dinsdag 15 september 2015

Trung Quốc đang xây phi trường thứ 3 ở Trường Sa

Trung Quốc đang xây phi trường thứ 3 Trường Sa
Monday, September 14, 2015 5:58:18 PM






WASHINGTON (NV) .- Không ảnh mới nhất cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một phi trường thứ 3 ở quần đảo Trường Sa, và phi trường này nằm trên đảo Vành Khăn, theo giới chuyên viên phân tích.
Hình bồi đắp đảo nhân tạo Vành Khăn do cơ quan NASA chụp hồi đầu Tháng 6 vừa qua khác hẳn tấm hình chụp cuối Tháng 5 trước đó. (Hình: NASA)
Các tấm không ảnh chụp ngày 8 tháng 9 năm 2015 cho Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở thủ đô Washington DC cho thấy phi trường này tại đảo nhân tạo Vành Khăn (tên quốc tế là Mischief Reef và Trung Quốc gọi là Meiji Jiao – Mỹ Tế Tiêu).
Các hình ảnh đó cho thấy một khu vực hình chữ nhật có vách tường bao chắn sóng, dài 3,000 mét, tương tự chiều dài của hai phi đạo được nhìn thấy trên các đảo nhân tạo Đá Thập (Fiery Cross Reef, Trung Quốc gọi là Yongshu Jiao – Vĩnh Thử Tiêu) và Đá Subi  (tên quốc tế là Subi Reef, Trung Quốc gọi là Zhubi Jiao – Chử Bích Tiêu).
“Rõ ràng cái gì chúng ta đang thấy là sắp sửa trở thành một phi đạo dài 3,000 mét và chúng ta  cũng thấy một số hoạt động xây dựng rõ rệt là một số cơ sở cảng biển cho tàu.” Ông Greg Poling, Giám đốc  bộ phận Asia Maritime Transparency Initiative của CSIS nói với hãng thông tấn Reuters.
Hình chụp gần hơn nên thấy rõ hoạt động của các tàu nạo hút cá đá lòng biển tại Vành Khăn hồi Tháng 4-2015. (Hình: NYT)

Giới chuyên viên an ninh quốc phòng cho rằng một phi đạo dài 3,000 mét thì đủ dài để cho tất cả các loại máy bay quân sự của Trung Quốc lên xuống, cho Bắc Kinh khả năng vươn xa hơn tới trung tâm của vùng biển Đông Nam Á , khu vực Trung Quốc đang tranh chấp với một số nước về chủ quyền lãnh thổ.
Cuối tuần qua, tạp chí phân tích thời sự chính trị The Diplomat nói về phi đạo mà Trung Quốc xây dựng ở đảo nhân tạo Đá Subi có thể dài tới 3,300 mét. Cộng với phi trường trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có thể sắp có thêm tới 4 phi trường quân sự ở biển Đông, nằm ở Trường Sa. Chúng được xây dựng trên các đảo nhân tạo Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa.
Đầu tháng trước, sau khi ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, tuyên bố ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48, diễn ra tại Malaysia rằng, Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động bồi đắp tại quần đảo Trường Sa,  ông Charles Jose, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, lập tức cảnh báo, Trung Quốc đang lừa gạt cộng đồng quốc tế.
Sở dĩ Trung Quốc ngưng bồi đắp đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa là vì kế hoạch bồi đắp đã hoàn tất và Trung Quốc sẽ sớm biến những đảo nhân tạo đó thành các căn cứ quân sự để thực hiện cho bằng được tham vọng độc chiếm toàn bộ biển Đông.
Sơ đồ khu vực 7 bãi đá ngầm được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. (Hình: WSJ)

Tin đưa ra về việc Trung Quốc hối hả xây dựng phi trường và cảng biển quân sự ở khu vực Trường Sa chỉ ít ngày trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tòa Bạch Ốc để gặp tổng thống Barack Obama. Hoa Kỳ nhiều lần bày tỏ quan ngại về các hành động bá quyền nước lớn bành trường trên Biển Đông của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng cũng như nhiều chức sắc Mỹ kêu gọi Bắc Kinh dừng các hoạt động bồi đắp và chèn ép các nước nhỏ ở khu vực, nhưng không thấy có tác dụng.
Phi trường quân sự ở đảo nhân tạo Vành Khăn và các đảo nhân tạo kia có thể làm Manila cảm thấy bất an nhất vì chúng gần Philippines nhất. Với các căn cứ quân sự lớn gần kề, Trung Quốc có thể tổ chức các hoạt động tuần tra thường xuyên hơn ở khu vực Bãi Rong (Reed Bank) mà Phi đang có các dự án dò tìm và khai thác dầu khí.
Khi những phi trường và căn cứ của Trung Quốc tại Trường Sa hoàn tất xây dựng, chúng sẽ đe dọa phi cơ của các nước khác bay qua khu vực này, nhất là khi họ thiết trí các hệ thống hỏa tiễn phòng không tối tân. Các nhà phân tích thời sự từng cảnh báo Trung Quốc sẽ tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông ở một thời điểm trong tương lai không xa khi tình thế tranh chấp chủ quyền trở nên Căng thẳng hơn. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=214343&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten