Những loài cây và hoa nhiều độc tố nhất
- 7 giờ trước
Năm 2014, một người làm vườn cho một tòa biệt thự thôn quê nước Anh tử vong đầy bí ẩn do suy tạng.
Nguyên nhân cái chết của ông vẫn chưa được làm rõ, nhưng cuộc điều tra thu thập được những bằng chứng cho thấy có lẽ ông chết bởi một loài thực vật có hoa phổ biến thuộc họ mao lương hoa vàng.Cái cây giết người đó, cây ấu tàu (Aconitum), có hoa giống như mũ trùm đầu của nhà sư. Loài cây này còn được đặt những cái tên dữ dằn hơn như bả sói, mũ quỷ hay nữ hoàng độc dược.
Chất độc có trong cây này có thể làm chậm nhịp tim dẫn tới tử vong.
Ấu tàu nằm trong số những loài cây chứa độc tính mạnh nhất thế giới.
Phần độc nhất là rễ cây, dù trên lá cũng chứa chất độc.
Cả rễ lẫn lá đều có chứa chất tác động đến hệ thần kinh và có thể hấp thụ qua da.
Các triệu chứng nhiễm độc ban đầu là ngứa ran và tê dại tại nơi tiếp xúc hoặc ói mửa dữ dội và bị tiêu chảy nếu chẳng may ăn phải.
Năm 2010, bà Lakhvir Singh bị kết tội sát nhân sau khi trộn ấu tàu Ấn Độ vào món cà ri của người tình. Ngoài việc gây ngộ độc đường tiêu hóa nặng, chất độc còn làm chậm nhịp tim, dẫn đến tử vong.
Nhưng không phải mọi trường hợp ngộ độc đều kết cục bi thảm.
John Robertson, từng là chuyên gia coi sóc các loại cây chứa độc tố, cho biết cơ chế ói mửa khiến nạn nhân có thể thoát chết khi bị ngộ độc.
"Tôi từng nói chuyện với một người ăn phải ấu tàu mà không chết," ông Robertson nói. "Một cặp vợ chồng đã trồng cây này ở vườn rau thơm cho đẹp và khi ra ngắt rau về ăn, bà vợ đã ngắt lẫn cả vài lá ấu tàu. Cả hai đã trong cơn nguy kịch suốt 24 giờ nhưng cuối cùng may mắn thoát chết."
Về mặt lý thuyết, độc tố là nhằm bảo vệ cây. Ở một số loài, các hợp chất hoá học vốn để chống lại côn trùng và các loài vi sinh vật, cũng có khả năng gây hại tới các loài động vật lớn hơn.
Thường thì hiện tượng gây độc diễn ra theo hình thức quang độc tính: hoá chất tiết ra từ cây nếu tiếp xúc với da người và gặp ánh sáng mặt trời sẽ gây bỏng.
Cần tây khổng lồ (giant hogweed, tên khoa học là Heracleum mantegazzianum) là loài điển hình cho kiểu độc chất này, nhưng những loài cây “hiền lành” như cà rốt, cần tây và chanh cũng có thể làm rộp da trong những điều kiện nhất định.
Một trong những loài cây mà ta không thể chạm vào bất kể điều kiện thời tiết ra sao hiện đang chiếm danh hiệu là loài cây nguy hiểm nhất thế giới.
Đó là cây Manchineel (tên khoa học là Hippomane mancinella) thuộc họ thầu dầu, mọc ở các vùng phía bắc Nam Mỹ cho đến Florida Everglades và khắp vùng Caribbe. Ở nhiều nơi trong vùng có cây này, người ta phải đặt biển cảnh báo với một chữ thập đỏ.
Trong tiếng Tây Ban Nha, cây này được gọi phổ biến với cái tên cây táo tử thần.
Trong thành phần nhựa trắng sữa của cây có chứa chất phorbol gây kích ứng mạnh. Chỉ cần chạm vào cây cũng có thể gây dị ứng bỏng da. Trú ẩn bên dưới tán cây khi mưa rào cũng có thể gặp nạn vì nhựa cây ngay cả đã bị pha loãng trong mưa cũng vẫn gây ra mẩn ngứa kinh khủng.
Đốt cháy cây cũng không tác dụng gì, bởi khói bốc ra từ một cây Manchineel bị đốt có thể nhất thời gây mù mắt và các chứng khó thở nghiêm trọng ở người.
Nhựa cây dính vào da gây rất khó chịu, nhưng chí ít nó không làm ta mất mạng. Nguy hiểm thực sự là khi ăn phải quả cây. Do vậy, tên tiếng Tây Ban Nha là táo tử thần. Ăn vào sẽ bị nôn mửa và tiêu chảy, cơ thể mất nước dẫn tới suy kiệt không thể hồi phục.
Nói tới những loài cây ta không bao giờ được phép đưa lên miệng nhấm thử thì có một loài ‘tàn độc’ hơn tất cả các loài khác, mà rất có thể nó đang hiện diện đâu đó ngay gần bạn.
Cây thầu dầu, hay còn gọi là cây đu đủ tía (Ricinus communis) là một loài cây bụi rất được ưa trồng làm cảnh trong vườn bởi có hoa lá đa sắc, từ xanh tới tím, với lá cây hình lá cọ và có hạt lởm chởm trông rất khác biệt.
Những người ngộ độc từ cây này sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy và co giật tới cả tuần, rồi tử vong vì suy tạng.
Dầu thầu dầu, hay được dùng để tẩy ruột khẩn cấp, được chiết xuất từ hạt của cây này. Dầu này có chứa chất ricin cực độc, cho nên nó đoạt danh hiệu là loại cây chứa độc dược mạnh nhất thế giới.
Sau khi phần dầu có dược tính nhuận tràng đã được chiết xuất, phần bã của hạt đốm nâu còn lại chứa một loại hỗn hợp độc tố cực mạnh.
Độc tố ricin gây chết người do nó can thiệp vào quá trình trao đổi chất của tế bào, là phản ứng hóa học căn bản cần thiết để duy trì sự sống.
Chu trình tạo ra các protein cần thiết bị chặn khiến tế bào chết đi. Những người ngộ độc từ chất này sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy và co giật tới cả tuần, rồi tử vong do suy tạng.
Chất độc này càng làm người ta kinh sợ sau khi được lồng vào văn hoá đại chúng, từ tác phẩm The House of Lurking Death của nhà văn người Anh chuyên viết truyện trinh thám Agatha Christie, đến loạt phim truyền hình hiện đại Breaking Bad.
Vậy tại sao chúng ta lại vẫn trồng nó trong vườn cảnh?
"Thực ra thì ta nên phân biệt giữa việc có chứa độc tính và có khả năng gây hại. Nói về một loài cây chứa độc tố thì thật đơn giản – về mặt lý thuyết là chỉ cần tìm thấy các độc tố trong cây và xác định mức độ nguy hiểm của chất đó,” John Robertson nói.
"Nhưng cây đó có gây hại hay không là do bạn có định ăn nó không, việc kiểm soát quản lý cây đó để người ta không ăn nhầm phải có khó hay không thôi.”
Vỏ ngoài của hạt thầu dầu thường đủ cứng nên nếu chẳng may nuốt nguyên hạt thì nó sẽ đi qua hệ tiêu hóa mà không làm chết người.
Bạn phải nhai và nuốt tới năm hạt thầu dầu mới đủ liều gây nguy hiểm chết người cho người lớn, nhưng với trẻ em thì chỉ cần một hạt.
Ricin nguy hiểm nhất khi ở dạng tinh chất và bị tiêm vào người, như vụ một nhà bất đồng chính kiến Bulgaria bị sát hại bằng chất này hồi năm 1978.
Một chất độc khác là abrin còn được cảnh báo rõ ràng hơn.
Hạt cây cam thảo dây, hay còn gọi là cây hương tư tử, thuộc họ đậu (Abrus precatorius) trông rất đẹp và thường có màu đỏ với một đốm đen.
Loài cây này thường mọc ở vùng nhiệt đới và hạt được dùng làm vòng đeo tay, vòng cổ hay làm đồ trang trí. Thậm chí hồi năm 2011 chúng còn có mặt trong cửa hàng lưu niệm của vườn bách thảo trong nhà khổng lồ của Anh, Eden Project.
Abrin cũng có độc tính tương tự như ricin nhưng còn mạnh hơn khi ở dạng nguyên chất. May mắn là hạt đậu này có vỏ rất cứng khiến độc tố không xâm nhập vào da, gây nguy hiểm cho cơ thể.
Có trường hợp nạn nhân ăn phải hạt đậu đã bị tán thành bột, nhưng may được cấp cứu kịp thời nên thoát chết.
Điều may mắn là các trường hợp tử vong do độc tố từ thực vật là khá hãn hữu do y học hiện đại đã chẩn đoán và can thiệp kịp thời, và nhiều thành phần chứa độc tính từ thực vật phải được tinh luyện mới có thể gây chết người.
Các loài cây không tự dưng ở sẵn đó để chờ gây hại cho bạn, nhưng nếu biết rõ các loài hoa cỏ trong vườn có độc tính hay không, gây nguy hiểm khi nào, thì bạn sẽ biết cách ứng phó phù hợp.
Bản gốc tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Earth.
Tin liên quan
- Cà phê và triển vọng kết cục cay đắng
- Bí ẩn hố đen: Nơi con người phân thân?
- Samurai: Một thời kiếm sỹ huyền thoại
- Vì sao thịt xông khói ngon khó cưỡng?
- Bữa ăn sáng của Anh ngon nhất thế giới?
- Vì sao một số loài tự loại bỏ não?
- Con người có thể cao đến đâu?
- Giai đoạn nào là đỉnh cao cuộc đời bạn?
- Cua dừa: 'Tên cướp cạn' trên biển
- Diện mạo có làm hỏng cuộc đời bạn không?
- Khi biển nhấn chìm một quốc gia
- Tám điều bất ngờ về loài sói
- Những núi lửa lộng lẫy nhất thế giới
- Khi Thượng Đế có đuôi
- Sự thật về loài sói
- Sự thật về các ‘cụ rùa'
- Sau cái chết sẽ là gì?
- Sắp tìm thấy 'người ngoài hành tinh'?
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/09/150904_earths-most-poisonous-plants_vert_earth
Geen opmerkingen:
Een reactie posten