Việt Nam và sáu vị Hồng y
- 6 tháng 1 2015
Với việc Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội, được chọn làm Hồng y hôm 04/01/2015, Giáo hội Công giáo Việt Nam nay đã có sáu vị Hồng y.
Dù không phải là một Chức Thánh, tước hiệu Hồng y là một danh hiệu cao quý trong Giáo hội Công giáo, giữ vai trò quan trọng trong đời sống Giáo hội, trong đó việc tham gia mật viện để bầu Giáo hoàng.Các ngài cũng là những cộng sự gần gũi nhất của Đức Giáo hoàng trong việc quản trị Giáo hội hoàn vũ.
Không chỉ thế, các Hồng y còn có tiếng nói, ảnh hưởng lớn đối với Giáo hội địa phương và trong một chừng mực nào đó đối với xã hội, quốc gia sở tại.
Điểm qua sáu vị Hồng y Việt Nam còn cho thấy cuộc sống, công việc mục vụ của các ngài cũng gắn liền với – hay chịu ảnh hưởng bởi – những thăng trầm, thay đổi của Việt Nam trong gần 40 năm qua.
Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê – TGM Hà Nội
Sinh ngày 11/12/1899, tại làng Tràng Duệ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và mất ngày 27/11/1978 tại Hà Nội, trong suốt cuộc đời của mình, Đức Hồng y (ĐHY) Trịnh Như Khuê đã có nhiều cái ‘nhất’.
Ngài là con trai trưởng trong một gia đình Nho giáo có đến 10 người con. Năm 1947, ngài là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ Hàm Long, một giáo xứ lớn và có bề dày lịch sử tại Hà Nội.
Ngày 08/04/1950, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Giám quản Tông Tòa Giáo Phận Hà Nội và cũng là giám mục Việt Nam đầu tiên được trao vị trí này. 10 năm sau đó, khi Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nâng Giáo phận Hà Nội thành Tổng Giáo phận Hà Nội, ngài trở thành Tổng Giám mục Việt Nam đầu tiên của Tổng Giáo phận.
Ngày 24/05/1976, ngài là vị giám mục Việt Nam đầu tiên được Đức Giáo hoàng (ĐGH) Phaolô VI thăng lên bậc Hồng y.
Khi ĐGH Phaolô VI qua đời vào ngày 06/08/1978, Đức Hồng y Khuê sang Rôma dự tang lễ và là một thành viên trong Hồng y đoàn, ngài tham gia bầu ĐGH mới là Gioan Phaolô I. Nhưng chưa kịp về lại Việt Nam, Đức Gioan Phaolô I qua đời và ĐHY ở lại Vatican để tham gia mật viện bầu ĐGH – và nay là Thánh – Gioan Phaolô II.
Như vậy, ngài cũng là Hồng y Việt Nam đâu tiên tham gia (hai) mật viện bầu Giáo hoàng.
Ngày 25/11/1978, Đức Hồng y khuê về lại Hà Nội và tối 26/11/1978, ngài vẫn dâng lễ tại Nhà thờ lớn Hà Nội. Nhưng một ngày sau đó, ngài đột ngột qua đời.
Trong những năm ngài làm Giám mục và Hồng y, người Công giáo nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung phải trải qua nhiều biến động, chịu nhiều mất mát, đau khổ.
Trong Thư chung đầu tiên vào ngày 22/07/1950, ngài viết: ‘Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đau thương, mong bình an mà chẳng thấy bình an, đau khổ đủ thứ, đau khổ cả hồn, đau khổ cả xác’ và ngài mời gọi giáo dân hãy dâng những đau khổ ấy cho Đức Mẹ Maria – Người mà ngài tôn kính một cách đặc biệt.Vatican và Hà Nội có cơ hội bình thường hóa quan hệ ngoại giao
Trước cảnh ‘con đấu cha, vợ tố chồng’ trong thời Cải cách ruộng đất, ngài ra Thư chung số 11 dài đến 14 trang với chủ đề ‘Thương yêu nhau’ – trong đó, ngài khuyên con cái mình đừng nuôi lòng thù hận, phải biết yêu thương nhau.
Trong một giai đoạn mà Giáo hội Công giáo ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc phải chịu nhiều thử thách – và đặc biệt khi quan hệ giữa Vatican và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoàn toàn bị cắt đứt – ngài vừa khôn ngoan vừa can đảm tìm cách duy trì các sinh hoạt mục vụ trong Giáo phận và củng cố đời sống đức tin của giáo dân.
Một trong những việc làm được coi là khôn khéo, can đảm ấy là ngài bất ngờ tấn phong Giám mục cho Linh mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn và cũng là người sau này kế vị ngài.
Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Đức Hồng y Maria Trịnh Văn Căn – sinh ngày 19/03/1921 tại làng Bút Đông, Duy Tiên, Hà Nam – là một cộng sự rất gần gũi của người tiền nhiệm cùng họ.
Sau khi được chịu chức linh mục vào ngày 03-12-1949, tân linh mục Trịnh Văn Căn được bổ nhiệm về Giáo xứ Hàm Long làm cha phó cho Linh mục Chính xứ Trịnh Như Khuê.
Khi vị chính xứ được Tòa Thánh cử làm Giám mục Hà Nội, ngài cũng rời Hàm Long lên tòa Giám mục làm Thư ký cho tân Giám mục.
Đúng vào ngày 02/06/1963, ngày lễ Hiện Xuống, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, ngài được Đức Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê tấn phong Giám mục tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội.
Một ngày sau đó, khi ra thông báo bổ nhiệm tân Giám mục làm Tổng Giám mục phó TGM Hà Nội, Toà Tổng Giám mục Hà Nội nêu lý do vội vàng truyền chức cho Đức cha phó vì Đức Tổng Giám mục bỗng nhiên bị lòa mắt, có thể bị mù và vì vậy cần người giúp đỡ, kế nhiệm.
Ngày 21/09/1974, thay mặt Đức Tổng Giám mục Hà Nội, Đức cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn sang Rôma, tham dự Hội đồng Giám mục thế giới. Trong bài diễn văn khai mạc Hội đồng, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã đặc biệt chào mừng ngài vì sau 20 năm chiến tranh Giáo hội miền Bắc không có điều kiện liên lạc chính thức với Tòa Thánh.
Khi Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê qua đời, ngài chính thức trở thành Tổng Giám mục Chính toà Hà Nội. Và chỉ sáu tháng sau đó, vào ngày 02/05/1979, ngài được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vinh thăng Hồng y.
Cũng như vị tiền nhiệm của mình, ngài qua đời đột ngột (vào ngày 15/05/1990). Lễ an táng của ngài được Đức Hồng y Roger Etchegaray, đặc sứ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cử hành tại Hà Nội ngày 23/05/1990.
Trong suốt 27 năm trên cương vị Tổng Giám mục phó, Tổng Giám mục và Hồng Y Giáo chủ Hà Nội từ 1963 đến 1990, ngài đã khôn khéo lãnh đạo Tổng Giáo phận Hà Nội và có nhiều đóng góp cho Giáo hội Việt Nam nói chung.
Ngài có công rất lớn trong việc thành lập Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn, chủ trì của ngài, 33 Giám mục đã về Hà Nội tham dự Đại hội thành lập HĐGM Việt Nam, diễn ra từ ngày 24/04/1980 đến 01/05/1980.
Đây là một biến cố quan trọng đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam vì đó là lần đầu tiên có đến nhiều Giám thuộc cả hai miền Nam Bắc như vậy gặp nhau hội họp. Hơn nữa, tại đại hội đó, với mong muốn đưa ra một đướng hướng mục vụ phù hợp với tình hình đất nước sau biến cố 1975, các Giám mục Việt Nam đã ra một Thư Chung – còn được gọi là Thư chung 1980 – mời gọi mọi thành phần trong Giáo hội ‘sống Phúc Âm giữa lòng Dân tộc’.
Một đóng góp lớn khác – đặc biệt cho Giáo hội Công giáo Việt Nam – của ĐHY Trịnh Văn Căn là xin phong Hiển thánh cho các Chân phúc Tử đạo Việt Nam.
Lễ phong chân phước cho cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận tại Vatican
Vào năm 1985, trên cương vị là Chủ tịch HĐGM Việt Nam, ngài đã ký bản Thỉnh nguyện thư đệ lên Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II để xin phong thánh cho 117 vị tử đạo. Và ba năm sau đó, vào ngày 19/06/1988, mặc dù được biết chính quyền Việt Nam phản đối, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong Hiển thánh cho 117 vị tử đạo này.
Hồng y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng
Vị hồng y thứ ba của Việt Nam sinh ngày 20/05/1919 trong một gia đình gia giáo và đạo đức tại thôn Cầu Mễ, Yên Mô, Ninh Bình, thuộc Giáo xứ Quảng Nạp, Giáo phận Phát Diệm.
Cũng như hai vị tiền nhiệm, linh mục Phạm Đình Tụng cũng làm cha phó và sau đó làm cha xứ xứ Hàm Long khi tân Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê lên nhậm chức Giám mục Tông tòa Giáo phận Hà Nội.
Ngày 05/04/1963, Tòa Thánh bổ nhiệm làm ngài làm Giám mục chính tòa Giáo phận Bắc Ninh. Ngày 23/03/1994, ngài được chọn làm Giám quản Tông Toà Giáo phận Hà Nội và ngày 13/04/1994 được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Hà Nội. Và chỉ bảy tháng sau đó, vào ngày 26/11/1994, ngài được phong Hồng y.
Ngoài ra, trong thời gian coi sóc Tổng Giáo phận Hà Nội, ĐHY Tụng còn làm Giám quản các Giáo phận Lạng Sơn, Hải Phòng và Hưng Hóa và Chủ tịch HĐGM Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1995 đến năm 2001.
Đức Hồng y Tụng là một mục tử nhân lành, thánh thiện, cương trực và can đảm. Vì vậy, ngài không nhượng bộ bất cứ áp lực chính trị dù phải trả một giá rất đắt.
Chẳng hạn, vào năm 1960, với tư cách là Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội – một Tiểu Chủng viện quy tụ khoảng hơn 200 chủng sinh thuộc bảy giáo phận Miền Bắc lúc đó – ngài đã bàn với các đấng bản quyền và quyết định cho các chủng sinh về lại giáo phận của mình, chấp nhận giải tán Tiểu chủng viện vì không chấp nhận việc nhà nước điều động giáo viên vào dạy môn chính trị, làm nguy hại đức tin và đời tu của chủng sinh.
Là một mục tử nhân lành, khôn ngoan, ngài đã giúp hồi sinh giáo phận Bắc Ninh – một giáo phận rộng lớn, thiếu linh mục, bị chiến tranh tàn phá, bị chính quyền giới hạn, cấm cách, bắt bớ.
Khi được bổ nhiệm làm Giám quản Tông Toà và Tổng Giáo phận Hà Nội, ngài đã tìm cách đối thoại với chính quyền để Giáo hội được độc lập hơn trong việc tuyển chọn chủng sinh, cho các linh mục thụ phong chui trước đây được ra làm mục vụ công khai hay xúc tiến mối quan hệ giữa Toà Thánh và chính quyền Việt Nam.
Ngày 19/02/2005, khi đã 86 tuổi, ngài được Tòa Thánh chính thức nhận đơn từ chức Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngài qua đời ngày 22/02/2009, một tháng sau dịp mừng kỷ niệm 90 năm ngày sinh, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục và 15 năm Hồng y của ngài.
Trong điện văn phân ưu gửi tới Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt lúc đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã viết: ‘Đức cố Hồng y đã phục vụ Giáo Hội trong những hoàn cảnh khó khăn với lòng can đảm lớn lao và trong niềm quảng đại trung thành với Toà Thánh Phêrô, xả thân tận tuỵ rao giảng Tin Mừng’.
Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận
Khác hẳn với ba vị Hồng y trên của Việt Nam, ĐHY Thuận được thăng Hồng y khi đang nắm giữ một chức vụ quan trọng tại Vatican. Không chỉ thế lý do ngài được trao tước hiệu này cũng khác hẳn ba vị kia.
Sinh tại Phủ Cam, Huế ngày 17/04/1928. Thân phụ Ngài là ông Nguyễn Văn Ấm và thân mẫu là bà Ngô Đình Thị Hiệp, em ruột của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ngài được thụ phong linh mục năm 1953 và sau đó được cử đi du học tại Rôma và nhận bằng tiến sỹ tại đó năm 1959. Năm 1967 – khi mới 39 tuổi, ngài được chọn làm Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Bốn ngày trước biến cố 30/04/1975, Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Nhưng thay vì vào Sài Gòn để nhận nhiệm sở mới ngài bị bắt, và cũng từ đó bắt đầu một cuộc hành trình gian khổ với 13 năm tù giam tại nhiều trại giam khác nhau ở Việt Nam.
Được thả ngày 23/11/1988, và ba năm sau đó sang Rôma chữa bệnh nhưng bị từ chối cho trở lại Việt Nam, ngài buộc phải ở lại Rôma.
Nhưng bị chặn con đường này, một con đường khác lại mở ra cho ngài. Ngày 09/04/1994, ngài được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình và bốn năm sau đó được chọn làm Chủ tịch Hội đồng này.
Từ trước đến giờ chưa một người Việt Nam nào được trao một trọng trách như vậy tại Vatican.
Vào tuần tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 – Năm Thánh của Giáo hội – ngài được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời giảng tĩnh tâm cho Ngài và giáo triều Rôma. Chủ đề của bài giảng tĩnh tâm là ‘Hy vọng’.
Và vào ngày 21/02/2001, ngài được thăng lên bậc Hồng y.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II dành cho Đức Hồng y Thuận sự quý mến, ngưỡng mộ, lòng kính trọng và trao cho ngài những trọng trách, danh hiệu đó phần lớn vì bao cực khổ và những gì ĐHY cảm nghiệm, sống và làm chứng trong 13 năm tù giam cũng như những năm tháng trên cương vị Phó và Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh.
Ngoài ra, Đức Hồng y Thuận cũng được các nước trên thế giới, tổ chức quốc tế khác vinh danh bằng cách trao giải thưởng hay lập các tổ chức, quỹ, giải thưởng mang tên ngài.Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn vừa được phong Hồng y
Những góp nhặt, cảm nhận mà ngài ghi lại – như Đường Hy Vọng – trong những năm tháng tù giam sau đó được in thành sách và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Đức Hồng y Thuận qua đời ngày 16/09/2002 và đúng vào dịp tưởng nhớ năm năm ngày mất của ngài, Tòa Thánh đã chính thức mở hồ sơ phong chân phước cho Ngài. Như vậy, ngài cũng là một những trường hợp hiếm hoi được mở hồ sơ phong chân phước chỉ ít năm sau khi qua đời.
Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn sinh năm 1934 tại Hòa Thành, Cà Mau, Giáo Phận Cần Thơ.
Ngài chịu chức linh mục năm 1965 và ba năm tiếp đó làm giáo sư Tiểu Chủng viện Cái Răng, Cần Thơ. Sau khi du học tại Mỹ từ năm 1968 đến năm 1971, ngài về lại Việt Nam tiếp tục làm giáo sư Tiểu Chủng viện Cái Răng.
Năm 1989, ngài chính thức được bổ nhiệm làm Giám Ðốc tiên khởi của Ðại Chủng viện Cần Thơ.
Ngày 22/03/1993, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Phó với quyền kế vị giáo phận Mỹ Tho và ngày 01/03/1998, ngài được chọn làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn. Ngày 28/09/2003, ngài được vinh thăng Hồng y.
Việc ngài có mặt trong danh sách 33 vị được Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chọn làm Hồng y lần đó gây bất ngờ cho nhiều người vì khó ai ngờ Tổng Giám mục Sài Gòn được nâng lên tòa hồng y.
Người Công giáo Việt Nam rất vui mừng trước tin này, coi đó là một cử chỉ ưu ái mà Đức Thánh Cha dành cho Giáo hội Việt Nam vì so với nhiều quốc gia khác Việt Nam thua kém về số tín hữu.
Trong khi đó, theo một bản tin của hãng AP lúc ấy, chính quyền Việt Nam không hài lòng về việc này vì cho rằng Tòa Thánh đã không xin phép trước khi thăng Ðức Tổng Giám mục Mẫn lên bậc Hồng y.
Tháng 04/2005, ĐHY Mẫn đã tham dự mật viện để bầu Giáo hoàng sau khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời và vào tháng 3/2013, ngài lại sang Rôma bầu người kế nhiệm Đức Bênêdictô XVI sau khi ngài thoái vị vào ngày 28/02/2013.
Như vậy ĐHY Phạm Minh Mẫn là Hồng y Việt Nam thứ hai tham dự (hai) mật viện bầu Giáo hoàng.
Trên cương vị Hồng y, qua những cuộc trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn nước ngoài hay những bản chia sẻ, suy tư ngài đã không ít lần nói về hay lên tiếng về các vấn đề xã hội ở Việt Nam, như tự do, nhân quyền, giáo dục hay tương quan giữa Giáo hội và Nhà nước.
Chẳng hạn khi trả lời phỏng vấn hãng tin Công giáo Á Châu UCA News vào năm 2004, khi được hỏi ngài đánh giá Pháp lệnh tôn giáo mới của Việt Nam như thế nào, ĐHY Mẫn trả lời: ‘Pháp lệnh tôn giáo mới vẫn còn giữ cơ chế cũ là ‘xin-cho’ đối với mọi thứ.
Kiểu hệ thống này thay đổi quyền tự do thành cho phép tự do’.
Hôm 22/03/2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhận đơn từ chức Tổng Giám Mục giáo phận Sài Gòn của Ðức Hồng y Mẫn và Ðức Tổng Giám Mục Phó Phaolô Bùi Văn Ðọc lên kế nhiệm ngài.
Hồng y tân cử Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Đức Hồng y tân cử Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội là vị Hồng y thứ sáu của Việt Nam.
Đối với giới quan sát, việc ngài có tên trong danh sách các vị được Đức Giáo hoàng Phanxicô chọn làm Hồng y lần này không có gì quá ngạc nhiên vì nếu vẫn còn là TGM Hà Nội, một tòa Hồng y, sớm hay muộn ngài cũng được trao tước hiệu này.
Đức Trịnh Văn Căn và Phạm Đình Tụng được thăng Hồng y chỉ mấy tháng sau khi trở thành Tổng Giám mục Hà Nội.
Vì vậy, trong bốn lần công bố danh sách các vị được chọn làm Hồng y gần nhất (ngày 20/10/2010, 06/01/2012, 24/10/2012 và 12/01/2014) đâu đó cũng có người nghĩ rằng, ngài sẽ có mặt trong danh sách vì ngài đã chính thức trở thành TGM Hà Nội từ ngày 13/05/2010.
Nhưng đối với Tổng Giáo phận Hà Nội và người Công giáo Việt Nam nói chung, việc ngài được vinh thăng Hồng y là một tin vui, một hồng ân vì Giáo hội Công giáo Việt Nam có thêm một vị Giám mục được thăng lên hàng Hồng y.
Đến giờ dù có đến 5.5 triệu người Công giáo, Hàn Quốc chỉ có ba vị Hồng y.
Hơn nữa, là một người được coi là ôn hòa, hiền lành, cởi mở, chủ trương đối thoại, và từng giữ chức Chủ tịch HĐGM Giám mục Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, từ năm 2007 đến năm 2013, có thể trên cương vị mới ngài sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Hà Nội.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Đoàn Xuân Lộc, một trí thức Công giáo từ Anh Quốc.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/01/150106_vietnam_va_sau_vi_hong_y_dxl
VN, Vatican ‘muốn khôi phục bang giao’
- 19 tháng 10 2014
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Giáo hoàng Francis đều nói họ mong muốn khôi phục quan hệ ngoại giao sau cuộc gặp nhau ở Rome hôm thứ Bảy ngày 18/10, hãng tin Pháp AFP cho biết.
Chính quyền cộng sản cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vatican vào năm 1975 nhưng kể từ năm 2007 hai phía đều cùng nhau hướng tới cải thiện quan hệ.'Một số vấn đề'
Cuộc gặp này ‘đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình củng cố quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam’, thông cáo của Vatican sau cuộc gặp cho biết.Vatican nói họ hoan nghênh việc chính quyền Hà Nội ủng hộ đối với cộng đồng Thiên chúa giáo ở nước này vốn hiện chiếm khoảng 7% dân số.
Hãng thông tấn Thiên chúa giáo (CNA) phát đi từ Vatican cho biết trong cuộc gặp ‘thân mật’ này, Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Dũng đều bày tỏ ‘sự hài lòng’.
CNA cho biết trong cuộc gặp này, Giáo hoàng Francis và ông Dũng đều đề cập đến ‘những đóng góp của Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã cho sự phát triển của Việt Nam’ nhờ vào sự hiện diện của Giáo hội ở nhiều lĩnh vực.
Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến một số vấn đề mà họ hy vọng sẽ ‘tiếp tục được nghiên cứu và giải quyết thông qua các kênh đối thoại hiện tại’, hãng tin của Vatican cho biết nhưng không nói rõ những vấn đề này là gì.
Trong chuyến thăm kéo dài năm ngày đến Nam Hàn hồi tháng Tám, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi đối thoại các quốc gia cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, vốn không có quan hệ chính thức với Vatican, và nhấn mạnh rằng Vatican không nhìn về châu Á với tư duy ‘chinh phục’.
Vatican trước đó đã từng ca ngợi ‘những bước phát triển tích cực’ trong các cuộc đối thoại giữa hai phía ở Hà Nội trong các ngày 10 và 11/9.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc với một vị giáo hoàng. Lần thứ nhất là ông gặp Giáo hoàng Benedict XVI hồi năm 2007.
Sau cuộc gặp năm 2007, Vatican và Việt Nam đã bắt đầu đàm phán nối lại quan hệ ngoại giao. Một năm sau đó, lần đầu tiên trong hàng chục năm Vatican được phép bổ nhiệm bảy giám mục mới ở Việt Nam.
Cho đến năm 2009, một nhóm công tác chung của hai phía được thành lập để chuẩn bị các công việc tiến tới bang giao chính thức.
Các cuộc đàm phán sau đó đã dẫn đến việc Tổng giám mục Leopoldo Girelli được bổ nhiệm làm đại diện không thường trực của Vatican ở Việt Nam vào năm 2011.
Giáo hoàng Francis đang muốn hướng đến châu Á, nơi mà con số tín đồ Thiên chúa giáo, hiện chỉ chiếm 3,2% dân số ở đây, đang tăng nhanh.
Tin liên quan
- Thủ tướng VN thăm châu Âu và Vatican
- 'Kinh tế VN chuyển biến tích cực'
- Cựu thủ tướng Anh cố vấn cho VN
- Quản lý 'không phải để nhà nước thuận lợi'
- Nỗi sợ của Chủ tịch Sang 'là có căn cứ'
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/10/141019_dung_meets_francis
Geen opmerkingen:
Een reactie posten