dinsdag 18 september 2018

Biển Đông : Tàu ngầm Nhật Bản tập trận tại Trường Sa + Nhật Bản : Chính sách đại dương tập trung trên an ninh biển

Biển Đông : Tàu ngầm Nhật Bản tập trận tại Trường Sa

mediaTàu ngầm lớp Soryu của Nhật. Ảnh do Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản cung cấp ngày 1/9/2014.REUTERS/Japan Maritime Self-Defense Force/Handout via Reuters/Fi
Lần đầu tiên Hải Quân Nhật Bản đưa tầu ngầm đến Trường Sa, Biển Đông. Cuộc tập trận này, theo báo chí Nhật, có thể làm Bắc Kinh nổi giận.
Theo nhật báo cánh tả Asahi Shimbum ngày 17/09/2018, tàu ngầm Kuroshio từ thứ năm tuần trước đã tới vùng biển phía tây nam đảo đá ngầm Scarborough cùng với ba chiến hạm khác đã đến trước để tập trận. Khu vực này, thuộc chủ quyền truyền thống của Philippines, đã bị Trung Quốc lấn chiếm vào năm 2012.
Một viên chức thuộc bộ quốc phòng Nhật xin giấu tên cho biết các chiến hạm tập dợt chống tàu ngầm đối phương có trang bị hệ thống sonar siêu âm « trong vùng biển không có tranh chấp, quyền tự do giao thông được luật quốc tế bảo đảm ».
Theo kế hoạch, tập trận xong, tàu ngầm Nhật Bản sẽ vào quân cảng Cam Ranh, Việt Nam, trong ngày thứ hai 17/09, một cử chỉ để chứng tỏ Tokyo có mối hợp tác quốc phòng với Hà Nội, theo nhận định của báo Asahi. Đây là lần đầu tiên từ sau Thế chiến Hai, tàu ngầm Nhật ghé Việt Nam.
AFP cho biết hiện tại chưa kiểm chứng được các thông tin trên đây của Asahi.
Hồi đầu tháng, trong khuôn khổ các hành động liên tục của Mỹ và các đồng minh nhằm phủ nhận « tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc », một chiến hạm của Hải Quân Hoàng gia Anh Quốc cũng tiến gần các đảo bị Trung Quốc lấn chiếm, làm Bắc Kinh phản đối ầm ỉ.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180917-bien-dong-tau-ngam-nhat-ban-tap-tran-tai-truong-sa

Nhật Bản điều 3 chiến hạm tới Biển Đông và Ấn Độ Dương

mediaChiến hạm chở trực thăng Kaga tại căn cứ Hải quân Sasebo, đảo Kyushu, Nhật Bản ngày 06/04/2018. REUTERS/Issei Kato/File Photo
Bộ Quốc Phòng Nhật hôm thứ Ba, 21/08/2018, loan tin sẽ điều 3 tàu chiến, trong đó có tàu chở trực thăng Kaga, tới Biển Đông và Ấn Độ Dương để thao dượt quân sự chung với hải quân 5 nước châu Á.
Tờ The Japan Times cho biết cuộc thao dượt này sẽ bắt đầu từ Chủ nhật 26/08 và kéo dài cho tới hết tháng 10/2018, đồng thời nhận định đây là một hành động sẽ Bắc Kinh tức giận. Tàu Kaga cùng hai chiến hạm hộ tống sẽ đi qua Biển Đông và eo biển Malacca trước khi tới Ấn Độ Dương.
Ba chiến hạm Nhật sẽ ghé qua cảng của 5 nước bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore, Indonesia và Philippines. Tại đây, Nhật Bản sẽ tham gia thao dượt quân sự với các lực lượng hải quân nhằm nâng cao khả năng chiến đấu và cải thiện sự hợp tác với hải quân từng nước.
Chiến dịch triển khai 3 tàu chiến nói trên nằm trong khuôn khổ chiến lược của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương "tự do và cởi mở".
Vào năm 2017, Nhật Bản đã huy động lực lượng tương tự, trong đó có chiến hạm Izumo, cũng tới Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Theo chuyên gia Malcolm Cook thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, tuy chiến dịch lần này có quy mộ lớn, nhưng điều đó không có nghĩa Nhật Bản sẵn sàng thách thức Trung Quốc. Đúng hơn là nó cho thấy Nhật Bản "đang ngày càng lo ngại hơn về tình hình an ninh khu vực và đang nỗ lực hơn để đáp lại những mối lo ngại đó".

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180823-nhat-ban-dieu-3-chien-ham-toi-bien-dong-va-an-do-duong

Nhật Bản : Chính sách đại dương tập trung trên an ninh biển

mediaCác tàu của Hải Cảnh Trung Quốc và Cảnh Sát Biển Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang có tranh chấp. Bức ảnh được Kyodo công bố ngày 10/09/ 2013.REUTERS/Kyodo
Chính quyền Tokyo hôm nay, 15/05/2018, đã thông qua một chính sách mới về đại dương, nêu bật mối quan tâm của Nhật Bản về vấn đề an ninh trên biển, trong bối cảnh đe dọa ngày càng tăng từ phía Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Trọng tâm mới này đã đi ngược lại với chính sách trước đây, chủ yếu tập trung trên việc phát triển tài nguyên biển.
Theo hãng tin Kyodo, chính sách đại dương của Nhật đã nêu lên các mối đe dọa đến từ hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên và các hoạt động của tàu Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
Trong cuộc họp với ủy ban chính phủ về chính sách biển, thủ tướng Shinzo Abe khẳng định : « Trong bối cảnh tình hình trên biển ngày càng nghiêm trọng, chính phủ sẽ nỗ lực trong việc bảo vệ cả lãnh hải quốc gia và lẫn lợi ích trên biển ».
Chính sách nói rõ là tình hình an ninh biển mà Nhật phải đối phó « có rất nhiều khả năng xấu đi nếu không có biện pháp nào được đưa ra. ». Nhận định này dự báo việc tăng thêm ngân sách quốc phòng trong thời gian tới đây.
Chính quyền Nhật còn có kế hoạch sử dụng các trạm radar trên bờ biển, máy bay và tàu thủy của Quân Đội và Lực Lượng Tuần Duyên, kết hợp với mạng lưới vệ tinh tối tân của Cơ Quan Thám Hiểm Không Gian Nhật Bản để tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo.
Chính sách về đại dương còn nhấn mạnh trên nhu cầu hợp tác giữa Lực lượng Tuần Duyên và Cơ Quan Ngư Nghiệp để tăng cường năng lực đối phó với nạn đánh cá lậu của Bắc Triều Tiên và quốc gia khác trong bối cảnh nạn đánh bắt trái phép đang gia tăng trong vùng biển Nhật Bản.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải, chính sách mới của Nhật cũng quy định việc phát huy chiến lược « Một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa » mà thủ tướng Abe đang thúc đẩy, nhằm duy trì và củng cố một trật tự thông thoáng và tự do trong vùng, trên nền tảng tôn trọng Nhà Nước Pháp Quyền.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180515-nhat-ban-chinh-sach-moi-ve-dai-duong-tap-trung-tren-an-ninh-bien

Geen opmerkingen:

Een reactie posten