woensdag 2 september 2015

Tim Fung (Úc) mở dịch vụ online... chục triệu đô 'Airtasker' nhờ kinh nghiệm.. nhổ tóc bạc cho cha lúc còn bé

Tim Fung - cảm hứng kinh doanh độc đáo

  • 31 tháng 8 2015
Ít có doanh nhân nào lại lấy cảm hứng kinh doanh từ nhổ tóc bạc cho cha.
Lớn lên ở Sydney, Tim Fung, từng được cha trả tiền cho mỗi sợi tóc bạc, nay anh là nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành Airtasker – chương trình online cho phép người dùng thuê người làm giúp họ một việc nào đó.
“Ông ấy từng nói ‘mỗi lần con nhổ một sợi tóc bạc, cha sẽ trả con 5 xu’,” Fung, năm nay 32 tuổi nói.
“Tôi nhớ có lần ông ấy còn nói với tôi ‘Hôm nay cha sẽ trả con hẳn 10 xu’, và ông ấy ngủ gật trong lúc xem TV.
“Tôi ngồi liền mấy tiếng để nhổ tóc và kiếm được 25 đô la Úc trong 2 giờ đồng hồ, mà với một đứa trẻ, đây là khoản tiền khổng lồ.”

'Đội quân tóc bạc'

Image copyright Airtasker
Từng làm trong ngân hàng đầu tư, Tim Fung bắt đầu tạo ra Airtasker vào năm 2011 cùng đối tác kinh doanh mà anh tin cậy, Jonathan Lui. Cặp đôi đã là bạn suốt hơn một thập kỷ sau khi gặp nhau tại Đại học New South Wales ở Sydney.
“Chúng tôi có rất nhiều đêm không ngủ trong 18 tháng đầu tiên,” Fung nhớ lại những ngày mới chào đời của Airtasker.
Thế nhưng, mô hình kinh doanh này nhanh chóng lan rộng.
Nay Airtasker đã có 320.000 người đăng ký sử dụng trên khắp nước Úc, với 15.000 đầu việc được tạo ra mỗi tháng.
Tính riêng theo năm, tổng mức giao dịch lên tới 20 triệu đô la Úc, với Airtasker lấy 15% tiền hoa hồng từ số tiền thanh toán cho mỗi công việc.
“Chúng tôi phát triển gấp bảy lần mỗi năm,” Fung nói.
“Cách hoạt động của Airtasker là dùng ứng dụng của chúng tôi trên iPhone hoặc Android, hoặc trên trang web. Sau đó chúng tôi sẽ có lực lượng lao động tại địa phương cử người tới ra giá cho công việc mà bạn muốn được thực hiện.
“Chẳng hạn như, họ sẽ nói: Tôi có thể làm việc đó với giá 100 đô la Úc hay 200, 300 đô la Úc.
“Bạn chỉ cần nhìn qua những lựa chọn về người mà bạn có thể thuê rồi chọn người phù hợp nhất cho công việc cần làm dựa trên tiếng tăm và phản hồi từ các khách hàng khác về họ và thế là xong."
Image copyright Airtasker
Tim Fung nói thêm rằng những người thực hiện công việc Airtasker có ba nhóm chính.
Nhóm đầu tiên là sinh viên tranh thủ giờ trống giữa các tiết học để làm thêm, rồi có nhóm làm tự do, những người có kỹ năng, ở độ tuổi từ 30 đến 45.
Nhóm thứ ba là “đội quân tóc bạc”, gồm những người Úc trên 60 tuổi, những người thường là cựu viên chức có trình độ muốn kiếm tiền và năng động.
Có đủ kiểu công việc, từ dọn dẹp cho tới lắp ráp đồ nội thất, rồi dịch vụ từ những người thiết kế trang web và các nhà nghiên cứu thị trường. Và có cả những loại công việc kỳ lạ khác nữa.
Ông Fung nói: “một nhà giải phẫu thần kinh ở Sydney quyết định cầu hôn và ông ta chọn một chiếc nhẫn ở Houston, Texas.
“Ông quyết định sẽ cầu hôn bạn gái trong năm ngày tới, và cần người đáng tin cậy bay sang Texas và mang chiếc nhẫn đính hôn cực kỳ đắt tiền về Sydney.
“Alexa, một bà mẹ có hai con được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ này – cô ấy đáng tin cậy, với hơn 250 nhận xét xếp hạng cao nhất – và cô cũng tranh thủ thời gian bằng cách gặp lại bạn cũ ở Dallas.”
Airtasker không quá đặc biệt – đối thủ cạnh tranh như Fivrr và Handy cũng có dịch vụ tương tự - nhưng nó đã kiếm được nhiều triệu đô la vốn từ các nhà đầu tư, trong đó có hai quỹ đầu tư của Úc, Exto Partners và Bridgelane.
Công ty gần đây cũng giành được thêm 6.5 triệu đô la Úc từ Morning Crest Capital, đặt ở Thượng Hải, trong lúc tìm cách vươn rộng ra ngoài lãnh thổ Úc.
Cha của Tim Fung sinh ra ở Hong Kong và mẹ là người Úc đời thứ Tư nhưng mang dòng máu Trung Quốc, nói rất hài lòng khi anh được công ty Trung Quốc đầu tư.

'Chia sẻ tài nguyên'

Image copyright Dragon Papillon Photography
Image caption Tim Fung (trái) và người đồng sáng lập Jonathan Lui
Fung nói cha mẹ ông rất siêng năng và kiên trì, mặc dù những tính cách đó không phải lúc nào cũng ngấm vào anh.
Là con út với hai chị gái, anh theo học trường có tiếng cho nam sinh North Sydney Boys High School.
“Tôi học hành lúc lên lúc xuống, lúc giỏi lúc kém,” anh nhớ lại. “Tôi nghĩ là khi mới bắt đầu tôi học cũng giỏi.
“Nhưng đến giai đoạn thiếu niên thì tôi thuộc dạng đội sổ của trường. Nhưng đến đoạn sắp tốt nghiệp thì tôi học cũng khá. Nói chung là được. Tôi không phải là dạng trí thức sâu sắc gì.”
Hồi còn là một cậu bé, anh thường làm ngược lại những gì người khác hay làm, chẳng hạn như thích chơi khúc côn cầu trên băng thay vì chơi bóng đá như các bạn đồng lứa.
Và có lẽ cũng không mấy ngạc nhiên khi sự nghiệp của anh ở Ngân hàng Macquarie danh giá của Úc chỉ tồn tại được 5 năm.
Anh nói: “Cách tiếp cận vấn đề ở các ngân hàng đầu tư là cố làm sao triệt tiêu rủi ro khỏi mô hình kinh doanh.
“Tôi luôn nghĩ, chính điều này khiến nó chẳng còn gì thú vị. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ chẳng bao giờ bắt đầu được nếu bạn phải thực hiện phép tính này.”
Cũng như đa số các doanh nhân khác, Fung thấy việc nhảy vào canh bạc có tính toán là rất hấp dẫn, ngay cả trong lúc rảnh rỗi, khi anh đang phi như bay trên đường đua, hay leo trèo trên đỉnh núi.
“Điều tốt nhất nên làm là buộc bản thân bạn không làm việc bằng cách làm gì đó mạo hiểm để đầu óc bạn không còn nghĩ tới công việc, nên leo núi chẳng hạn, rất tuyệt,” anh nói.
Image copyright Tim Fung
Image caption Tim Fung và vợ sắp cưới Modi
Nhưng kinh doanh có mối thu hút mạnh mẽ, và mặc dù Fung muốn cưới vị hôn thê của mình, Modi, người Bắc Kinh, vào năm tới, cùng lúc dành thời gian cho chó cún giống Labradoodle, anh dành phần lớn năng lượng cho điều mà anh gọi là “chia sẻ kinh tế”, thách thức cách làm truyền thống về mua và bán.
“Đây là khái niệm rất tuyệt và điều đó có nghĩa là chúng ta nói về sử dụng tài nguyên đã có sẵn trên thế giới và làm sao sử dụng chúng tốt hơn. Nên dù là cho thuê lại nhà bạn, cho thuê lại xe hơi hay dùng những người muốn làm việc mà đang không có việc. Tất cả những điều này, là chia sẻ tài nguyên.
Chúng tôi không nhìn vào chu kỳ hoạt động, bạn biết đấy, một nền kinh tế thì hoặc là đang trong điều kiện tốt hoặc điều kiện xấu, đây là điều rất cơ bản về cách mọi người làm kinh doanh trong tương lai.”
Bài viết nằm trong loạt chương trình Làm Sếp châu Á của BBC.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten