maandag 7 september 2015

16 Năm - Lê Uyên Phương "Giã từ niềm vui mong manh"

16 Năm - Lê Uyên Phương "Giã từ niềm vui mong manh"

Cát Linh, phóng viên RFA
2015-07-12
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Đôi song ca Lê Uyên và Phương thường xuất hiện trên các sân khấu của trường đại học
Đôi song ca Lê Uyên và Phương thường xuất hiện trên các sân khấu của trường đại học
File photo
Bài Tạp chí âm nhạc lần này lẽ ra phải là từ tuần trước, là giỗ 16 năm của nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Nhưng cũng ngay tuần vừa rồi, nhạc sĩ An Thuyên ở quê nhà bất ngờ ra đi nên Cát Linh đã dành thời gian đó để gửi đến quí vị những bài hát của nhạc sĩ “Ca dao em và tôi.”
Hôm nay, Cát Linh mời quí vị đến với những lời tâm tình của Lê Uyên, người còn ở lại, nhắc nhớ về Lê Uyên Phương, người đã ra đi 16 năm trước. Và trong cuộc nói chuyện, bên cạnh những bài hát được thu âm trước, quí vị sẽ nghe Lê Uyên hát live vài đoạn trong những bài tình ca đã trở thành bất tử của Lê Uyên Phương.
“Ngày em thắp sao trời.
Chờ trăng gió lên khơi...
...Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau
Chết bên nhau thật là hồn nhiên.”

“Ở bên này nước mắt tôi đang chảy. Nhớ phút cuối cùng, khi tôi để lỗ tai của mình trên con tim của anh, trên ngực anh, thì tôi thấy nhịp tim đập chậm lại, và tôi luôn luôn hỏi...tại sao anh nhắm mắt...tại sao tim anh đập chậm lại?... Anh đang như thế nào?... anh đang bị thế nào?...nói...nói cho em nghe. Anh... không trả lời. Anh chỉ... nhắm mắt. Và đến khi con tim ngừng đập hoàn toàn....tôi vẫn không tin....tôi chỉ ôm anh....tôi không tin....nhắc đến Lê Uyên Phương...đó... là... điều đau đớn...”

Người ta nói nỗi đau có thể sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Nhưng đôi khi, thời gian cũng bất lực trước những ký ức đã hoá thành sỏi đá.
Quay về những năm đầu thập niên 1970, người đời biết đến một cặp song ca với hình ảnh nàng là cô tiểu thư kiêu kỳ với đôi mắt sắc sảo và giọng ca làm cho người nghe như đang nếm cái vị lâng lâng của thuốc phiện. Chàng là lãng tử cao gầy với mái tóc dài nghệ sĩ. Họ xuất hiện cùng nhau trong những chương trình văn nghệ ở các phân khoa đại học Sài Gòn. Đó là Lê Uyên và Phương.
“Chúng tôi hai đứa không hề nghĩ đến một ngày mình sẽ trở thành nhạc sĩ hoặc ca sĩ. Cho nên anh Lê Uyên Phương tên viết nhạc của anh là Lê Uyên Phương, rồi nhân dip đầu năm 1970 khi về Sài Gòn hát liên tiếp 19 buổi, báo chí hỏi Lê Uyên Phương là sao, là tên anh vậy tên chị là gì. Vì mình không chuẩn bị cũng không có ý đi hát nên không có cái tên riêng. Ngay lúc đó anh Lê Uyên Phương nói với mọi người là nhân đây nếu các anh chị đã hỏi thì tôi xin chia cái tên Lê Uyên Phương ra cho nhà tôi 1 nửa. Từ đó đã có chữ Lê Uyên và Phương.”

Và cũng từ đó, đôi song ca Lê Uyên và Phương chưa bao giờ rời nhau trên các sân khấu của trường đại học, trong phong trào du ca. Chỉ có 1 khoảng thời gian ngắn họ không thể hát cùng nhau nhưng đã để lại nỗi buồn cho cả hai đến tận bây giờ.
“Năm 1985 tôi bị bắn, bị trúng đạn năm 1985, suýt chết nên có một thời gian chúng tôi không hát với  nhau.”
Có lẽ khó tìm được một chữ nào khác thích hợp hơn từ định mệnh để nói về tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời âm nhạc của Lê Uyên Phương. Từ bài hát đầu tiên “Buồn đến bao giờ” được sáng tác lúc ông ở Pleiku:

“Trời mưa mãi mưa hoài, thần tiên giấc mơ dài, vào cuộc đời sỏi đá biết mình si mê.
Buồn ơi đến bao giờ, còn thương đến bao giờ khi mùa thu còn mang tiếng buồn đêm hè.
Vòng tay đã buông rồi, chán chường in trên nét môi, muốn lệ sầu dâng nữa thôi đem vào nhau...” (Buồn đến bao giờ)

-thì  ông đã vận vào đấy một nỗi buồn cô độc, một sự chờ đợi nhưng vẫn thoáng hiện đây đó tâm hồn phiêu bạt, bất cần. Khi buồn, ông “đếm tuổi cuộc đời trên hai bàn tay trơn” và tự hỏi “em ơi...em ơi...xuân nào tàn...thu nào vàng, môi nào ngỡ ngàng”.
Cho đến một ngày, không còn phải nằm nghe tiếng mưa nguồn, tưởng em bước chân buồn nữa, vì ông đã có “Tình khúc cho em”
“Như hoa đem tin ngày buồn
Như chim đau quên mùa xuân
Còn trong hôn mê buồn tênh
Lê mãi những bước ê chề
Cho tôi yêu em nồng nàn
Cho tôi yêu em nồng nàn
Dù biết yêu tình yêu muộn màng…” (Tình khúc cho em)

“Cái ngày đó anh Lê Uyên Phương hơn tôi 10 tuổi nên anh đã nói xin cho yêu em nồng nàn, dù biết yêu em tình yêu muộn màng. Đó là ý của bài Tình khúc cho em được viết năm 1966.”
Lê Uyên cho biết những tháng năm đó là khoảng thời gian đẹp nhất, đáng ghi nhớ nhất của hai người. Một loạt những sáng tác của Lê Uyên Phương cũng được viết rất nhanh trong thời điểm đó. Như Chiều phi trường, Không nhìn nhau lần cuối; Lời gọi chân mây; Hãy ngồi xuống đây; Vũng lầy của chúng ta... Và đó cũng chính là những ca khúc trong tập nhạc nổi tiếng Khi loài thú xa nhau, đánh dấu sự ra đời của đôi song ca Lê Uyên và Phương.
“Thôi đành giã từ niềm vui mong manh
Chung đường tình đi loanh quanh
Đến nay bước chân đã bơ vơ rồi
Thôi đành cúi đầu phận người long đong
Xa nhau như nước xa nguồn
Một lần niềm vui tìm đến rồi mãi mãi xa

Em ơi em ơi quay đi để cho chia lìa lần này dài phút xót xa…”( Không nhìn nhau lần cuối)

Đôi song ca Lê Uyên và Phương
Đôi song ca Lê Uyên và Phương


Nhạc của Lê Uyên Phương là những bản tình ca mang hơi thở lành lạnh của Đà Lạt, có vị cay cay của khói thuốc, có cả sự va chạm trần truội mang đầy giới tính bản năng của loài người.
“Hãy ngồi xuống đây
như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng
duới nắng ban mai
phô thân trần truồng kiếp sống hoa sơ

Hãy ngồi xuống đây hôn nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây cho nhau lần này
Hãy ngồi xuống đây chia tay lần này

Hãy ngồi xuống đây vai kề sát vai
cho da thịt này đốt cháy thương đau
cho cơn buồn này rót nóng tung hoang
cho thiên đường này bốc cháy
trong cơn chia phôi chia phôi tràn trền …”( Hãy ngồi xuống đây )
hay đó là những lời kêu thét hoang dại, quay quắt nỗi nhớ trong phút giây sinh tử chia lìa.
“Một chiều mưa áo trắng đưa nhau
bên kia đời tình buông nửa vời
lần này đây đã hết cho nhau
thôi điên cuồng thịt da rã rời
người về đâu dứt hết thương đau cuộc tình mau…” (Đưa người tuyệt vọng)
Đưa người tuyệt vọng là ca khúc mà Lê Uyên nói rằng Lê Uyên Phương viết về chính cái chết của mình. Ngày ông ra đi, trong căn phòng nơi ông nằm, đã thật sự có một nụ hôn nửa muốn bất tận, nửa muốn buông lơi để ông bước đi nhẹ nhàng.
Nhạc của Phương không phải là những bản tình ca uỷ mị trừu tượng. Càng không mang vẻ đẹp của thiên tình sử trong đêm trăng của Romeo và Juilet. Cũng không cao sang trừu tượng như nhạc Phạm Duy. Ca từ trong nhạc của ông khi trần trụi, khi mềm mại, khi nóng bỏng như tiếng gào từ đồng vọng khét mùi khói lửa chiến tranh. Lê Uyên Phương viết nhạc từ chính cuộc sống và tình yêu của mình. Thời khắc khốc liệt nhất của giai đoạn đó đã làm cho lời nhạc của ông như lời trăn trối nhẹ nhàng, bình tĩnh, kêu gọi sống trọn vẹn ngày hôm nay vì không biết ngày mai sẽ ra sao.
“Giờ này còn gần nhau,
gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau.
Giờ này còn cầm tay,
cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
Cầm giá buốt thương đau,
ngày mai ta không còn thấy nhau…”( Cho lần cuối)
“Những bài hát của Lê Uyên Phương là những bài hát viết ra từ những sự kiện, câu chuyện có thật. Anh đã viết thật với cảm hứng thật trong đời sống của anh. Anh không có bài hát nào mơ hồ, ảo tưởng hay mơ mộng.”
Với Lê Uyên, đó chính là sự đặc biệt trong nhạc của Phương.
“Dù là những bài hát viết về sự chia phôi chia lìa nhưng trong đó có rất nhiều âm hưởng của sự chấp nhận. Chính vì sự chấp nhận những chuyện trắc trở đó mà trong nhạc cũng như trong đời sống chúng tôi đã sống trọn vẹn với nhau từng giây phút một.”
Ngay cả khi trong phút giây kinh hoàng nhất, gần với sự sinh tử nhất, thì Lê Uyên Phương cũng bình thản chấp nhận và nghĩ về một màn đêm sâu thẳm, nơi có huyệt sâu chôn lấp cuộc tình thuỷ chung mà ông gọi là “Dạ khúc cho tình nhân.”
“Bài hát đó được viết vào 1968 ở 1 khu phố bị pháo kích. Lê Uyên không ra được khu phố đó. Anh Phương từ Đà Lạt bay về Sài Gòn. Rồi không gặp được, anh đã viết bài này trong đêm đầu tiên đến Sài Gòn. Sau đó rất khó khăn mới gặp nhau và anh đã tập cho tôi hát bài này. Đây cũng là bài hát cuối cùng chúng tôi hát với nhau trên sân khấu.”
Lê Uyên Phương ra đi không kịp thực hiện ước mơ quay trở về Đà Lạt để thăm lại đồi thông, con dốc, sân ga, nơi ông đã cho ra đời những bài tình ca thời chiến. Cũng chưa kịp hoàn thành dự án phổ nhạc những bài thơ của các thi sĩ Việt Nam hiện đại. Và nhất là chưa thể cùng nàng thơ của mình quay về quê hương hát trên sân khấu các trường đại học như ông mong muốn. Ông gửi mơ ước ấy cho người ở lại:
“Tôi sẽ tiếp tục làm những việc như thế để có lại cảm giác hạnh phúc như chúng tôi đã có cách đây hơn 40 năm.”

Chắc chắn Lê Uyên sẽ thực hiện được những điều đó, vì Phương, vì những ca khúc Lê Uyên Phương. Nhưng hơn ai hết, Lê Uyên hiểu rõ sự trống trải không có gì bù đắp được khi đứng trên sân khấu hôm nay.

“Nó ghê gớm lắm, không phải là buồn nữa nhưng mà rất đau đớn. Bởi vì chỉ có những lúc ở trên sân khấu và hát nhạc của Lê Uyên Phương thì tôi mới tin là Lê Uyên Phương không còn nữa. Nếu không đứng trên sân khấu, ở nhà thì tôi vẫn nghĩ là ảnh đang về Đà Lạt, ảnh đang có công việc đi xa. Tôi không bao giờ nghĩ ảnh đã mất hết, trừ khi đứng trên sân khấu và hát nhạc Lê Uyên Phương.”
Đó là lời tự tình của Lê Uyên sau 16 năm, kể từ ngày chàng nhạc sĩ lãng tử Lê Uyên Phương ra đi để lại cây guitar cùng nàng thơ Lê Uyên một mình ở lại với những khúc tình ca và những bản nhạc còn dang dở. Họ được gọi là cặp tình nhân, đôi vợ chồng, hai người tri âm tri kỷ, nhưng có lẽ cái tên mà cả hai yêu nhất, đó là mãi mãi gọi họ là Lê Uyên và Phương.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten