donderdag 10 september 2015

Anh : Elizabeth Đệ nhị, nữ hoàng trị vì lâu nhất mọi thời đại

Elizabeth Đệ nhị, nữ hoàng trị vì lâu nhất mọi thời đại

mediaNữ hoàng Anh quốc Elisabeth Đệ nhị tại trạm xe lửa Newtongrange ở Scotland, 09/09/2015.REUTERS/Andrew Milligan/Pool
Sự kiện Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị của Anh quốc đã ở ngôi được 63 năm 216 ngày, đánh bại kỷ lục của Nữ hoàng Victoria trước đây, được tất cả các báo chú ý. Libération dành trang bìa và bốn trang trong để tìm cách lý giải, vì sao người đứng đầu khối Thịnh vượng chung lại có thể trị vì lâu như thế. Trên thế giới, chỉ có Quốc vương Thái Lan Bhumipol là tại vị lâu hơn bà (69 năm).
Là con gái Hoàng tử thứ hai của Quốc vương George Đệ ngũ, công chúa nhỏ Elizabeth chào đời năm 1926. Công chúa chưa bao giờ đến trường mà được giáo dục ngay trong Hoàng cung để trở thành một lady hoàn hảo – biết mỉm cười, tiếp khách và khiêu vũ trong các cuộc tiếp tân thượng lưu ; chứ không phải là người sẽ lên ngôi vị cao nhất trong vương triều.
Nhưng đến năm 1936, người chú Edward Đệ bát sau lên ngôi, lại muốn cưới một phụ nữ Mỹ thứ dân, đã hai lần ly dị, nên bị truất ngôi vương sau 327 ngày. Vương miện được trao cho người em trai với danh hiệu George Đệ lục, và Elizabeth mới 10 tuổi, nhờ đó trở thành người kế vị.
Cũng như Nữ hoàng Victoria trước đây, Elizabeth Đệ nhị lập gia đình vì tình yêu. Cô lấy người tình đầu tiên là Hoàng thân Philip, một chàng trai 18 tuổi rất đẹp trai mà cô đã yêu từ năm mới 13 tuổi. Hoàng thân ở bên cạnh Nữ hoàng trong vô số các chuyến công du. Ông năm nay 94 tuổi, là chỗ dựa của bà, và có lẽ là người duy nhất biết được suy nghĩ thực sự của Elizabeth Đệ nhị.
Trong vai trò Nữ hoàng, bà chưa bao giờ phạm một sai lầm nhỏ. Chiếc váy chưa một lần bị gió thổi tung, chưa bao giờ lỡ lời, không quên những cái bắt tay. Bà đã biết đến 12 đời Thủ tướng Anh, nhưng chưa bao giờ tỏ ra thiên vị ai. Chỉ có một lần duy nhất, lúc Công nương Diana bị tai nạn qua đời, Nữ hoàng vốn « chưa bao giờ than phiền cũng như giải thích », cuối cùng cũng hiểu ra rằng công chúng muốn lần này bà phá lệ, và sau đó đã lên truyền hình phát biểu.
Nữ hoàng không hề nao núng trước những tai tiếng của Hoàng gia, từ những vụ ly dị đến ngoại tình. Trong Thế chiến, bà từng là lính cơ khí của quân đội Anh, và không ngại du hành hàng ngàn cây số cho các hoạt động ngoại giao của vương quốc.
« Nữ hoàng được lòng nhất mọi thời đại », theo như cuộc thăm dò của YouGov công bố cách đây vài ngày, có bí quyết gì ?
Giáo sư Bob Morris ở Luân Đôn trên nhật báo Les Echos cho rằng, trước hết là ở sự kín đáo của bà. Elizabeth Đệ nhị chưa bao giờ trả lời phỏng vấn, chưa bao giờ cho thấy cảm tưởng bà can thiệp vào chính trị. Không ai biết được bà nghĩ gì – truyền thống này có từ đầu thế kỷ 20 trong triều đại của Quốc vương Edouard Đệ thất.
Hoàng gia không có một nhiệm vụ chính thức nào, nên người ta có thể đặt câu hỏi, vậy thì sự tồn tại của Hoàng gia Anh là để làm gì, và ngược lại, nếu không hại gì đến ai, tại sao lại xóa bỏ ? Theo giáo sư Morris, Hoàng gia Anh là một trong những định chế hiếm hoi đại diện cho toàn bộ Anh quốc, vào thời điểm Scotland, xứ Galles và Bắc Ireland ngày càng được tự trị nhiều hơn. Nữ hoàng rất được tôn trọng trong Khối thịnh vượng chung, bà còn là người đứng đầu 15 quốc gia khác.
Theo Libération, Elizabeth Đệ nhị mang lại cho trí tưởng tượng của thế giới phương Tây một vầng hào quang cổ tích. Dù dân chủ, các dân tộc vẫn cần những biểu tượng cho sự đoàn kết, nối liền quá khứ với hiện tại. Còn thần dân Anh coi vị Nữ hoàng như một chiếc bình từ lâu vẫn đặt trên lò sưởi, nhắc lại cho cả gia đình những kỷ niệm chung và một thời huy hoàng xưa cũ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150909-elizabeth-de-nhi-nu-hoang-tri-vi-lau-nhat-moi-thoi-dai

Vương Quốc Anh đón công chúa kế vị

mediaHoàng gia Anh loan báo công nương Kate hạ sinh công chúa.REUTERS/Cathal McNaughton
Tin vui lớn sau nhiều ngày chờ đợi cuối cùng đã đến với người dân Vương Quốc Anh. Sáng nay, 2/5/2015, vào lúc 8 giờ 34 phút, Công nương Kate, vợ của Hoàng tử Anh William đã sinh hạ bé gái. Cung điện Kensington, tư dinh của vợ chồng Hoàng tử Anh thông báo.
Thông báo của điện Kensington viết : " Nữ công tước Cambridge đã sinh hạ suôn sẻ con gái lúc 8 giờ 34 phút (7h34 GMT). Hoàng nhi cân nặng 8 livres 3 once ( 3,7 kg) …. Hai mẹ con Công nương khỏe mạnh ”. Thông cáo cho biết thêm, Hoàng tử William đã có mặt bên cạnh Công nương lúc sinh con tại bệnh viện Saint Mary, Luân Đôn.
Mặc dù cũng được người dân đón chờ từ cả tuần nay, nhưng không khí chờ đợi lần sinh con thứ 2 này của công nương Kate không được huyên náo như lần hoàng tử George ra đời. Lần này, chỉ có một số các nhà báo quốc tế và trong nước được tiếp cận trước cửa bệnh viện chờ tin tức. Tin công chúa ra đời được loan báo đến Hoàng cung và công chúng theo phong cách nghi thức truyền thống của vương triều Anh.
Công chúa mới ra đời sẽ là người thứ tư trong danh sách những người được kế vị trị vì vương triều Anh, theo luật nối ngôi mới của Vương quốc Anh. Giờ đây , người ta đang chờ xem Công chúa kế vị của Hoàng gia Anh sẽ mang tên gì. Lần trước mọi người phải chờ hai ngày mới biết hoàng tử mới sinh mang tên George Alexander Louis, còn cái tên Willam phải đợi đến một tuần mới được công bố. Thứ Hai 04/05/2015 tới, Hoàng gia sẽ tổ chức bắn 100 phát súng đại bác chào mừng sự kiện: 62 phát được bắn đi từ Tower of London và 49 phát từ Green Park.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150502-vuong-quoc-anh-don-cong-chua-ke-vi

Công chúa chào đời, ngành dịch vụ Anh hốt bạc

mediaCông chúa mới chào đời của công nương Kate và hoàng tử William.REUTERS/John Stillwell/pool
Chiều nay (14h giờ London, 20h giờ VN) hàng trăm loạt đại bác nổ rền ở Luân Đôn và đồng thời ở Cardiff và Edinburgh để chào đón công chúa mới ra đời, con của đôi vợ chồng hoàng gia William – Kate, là nhân vật thứ tư trong danh sách kế vị ngai vàng. Đó là đỉnh điểm của rất nhiều sự kiện đã làm nóng dư luận Anh trong hai ngày qua. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết chi tiết về không khí lễ hội.
Bắn đại bác là nghi lễ truyền thống của Hoàng gia Anh khi đón tiếp nguyên thủ quốc gia. Chính thức là khẩu đội pháo Wellington sẽ bắn 21 phát đạn ở khu vườn Green’s Park ngay cạnh lâu đài Buckingham, là nơi mà ngày hôm nay (04/05/2015) cả dân du lịch lẫn người dân Anh kéo về ăn mừng. Sau đó họ có thể bắn thêm 20 phát nữa cho vui. Trong một sự kiện được coi là trọng đại thì tất cả những địa điểm được coi là lâu đài hoàng gia đều có thể bắn đại bác theo nghi thức tương tự, tức là 21 phát đạn chính thức rồi tiếp theo là 20 phát đạn nối tiếp, và lại thêm 20 phát đạn nối tiếp nữa, thành ra có nơi như công viên Hyde Park sẽ bắn tổng cộng là 41 phát, hay khu vực Tower of London và khu tài chính City of London sẽ bắn gộp chung lại là 62 phát đạn đại bác.
Du khách tha hồ chụp ảnh, và người dân Anh thì tha hồ nâng cốc salute hoàng gia trong tiếng đạn đại bác không ngưng nghỉ. Nghi thức bắn đạn đại bác xuất phát từ các chiến hạm Anh khi ngưng chiến thì bắn cho đến khi hết đạn, vừa để tỏ thiện chí là mình không còn vũ khí nữa, vừa để ăn mừng hòa bình. Sau này nghi lễ bắn súng chào nguyên thủ quốc gia được nhiều nước áp dụng và hôm nay hàng trăm loạt đại bác đã vang rền khắp thủ đô London để chào đón công chúa hoàng gia, người xếp hàng thứ tư trong danh sách kế vị ngai vàng.
Trong dịp này người ta không chỉ bắn pháo mừng ở rất nhiều nơi tại London mà còn ở thủ phủ Cardiff của xứ Wales và cố đô Edinburgh của xứ Scotland. Hôm nay là ngày nghỉ Bank Holidy của người Anh cho nên cả nước tràn ngập trong không khí ăn mừng, liên tục nối tiếp nhau trong ba ngày qua, từ sau khi công chúa cân nặng 3,7kg chào đời lúc 8h34 sáng thứ Bảy tại bệnh viện St Mary ở khu Paddington, ngay cạnh lâu đài Kensington nơi hoàng tử William và công nương Kate đang sống.
Hoàng gia Anh: chủ đề khai thác vô tận của giới báo chí
Các trang mạng đánh cá hốt bạc vì lượng người kéo vào đặt cược xem công chúa sẽ được đặt tên gì, mà ba tên được dân chúng ưa chuộng nhất là Charlotte, Alice và Olivia. Hiện báo chí đồn đoán rằng những người thân trong gia đình đã được cho biết về tên gọi của em bé, và thái tử Charles tức là ông nội thì trước đó đã mong sẽ có cháu gái và chắc chắn là gia đình hoàng gia đã bàn luận với nhau về chuyện đặt tên. Hoàng gia Anh luôn là câu chuyện rất nhiều chiều để có thể khai thác từ đủ mọi góc cạnh khác nhau. Trước hết, có rất nhiều người dân Anh yêu mến hoàng gia và quan tâm đến mọi diễn biến và một sự kiện quan trọng như thế này là điều không thể bỏ qua.
Từ cả tuần lễ trước người ta đã nghiên cứu lịch hẹn của công nương Kate để đoán xem cô sẽ sinh con ở gần nhà hay ở các bệnh viện gần nơi công du. Khi công nương vào viện thì người ta ngay lập tức kéo tới dựng lều ở bên ngoài để mong đợi được nhìn mặt em bé. Cánh phóng viên paparazzi thì khỏi phải nói, liên tục túc trực để săn ảnh kiếm tiền. Và đôi vợ chồng William-Kate cũng rất hào phóng, chỉ vài giờ sau khi đẻ đã bế con ra ngoài cho mọi người xem và chụp hình rồi mới quay vào trong đi xe hơi về thẳng nhà.
Bên cạnh người dân Anh là vô số khách du lịch hiếu kỳ, mà sự hâm mộ của họ dành cho hoàng gia có thể thấy qua những món quà lưu niệm mà họ mua đem về, hầu hết đều liên quan đến các nhân vật hoàng gia mà đôi vợ chồng William và Kate là mối quan tâm đặc biệt nhất. Đám cưới của họ được truyền hình trực tiếp đến hàng trăm triệu người xem trên toàn thế giới, cho nên chuyện họ sinh con là sự kiện quan trọng không thể nào bỏ qua nếu có điều kiện sang Anh du lịch. Thậm chí ở tận nước Nga xa xôi báo chí cũng chạy bài bình luận cho rằng phụ nữ không thể nào vừa mới sinh con vài giờ đồng hồ mà đã khỏe mạnh và xinh đẹp, tươi tắn đem con bước ra cửa cho mọi người chụp ảnh, như trên tờ Komsomolskaya Pravda.
Nếu chưa một lần sang Anh thì có lẽ sẽ khó hiểu được điều như vậy trong văn hóa Anh, sinh xong là đi thẳng về nhà chứ không nằm lại trong bệnh viện, và nhiều phụ nữ xách thẳng con ra nhà hàng để ăn một bữa cho đã thèm, hay đi làm móng tay, đi xem phim và cà phê với bạn bè. Cô công chúa mới sinh ra sáng thứ Bảy thì buổi chiều đã có khách đến thăm ở lâu đài Kensington, và hôm qua – Chủ Nhật thì đi cùng cha mẹ đi thăm ông bà cô chú, còn hôm nay thì cùng bố mẹ về trang trại hoàng gia Sandringham ở Norfolk cần Cambridge để nghỉ ngơi.
Công chúa ra đời: ngành dịch vụ hốt bạc ?
Nếp sống hoàng gia thường trở thành trào lưu cho văn hóa Anh, ví dụ như bệnh viện nơi sinh con, hay nhãn hiệu túi xách và xe nôi cho em bé, cho đến quần áo, và các loại sản phẩm khác. Tất cả những gì có liên quan đến hoàng gia Anh đều cao giá hơn bình thường, ví dụ như mới đây một căn hộ hai phòng ngủ trong khu chung cư ngay cạnh lâu đài Buckingham của nữ hoàng được bán từ 4-8 triệu bảng Anh, mà ngay khi có giấy phép xây dựng thì hầu như đã có khách mua sạch, cả dân giàu ở nước ngoài lẫn người dân Anh nội địa.
Một chuyên gia kinh tế trên tờ nhật báo Mirror của Anh ước tính sự kiện công chúa chào đời đã đem lại cho nền kinh tế nước Anh 150 triệu Bảng, mà nếu chỉ tính riêng mặt hàng đồ lưu niệm đã là khoảng 35 triệu. Sự kiện trước đây khi hoàng tử George tức là anh trai của cô ra đời cách đây hai năm được ước tính là đã tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế Anh là 250 triệu Bảng.

Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn 04/05/2015 Nghe

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150504-cong-chua-chao-doi-anh


Geen opmerkingen:

Een reactie posten