vrijdag 10 april 2015

Biển Đông : Trung Quốc tăng tốc bồi đắp Đá Vành Khăn (Mischief Reef )

Biển ĐôngViệt NamChâu ÁLãnh thổTrung QuốcTrường Sa

Biển Đông : Trung Quốc tăng tốc bồi đắp Đá Vành Khăn

mediaTrung Quốc tăng tốc bồi đắp đất nhân tạo, xây đê chắn biển dọc Đá Vành Khăn (www.csis.org)
Theo hình ảnh vệ tinh mới nhất vừa được một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố hôm qua, 08/04/2015, Trung Quốc đãng đẩy mạnh đáng kể công việc cải tạo đất tại bãi ngầm Mischief Reef (Đá Vành Khăn) thuộc vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).
Đây là một bằng chứng mới về việc Bắc Kinh đang thúc đẩy chiến lược bị Mỹ tố cáo là « quân sự hóa » các thực thể mà Trung Quốc chiếm được tại Biển Đông, để khống chế toàn bộ khu vực. Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc quần đảo Trường Sa, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 135 hải lý.
Trên trang web của mình, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS, trụ sở tại Washington, đã công bố một bức hình Đá Vành Khăn chụp ngày 16/03 cho thấy một dải đất nhân tạo nhỏ cũng như các công trình mới, đê chắn biển được gia cố và thiết bị xây dựng dọc Đá Vành Khăn.
Theo các chuyên gia nghiên cứu thuộc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) của CSIS, nhiều tàu hút bùn cũng hiện diện tại chỗ, trong khi lối vào rạn san hô đã được mở rộng.
Một bức ảnh khác, chụp vào ngày 01/02/2015 cho thấy một chiếc tàu vận tải đổ bộ của Trung Quốc nằm cách ngõ vào Đá Vành Khăn chỉ vài trăm mét. Theo CSIS, loại tàu như vậy có thể chở đến 800 binh sĩ và khoảng 20 xe bọc thép lội nước.
Theo hãng tin Anh Reuters, công việc xây dựng, bối đắp mà Trung Quốc tiến hành tại Đá Vành Khăn quả là nhanh chóng vì trên các bức ảnh chụp vào tháng 10, không thấy dấu hiệu cải tạo nào, mà chỉ cho thấy hai công trình mà Trung Quốc đã cho xây sau khi chiếm đóng thực thể này vào năm 1995.
Theo ghi nhận của Reuters, đây là hoạt động bồi đắp mới nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, bên cạnh 6 rạn san hô khác mà Bắc Kinh kiểm soát tại Trường Sa. Ngay từ tháng Hai vừa qua, Philippines là nước đầu tiên lên tiếng báo động là tàu nạo vét của Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành công việc tại Đá Vành Khăn.
Mỹ tố cáo ý đồ quân sự hóa
Vào hôm qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, Bộ trướng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tỏ ý rất quan ngại trước quy mô và tốc độ của các hoạt động bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông, quân sự hóa các đảo nhân tạo mới hình thành, biến các nơi này thành tiền đồn giúp Trung Quốc khống chế toàn Biển Đông.
Đá Vành Khăn đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Thực thể này nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines cho đến năm 1995 thì bị Trung Quốc chiếm cứ.
Chính hành động lấn chiếm đó của Bắc Kinh là động lực dẫn đến các cuộc đàm phán mà kết quả là bản Tuyên bố Ứng xử về Biển Đông DOC ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, một văn kiện mà Bắc Kinh bị lên án là đã vi phạm khi tiến hành các hoạt động bồi đắp như hiện nay.

http://vi.rfi.fr/20150409-tq-bien-dong//

Biển ĐôngTrung QuốcChâu ÁTranh chấp

Biển Đông : Trung Quốc bồi đắp đảo lớn gấp 200 lần so với ban đầu

mediaJohnson South Reef -Gạc Ma -Trường SaDR
Hình ảnh vệ tinh chụp từ tháng ngày 14/01/2015 cho thấy Bắc Kinh đã bồi đắp Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef ) thành một đảo có diện tích lớn gấp 200 lần so với diện tích ban đầu.
Trang mạng WantChinaTimes của Đài Loan ngày 24/02/2015, đã cho biết thông tin nói trên, trích dẫn tuần báo quốc phòng của Anh, Jane’s Defence Weekly.
Theo tuần báo này, hình ảnh vệ tinh chụp ngày 14/01/2015 do công ty Airbus Defence & Space cung cấp, cho thấy Đá Tư Nghĩa, thuộc quần đảo Trường Sa, nay có diện tích 75 000 mét vuông, trên đó có một công trình rất lớn đang được xây dựng. Diện tích đảo nhân tạo này hiện nay lớn gấp 200 lần so với cách đây 10 năm, vì hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 01/02/2004 cho thấy đá Tư Nghĩa lúc mới chỉ có diện tích 380 mét vuông.
Một số bãi đá khác cũng đang là nơi có tranh chấp. Theo một hình ảnh vệ tinh gần đây, Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) cách Đá Tư Nghĩa khoảng 30 km về phía đông nam, cũng có những công trình lớn được xây dựng.
Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Đá Ga Ven (Gaven Reef) như một phi đạo nối liền một cơ sở cũ trên đó với một bãi đáp trực thăng.
Hình ảnh vệ tinh ngày 14/01 cũng cho thấy khu mới bồi đắp trên Đá Chữ Thập ( Fiery Cross Chief/Vĩnh Thử ). Khu đất này đủ rộng để xây trên đó một sân bay nhỏ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang bồi đắp 2 đảo khác chiếm của Việt Nam là Đá Tư Nghĩa ( Hughes Reef ) và Đá Ga Ven ( Gaven Reef ). Hai đảo này được bồi đắp và cải tạo gần giống nhau, cho thấy Trung Quốc đã đề ra một khuôn mẫu chung cho các cơ sở sẽ được xây dựng trên đây.
Trong tháng 2/2015, Philippines cũng vừa tố cáo Trung Quốc đang bồi đắp Đá Vành Khăn ( Mischief Reef ). Nếu thông tin trên được xác nhận, đây là đảo được Trung Quốc cải tạo nằm gần Philippines nhất. Bất chấp phản đối của Manila, Bắc Kinh tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự trên đảo đang tranh chấp này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150224-bien-dong-trung-quoc-doi-dap-dao-lon-gap-200-lan-so-voi-ban-dau/

Bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa : Ba ý đồ của Trung Quốc

mediaCông trình bồi đắp bãi ngầm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) của Trung Quốc đang hoàn thiện. Nguồn : Chinatopix.com
 Bất chấp các tuyên bố mang tính trấn an của giới lãnh đạo, Trung Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch khống chế Biển Đông mà chủ bài quan trọng vừa bị ảnh vệ tinh phương Tây lật ngửa : Thiết lập chuỗi đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường Sa, làm căn cứ trú quân kiểm soát toàn vùng. Ngay sau khi chuyên san quốc phòng Jane’s Defense công bố loạt ảnh mới về các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Trường Sa vào hôm 15/02/2015, giới chuyên gia quốc tế đã nhất loạt nêu bật các ý đồ bành trướng của Bắc Kinh.
Một cách cụ thể, với các công trình đang trên đường được hoàn thành tại nơi trước đây là bãi ngầm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Trung Quốc đã nâng thành 7 đơn vị, số đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trên cơ sở các bãi đá hay rạn san hô mà họ đã cưỡng chiếm của Việt Nam hay Philippines.
Ngoài Đá Tư Nghĩa, Trung Quốc cũng đã bồi đắp, cải tạo và mở rộng các « đảo » như Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Én Đất (Eldad Reef) và Đá Vành khăn (Mischief Reef).
Căn cứ vào các thông tin mà Jane’s Defense tiết lộ, một nhà ngoại giao phương Tây đã phải công nhận rằng các công trình do Trung Quốc thực hiện mang quy mô to lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng trước đây, với hệ quả trước mắt là đối phó với các tham vọng của Trung Quốc « sẽ đặc biệt khó khăn » nếu đà này tiếp tục.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trên Biển Đông vào mục đích gì ?
Dựa trên các công trình mà Bắc Kinh đã và đang cho xây dựng trên các đảo đó, ý đồ đầu tiên hết được cho là liên quan đến lãnh vực quân sự. Một chuyên gia phân tích đã không ngần ngại gọi mỗi đảo nhân tạo đó là một « tàu sân bay không thể đánh chìm ».
Đá Tư Nghĩa chẳng hạn, đã được thiết kế như một pháo đài, vừa có bãi đáp trực thăng, vừa có cầu tàu cho chiến hạm cập bến. Kiến trúc tương tự cũng được ghi nhận trên các đảo khác.
Chuyên gia phân tích của Jane’s Defense đã không ngần ngại gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển. Một chuyên gia phân tích tại Hồng Kông cho rằng các đảo nhân tạo sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng sử dụng đội trực thắng của họ, rất hữu dụng trong công việc săn tìm tầu ngầm.
Ngay cả khi không sử dụng các đảo nhân tạo này vào mục tiêu quân sự chính thống, Bắc Kinh cũng có thể dùng chúng làm chỗ dựa cho lực lượng tàu bán quân sự và tàu dân sự từng được Trung Quốc dùng làm phương tiện áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.
Theo chuyên gia Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ không chỉ là kho tiếp tế nhiên liệu cho các chiến hạm Trung Quốc, mà còn là một nơi cung cấp hậu cần và điểm dừng cho các tàu đánh cá hay tàu cảnh sát biển Trung Quốc.
Ý đồ thứ ba được các chuyên gia nghĩ đến là khả năng Trung Quốc sẽ cho tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông sau khi các cơ sở quân sự, đặc biệt là phi đạo và radar trên các đảo nhân tạo này được hoàn tất và đi vào hoạt động.
Một trong những yếu tố khiến Bắc Kinh cho đến nay còn ngần ngại trong việc thiết lập vùng phòng không trên Biển Đông, chính là vì họ chưa đủ thực lực để buộc nước khác tôn trọng vùng này khi cần thiết.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150221-boi-dap-dao-nhan-tao-tai-truong-sa-ba-y-do-cua-trung-quoc/

Ảnh vệ tinh vạch trần việc Trung Quốc cải tạo đảo đá ở Trường Sa

mediaCác ảnh chụp Đá Gaven từ vệ tinh của Airbus Defence and SpaceCNES 2014/Distribution Airbus DS/IHS
Hình ảnh vệ tinh chụp được vào cuối tháng Giêng vừa qua đã nêu bật các hoạt động cải tạo bồi đắp đảo đá rầm rộ mà Trung Quốc đang tiến hành tại vùng quần đảo Trường Sa. Trong bản tin ngày 15/02/2015, chuyên san quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly đã công bố nhiều bức ảnh vệ tinh, cho thấy rõ kết quả công việc bồi đắp và xây dựng của Trung Quốc trên ba thực thể tại quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc đã chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1988 : đá Tư Nghĩa, đá Gaven, đá Gạc Ma.
Yếu tố mới được các chuyên gia của Jane’s phân tích liên quan đến đá Tư Nghĩa – tên quốc tế là Hughes Reef. Tại đấy, trên nền một bãi đá ngầm diện tích chỉ khoảng 380 m2, Trung Quốc đã nạo vét lòng biển, bồi đắp lên thành một hòn đảo nhân tạo rộng 75.000 m2.
Jane’s Defence Weekly đã so sánh ảnh chụp đá Tư Nghĩa ở ba thời điểm khác nhau. Trên tấm ảnh chụp ngày 30/3/2014 Đá Tư Nghĩa vẫn là một bãi đá ngầm bé li ti. Hình ngày 07/08/2014 cho thấy bãi đá ngầm này đã biến thành một hòn đảo nhân tạo. Tấm hình mới nhất ngày 30/1/2015 cho thấy các cơ sở đang được xây dựng trên đảo, như bãi đáp trực thăng, phi đạo, cầu tàu, và các tòa nhà.
Trả lời đài Truyền hình Mỹ CNN vào hôm qua, James Hardy, chuyên gia phụ trách châu Á Thái Bình Dương của Jane’s Defence nhận định « Nơi mà trước đây chỉ có một vài công trình xây cất nhỏ, ngày nay đã biến thành cả một hòn đảo với bãi đáp trực thăng, phi đạo cho máy bay, bến cảng, và cơ sở phục vụ cho một số lượng lớn binh sĩ ».
Điều đáng nói, theo chuyên gia James Hardy, những gì thấy trên Đá Tư Nghĩa, cũng được thấy trên Đá Gaven (Gaven Reef) và Gạc Ma (Johnson South Reef), mà Trung Quốc cũng chiếm của Việt Nam vào năm 1988. Chuyên gia này kết luận « Chúng ta có thể thấy rằng đây là cả một chiến dịch bài bản, được lên kế hoạch kỹ lưỡng, nhằm tạo ra một chuỗi pháo đài phòng thủ trên không và trên biển xuyên qua phần trung tâm của quần đảo Trường Sa ».
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy tòa nhà trên đảo nhân tạo ở Đá Tư Nghĩa và Gaven đều có cấu trúc như nhau. Như vậy, theo chuyên gia Hardy, Trung Quốc đã chuẩn hóa thiết kế của các kiến trúc để triển khai trên các đảo nhân tạo họ mới bồi đắp.
Theo Jane’s Defence Weekly, Đài Loan, Việt Nam và Philippines cũng tiến hành công việc cải tạo đảo đá mà họ trấn giữ, nhưng không trên một quy mô rầm rộ như Trung Quốc.
Đối với chuyên gia Hardy, việc cải tạo địa hình mà Bắc Kinh đang thực hiện tại Trường Sa không có giá trị nhiều trong việc giúp Trung Quốc củng cố các yêu sách của Trung Quốc chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh cho quân đội võ trang hùng hậu lên đóng tại các đảo đá đó, thì khó có nước nào dám tìm cách đánh bật họ đi, và luật quốc tế trở thành vô nghĩa.

http://vi.rfi.fr/20150218-tq-bien-dong//

Manila phản đối Bắc Kinh bồi đắp đảo Đá Vành Khăn, Trường Sa

mediaMischief reefDR
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã trao công hàm cho đại diện sứ quán Trung Quốc ở Manila, phản đối mạnh mẽ việc Bắc Kinh bồi đắp đảo Đá Vành Khăn – Mischief Reef, thuộc quần đảo Trường Sa, làm cho tình hình trong khu vực thêm căng thẳng.
Trong cuộc họp báo ngày 10/02/2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, ngày 04/02, đã triệu đại diện sứ quán Trung Quốc tại Manila lên để trao công hàm phản đối mạnh mẽ các hoạt động của Trung Quốc tại đảo Đá Vành Khăn – Mischief Reef – mà Philippines gọi là Panganiban.
Các động thái bồi đắp, thay đổi nguyên trạng đảo Đá Vành Khăn cho thấy Bắc Kinh tiếp tục thực hiện tham vọng làm chủ gần như toàn bộ Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, đảo Đá Vành Khăn, nơi có nhiều nguồn hải sản, gắn liền với lãnh thổ Philippines, đã bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 1995. Đây là một đảo thấp, chỉ xuất hiện khi nước thủy triều xuống, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, chỉ có Philippines mới có toàn quyền cho phép xây dựng các đảo nhân tạo, cơ sở hoặc các kết cấu khác trên và trong khu vực đảo Đá Vành Khăn.
Philippines tố cáo Trung Quốc đã công khai vi phạm các quy định nói trên và « khẩn thiết yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ các hoạt động » trên đảo Đá Vành Khăn, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và các cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước này.
Đồng thời, Philippines cũng kêu gọi Trung Quốc nên tự kiềm chế và tôn trọng Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông mà Bắc Kinh và ASEAN đã ký kết năm 2002.

http://vi.rfi.fr/20150210-manila-tq//

Philippines tố cáo Trung Quốc lại bồi đắp đảo Đá Vành Khăn ở Trường Sa

mediaCăn cứ quân sự Trung Quốc trên đảo Đá Vành Khăn (Mischief Reef) Trường Sa - DR
Trung Quốc đã bắt đầu việc bồi đắp xung quanh Đá Vành Khăn (Mischief Reef) thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Một chỉ huy hải quân Philippines hôm qua 05/02/2015 loan báo thông tin trên. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh tiếp tục bành trướng trên Biển Đông.
Chuẩn Đô đốc Alexander Lopez, Tư lệnh Quân khu miền Tây nói với báo chí đã phát hiện một tàu nạo vét Trung Quốc tại Đá Vành Khăn, cách đảo Palawan khoảng 135 km về phía đông nam. Ông nói : « Chúng tôi không biết họ định làm gì tại Đá Vành Khăn. Từ lâu họ đã làm những chuyện như thế, nhưng chỉ riêng tại Đá Chữ Thập đã gây rất nhiều quan ngại vì Bắc Kinh cho xây dựng với quy mô lớn ».
Trong số các hình ảnh chụp được tại khu vực Đá Vành Khăn tháng 10/2014 không thấy có các hoạt động bồi đắp. Reuters cho biết các tấm ảnh này cho thấy hai công trình, trong đó có một tòa nhà ba tầng xây trên một rạn san hô, được trang bị các tua-bin và các tấm pin năng lượng mặt trời.
Năm ngoái, Tập Cận Bình đã cố gắng trấn an các nước Đông Nam Á đang lo ngại trước tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực. Nhưng hoạt động bồi đắp các đảo nhỏ ở Trường Sa đã tố cáo mưu đồ của Trung Quốc nhằm xác quyết chủ quyền để độc chiếm Biển Đông.
Bắc Kinh đã cho cải tạo sáu đảo đá ngầm đang chiếm đóng tại Trường Sa, mở rộng diện tích đến năm lần, và các ảnh chụp trên không cho thấy cả một phi đạo và các hải cảng. Cơ quan IHS Jane’s hồi tháng 11/20104 nói rằng theo những hình ảnh có được, Trung Quốc đã mở rộng Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo dài ít nhất 3.000 mét và rộng 200 đến 300 mét.
Reuters nhắc lại, Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn từ năm 1995 và dựng lên các lều, nói rằng cho ngư dân trú bão, nhưng sau đó đã điều đến cả một đạo binh đồn trú và triển khai chiến hạm cũng như các tàu tuần duyên. Còn tại Đá Chữ Thập thuộc cụm Nam Yết của Trường Sa, năm 1988 Trung Quốc đã ngăn cản tàu hải quân Việt Nam chở vật liệu đến, sau đó xây dựng căn cứ tại đây cùng với hai vòm radar và phủ sóng điện thoại.
Philippines và Việt Nam năm ngoái đã lên tiếng phản đối các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo nhằm thay đổi thực trạng ở Trường Sa, vi phạm các quy tắc ứng xử. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) không mang tính ràng buộc, với mục đích chấm dứt việc các nước đang đòi hỏi chủ quyền chiếm đóng và đưa quân đội đến trú phòng tại các đảo tranh chấp, nhưng những gì Bắc Kinh sau đó đã chứng tỏ ngược lại.

http://vi.rfi.fr/20150206-manila-tq//

Biển Đông dậy sóng vì đảo nhân tạo Trung Quốc

mediaĐá Chữ Thập mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ) là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh - DR
Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo với sân bay tại quần đảo Trường Sa khiến sóng gió lại nổi lên ở Biển Đông, nhất là kể từ khi bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng về hành động này của Bắc Kinh.
Theo một báo cáo do tuần báo quốc phòng của Mỹ IHS Jane’s Defence công bố ngày 21/11/2014, với các hình ảnh chụp từ vệ tinh, công trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã bắt đầu từ cách đây ba tháng trên Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử ( Yongshu Reef ). Đảo nhân tạo này có chiều dài 3 km và chiều ngang từ 200 đến 300 mét. Đây là đảo nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc có một sân bay nhỏ ở Trường Sa và đảo này cũng có một hải cảng có thể tiếp nhận các chiến hạm.
Theo đánh giá của tạp chí IHS Jane’s Defence, dự án mới trên Đá Chữ Thập « dường như là được thiết kế để buộc các bên khác phải từ bỏ những đòi hỏi chủ quyền của họ, hay ít ra giúp cho Trung Quốc có một vị thế mạnh hơn nếu sau này có đàm phán về những tranh chấp chủ quyền quần đảo Trường Sa ».
Thật ra thì ngay từ ngày 06/11, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phản đối « các hoạt động cải tạo phi pháp» của Trung Quốc trên bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa mà Hà Nội khẳng định là của Việt Nam. Ông Lê Hải Bình cho biết là ngày hôm đó, đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối về công trình này.
Về phía Philippines, ngày 25/11/2014, Ngoại truởng Albert Del Rosario thông báo là bộ Ngoại giao nước này từ ngày 10/10 cũng đã gởi một công hàm đến Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trên Đá Chữ Thập, mà Philippines gọi là Kagitingan Reef.
Ngay cả Đài Loan lên tiếng phản đối công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền « lịch sử » của Đài Bắc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phát ngôn của bộ Ngoại giao Đài Loan Cao An kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông không nên có bất cứ hành động đơn phương nào có thể gây phương hại đến hòa bình và ổn định trong vùng.
Công trình xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cũng đã khiến sóng gió lại nổi lên trong quan hệ Mỹ - Trung. Vào cuối tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ dự án xây đảo nhân tạo nói trên. Hôm qua, 24/11/2014 phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã nhắc lại lập trường của Washington rằng các công trình xây dựng quy mô như vậy có thể « khiến tình hình thêm phức tạp hoặc leo thang ».
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức lên án những chỉ trích nói trên của Mỹ là « vô trách nhiệm ». Phát ngôn viên bộ Ngoại giao nước này, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định rẳng các hoạt động xây dựng chỉ là nhằm « cải thiện điều kiện sống và làm việc của nhân viên trên đảo, để họ có thể thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế về tìm kiếm, cứu hộ ».
Giới quân sự Trung Quốc cũng đã lên tiếng bảo vệ dự án đảo nhân tạo ở Trường Sa. Trên tờ Hoàn cầu Thời báo số ra ngày 24/11/2014 tướng La Viên ( Lou Yuan ) cho rằng đây là một dự án « hoàn toàn chính đáng và xác đáng ». Theo viên tướng này, « Hoa Kỳ đã tỏ rõ sự thiên vị, bởi vì Philippines, Malaysia, Việt Nam đã xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự » trong vùng quần đảo Trường Sa. Tướng La Viên tuyên bố rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ chống lại mọi áp lực quốc tế để tiếp tục dự án này.

http://vi.rfi.fr/phan-tich/20141125-bien-dong-day-song-vi-dao-nhan-tao-trung-quoc/

Manila : Bắc Kinh sắp hoàn tất phi đạo trên Đá Chữ Thập

mediaĐá Chữ Thập mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ) Trường Sa Hoàng Sa Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ) là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh - DR
Theo báo chí Philippines, Quân đội nước này vào hôm qua, 07/01/2015 đã lên tiếng cảnh báo về sự kiện Trung Quốc đã hoàn tất « khoảng 50% » công trình xây dựng phi đạo dài trên đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) mà Bắc Kinh đã chiếm đóng trong vùng quần đảo Trường Sa. Một chuyên gia dự báo là cơ sở này sẽ được làm xong ngay trong năm nay.
Phát biểu với các nhà báo vào chiều hôm qua, Tướng Gregorio Catapang Jr, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines khẳng định : « Khoảng 50% công trình đã được hoàn tất ». Đối với lãnh đạo Quân đội Philippines, đây là một sự kiện rất đáng báo động vì công trình này có thể được sử dụng cho các mục đích khác ngoài mục đích hoà bình.
Tướng Gregorio Catapang xác nhận là Bắc Kinh vẫn rốt ráo xúc tiến các công trình bồi đắp, mở rộng các đảo đá mà họ chiếm đóng tại Biển Đông, và Manila đang theo dõi kỹ các diễn biến nhằm thay đổi hiện trạng này.
Báo mạng Rappler của Philippines vào hôm nay trích dẫn hai chuyên gia theo dõi vụ việc xác định rằng công trình mà Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines nói đến là phi đạo dài khoảng 2000 mét trên Đá Chữ Thập (Trường Sa) và có thể được hoàn tất « ngay trong năm nay, vì họ (Trung Quốc) thi công rất nhanh ».
Vào tháng 11/2014, lần đầu tiên chuyên san quốc phòng IHS Jane công bố ảnh vệ tinh cho thấy là Trung Quốc đang cho xây trên Đá Chữ Thập các công trình có dáng dấp của một phi đạo và một bến cảng. Bãi đá này đã được bồi đắp thành một thực thể địa lý dài 3 cây số, và rộng 300 mét.
Một chuyên gia Philippines lo ngại rằng phi đạo của Trung Quốc ở Trường Sa sẽ cho phép máy bay chiến đấu lên xuống được trên đảo nhân tạo để khống chế khu vực, trong lúc cảng biển có thể đón tiếp các tàu tiếp tế và tàu chiến khác của Trung Quốc.
Điều đáng lo ngại là diễn biến mới nhất liên quan đến Đá Chũ Thập : Ngày 03/01/2015, Bắc Kinh đã không ngần ngại công bố hình ảnh về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên bãi đá được cải tạo này, cho thấy rằng họ không còn che giấu các hành vi nhằm thay đổi diện mạo địa lý của vùng Biển Đông, buộc các nước tranh chấp khác và cộng đồng quốc tế phải chấp nhận một « sự đã rồi » mới.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150108-manila-bao-dong-bac-kinh-sap-hoan-tat-phi-dao-tren-da-chu-thap/

Trung Quốc đã bồi đắp Đá Chữ Thập thành đảo lớn nhất Trường Sa

mediaĐảo Đá Chữ Thập - Trường Sa.DR
Theo tiết lộ của nhật báo Đài Loan Vượng báo (Want Daily) số ra đề ngày 21/10/2014, hoạt động cải tạo địa hình mà Trung Quốc rốt ráo tiến hành tại các bãi đá mà họ chiếm đóng ở Biển Đông đã biến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thành « đảo » lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Mục tiêu là củng cố một vị trí chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo báo mạng bằng Anh ngữ Want China Times, lấy lại thông tin trên tờ báo Hoa ngữ Vượng báo, từ cuối năm ngoái, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành một loạt công trình xây dựng mới và bồi đắp các bãi đá và rạn san hô ở vùng Trường Sa đang do Bắc Kinh chiếm đóng. Trong số này có Đá Chữ Thập (tên tiếng Hoa là Vĩnh Thử Tiều/Yongshu Reef), là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Đài Loan, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, nhưng đã bị Trung Quốc kiểm soát trong thực tế từ năm 1988.
Không ảnh của khu vực được công bố ngày 25/09/2014 trên trang web của DigitalGlobe, một công ty ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ, cho thấy là Trung Quốc đã gia tăng diện tích Đá Chữ Thập lên hơn 11 lần, từ 0,08 km vuông lên thành 0,96 km vuông, biến bãi đá nhỏ này thành một thực thể địa lý còn lớn hơn cả đảo Ba Bình (Itu Aba) mà Đài Loan đang chiếm đóng dưới tên gọi Thái Bình.
Tính theo diện tích, Đá Chữ Thập đã trở thành đảo lớn thứ năm tại vùng Biển Đông, đứng sau đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), đảo Đông Sa (Pratas), đảo Linh Côn (Lincoln) và đảo Tri Tôn (Triton).
Củng cố một vị trí chiến lược tại Trường Sa
Tiến trình cải tạo và mở rộng Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc khởi sự ngay từ năm 1988 khi họ ngăn chặn tàu Việt Nam tiến vào khu vực, và cho xây trên đó một cơ sở gọi là « Trạm quan sát biển của UNESCO ».
Ý đồ biến Đá Chữ Thập thành một căn cứ quân sự ngay sau đó đã lộ rõ với việc xây dựng một bãi đáp trực thăng, một bến tàu, cùng một số tòa nhà trang bị ăng-ten radar. Theo ghi nhận của tờ Vượng báo, hiện có 200 bính sĩ Trung Quốc đóng quân trên thực thể địa lý này.
Đá Chữ Thập được coi là có giá trị chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc do vị trí tương đối biệt lập, không gần bất kỳ nơi nào do các nước khác kiểm soát trong một bán kính 70 km, nhưng lại chỉ cách trung tâm chỉ huy lực lượng Việt Nam tại Trường Sa khoảng 110 km, và cách bộ chỉ huy của Philippines khoảng 225 km.
Vấn đề là tham vọng bành trướng của Trung Quốc không giới hạn. Theo Want China Times, một chuyên gia quân sự trên trang web thông tin Người Quan sát (Guancha) tại Thượng Hải, cho biết, diện tích của Đá Chữ Thập có thể được tiếp tục mở rộng để tăng gấp đôi kích thước hiện tại. Bắc Kinh rất có thể sẽ tăng cường sự hiện diện chính trị và quân sự trên thực thể này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20141021-trung-quoc-da-boi-dap-da-chu-thap-thanh-dao-lon-nhat-truong-sa/

Báo Đài Loan: Tư lệnh hải quân Trung Quốc thị sát quần đảo Trường Sa

mediaBức ảnh Bộ Ngoại giao Philippines công bố hôm 14/05/2014 cho thấy Trung Quốc đang hút cát để mở rộng mặt bằng bãi đá Gạc Ma (Johnson Reef) trong quần đảo Trường Sa.REUTERS/Armed Forces of the Philippines/Handout via Reuters
Cơ quan tình báo Đài Loan cho biết vào tháng trước, Tư lệnh hải quân Trung Quốc đã đi thị sát nhiều hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đơn phương có các hành động nhằm khẳng định chủ quyền, bất chấp sự phản đối của các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo tờ Liên Hợp báo của Đài Loan và Đại Công báo của Hồng Kông, hôm thứ Tư 15/10/2014, phát biểu trước tiểu ban Ngoại giao và Quốc phòng của Quốc hội Đài Loan, ông Lý Tường Trụ (Lee Hsiang-chou), lãnh đạo Cục An ninh Quốc gia, cho biết, trong tháng Chín, Đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli), Tư lệnh hải quân Trung Quốc, đã đi thị sát năm hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Đánh giá đây là một hành động chưa từng có tiền lệ, lãnh đạo tình báo Đài Loan cho biết, Tư lệnh hải quân Trung Quốc đã đi tàu chiến, thị sát trong nhiều ngày, các hòn đảo mà Trung Quốc khẳng định thuộc chủ quyền của mình và đang có các hoạt động cải tạo, xây dựng ở đó.
Các tờ báo của Hồng Kông và Đài Loan đều đưa tin là ông Lý Tường Trụ nói rằng đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý với các hoạt động cải tạo, san lấp, xây dựng trên các hòn đảo đang có tranh chấp chủ quyền. Thông thường, Trung Quốc điều tàu nạo vét tới những bãi đá này để từng bước xây dựng các cơ sở kiên cố, biến thành đảo. Các nước đang có tranh chấp lo ngại là Bắc Kinh sẽ xây dựng trên những hòn đảo nhân tạo này các căn cứ quân sự, kể cả sân bay, để dễ dàng thực hiện các tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông.
Lãnh đạo tình báo Đài Loan Lý Tường Trụ không nêu tên các hòn đảo mà Tư lệnh hải quân Trung Quốc tới thị sát. Nhưng tháng trước, báo Philippines Star có trích dẫn thông tin từ chính quyền Manila cho biết tên các bãi đá, đảo chìm mà Trung Quốc đang cải tạo, xây dựng.
Các phát biểu của ông Lý đã được Hoàn Cầu thời báo đăng lại, nhưng Bắc Kinh không có bình luận gì. Trong khi đó, Đài Loan cũng có ý định xây dựng các căn cứ quân sự trên những hòn đảo đang có tranh chấp để củng cố các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, như đưa tàu chiến đến đóng thường trực tại đảo Ba Bình, Trường Sa.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141017-bao-dai-loan-tu-lenh-hai-quan-trung-quoc-thi-sat-quan-dao-truong-sa/

Thủ tướng Việt Nam yêu cầu không thay đổi thực trạng Biển Đông

mediaTừ trái sang phải: Các Thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore), Nguyễn Tấn Dũng (Việt Nam), Tổng thống Barack Obama (Hoa Kỳ), Thein Sein (Miến Điện).REUTERS/Damir Sagolj
Vào lúc Bắc Kinh rốt ráo bồi đắp và mở rộng các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tại các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Miến Điện kết thúc ngày hôm qua, 13/11/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã liên tiếp kêu gọi các nước không làm thay đổi thực trạng các bãi đá, rạn san hô và bãi cát ngầm ở Biển Đông.
Yêu cầu từ phía Việt Nam đã được nêu lên trong các cuộc họp của ASEAN, cũng như trong cuộc tiếp xúc song phương vào hôm qua với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Bên cạnh đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu bật lời kêu gọi này trong một bài phỏng vấn bằng văn bản dành cho hãng tin Mỹ Bloomberg, được gởi đi sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.
Theo bản tin của Bloomberg được công bố hôm nay, trong bài phỏng vấn, Thủ tướng Việt Nam đã xác định rằng các bên tranh chấp nên tránh các hành động có nguy cơ làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp và làm thay đổi nguyên trạng của các đảo đá và bãi ngầm.
Lời kêu gọi này được cho là chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, đang tăng tốc độ bồi đắp, mở rộng các thực thể địa dư mà họ đang chiếm giữ tại hai vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, xây dựng các cơ sở kiên cố trên đấy, thậm chí cả đường bay, có khả năng được dùng vào mục đích quân sự, phục vụ cho chiến lược cưỡng chiếm toàn bộ Biển Đông mà Bắc Kinh đang triển khai.
Nội dung lời kêu gọi này cũng đã được ông Nguyễn Tấn Dũng nêu lên tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, khi ông báo động : "Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC" (Tuyên bố về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông năm 2002).
Trong tình hình đó, trong bài phỏng vấn dành cho Bloomberg, Thủ tướng Việt Nam nhắc lại lập trường của Việt Nam là "sử dụng mọi biện pháp hòa bình và cần thiết " trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền chính đáng của mình tại vùng biển đang bị tranh chấp.
Nhóm từ  "biện pháp hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế " được cho là ám ngữ để chỉ việc kiện ra trước tòa án quốc tế. Bloomberg nhắc lại là hồi tháng Năm vừa qua, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết là Việt Nam đang chuẩn bị cho khả năng kiện Trung Quốc trước quốc tế về các đòi hỏi chủ quyền quá đáng tại Biển Đông.
Theo nhận định của Bloomberg, Hà Nội vẫn đàm phán với Bắc Kinh Quốc để làm dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông trong khi tiếp tục công khai phản đối các hành động của Trung Quốc bị coi là xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Việt Nam đồng thời tìm kiếm quan hệ hợp tác kinh tế, quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ và các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ.

http://vi.rfi.fr/141114-ntd-bd//

Geen opmerkingen:

Een reactie posten