donderdag 16 april 2015

ASEAN ra tuyên bố về an ninh Biển Đông

MalaysiaChâu ÁASEANBiển ĐôngAn ninhQuốc phòngnhà nước Hồi giáoKhủng hoảng

ASEAN ra tuyên bố về an ninh Biển Đông

media@RFI
Tình hình an ninh khu vực từ đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cho đến Biển Đông đã được 10 bộ trưởng quốc phòng của các nước thành viên Đông Nam Á đưa vào bản tuyên bố chung công bố hôm nay 17/03/2015, tại Malaysia. Đây là hai thách thức lớn mà Asean phải tập trung đối phó trong bối cảnh thánh chiến cực đoan tuyển mộ thành viên từ nhiều nước Hồi giáo trong vùng và tham vọng biển đảo của Bắc Kinh.
 
Tại hội nghị lần thứ 9 cấp bộ trưởng quốc phòng của Hiệp hội ASEAN do Malaysia chủ trì tại Langkawi, 10 nước thành viên công bố một bản thông cáo chung nhấn mạnh đến quyết tâm đương đầu với hai thách thức về an ninh khu vực.
Theo tạp chí mạng Ngoại Giao (The Diplomat) của Nhật, bản thông cáo chung nhấn mạnh đến yếu tố « quan trọng của quyền tự do lưu thông, trên biển cũng như trên không, theo các nguyên tắc phổ quát và được luật Quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, bảo đảm ».
Tuyên bố này được phổ biến vào thời điểm Philippines bổ sung hồ sơ kiện Trung Quốc ỷ mạnh lấn chiếm biển đảo của láng giềng và đúng vào thời điểm mà cách nay 27 năm Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường sa của Việt Nam.
Một thách thức khác được Asean lưu tâm là những sáng kiến sẽ được thúc đẩy trong nhiệm kỳ chủ tịch luân lưu của Malaysia trong năm nay : Dự án thành lập đơn vị quân sự cứu trợ nạn nhân thiên tai và Trung tâm quân y, sáng kiến này là của Thái Lan.
Cuối cùng, Asean cũng tỏ ra không xem thường mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang hoành hành tại Trung Đông : Hợp tác chống các tổ chức khủng bố và thánh chiến, trao đổi thông tin tình báo, cảnh giác công luận.
Tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman tuyên bố trong một cuộc họp báo gọi tổ chức Nhà nước Hồi giáo là kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay so với các nhóm khủng bố khác, vì Daesh có tổ chức và phương tiện tài chính. Malaysia lo ngại sẽ có nhiều thanh niên đi theo tổ chức này do cảm nhận « thế mạnh và chiến thắng ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150317-asean-ra-tuyen-bo-ve-an-ninh-bien-dong/

Biển Đông : Bị Tổng thư ký ASEAN chỉ trích, Bắc Kinh tức tối

mediaCảnh sát biển Việt Nam giám sát các tàu tuần duyên Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 do Bắc Kinh tự tiện kéo đến vùng biển Hoàng Sa, 15/07/2014.REUTERS/Martin Petty/Files
Bắc Kinh vào hôm nay 11/03/2015, đã tỏ thái độ tức giận trước một phát biểu của ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN đưa ra cách nay một tuần, trong đó ông bác bỏ yêu sách chủ quyền « đường 9 đoạn » của Trung Quốc tại Biển Đông. Đối với chính quyền Trung Quốc, đương kim Tổng thư ký ASEAN đã không giữ quan điểm trung lập cần phải có.
Trong một phát biểu với nhật báo Philippines Manila Times vào thứ Tư 04/03/2015, ông Lê Lương Minh, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam, hiện là Tổng thư ký ASEAN đã xác định rằng Hiệp hội Đông Nam Á bác bỏ chính sách của Trung Quốc, sử dụng cái gọi là « 9 đường gián đoạn » để khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.
Theo Tổng thư ký ASEAN, sự hội nhập của toàn khối Đông Nam Á có thể bị tác hại nếu xẩy ra « bất kỳ một hành vi thù địch hay xung đột nào » trong khu vực.
Trong một phản ứng muộn màng khác thường, mãi đến hôm nay, Trung Quốc mới chính thức lên tiếng phản đối, với những lời lẽ rất gay gắt. Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cho rằng ASEAN không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Hồng Lỗi đã không ngần ngai đả kích thái độ bị Trung Quốc coi là thiên vị của Tổng thư ký ASEAN. Theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên Trung Quốc đã gọi đích danh ông Lê Lương Minh ra để chỉ trích như sau :
« Ông Lê Lương Minh là Tổng thư ký ASEAN, và trên vấn đề Biển Đông đã nhiều lần có tuyên bố thiên vị, không phù hợp với thực tế cũng như không phù hợp với vai trò của mình ».
Đối với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hành động của ông Lê Lương Minh là « một sự chệch hướng nghiêm trọng so với vị trí trung lập mà ASEAN cũng như vị Tổng thư ký của mình cần phải có trên vấn đề có liên can, đồng thời làm tổn hại hình ảnh của ASEAN trong tư cách là một tổ chức quốc tế khu vực ».
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc kêu gọi Tổng thư ký ASEAN tôn trọng cam kết giữ thái độ trung lập và không nên « lợi dụng việc công để mưu lợi riêng ».
Trung Quốc từ trước đến nay thường rất nhanh nhạy trong việc đáp trả những tuyên bố không hợp tai mình, nhưng theo hãng tin Anh Reuters, không hiểu vì sao lần này Bắc Kinh lại chậm phản ứng như vậy.

http://vi.rfi.fr/20150311-tq-asean//

ASEAN quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

mediaCác Ngoại trưởng ASEAN tại Naypyidaw, ngày 08/08/2014REUTERS/Soe Zeya Tun
Các Ngoại trưởng ASEAN hôm nay 28/01/2015 tuyên bố quan ngại về việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông, trong lúc Philippines kêu gọi toàn khối phản kháng lại Bắc Kinh.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Manila cảnh báo các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cuộc họp thu hẹp tại Malaysia, rằng uy tín của cả 10 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, nếu không có thái độ thẳng thừng hơn trước « vấn đề cấp thiết ngay trong sân nhà của chúng ta ».
Sau hai ngày họp, Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia Anifah Aman tuyên bố : « Hội nghị chia sẻ quan ngại được một số Ngoại trưởng nêu ra về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông », nhưng không nêu cụ thể yêu sách đó từ nước nào.
Không dám làm phật lòng người láng giềng khổng lồ phương Bắc, trong nhiều năm qua, các nước ASEAN đã tỏ ra thận trọng trước những hành động độc đoán của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
Bắc Kinh đòi hỏi gần như toàn bộ vùng biển quan trọng này, gây xung đột với các thành viên ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) và Đài Loan ; và ngày càng có những hành động hung hăng hơn, gây quan ngại cho các nước láng giềng, sợ rằng sẽ xảy ra xung đột.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuần trước tố cáo Bắc Kinh đang ra sức bồi đắp các đảo nhỏ xung quanh nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa, trên đó có thể xây dựng các công trình kiên cố thậm chí cả phi đạo, gây trở ngại cho tự do hàng hải trên Biển Đông.
Hôm nay, ông Rosario tuyên bố : « Việc xây dựng quy mô này đặt ra cho ASEAN vào cái thế phải lựa chọn chiến lược. Nếu chúng ta cứ khoanh tay đứng nhìn, thì sẽ có hại cho sự đoàn kết của khối, do ASEAN bất lực trong việc hành động tập thể và thống nhất trước một vấn đề cấp thiết như thế ngay trong sân nhà của chúng ta ». Ngoại trưởng Philippines cũng cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải « nói với Trung Quốc rằng những gì họ đang làm là sai trái, đồng thời phải chấm dứt các hành động xây dựng trên ».
Các Ngoại trưởng ASEAN họp tại thành phố Kota Kinabalu trên đảo Borneo. Đây là hội nghị đầu tiên trong số nhiều cuộc gặp khác sẽ diễn ra năm nay tại Malaysia, nước làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015.
Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Malaysia cũng kêu gọi ASEAN gia tăng nỗ lực nhằm đạt được việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, để ngăn ngừa các xung đột.
Sau nhiều năm dưới áp lực, đến 2013 Trung Quốc mới chấp nhận đối thoại với ASEAN về vấn đề này. Nhưng nhiều nhà phân tích vẫn nghi ngờ những cam kết của Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc rất có thể sẽ trì hoãn trong lúc ra sức tăng cường hoạt động củng cố cho các yêu sách trên biển của mình.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần qua bác bỏ các tố cáo của Philippines về những hành động bồi đắp đảo nhân tạo, nói rằng « các nước nhỏ không thể gây rắc rối từ những chuyện không đáng kể ».

http://vi.rfi.fr/20150128-asean-tq//

Thủ tướng Việt Nam yêu cầu không thay đổi thực trạng Biển Đông

mediaTừ trái sang phải: Các Thủ tướng Lý Hiển Long (Singapore), Nguyễn Tấn Dũng (Việt Nam), Tổng thống Barack Obama (Hoa Kỳ), Thein Sein (Miến Điện).REUTERS/Damir Sagolj
Vào lúc Bắc Kinh rốt ráo bồi đắp và mở rộng các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tại các cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Miến Điện kết thúc ngày hôm qua, 13/11/2014, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã liên tiếp kêu gọi các nước không làm thay đổi thực trạng các bãi đá, rạn san hô và bãi cát ngầm ở Biển Đông.
Yêu cầu từ phía Việt Nam đã được nêu lên trong các cuộc họp của ASEAN, cũng như trong cuộc tiếp xúc song phương vào hôm qua với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Bên cạnh đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu bật lời kêu gọi này trong một bài phỏng vấn bằng văn bản dành cho hãng tin Mỹ Bloomberg, được gởi đi sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.
Theo bản tin của Bloomberg được công bố hôm nay, trong bài phỏng vấn, Thủ tướng Việt Nam đã xác định rằng các bên tranh chấp nên tránh các hành động có nguy cơ làm tình hình Biển Đông thêm phức tạp và làm thay đổi nguyên trạng của các đảo đá và bãi ngầm.
Lời kêu gọi này được cho là chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, đang tăng tốc độ bồi đắp, mở rộng các thực thể địa dư mà họ đang chiếm giữ tại hai vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, xây dựng các cơ sở kiên cố trên đấy, thậm chí cả đường bay, có khả năng được dùng vào mục đích quân sự, phục vụ cho chiến lược cưỡng chiếm toàn bộ Biển Đông mà Bắc Kinh đang triển khai.
Nội dung lời kêu gọi này cũng đã được ông Nguyễn Tấn Dũng nêu lên tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, khi ông báo động : "Ðến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC" (Tuyên bố về Ứng xử của các Bên tại Biển Đông năm 2002).
Trong tình hình đó, trong bài phỏng vấn dành cho Bloomberg, Thủ tướng Việt Nam nhắc lại lập trường của Việt Nam là "sử dụng mọi biện pháp hòa bình và cần thiết " trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền chính đáng của mình tại vùng biển đang bị tranh chấp.
Nhóm từ  "biện pháp hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế " được cho là ám ngữ để chỉ việc kiện ra trước tòa án quốc tế. Bloomberg nhắc lại là hồi tháng Năm vừa qua, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết là Việt Nam đang chuẩn bị cho khả năng kiện Trung Quốc trước quốc tế về các đòi hỏi chủ quyền quá đáng tại Biển Đông.
Theo nhận định của Bloomberg, Hà Nội vẫn đàm phán với Bắc Kinh Quốc để làm dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông trong khi tiếp tục công khai phản đối các hành động của Trung Quốc bị coi là xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Việt Nam đồng thời tìm kiếm quan hệ hợp tác kinh tế, quốc phòng chặt chẽ hơn với Mỹ và các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ.

http://vi.rfi.fr/141114-ntd-bd//

Mỹ muốn thắt chặt thêm quan hệ với ASEAN trong chiến lược xoay trục

mediaHội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ngày 13/11/2014 tại Naypyidaw (Miến Điện). Từ trái sang phải: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Mỹ B. Obama, Thủ tướng Miến Điện Thein Sein.REUTERS/Damir Sagolj
Ngay sau cuộc họp thượng đỉnh Đông Á hôm nay, 13/11/2014 tại Nay Pyi Daw, tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo các quốc gia ASEAN. Ngay trong bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh Đông Á sáng nay, tổng thống Obama đã tuyên bố Hoa Kỳ muốn thắt chặt quan hệ với khối Đông Nam Á, trong khuôn khổ chiến lược "xoay trục" sang châu Á.
Từ Nay Pyi Daw, đặc phái viên Thanh Phương tường trình
Tổng thống Obama đã từ Bắc Kinh đến Nay Pyi Daw vào chiều hôm qua với một phái đoàn hùng hậu và rất nhiều phóng viên đã đăng ký ra sân bay để quay phim chụp ảnh lúc máy bay của nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ đáp xuống sân bay quốc tế Nay Pyi Daw. Có đến hơn 1.300 phóng viên đến thủ đô Miến Điện lần này, tức là hơn gấp đôi so với cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần trước vào tháng 5 vừa qua ở Nay Pyi Daw. Sự có mặt đông đảo phóng viên phần lớn chính là do sự có mặt của tổng thống Obama.
Sự hiện diện của ông Obama tại Nay Pyi Daw càng đáng chú ý hơn nữa vì thượng đỉnh Đông Á vào năm ngoái, tổng thống Mỹ đã không thể đến dự, do khủng hoảng về ngân sách Hoa Kỳ. Lần này, ông Obama đến Miến Điện trong khuôn khổ một chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương ( Sau khi họp thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh và ASEAN ở Nay Pyi Daw, tổng thống Mỹ sẽ bay qua Sydney để dự cuộc họp các lãnh đạo nhóm G20 ). Lần này, ông Obama đến dự thượng đỉnh Đông Nam Á để khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực trước đà bành trướng ngày càng mạnh của Trung Quốc.
Nói chung, mặc dù vị thế chính trị của ông trong nước đã suy yếu nhiều sau thắng lợi của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, nhưng ông Obama muốn chứng tỏ rằng trong hai năm cuối của nhiệm kỳ, ông vẫn còn đủ sức để cân bằng lại quan hệ với các nước châu Á, cho dù đang phải đối phó với lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Irak.
Mặt khác, cho dù ông Obama đến Nay Pyi Daw chính thức là để dự thượng đỉnh Đông Á, nhưng nguời ta đang chờ đợi tổng thống Mỹ sẽ nhân chuyến đi này để thúc đẩy chính quyền Miến Điện tiếp tục cải tổ dân chủ, trong bối cảnh mà tình hình nhân quyền tại nước này trong thời gian gần đây đã tồi tệ trở lại và Quốc hội Miến Điện đang xem xét việc tu chính Hiến pháp để lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể ra tranh cử tổng thống. Chiếu tối nay, ông Obama sẽ gặp tổng thống Thein Sein tại Nay Pyi Daw và ngày mai, trước khi rời Miến Điện ông sẽ ghé qua Rangun để gặp bà Aung San Suu Kyi.
Obama đã tuyên bố những gì về quan hệ Mỹ-ASEAN ?
Mở đầu cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, tổng thống Obama đã khen ngợi ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khối này và ông nhấn mạnh rằng mối quan hệ vững chắc giữa ASEAN với Hoa Kỳ là rất quan trọng. Ông Obama bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ tăng cường quan hệ với khối Đông Nam Á. Tổng thống Mỹ cũng đã khen ngợi việc hai bên đã nâng cao quan hệ đối tác trong 6 năm qua và cho biết là hợp tác giữa Mỹ với ASEAN trên các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, đối phó thiên tai sẽ tiếp tục trong những năm tới.
Đặc biệt, ông Obama tuyên bố rằng có rất nhiều cơ hội để thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam và theo ông, hai nước có thể hợp tác trong các lĩnh vực thương mại an ninh và nhân quyền. Tổng thống Mỹ còn cho biết hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trên vấn đề tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Chiều nay, ông Obama cũng đã gặp gỡ thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề thượng đỉnh ASEAN.
Về vấn đề Biển Đông, tuy không nhắc đến tên Trung Quốc, nhưng tổng thống Mỹ tuyên bố rằng tất cả các quốc gia nên giải quyết các tranh chấp chủ quyền theo luật quốc tế, hàm ý là không nên có những hành động vũ lực hoặc de doạ dùng vũ lực để áp đặt chủ quyền.
Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ : những vấn đề được bàn thảo  ?
 Các lãnh đạo ASEAN - Hoa Kỳ đã bàn về việc gia tăng nỗ lực để thực hiện "Kế hoạch hành động về quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ vì hòa bình và thịnh vượng". Họ cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với nhau để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, kể cả Biển Đông. Trong chiều hướng này, các lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đồng ý với nhau là các quốc gia có vũ khí hạt nhân nhanh chóng ký kết Hiệp nước Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân SEANWFZ. Họ cũng đã thảo luận về hợp tác chống các mối đe dọa mới về an ninh, như bạo động của các chiến binh Hồi giáo cực đoan ngoại quốc, tội phạm trên mạng, biến đổi khí hậu, các dịch bệnh như Ebola, nạn buôn ma túy, buôn vũ khí và buôn người. Hai bên cũng cam kết sẽ hợp tác về bảo đảm an ninh hàng hải và đối phó thiên tai. Về giáo dục, các lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ quyết định sẽ đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Chương trình Học bổng ASEAN-Mỹ.
Trung Quốc " phản công" như thế nào?
Như là để đáp lại những tuyên bố nói trên của Tổng thống Obama tại cuộc họp thượng đỉnh Đông Á sáng nay, thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề nghị một hiệp ước "hữu nghị" với các nước Đông Nam Á, nhằm chứng tỏ rằng Trung Quốc không hề là một mối đe doạ với các nước trong khu vực. Nhưng ông Lý Khắc Cường nhắc lại rằng tranh chấp chủ quyền Biển Đông nên được giải quyết giữa các nước có liên quan, hơn là trong khuôn khổ đa phương hoặc qua một tòa án trọng tài. Sau đó, tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN- Trung Quốc, diễn ra ngay sau thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ, thủ tướng Lý Khắc Cường còn đề nghị với các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông tích cực thăm dò khả năng phát triển chung, cho đây là cách " thực tiễn và hiệu quả " để giải quyết các bất đồng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20141113-hoa-ky-muon-that-chat-quan-he-voi-asean/

Biển Đông nổi bật thành chủ đề tranh luận tại Thượng đỉnh ASEAN

medialogo Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2014.ASEAN 2014.
Vài hôm trước lúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN mở ra tại thủ đô Miến Điện (09-13/11/2014), có dấu hiệu cho thấy là hồ sơ Biển Đông sẽ lại nóng lên tại cuộc họp. Căn cứ vào một bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị bị tiết lộ vào hôm qua, 05/11/2014, các lãnh đạo Hiệp hội Đông Nam Á sẽ kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng quyền tự do lưu thông trên biển và trên không tại vùng Biển Đông và cấp tốc đúc kết một bộ Quy tắc Ứng xử trong khu vực.
Trong bản dự thảo Tuyên bố chung đúc kết Hội nghị sắp mở ra mà đài phát thanh Mỹ VOA có được từ một viên chức cao cấp của một thành viên ASEAN, có đoạn nêu bật thái độ quan ngại của các lãnh đạo Đông Nam Á trước tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.
« Chúng tôi bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, đã làm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác khu vực nhằm duy trì ổn định và hòa bình, phát huy tính chất an ninh và an toàn hàng hải, và quyền tự do lưu thông, kể cả trên biển và trên không phận Biển Đông ».
Dự thảo đã nêu đích danh Trung Quốc là đối tác mà ASEAN cần đàm phán để có được hòa bình và ổn định trong vùng : « Chúng tôi tái khẳng định cam kết tập thể của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc (nhằm duy trì) hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải, cũng như thi hành đầy đủ và hiệu quả bản Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) một cách toàn diện ».
Văn kiện này cũng kêu gọi các bên cấp tốc đúc kết bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc : « Chúng tôi ghi nhận các tiến bộ trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì động lực đàm phán và khẩn trương tiến tới việc sớm đúc kết bộ COC ».
Như thông lệ, đây mới chỉ là bản dự thảo Tuyên bố chung, mới được thông qua ở cấp chuyên viên. Từ nay đến lúc hội nghị kết thúc, văn bản này còn phải được các Ngoại trưởng ASEAN xem xét, cả về ngôn từ lẫn nội dung, trước khi trình lên các lãnh đạo duyệt xét lần cuối trước khi công bố.
Đối với các nước bị Trung Quốc chèn ép dữ dội như Việt Nam hay Philippines, văn bản chung cuộc cần phải cứng rắn, và cụ thể, do dó có khả năng yêu cầu đưa thêm vào trong bản tuyên bố các khái niệm như là « tránh dùng võ lực hay đe dọa dùng võ lực để giải quyết tranh chấp », hoặc là nhấn mạnh hơn đến nhu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế… Ngược lại, các thành viên ASEAN thân Trung Quốc, như Cam Bốt chắng hạn, hay là không muốn Trung Quốc phiền lòng, có thể tìm cách giảm nhẹ các lời lẽ trong bản Tuyên bố.
Tranh luận giữa các nước sẽ tiếp diễn, và bản Tuyên bố chung công bố khi hội nghị kết thúc, sẽ phản ánh kết quả tranh cãi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20141106-bien-dong-noi-bat-thanh-chu-de-tranh-luan-tai-thuong-dinh-asean/

Biển Đông : Vị ‘khách’ được Việt Nam mời đến Thượng đỉnh Á Âu Milano

mediaThủ tướng Việt Nam và Chủ tịch ủy ban Châu Âu tại Bruxelles. Ảnh ngày 13/10/2014.Reuters
Ngay từ trước lúc Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu ASEM 10 khai mạc vào hôm nay (16/10/2014), có một điều kể như đã chắc chắn : Hồ sơ tranh chấp Biển Đông sẽ được nêu lên trong hội nghị diễn ra tại Ý.
Sự kiện này không phải là ngẫu nhiên, mà là do tác động tích cực của Việt Nam, gần đây đã không ngừng vận động các đối tác Châu Âu, đặc biệt là với chuyến ghé thăm Bỉ, Liên Hiệp Châu Âu và Đức của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trước khi đến Milano.
Lời khẳng định rõ rệt nhất về việc vấn đề Biển Đông sẽ được bàn bạc trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Á Âu tại Ý là tuyên bố hôm 15/10/2014 của Thủ tướng Đức Angela Merkel sau buổi hội đàm với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Berlin.
Nhân cuộc họp báo sau khi gặp Thủ tướng Việt Nam, bà Angela Merkel đã khẳng định rằng trong cuộc tiếp xúc, hai bên có thảo luận về tình hình Biển Đông, bên cạnh các vấn đề quốc tế quan trọng khác. Quan điểm của Berlin, theo Thủ tướng Đức, là tự do hàng hải cũng là « lợi ích chiến lược của Đức ». Lời xác định của bà Merkel đã gợi lại câu nói gần như tương tự vào năm 2010 của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ thời đó, khi bà cho rằng tự do hàng hải là « lợi ích quốc gia » của Hoa Kỳ.
Tương đồng quan điểm Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu
Theo ghi nhận của báo chí, đáng chú ý trong phát biểu của Thủ tướng Đức là lời xác nhận của bà theo đó chắc chắn vấn đề Biển Đông sẽ được phía Liên Hiệp Châu Âu nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM.
Trước Thủ tướng Đức, ông Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, tức là cơ quan hành pháp của Liên Hiệp Châu Âu, ngày 13/10 cũng xác nhận quan điểm của Bruxelles « chia sẻ với Việt Nam các quan ngại về diễn biến tình hình Biển Đông » và « Khuyến khích tất cả các bên (tranh chấp) tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế - đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
Nhân chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng 8/2014, chính ông Barroso đã từng công khai xác định lập trường của Bruxelles về Biển Đông trong một cuộc họp báo, nói rõ rằng Liên Hiệp Châu Âu có quyền lợi thương mại, chiến lược, năng lượng, an ninh quan trọng trong khu vực. Dù không thiên về bên nào trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Liên Hiệp Châu Âu cho rằng « tất cả các bên cần phải tránh các hành động đơn phương có nguy cơ gây thêm căng thẳng hay sự cố ngoài ý muốn ».
Các tuyên bố trên đây rõ ràng trùng lặp gần như hoàn toàn với quan điểm chính thức của Việt Nam, đã được ông Nguyễn Tấn Dũng nhắc đi nhắc lại trong các buổi tiếp xúc với đối tác Châu Âu: Giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh tiến hành các biện pháp đơn phương, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực...
Thượng đỉnh ASEAN-EU đầu tiên bên lề ASEM cho phép "vô hiệu hóa" Trung Quốc
Vấn đề Biển Đông như vậy chắc chắn sẽ được nêu lên tại Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu, nơi có mặt Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Vấn đề là liệu hồ sơ này có được nêu lên trong Tuyên bố chung của Hội nghị hay không trong bối cảnh Bắc Kinh không hề muốn quốc tế đề cập đến.
Tuy nhiên theo các nhà quan sát, tại Thượng đỉnh ASEM 10 ở Milano, lần đầu tiên sẽ có một Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao không chính thức ASEAN-Liên Hiệp Châu Âu. Việc hình thành cơ chế này, theo mô hình Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN có thể được xem là một thành công của Việt Nam trong tư cách quốc gia Điều phối viên quan hệ ASEAN-Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc họp song phương ASEAN-Liên Hiệp Châu Âu do đó tất yếu sẽ đề cập đến hồ sơ Biển Đông, và ở đó sẽ không có mặt Trung Quốc để phản bác.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141016-bien-dong-vi-%E2%80%98khach%E2%80%99-duoc-viet-nam-moi-den-thuong-dinh-a-au-milano/

Biển Đông : Thủ tướng Việt Nam tìm kiếm hậu thuẫn của Châu Âu

mediaThủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (P) được nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nghênh tiếp tại Berlin ngày 15/10/2014.REUTERS/Fabrizio Bensch
Ngoài hồ sơ kinh tế - trọng tâm vòng công du Liên Hiệp Châu Âu lần này - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong những ngày qua đã không quên tìm kiếm hậu thuẫn của các đối tác Châu Âu đối với lập trường của Việt Nam trên hồ sơ tranh chấp Biển Đông. Sau Bỉ và Liên Hiệp Châu Âu, vào hôm nay, 15/10/2014, đến lượt Thủ tướng Đức chính thức lên tiếng kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Theo bản tin trên báo Điện tử của chính phủ Việt Nam, nhân cuộc hội đàm tại Berlin vào hôm nay với đồng nhiệm Việt Nam, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định sự ủng hộ của Đức đối với lập trường của Việt Nam về Biển Đông. Cụ thể là : « Giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ».
Đối với Đức, đây là phương thức hiệu quả để giải quyết các khác biệt.
Quan điểm hậu thuẫn của Đức cũng là lập trường chung của toàn Liên Hiệp Châu Âu. Theo tiết lộ của Thủ tướng Merkel, nhân Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu ASEM trong hai ngày 16-17/10 tại Milano (Ý), Đức và các nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ thảo luận vấn đề an ninh ở Biển Đông và quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Như tại Bruxelles ngày 14/10, nơi ông cũng đề cập đến hồ sơ Biển Đông với tất cả các đối tác, từ giới lãnh đạo Bỉ, cho đến Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu lại lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không để tái diễn tình trạng căng thẳng, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141015-bien-dong-thu-tuong-viet-nam-tim-kiem-hau-thuan-cua-chau-au/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten