woensdag 2 september 2015

Chăm sóc người già, dịch vụ hái ra tiền tại Trung Quốc

TẠP CHÍ XÃ HỘI

Chăm sóc người già, dịch vụ hái ra tiền tại Trung Quốc

Chăm sóc người già, dịch vụ hái ra tiền tại Trung Quốc
 
Các bác cao niên trong một công viên ở Hàng Châu - DR


    Một phần năm nhân loại sống tại Trung Quốc. Đến năm 2030, 25% dân số ngoài 70 tuổi. Bắc Kinh không chuẩn bị đối mặt với thách thức đó. Cả một mảng được gọi là « Silver economy » chỉ nhằm phục vụ cho các bậc cao niên ''tóc bạc'' đang được phát triển.

    Theo nghiên cứu gần đây của Viện dân số quốc gia Pháp INED, đến năm 2040 dân số Trung Quốc đạt 1,6 tỷ người trước khi rơi xuống còn 1,4 tỷ vào quãng năm 2100. Tỷ lệ sinh đẻ tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải đã rơi xuống mức báo động : Ở Bắc Kinh tỷ lệ đó là 1,4 hay 1,5. Tại Thượng Hải, không nhất thiết một phụ nữ phải sinh một con. Ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con, từ chối vai trò làm mẹ.
    Nếu như vào năm 1995, độ tuổi trung bình ở nước đông dân nhất địa cầu này là 27 tuổi, thì chỉ một chục năm nữa – tức vào năm 2025, tuổi trung bình của người dân Trung Quốc là 40.
    Thêm vào đó, chính sách một con trên quên hương Mao Trạch Đông bắt đầu bị coi là « một quả bom nổ chậm ». Tình trạng trai thừa gái thiếu đã dẫn đến nhiều thảm kịch trong các hộ gia đình, ở thành thị cũng như nông thôn. Đến năm 2020 số lượng thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi từ 20 đến 30 không tìm được vợ, còn cao hơn so với tất cả các cô gái trên toàn lãnh thổ Đài Loan đến tuổi lập gia đình.
    Căn cứ vào số liệu năm 2012, báo cáo về dân số của Liên Hiệp Quốc cho thấy hiện tại Trung Quốc đang có được một lợi thế vô cùng to lớn so với các nền kinh tế khác trên thế giới : 70 % dân số nước này trong độ tuổi từ 15 đến 59.
    Để so sánh, tỷ lệ đó tại Brazil là 65%, của Ấn Độ là 60 %. Còn tại các nền công nghiệp phát triển như Tây Âu và Mỹ hay Nhật Bản, tỷ lệ đó rơi xuống còn có 54%. Có điều trong tương lai không xa, Bắc Kinh sẽ đánh mất nguồn nhân lực dồi dào mà Trung Quốc có được để phục vụ cho tăng trưởng đó.
    Vẫn theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc đến năm 2050, dân số Trung Quốc trong tuổi lao động sẽ giảm đi 220 triệu so với thời điểm của năm 2012.
    Những chuyển biến ảnh hưởng đến đời sống của 20 % nhân loại đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh : từ vấn đề bảo đảm nhu cầu lương thực đến công việc làm, từ chính sách phát triển đô thị đến vấn đề chăm sóc người già. Bởi chỉ trong 15 năm nữa, sẽ có hơn 350 triệu dân Trung Quốc – tức 25 % dân số trên toàn quốc, bước vào tuổi thất thập.
    Tới nay hệ thống hưu bổng và bảo hiểm xã hội, y tế ở quốc gia Cộng sản này gần như không có. Các bậc cao niên chỉ biết trông cậy vào con cái. Trung bình, mỗi cặp vợ chồng phải phụng dưỡng bốn bố mẹ già.
    Hệ thống y tế, các sinh hoạt dành cho người già, các viện dưỡng lão đều không được phát triển. Chính vì vậy, từ những năm 2008-2009 Bắc Kinh đã khuyến khích tư nhân và nhất là các doanh nghiệp ngoại quốc, đầu tư vào khu vực « Silver Economy ».
    Viện dưỡng lão, giải pháp du nhập từ phương Tây
    Trong phóng sự gần đây, thông tín viên đài RFI Delphine Sureau đã đến nhà dưỡng lão Kim Phúc ở Thượng Hải. Tại đây có 120 cụ già đang được chăm sóc. Một cụ bà, 97 tuổi, nói với phóng viên đài phát thanh quốc tế Pháp : Bà đến nhà dưỡng lão Kim Phúc vì tại nhà riêng, có đến 10 thành viên trong gia đình cùng chung sống, ba thế hệ sống dưới một mái nhà hai gian. Ở nhà lúc nào cũng ồn ào, con cháu ra vào như mắc cửu. Ở đây cụ được chăm sóc và lại có bạn già để nói chuyện.
    Giám đốc điều hành viên dưỡng lão Kim Phúc cho biết trung tâm này đang đón nhận hơn 100 thành viên tuổi từ 70 trở lên.
    « Ở đây chúng tôi có tổng cộng 42 phòng. Mỗi phòng được đặt từ 1 đến 5 giường. Hiện nay trung tâm chúng tôi đang chăm sóc cho 120 cụ. Một phần ba trong số các cụ ở đây phải nằm liệt giường. Số còn lại thì có người bị bệnh run tay Parkinson, có những trường hợp bị mất trí. Các cụ được đưa đến đây vì không có điều kiện để được chăm sóc chu đáo ở nhà riêng. Con cái không thể ở bên các cụ suốt cả ngày.
    Giá trung bình hàng tháng với một đầu người là khoảng 450 euro. Năm 2009 khi vừa khai trương, có 40 người ghi danh cho bố mẹ già. Một năm sau chúng tôi đón nhận đến 70 vị và giờ đây chúng tôi đang chăm sóc cho 120 cụ. Toàn bộ phòng của viện đã chật người, mà vẫn còn 50 cụ trên danh sách chờ để được vào. Chính vì vậy ông chủ của Kim Phúc dự trù xây thêm một cơ sở thứ nhì cũng chỉ cách đây vài dãy phố, để đáp ứng nhu cầu đón nhận và chăm sóc các vị cao tuổi ».
    Thượng Hải là nơi cứ trên 100 bô lão ngoài 60, thì có đến 18 % ngoài 80 tuổi, 52 % từ 70 đến 79 -và khoảng 30 % là các cụ từ 60 đến 69 tuổi. Mỗi năm trên toàn quốc có thêm 10 triệu cụ già. Tuổi thọ tại Trung Quốc đang được kéo dài. Giá nhà đất thì ngày tăng cao. Trường hợp nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà ở những thành phố lớn, nơi mà « tấc đất, tấc vàng », ngày càng hiếm.
    Trung Quốc lại không có bảo hiểm y tế hay trợ cấp xã hội cho người già, hay gia đình để con cháu trông nom họ. Trong gần một chục năm qua, Bắc Kinh luôn xem mục tiêu ưu đãi các vị cao niên là một ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế khi cha mẹ già yếu, thì con cái vẫn phải tự bề lo liệu.
    Kế hoạch 5 năm thứ 12 – kết thúc vào cuối 2015, đề ra mục tiêu nhân lên gấp ba số giường tại các khu viện dưỡng lão, đang từ 3 triệu lên thành 9 triệu. Để thực hiện chương trình đầy tham vọng đó Trung Quốc trông cậy vào vốn của tư nhân.
    Các dịch vụ y tế cho người già là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà Trung Quốc đã dễ dàng mở cửa cho các nhà đầu tư của Pháp, Mỹ. Mô hình bảo dưỡng người cao tuổi của Pháp được Trung Quốc đánh giá cao và được xem là thích hợp với người già Trung Quốc.
    Trả lời phóng viên RFI, ông Nathaniel Farouz, giám đốc điều hành chi nhánh ORPEA tại Nam Kinh cho biết về dự án xây dựng nhà dưỡng lão tại thành phố với hơn 8 triệu dân này :
    « Đây là một trung tâm với 240 giường với những tiêu chuẩn cao. Chúng tôi bảo đảm từ các dịch vụ y tế, thuốc men, đến các sinh hoạt hàng ngày cho các thành viên. Chủ trương của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu của các cụ và đó là những dịch vụ cá nhân, tức là chúng tôi quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, từng thói quen hàng ngày, tùy vào sở thích của từng cụ một và thậm chí là đề nghị các dịch vụ ytế tùy theo tình trạng sức khỏe của họ nữa, để các cụ cảm thấy thoải mái và dễ thích nghi với cuộc sống mới trong nhà dưỡng lão.
    Thật sự là chúng tôi nhắm tới tầng lớp có thu nhập cao. Trung Quốc là một thị trường có nhiều cơ hội. Chỉ trong 15 năm nữa thôi đây sẽ là quốc gia có số lượng người cao tuổi lớn nhất thế giới. Xã hội Trung Quốc đang phải từng bước thay đổi cách nhìn về người già, thay đổi về nếp sống và kể các các sinh hoạt.
    Thách thức lớn nhất là bảo đảm các dịch vụ chăm sóc y tế cho người cao tuổi. ORPEA của Pháp hay nhiều tập đoàn chuyên quản lý các viện dưỡng lão khác, như của Mỹ … đã hiện diện tại Trung Quốc. Chúng tôi đã bỏ vốn đầu tư và đang tạo ra một thói quen mới.
    Hiện nay, người Trung Quốc coi nhà già, là một loại ‘nhà thương tế bần’, dành cho các vị nào không có phương tiện, không có con cái chăm sóc. Chính vì vậy chúng tôi đã có cả một chiến dịch thông tin để thuyết phục mọi người đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão, để các cụ được chăm sóc chu đáo hơn, trong những điều kiện tốt hơn. Điều đó phù hợp với cuộc sống tại Trung Quốc ngày nay, tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Nam Kinh.  
    Về mặt danh nghĩa thì mở viện dưỡng lão tạo Trung Quốc rất đơn giản và còn được các nhà chức trách khuyến khích. Thực tế không dễ dàng như vậy. Dự án của ORPEA bị nhiều chậm trễ cho dù chính quyền Trung Quốc tuyên bố ủng hộ và mở cửa đón nhận đầu tư của nước ngoài để mở mang các dịch vụ chăm sóc cho người già. Tôi phải mất nhiều tháng mới được cấp giấy phép hoạt động và tìm được địa điểm ưng ý để mở nhà dưỡng lao. Ngoài mặt thủ tục hành chính, thì khó khăn lớn nhất chúng tôi vấp phải là khâu tuyển dụng nhân viên phục vụ trong viện dưỡng lão ».
    ORPEA là tập đoàn chuyên bảo đảm các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi lớn thứ nhì của Pháp. Hiện tại ORPEA đang quản lý gần hơn 45.000 giường tại 460 viện dưỡng lão tại nhiều quốc gia. Chủ yếu là châu Âu. Cũng ORPEA đang mở rộng thêm các cơ sở hoạt động để đón nhận thêm hơn 8.500 cụ. Trong dự án ở Nam Kinh, ORPEA có từ 180 đến 240 chỗ.
    Một tập đoàn cũng chuyên cung cấp các dịch vụ y tế cho người giá khác của Pháp là Colisée thì kém may mắn hơn OREPA. Dự án hợp tác với phía Trung Quốc đã được khởi động từ 9 năm nay, nhưng cơ sở đầu tiên tại Quảng Đông vẫn chưa chính thức khai trương cho dù Colisée đã phải hợp tác với một tập đoàn của Trung Quốc là China Merchant. Dù vậy Colisée báo trước, mỗi thành viên sẽ phải đóng từ 1000 đến 1300 euro/ tháng.
    Dịch vụ chăm sóc tại gia
    Mở nhà dưỡng lão không là giải pháp duy nhất để chăm sóc người già ở Trung Quốc. Các dịch vụ cung cấp nhân viên phục vụ hay y tế dành riêng cho các cụ cao niên cũng đang bắt đầu hình thành. Các cơ quan môi giới đó điều người đến tận nhà để bảo đảm từ khâu tắm giặt vệ sinh đến xoa bóp, từ nấu cơm đến dọn dẹp nhà cửa cho thân chủ.
    Pine Tree hay còn có cái tên Trung Quốc là Thanh Tùng, là một trong số những cơ quan môi giới đó. Pine Tree hoạt động từ năm 2004. Phóng viên của RFI tìm đến với một gia đình ở Thượng Hải sử dụng các dịch vụ của Pine Tree. Mỗi ngày gia đình đó đều đón bác sĩ hoặc y tá đến nhà chăm sóc cho người mẹ ngoài 80, bán thân bất toại sau cơn tai biến mạch máu não.
    Giá một giờ phục vụ do nhân viên chuyên nghiệp của Pine Tree cung cấp là 200 nhân dân tệ, tức khoảng 30 euro. Trung bình gia đình này tốn hơn 700 euro hàng tháng để chăm sóc cho bà mẹ già.
    Giám đốc Pine Tree giải thích với phóng viên của RFI về những thách thức ông phải vượt qua khi mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người già :
    « Tại Trung Quốc, chăm sóc người cao tuổi là một công việc không mấy ai thích làm, bởi họ không thể kiếm nhiều tiền khi giữ các cụ già. Ngay cả ở các viện dưỡng lão, một y tá chuyên chăm lo cho các bậc cao niên làm việc thì vất vả mà lương tháng chỉ cỡ khoảng từ ba đến bốn trăm euro, tức là chỉ bằng lương tối thiểu ở Thượng Hải. Thế rồi những người mà chịu đi làm nghề trông nom, săn sóc người già, thường họ lại không thích học hỏi thêm và cũng không có nhu cầu tiến thân. Rất khó khuyến khích họ hướng về một chuyên môn cụ thể -chẳng hạn như các bệnh lý về cơ, xương …
    Tôi cũng xin nói thêm là cái nghề chăm cho người già không được chính quyền nhìn nhận, tới nay trong danh bạ đăng ký nghề nghiệp của Trung Quốc không có mục nào dành cho chúng tôi cả. Nhưng tôi nghĩ chỉ trong một hay hai năm nữa, Trung Quốc sẽ phải thay đổi dần dần. Tôi cũng hy vọng là chính phủ sẽ có chương trình bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình có cha mẹ già. Bởi vì truyền thống của Trung Quốc là mỗi cặp vợ chồng phải phụng dưỡng tứ thân phụ mẫu ».
    Trong tất cả những trường hợp thông tín viên của đài phát thanh quốc tế Pháp gặp được, những cụ già được chăm sóc đều có phương tiện tài chính để chi ra hàng trăm euro một tháng. Thế còn đối với đại đa số 10 triệu người hàng năm gia nhập thị trường « Siver Economy » của Trung Quốc thì sao ?

    Cùng chủ đề
    • TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

      Trung Quốc: Chính sách một con tạo ra một thế hệ nhút nhát
    • TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

      Trung Quốc chuẩn bị thay đổi chế độ hưu trí
    • TRUNG QUỐC - XÃ HỘI

      Trung Quốc thông qua luật về trách nhiệm đối với những người thân cao tuổi
    • TRUNG QUỐC - DÂN SỐ

      Chính sách ''gia đình một con'' đe dọa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
    http://vi.rfi.fr/kinh-te/20150805-cham-soc-nguoi-gia-dich-vu-hai-ra-tien-tai-trung-quoc

    Trung Quốc thông qua luật về trách nhiệm đối với những người thân cao tuổi

    mediaTừ nay, giới trẻ Trung Quốc có nghĩa vụ chăm sóc người cao tuổi trong gia đìnhLawren

    Ngày 28/12/2012, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật bảo vệ những người thân cao tuổi trong gia đình. Theo website của chính phủ, luật có hiệu lực từ 01/07/2013, quy định là các thành viên trong gia đình, không sống cùng những người thân cao tuổi, thì phải đến thăm thường xuyên.
    Tuy nhiên, luật không nêu ra những trừng phạt, nếu không làm việc này và không nói rõ số lần đến thăm trong một thời gian nào đó.
    Mặt khác, những người cao tuổi, nếu nhận thấy quyền và lợi ích của mình vị xâm phạm, thì có thể tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan liên quan, thậm chí có thể đệ đơn kiện ra tòa.
    Luật cũng có những điều khoản quy định về việc xử lý những xung đột lợi ích trong gia đình, nghĩa vụ hỗ trợ tài chính và nhà ở cũng như các biện pháp trừng phạt đối với những trường hợp lạm dụng người cao tuổi, không giúp đỡ hoặc cấm họ tái giá.
    Luật bảo vệ người cao tuổi được đưa ra vào lúc Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế xã hội là dân số ngày càng già sau 3 thập niên áp dụng chính sách mỗi gia đình chỉ được có một con.
    Theo số liệu chính thức, vào cuối năm 2011, Trung Quốc có khoảng 184 triệu người hơn 60 tuổi, tương đương 13,7% tổng dân số. Sang năm tới 2013, Trung Quốc sẽ có hơn 200 triệu người ngoài 60 tuổi.

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20121230-trung-quoc-thong-qua-luat-ve-trach-nhiem-doi-voi-nhung-nguoi-than-cao-tuoi-trong-gia

    Trung Quốc chuẩn bị thay đổi chế độ hưu trí

    mediaDân số Trung Quốc ngaày càng già đi, trong khi lại thiếu lao động trẻ tuổi @flickr
    Thế hệ « baby boom » đang chuẩn bị nghỉ hưu, cùng với chính sách một con, khiến xã hội Trung Quốc phải đối mặt với dân số già và thiếu lao động. Bắc Kinh đang chuẩn bị cải cách chế độ hưu trí và hệ thống trợ cấp để kéo dài tuổi lao động. Thông tin này được tờ Le Figaro phân tích, dưới tựa đề : « Trung Quốc muốn thay đổi chế độ hưu trí » trong số ra ngày hôm nay.
    Liệu Trung Quốc chưa kịp giàu thì đã già ? Đây là vấn đề mà Bắc Kinh đang phải đối mặt trước những hệ quả của tình trạng dân số già và chính sách một con. Chính phủ Trung Quốc đang tính đẩy lùi tuổi nghỉ hưu, lần đầu tiên từ 50 năm nay.
    Bộ trưởng Nhân lực Trung Quốc cho biết kế hoạch cụ thể sẽ được công bố chậm nhất vào năm 2017 và sẽ đưa vào áp dụng 5 năm sau đó. Thế nhưng, các chuyên gia nhận định chế độ hưu trí đang là một vấn đề cấp bách. Nếu chỉ được áp dụng từ năm 2022, thâm hụt tài chính sẽ trở nên nghiêm trọng. Họ cho rằng cần phải dần áp dụng cải cách ngay từ bây giờ, vì thế hệ « baby boom », với số lượng rất lớn, chuẩn bị tới tuổi nghỉ hưu.
    Từ nay tới 15 năm nữa, 1/4 dân số sẽ ngoài 60 tuổi, gần gấp đôi so với hiện nay. Những người này sẽ là gánh nặng cho xã hội và cho con cái, thường là con một, do truyền thống chăm sóc bố mẹ và ông bà.
    Trong thập niên 1950, sau cuộc nội chiến, khi tuổi thọ chỉ đạt dưới 45 tuổi, các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (PCC), vừa mới lên nắm quyền, đã ấn định tuổi nghỉ hưu khá sớm. Tuy nhiên, hiện nay, tuổi nghỉ hưu đang được định ở ngưỡng 60 tuổi đối với nam giới và 50 đối nữ giới, không còn phù hợp với tuổi thọ ngày càng cao của người dân, 72 tuổi đối với nam giới và 77 đối với nữ giới.
    Kế hoạch của chính phủ dự định tăng dần tuổi nghỉ hưu hai tháng mỗi năm vào năm 2022, tiếp theo là 4 tháng từ các năm sau đó. Mục đích là ấn định tuổi nghỉ hưu của nữ giới ngang với nam giới và ở độ tuổi 65. Đối với chính phủ Trung Quốc, mục tiêu chính là duy trì nguồn cung cấp nhân lực để tránh tình trạng nhân lực trở nên quá đắt.
    Vẫn liên quan tới người hưu trí Trung Quốc, Le Figaro phản ánh « Tình trạng bấp bênh của người 60 tuổi tại Bắc Kinh ». Người dân khắp nơi đổ về thủ đô để kiếm việc làm. Một số nông dân nghỉ hưu buộc phải rời gia đình đi làm thêm vì không thể sống với mức lương hưu tương đương với 10 euro/tháng. Họ thường làm những công việc tay chân, bốc vác nặng nhọc, nhưng một ngày công của họ đã bằng một tháng lương hưu. Họ chỉ về quê thăm nhà mỗi năm hai lần, vào dịp năm mới và mùa thu hoạch tháng 9.
    Bên cạnh những người lao động hưu trí ngoại tỉnh, là hình ảnh những người hưu trí thành phố, có vẻ may mắn hơn. Họ tập trung tại những công viên hay vườn hoa để tập thể dục, sinh hoạt văn hóa văn nghệ… Nhưng đằng sau cuộc sống thảnh thơi cũng hiện lên sự bấp bênh. Một số người cho biết họ tập thể thao để tránh bệnh tật vì bảo hiểm xã hội không thanh toán hết viện phí. Nếu mắc bệnh hiểm nghèo, thì coi như nắm chắc cái chết trong tay.
    Tỉnh trưởng Okinawa đối đầu với Tokyo trong hồ sơ căn cứ quân sự Hoa Kỳ
    Chủ nhật vừa qua, khoảng 15.000 người dân Okinawa đã xuống đường biểu tình phản đối dự án di dời một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ngay trên hòn đảo này. Tỉnh trưởng Okinawa, ông Takeshi Onaga, quyết định đưa vấn đề này vượt khỏi giới hạn quốc gia. Trong bài « Tỉnh trưởng Okinawa thách thức Tokyo », tờ Le Monde phác họa chân dung người đối đầu với Tokyo, đồng thời cho biết, ngày 27/05, ông sẽ tới Washington để gây sức ép để thay đổi kế hoạch.
    Tokyo muốn di chuyển căn cứ quân sự Futenma của Hoa Kỳ, từ thành phố Ginowan đông dân cư, sang Henoko, một khu vực thưa dân hơn nằm ở đông bắc đảo Okinawa. Bị Mỹ chiếm đóng vào năm 1945 và được trả lại cho Nhật Bản vào năm 1972, Okinawa hiện là nơi đồn trú của hơn một nửa tổng số 47.000 quân nhân Hoa Kỳ. Người dân địa phương đã phàn nàn vì tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ tai nạn và các vụ hãm hiếp do binh lính Mỹ gây ra.
    Tỉnh trưởng Okinawa cho biết không phản đối hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng ông không muốn Okinawa trở thành một doanh trại quân đội với quy mô lớn hơn. Theo ông, cần phải đóng cửa căn cứ quân sự Futenma, chứ không phải dời tới Henoko. Hơn 80% dân trên đảo phản đối dự án trên và ông cho rằng Tokyo không bận tâm tới ý kiến của người dân địa phương.
    Trước khi bị sát nhập và trở thành tỉnh Okinawa của Nhật Bản vào năm 1879, đây là một vương quốc độc lập nhỏ bé nhưng phồn thịnh. Sau đó, người dân Okinawa bị quân đội thiên hoàng phân biệt và đối xử tàn nhẫn trong suốt cuộc chiến trước khi bị áp đặt phải đón nhận các căn cứ quân sự của Mỹ. Người dân ở đây cho rằng họ bị cướp đất, bị chèn ép và không được tôn trọng. Họ đấu tranh đòi bản sắc địa phương, đồng thời qua đó, là những lợi ích kinh tế. Trên thực tế, thu nhập của người dân Okinawa thuộc mức thấp tại Nhật Bản. Từ lâu, các căn cứ quân sự Mỹ là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách của tỉnh, nhưng hiện giờ chỉ còn chiếm 4% và trở thành một gánh nặng cho chính quyền địa phương.
    Trong vấn đề này, thủ tướng Shinzo Abe không những gặp khó khăn về vấn đề an ninh quốc gia, mà khó có thể thực hiện lời hứa tổng thống Obama liên quan tới việc xây dựng khu căn cứ quân sự mới. Trong một bản báo cáo, cơ quan nghiên cứu của Nghị viện Hoa Kỳ nhận định Tokyo sẽ gặp khó khăn trong việc di dời căn cứ quân sự Futenma tới Henoko.
    Ba Lan bầu tân tổng thống thuộc đảng cực hữu
    Chủ nhật vừa qua, tân tổng thống Ba Lan, thuộc phe bảo thủ, được bầu với 52% tổng số phiếu. Báo Le Monde phân tích những lý do giải thích chiến thắng trên trong bài : « Sự phục thù của những người bảo thủ Ba Lan ».
    Người dân Ba Lan đã chọn sự thay đổi bằng cách bầu cho ứng viên cánh hữu Andrej Duda, có xu hướng cực kỳ bảo thủ. Cử tri ủng hộ tân tổng thống đa phần là thanh niên. Dù tổng thống đương nhiệm rất nổi tiếng và được dự báo chiến thắng, ứng cử viên của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đã thành công nhờ tiến hành chiến dịch tranh cử theo kiểu Mỹ. Ông không ngần ngại đi khắp đất nước để gặp gỡ người dân Ba Lan.
    Tiếp theo, vị luật sư vô danh 43 xuất hiện như một khuôn mặt mới trước sự cạnh tranh dai dẳng giữa hai đối thủ Kaczynski (PiS) và ông Donald Tusk (PO), hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Châu Âu. Cuối cùng, ông cũng đã tận dụng những lá phiếu bầu của người về thứ ba trong cuộc bầu cử vòng một là ca sĩ Pawel Kukiz, trong đó đa phần là thanh niên.
    Thất bại của cựu tổng thống Ba Lan có thể sẽ thành một bài học kinh nghiệm cho mọi chiến lược chính trị sau này : Làm sao có thể thất bại trong khi mọi cuộc thăm dò cho rằng tổng thống đương nhiệm sẽ nhận được tới 60% phiếu bầu ? Chỉ quanh quẩn trong phủ tổng thống, tổng thống mãn nhiệm xuất hiện quá trễ và dường như bị cắt đứt hoàn toàn với người dân. Thất bại trên có lẽ còn gây ảnh hưởng tới kỳ bầu cử nghị viện sắp tới.
    Tân tổng thống có thể sẽ thực hiện những đề xuất mà ông đã hứa trong lúc vận động tranh cử, như giảm tuổi nghỉ hưu, mặc dù khó thực hiện được. Một trong những chủ đề chính tiếp theo là đấu tranh chống sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp và ngân hàng nước ngoài… Ngoài ra, tân tổng thống cũng chỉ trích hợp đồng gần đây với hãng Airbus mua 50 máy bay trực thăng cho quân đội quốc gia. Ông cho rằng điều này gây bất lợi cho các công ty đặt tại Ba Lan.
    Làm việc quá sức sẽ được coi là bệnh nghề nghiệp ?
    Dự luật đối thoại xã hội đang được thảo luận tại Quốc hội Pháp. Nhân dịp này, nhiều câu hỏi liên quan tới bệnh nghề nghiệp được hai tờ Libération và Les Echos đề cập trong số ra hôm nay.
    Trong mục xã luận, Libération giải thích nghĩa cụm từ « burn-out » mượn từ tiếng Anh. Đây là tình trạng kiệt sức, được coi là một căn bệnh đầu thế kỷ này, do làm việc quá nhiều hoặc nhiều công việc cùng một lúc. Còn nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : « Liệu các rối loạn tâm lý liên quan tới áp lực công việc có được coi là bệnh nghề nghiệp hay không ? ». Đây là đòi hỏi của các chuyên gia và đại diện nghiệp đoàn trước hiện tượng kiệt sức ngày càng tăng một cách báo động.
    Theo nghiên cứu của một văn phòng chuyên về rủi ro nghề nghiệp, Technogia, được tờ Libération dẫn lại, tại Pháp có khoảng 3,2 triệu công nhân viên ở trong hoàn cảnh làm việc quá sức và bị bắt buộc. Theo một nghị sĩ đảng Xã hội, tình trạng kiệt sức là một căn bệnh mới thời hiện đại và cần phải giải quyết các triệu chứng, đồng thời triệt tận gốc rễ các nguyên nhân.
    Bài xã luận của Libération nhận định, không phải bất cứ chút mệt mỏi nào cũng sẽ quy là tình trạng kiệt sức (burn-out). Chính vì thế, để tránh bị lạm dụng, cần phải định nghĩa các triệu chứng của hiện tượng này trước khi coi đó là bệnh nghề nghiệp. Việc này là dấu hiệu thông cảm đối với người lao động, đồng thời buộc chủ lao động phải chịu trách nhiệm về những khoản chi phí điều trị, để tránh quỹ bảo hiểm xã hội bị thâm hụt thêm. Như vậy, chủ lao động mới chú ý hơn tới việc cải thiện điều kiện lao động.
    Theo nhật báo Les Echos, đây sẽ là một cuộc cách mạng nhỏ, vì hiện nay, chỉ có những tai nạn xảy ra tại nơi làm việc mới được coi là tai nạn nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu được thông qua, luật đối thoại xã hội liên quan tới vấn đề trên sẽ khiến các chủ doanh nghiệp không hài lòng.
    Tháp Eiffel đóng cửa vì nạn móc túi
    Năm 2013, các nhân viên bảo vệ của bảo tàng Louvre đình công vì nạn móc túi. Tuần vừa qua, tới lượt nhân viên của tháp Eiffel tạm ngừng làm việc để phản đối sự đe dọa và tình trạng ăn cắp liên tục xảy ra tại đây.
    Dưới chân tháp Eiffel và trên các tầng, những băng đảng móc túi chia nhau khu vực để hành động. Nhân viên tháp Eiffel đã đóng cửa quầy vé để phản đối tình trạng móc túi ngày càng tăng và thái độ hung hãn của những kẻ phạm tội này.
    Một đại diện công đoàn cho biết, những kẻ trên thường bị tạm giữ sau đó lại được thả ra. Chúng đánh lộn nhau để tranh khu vực hành nghề. Nếu nhân viên trên tháp can thiệp khi phát hiện du khách bị móc túi, chúng sẵn sàng chửi bới, thậm chí đe dọa giết chết họ.
    Cảnh sát trưởng khu vực này cho biết, những kẻ móc túi đến từ các nước Đông Âu. Mỗi nhóm có từ 4 đến 5 tên và mỗi người có một vai trò cố định. Ông cho biết, địa hình đặc biệt của tháp và số lượng du khách quá lớn khiến cảnh sát khó hoạt động. Tình trạng phạm pháp chỉ tại riêng khu vực tháp Eiffel đã chiếm tới 22% tổng số vụ vi phạm trên địa bàn quận.
    Tùy theo từng năm, các công trình du lịch tại Paris lần lượt trở thành địa điểm hoạt động của nạn móc túi. Cách đây 10 năm là bảo tàng Orsay. Tiếp theo tới lượt bảo tàng Louvre, và bây giờ là tháp Eiffel.

    http://vi.rfi.fr/chau-a/20150526-trung-quoc-chuan-bi-thay-doi-che-do-huu-tri

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten