự bành trướng của Trung Quốc tại New York ngày càng rõ nét. Mùa hè vừa qua, Bắc Kinh đã mời rất nhiều các phái đoàn ngoại giao quốc tế đến trụ sở của văn phòng đại diện của Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc để bàn thảo về những "chuyện đại sự", trình bày về tầm nhìn của Bắc Kinh chung quanh các dự án vĩ đại, từ Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 đến chiến lược "Made in China 2025" mà ở đó Bắc Kinh có tham vọng áp đặt những chuẩn mực của Trung Quốc với toàn thế giới.
Nói một cách khác, giới phân tích cho rằng, từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền với khẩu hiệu « nước Mỹ trước tiên », thì Bắc Kinh không còn e dè hay kín đáo tung những đòn ngoạn mục để củng cố sức mạnh của mình trên bàn cờ thế giới.
Thái độ này của Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế ngạc nhiên. Một chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu độc lập của Mỹ, Stimson Center, trụ sở tại Washington, thậm chí còn cho rằng, ông "Tập Cận Bình đã đi quá đà" và có một sự "ngạo mạn" trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Thái độ đó theo chuyên gia này, trái ngược hẳn với chiến lược của ông Đặng Tiểu Bình xưa kia, vốn chủ trương kiên nhẫn và từng bước bộc lộ sức mạnh thật sự của mình.
Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd bình luận : logic của họ Đặng không còn tính thời sự trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Điều đó được thể hiện qua cách hành xử của Bắc Kinh với Liên Hiệp Quốc và ngay cả trong cuộc đọ sức với Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180928-tai-lien-hiep-quoc-my-nhuong-san-choi-cho-trung-quoc
Tập Cận Bình trấn an về « Một vành đai, một con đường »
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt binh tại căn cứ quân đội Trung Quốc ở Hồng Kông ngày 30/06/2017.REUTERS/Damir Sagolj/File Photo
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua 27/08/2018 trong hội nghị sơ kết 5 năm « Một vành đai, một con đường » tại Bắc Kinh đã khẳng định sáng kiến này không nhằm tạo ra một « Câu lạc bộ Trung Quốc », đồng thời kêu gọi cân bằng về thương mại với các quốc gia đối tác. Tuyên bố của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Malaysia vừa hủy bỏ dự án nhiều tỉ đô la với Trung Quốc vào tuần trước.
Ông Tập Cận Bình cho rằng : « Một vành đai, một con đường là sáng kiến hợp tác kinh tế, chứ không phải là một liên minh địa chính trị hay quân sự. Đó là một tiến trình mở rộng, chứ không phải nhằm lập ra một quỹ đạo riêng hay một Câu lạc bộ Trung Quốc ».
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư trên 60 tỉ đô la vào các nước dọc theo « Con đường tơ lụa mới » này. Ông Tập nhấn mạnh trao đổi thương mại với các nước liên quan đã đạt 734 tỉ đô la, tạo ra hơn 200.000 việc làm. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng khái niệm tổng thể đã hoàn tất, nay cần đi vào cụ thể và tập trung cho các dự án chất lượng cao. Ông cũng kêu gọi nỗ lực tạo cân bằng về thương mại với các nước tham gia, và tăng cường dự báo rủi ro.
Cách đây đúng một tuần, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến công du Bắc Kinh đã hủy bỏ ba dự án cơ sở hạ tầng trị giá 22 tỉ đô la do Trung Quốc đầu tư, gồm một tuyến đường sắt, hai đường ống dẫn khí đốt, với lý do sẽ không trả nổi nợ. Ông Mahathir cũng tố cáo « chủ nghĩa thực dân mới », tuy không gọi thẳng tên Trung Quốc.
Chuyên gia Bàng Trung Anh (Pang Zhongying), trường đại học Hải Dương Trung Quốc cho rằng : « Bắc Kinh đang phải đối phó với những thách thức to lớn, trước các phản ứng của cộng đồng quốc tế ». Theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang và sự do dự của các nước quan trọng như Malaysia và Pakistan về sáng kiến này, khiến Trung Quốc phải chỉnh đốn lại kế hoạch.
Giáo sư Moon Heung Ho, giáo sư trường đại học Hanyang ở Seoul nhận định : « Bắc Kinh đã thất bại trong chính sách ngoại giao với lân bang, do các nước láng giềng đang lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc ». Theo ông, Trung Quốc cần cố gắng xây dựng lại lòng tin trong khu vực.
Cuộc hội thảo do phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng) chủ trì, với sự tham dự của các nhân vật quan trọng khác như ngoại trưởng Vương Nghị, các ủy viên Bộ Chính trị Lưu Hạc (Liu He), Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), bộ trưởng Tài Chính Tiêu Tiệp (Xiao Jie).
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180828-tap-can-binh-tran-an-ve-«-mot-vanh-dai-mot-con-duong-»
Geen opmerkingen:
Een reactie posten