woensdag 19 september 2018

Thượng đỉnh Liên Triều 3 : Kim Jong Un cam kết đóng cửa cơ sở thử tên lửa và thăm Seoul + Hàn Quốc gây sức ép để Samsung đầu tư vào Bắc Triều Tiên


Kim Jong Un cam kết đóng cửa cơ sở thử tên lửa và thăm Seoul


mediaTổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng ngày 19/09/2018.Reuters
Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều lần thứ ba có dấu hiệu thành công với một loạt quyết định quan trọng theo chiều hướng thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được loan báo ngày 19/09/2018.
Trong một cuộc họp báo chung tại Bình Nhưỡng, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thông báo một số kết quả chính đạt được, trong đó nổi bật là việc ông Kim Jong Un đồng ý đóng cửa hẳn một cơ sở thử nghiệm tên lửa đạn đạo, đồng thời loan báo sẽ đi thăm Seoul trong thời gian sắp tới đây.
Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình :
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khẳng định rằng Bình Nhưỡng đã đồng ý đóng cửa vĩnh viễn cơ sở thử nghiệm tên lửa Tongchang-ri dưới sự giám sát của các thanh tra quốc tế. Bắc Triều Tiên cũng sẵn sàng đóng cửa vĩnh viễn cơ sở nghiên cứu hạt nhân chính là Yongbyon, nhưng chỉ khi nào Mỹ có « biện pháp đáp ứng tương xứng ».
Về phần mình, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cho biết là ông sẵn sàng đến Seoul, thủ đô Hàn Quốc, để tham gia một hội nghị thượng đỉnh mới, có lẽ trong năm nay. Đó sẽ là một chuyến viếng thăm chưa từng có.
Cuối cùng, hai bên cũng đã ký kết một thỏa thuận quân sự để giảm căng thẳng.
Quả là Bình Nhưỡng đã có rất nhiều lời hứa. Đó sẽ là những bước tiến quan trọng và cụ thể, giúp cho quan hệ giữa hai miền Triều Tiên thêm hòa dịu. Tổng thống Hàn Quốc cố cho thấy thái độ lạc quan, tuyên bố rằng : « Mọi việc giống như một giấc mơ, nhưng lại đang diễn ra trước mắt chúng ta. »
Những lời cam kết đó cũng nhằm mục đích thúc đẩy trở lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ, nhưng vấn đề là ông Kim Jong Un vẫn từ chối cung cấp danh mục kho vũ khí và các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên, như Washington yêu cầu. Lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng cũng không nói một lời về các dàn phóng tên lửa di động, hoặc khả năng làm giàu uranium của Bắc Triều Tiên.
Do đó, không chắc là thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng đủ sức thuyết phục Hoa Kỳ.
Dẫu sao thì tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức lên tiếng hoan nghênh kết quả hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng. Trên mạng twitter, ông khẳng định như vậy là lãnh đạo Bình Nhưỡng đã « đồng ý cho phép thanh tra về hạt nhân, điều sẽ tùy thuộc vào các cuộc đàm phán tối hậu ». Ông Trump kết luận : « Rất thú vị! »
Hòa hợp và hòa giải hai miền Triều Tiên
Nội dung hòa giải hai miền Triều Tiên rất được hai lãnh đạo quan tâm. Theo thỏa thuận được cả hai ông Moon Jae In và Kim Jong Un ký kết trong một buổi lễ công khai, hai bên đã đồng ý xây dựng một cơ sở để tổ chức các cuộc họp mặt các gia đình bị ly tán do chiến tranh vào bất cứ lúc nào, và thúc đẩy việc nối liền các tuyến đường bộ và đường sắt giữa hai miền.
Nền ngoại giao thể thao tiếp tục được phát huy, với quyết định của hai nước có đoàn thi đấu chung tại Olympic 2020, và nhất là cùng đăng cai tổ chức Thế Vận Hội 2032.
Riêng về chuyến đi thăm Seoul sắp tới đây của ông Kim Jong Un, giới quan sát ghi nhận là đó sẽ là chuyến công du đầu tiên của một lãnh đạo miền Bắc kể từ khi kết thúc cuộc Chiến Tranh Triều Tiên 1950-53 đến nay.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng, bộ trưởng Quốc Phòng của hai nước cũng đã ký một thỏa thuận nhằm làm giảm căng thẳng ở vùng biên giới, cụ thể là xóa bỏ 11 đồn biên phòng từ nay đến cuối năm và đình chỉ các cuộc tập trận ở vùng biên giới kể từ ngày 01/11 tới đây.
Hai bên cũng đồng ý thiết lập một vùng đệm ở vùng biển Tây Hải, đình chỉ các cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển, và thiết lập một vùng cấm bay dọc theo biên giới để ngăn ngừa các sự cố ngoài ý muốn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180919-kim-jong-un-cam-ket-dong-cua-co-so-thu-ten-lua-va-tham-seoul

Hình ảnh: Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in lần đầu tiên đến Bình Nhưỡng


Tổng Thống Moon Jae-in của Nam Hàn bắt tay người dân Bắc Hàn. (Hình: Pyongyang Press Corps Pool via AP)
BÌNH NHƯỠNG, Bắc Hàn (NV) – Hôm Thứ Ba, 18 Tháng Chín, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in lần đầu tiên đến thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Hàn, gặp Chủ Tịch Kim Jong Un để thảo luận về kinh tế, giảm vũ khí hạt nhân và đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, trong cuộc họp thượng đỉnh lần thứ ba.
Tổng Thống Moon Jae-in ôm Chủ Tịch Kim Jong Un và phu nhân Kim Jung-sook của Nam Hàn (áo trắng) bắt tay phu nhân Ri Sol Ju của Bắc Hàn. (Hình: Pyeongyang Press Corps/Getty Images)
Hai nguyên thủ của Nam Hàn và Bắc Hàn cùng hai phu nhân đi trong lễ chào mừng. (Hình: Pyongyang Press Corps Pool via AP)
Người dân Bắc Hàn đổ ra đường để đón mừng Tổng Thống Moon Jae-in của Nam Hàn. (Hình: Pyongyang Press Corps Pool via AP)
Tổng Thống Moon Jae-in và Chủ Tịch Kim Jong Un đứng chào người dân Bắc Hàn trên đường từ phi trường về nơi họp thượng đỉnh. (Hình: Pyeongyang Press Corps/Getty Images)
Tổng Thống Moon Jae-in (trái, giữa) trong cuộc họp với Chủ Tịch Kim Jong Un (phải, giữa) (Hình: Pyongyang Press Corps Pool via AP)
Người dân Nam Hàn xem cuộc gặp gỡ giữa Nam Hàn và Bắc Hàn trên TV. (Hình: Chung Sung-Jun/Getty Images)
https://www.nguoi-viet.com/photo/hinh-anh-tong-thong-nam-han-moon-jae-lan-dau-tien-den-binh-nhuong/

Hàn Quốc gây sức ép để Samsung đầu tư vào Bắc Triều Tiên

mediaSamsung chưa muốn liều lĩnh đầu tư vào Bắc Triều Tiên vì lo sợ các lệnh trừng phạt của quốc tế.REUTERS/Andrew Kelly/File Photo
Hàn Quốc đang nóng lòng muốn thiết lập lại các dự án hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên. Seoul muốn nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ giữa hai miền và khởi động lại quan hệ hợp tác thương mại song phương.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là tập đoàn Samsung, không muốn liều lĩnh đầu tư vào Bắc Triều Tiên vì sợ bị quốc tế trừng phạt. Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :
« Chính phủ Hàn Quốc đang gây sức ép để ông Lee Jae Yong, người thừa kế tập đoàn Samsung, triển khai một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng vào Bắc Triều Tiên. Các nguồn tin thân cận với tập đoàn Samsung khẳng định như trên với báo Nikkei Asian Review.
Điều đó giải thích tại sao ông Lee Jae Yong được mời tháp tùng tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm Bình Nhưỡng, một trong những nguồn tin trên cho biết. Nhưng dường như hãng Samsung vẫn đang ngập ngừng, vì đầu tư vào Bắc Triều Tiên ẩn chứa nhiều rủi ro và các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm cấm mọi giao thương với chế độ Kim Jong Un.
Ông Lee Jae Yong đang lâm vào tình thế khó xử. Người thừa kế tập đoàn Samsung đã bị giam tù nhiều tháng vì liên quan tới một vụ án tham nhũng, và hiện đang trong giai đoạn chờ phán quyết của Tòa Án Tối Cao.
Thế nhưng, nhiều tập đoàn khác của Hàn Quốc, chẳng hạn LG, không giấu diếm sự quan tâm đối với nguồn nhân công Bắc Triều Tiên được đào tạo, giá rẻ và nói cùng tiếng Triều Tiên, cũng như là thị trường Bắc Triều Tiên có nhiều cơ hội phát triển. Những doanh nghiệp Hàn Quốc này đã thành lập các nhóm làm việc để chuẩn bị cho các dự án đầu tư trong tương lai. Nhưng họ sẽ không thể làm được gì chừng nào các lệnh trừng phạt vẫn còn được duy trì. »
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích thông cáo của bộ Quốc Phòng nước này cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Song Young Moo và đồng nhiệm Mỹ James Mattis hôm nay đã điện đàm để trao đổi về các kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Moon-Kim vừa qua tại Bình Nhưỡng.
Hai bộ trưởng đồng ý sẽ nỗ lực trong lĩnh vực quân sự để bảo đảm thực thi các biện pháp phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và có thể kiểm chứng được. Các bộ trưởng cũng thống nhất duy trì hợp tác quốc phòng và an ninh.
Vẫn theo Yonhap, một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã tăng sau thượng đỉnh lần thứ ba với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. 72% số người được hỏi hài lòng về kết quả thượng đỉnh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180921-han-quoc-samsung-dau-tu-bac-trieu-tien

Geen opmerkingen:

Een reactie posten