zondag 25 januari 2015

Thế giới ngày một thịnh vượng

Thế giới ngày một thịnh vượng?

  • 21 tháng 1 2015
Chúng ta đang trở nên giàu có hơn. Không phải là mọi cá nhân trên hành tinh này, hay mọi quốc gia đều vậy. Nhưng tính trung bình thì con người có mức sống kinh tế tốt hơn nhiều so với trước đây.
Một cách để đánh giá là hãy nhìn vào lượng hàng hóa, dịch vụ mà một người làm ra - tổng sản lượng quốc nội, hay GDP bình quân đầu người.
Với tổng dân số toàn cầu, con số này tăng gần bốn lần trong thời gian 60 năm, tính đến 2010.
Đã có sự phân tách giữa các quốc gia. Trung Quốc đạt mức tăng đáng ngạc nhiên, tám lần.
Nam Hàn và Đài Loan thậm chí còn đạt mức cao hơn. Trung bình, họ giàu có gấp 25 lần so với thời 1950.
Một số ít các nước, chủ yếu là ở châu Phi, thì kém hẳn. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, mức sống trung bình giảm hơn nửa trong cùng thời gian.
Những số liệu này cũng có những điều cảnh báo. Chúng không bao gồm những giá trị vô hình nhưng có tác động tới chất lượng sống như sức mạnh cộng đồng hoặc các tiêu chuẩn về môi trường.
Cũng có một số vấn đề kỹ thuật trong việc so sánh mọi thứ bằng đồng đô la và việc điều chỉnh theo lạm phát để có được sự so sánh "thực tế" qua thời gian dài.
Nhưng chúng được tính toán từ cơ sở có lẽ là được đánh giá cao nhất trong lịch sử số liệu kinh tế, một dự án do cố Giáo sư Angus Maddison lập ra. Và câu chuyện được kể ra thì rất rõ ràng. Xét về mặt kinh tế, chúng ta đang khấm khá lên.
Một lợi ích ta nhận được qua chuyện này là chúng ta nay sống thọ hơn. Hồi giữa thế kỷ trước, một trẻ sơ sinh chào được được trông đợi là sẽ sống được đến năm 50 tuổi. Nay con số này là 70.
Một lần nữa, ở đây ta thấy có những khác biệt lớn giữa các quốc gia, nhưng xu hướng chung này đúng ở hầu hết mọi quốc gia. Botswana là nước duy nhất có tuổi thọ trung bình giảm (ngắn đi vài tháng).
Có những yếu tố đằng sau việc con người sống thọ hơn, nhưng tăng trưởng kinh tế có nghĩa là ta có thể chi tiêu nhiều hơn cho y tế, chế độ dinh dưỡng và cho việc bảo đảm được uống nước sạch.
Chúng ta thấy câu chuyện tương tự về việc mức sống được nâng cao. Số người sở hữu xe hơi tăng tới 30% trong bảy năm đầu tiên của thế kỷ này, trước khi tụt xuống chút ít trong thời kỳ suy thoái toàn cầu. Việc gia tăng đặc biệt rõ nét ở các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Trở lại với những con số có thể nói là khá thô sơ và chỉ cho ta thấy cách tính trung bình về mức sống, GDP bình quân đầu người, thì có một lý do khác nữa khiến cho các số liệu không phản ánh đầy đủ toàn bộ câu chuyện. Bởi chúng không cho ta thấy sự phân chia thu nhập hay sự thay đổi về mức độ bất bình đẳng.
Ta sẽ có mức sống trung bình được tăng lên nếu như những người có thu nhập cao nhất trở nên giàu có hơn, trong lúc những người khác thì không.
Thử xem ví dụ là nước Mỹ, nơi có rất nhiều số liệu để đánh giá.
Hồi 2013, thu nhập thực sự (đã điều chỉnh phù hợp với lạm phát) của một hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất (chiếm 20%) tăng 1,4% so với 40 năm trước. Với một hộ giàu, thuộc nhóm 5%, con số này là 44%.
Các số liệu từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cũng chỉ ra sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong các nước thành viên của nhóm - gồm các nước thịnh vượng nhất và một số các nước thuộc nền kinh tế đang lên hàng đầu.
Đồ thị được lập dựa trên phương pháp được gọi là hệ số Gini. Con số càng lớn thì mức bất bình đẳng trong việc phân phối thu nhập càng cao, và con số này đã tăng trong những năm gần đây.
Tất nhiên là có sự tranh luận khá sôi nổi về sự tồi tệ của tình trạng bất bình đẳng gia tăng là tới mức nào.
Điều đó còn đúng hơn nữa với câu hỏi các chính phủ cần triển khai những chính sách gì để đối phó với tình trạng đó.
Sự bất bình đẳng gia tăng là một lời nhắc nhở chúng ta rằng dẫu cho thế giới có trở nên giàu có hơn, nhưng một số người đã không hề được cảm nhận thấy điều đó.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten